Monday, 9 August 2010

Quý II và phân khúc lợi nhuận của DN niêm yết

KDC giải trình về con số lỗ là do trích lập dự phòng cho khoản đầu tư tài chính - Ảnh: Hoài Nam

Tính đến cuối tuần trước, website của Sở GDCK TP. HCM đã đăng tải kết quả kinh doanh quý II của gần 200 DN niêm yết trên sàn này.

Trên bình diện chung, các con số lợi nhuận không có nhiều đột biến, loại trừ một số DN thực hiện hạch toán các khoản thu nhập một lần. Ngược lại, chi phí lãi vay tăng, nguyên liệu đầu vào biến động và trích lập dự phòng là các nguyên nhân chính đẩy một số DN bất ngờ sa sút.

Gánh nặng trích dự phòng và chi phí vốn

Kết quả kinh doanh quý II vừa công bố cho thấy sự sa sút có phần bất ngờ của nhóm cổ phiếu ngành thực phẩm: CTCP Kinh Đô (KDC) lỗ 35,3 tỷ đồng; Bibica (BBC) lỗ 2,8 tỷ đồng; Kinh Đô miền Bắc (NKD) chỉ lãi vỏn vẹn 729 triệu đồng, giảm mạnh so với mức gần 20 tỷ đồng cùng kỳ năm trước; CTCP Nước giải khát Sài Gòn (TRI) công bố quý thứ 7 liên tiếp thua lỗ với con số âm 19,8 tỷ đồng trong quý II…

Cổ phiếu ngành thực phẩm vẫn thường được khuyến nghị như là nơi trú chân an toàn cho NĐT trong thời kỳ thị trường có nhiều biến động. Tuy nhiên, điều đó không còn đúng bởi vài lý do: sự tụt dốc của TTCK kéo theo các khoản trích lập với một số DN tham gia đầu tư tài chính; lãi vay ngân hàng duy trì ở mức cao từ 14 - 16%/năm đẩy chi phí vốn tại các DN tăng cao...

Giải trình về con số lỗ, KDC cho biết, phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư tài chính (4,35 triệu cổ phiếu Eximbank). Tương tự, TTCK sụt giảm khiến doanh thu tài chính của NKD giảm 53%, bên cạnh việc Công ty phải chịu chi phí lãi vay tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ. Con số tương tự tại BBC lên tới hơn 6 lần!

So với mức giá đóng cửa ngày 31/3, kết thúc quý II, VN-Index chỉ tăng nhẹ 1%. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của khối CTCK khá phân hóa. Các CTCK hướng mũi nhọn vào hoạt động tự doanh đều gặp chút "rắc rối" với các cổ phiếu blue-chip khi các mã này túc tắc giảm đều: CTCK Kim Long lỗ hơn 22 tỷ đồng (trích lập dự phòng 73 tỷ đồng); CTCK Vietinbanksc (CTS) lỗ hơn 6 tỷ đồng (trích lập dự phòng 24 tỷ đồng); CTCK Hải Phòng (HPC) lỗ 2,6 tỷ đồng…

Nếu "nhìn" biến động của VN-Index, kết quả kinh doanh quý II của một số CTCK có thể lường trước thì việc một số DN công bố lỗ đậm là điều bất ngờ. CTCP Vật tư và Kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC) thông báo quý II lỗ gần 73 tỷ đồng, tương đương 87% vốn điều lệ. TSC giải thích, trong quý II, giá phân bón trên thế giới tăng, giảm thất thường khiến hoạt động của TSC đã bị ảnh hưởng mạnh. Ngoài ra, Công ty cũng chịu tác động từ tính chất mùa vụ của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đáng chú ý là chi phí lãi vay của TSC tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Lợi thế thương mại và đóng góp của thu nhập một lần

Trong số các blue-chip, Vinamilk (VNM) thể hiện sự tăng trưởng ngoạn mục với lợi nhuận sau thuế quý II đạt 930 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ. Tập trung trở lại ngành nghề lõi trong lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu, đẩy mạnh kiểm soát các yếu tố đầu vào là chìa khóa thành công của Công ty. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của VNM còn có nguồn gốc từ việc điều chỉnh giá bán sản phẩm từ cuối quý I. Được hưởng lợi thế này, xét về nhóm ngành, rõ nét nhất là cao su tự nhiên. Trong quý II, sản lượng mủ khai thác tại nhiều DN còn giảm vì thời tiết và việc thanh lý vườn cây, nhưng kết quả kinh doanh vẫn đạt khá: Cao su Đồng Phú đạt 62 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 1,5 lần; Cao su Hòa Bình (HRC) đạt 18 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ; Cao su Tây Ninh (TRC) đạt 64 tỷ đồng, tăng 2,5 lần… Giá bán cao su đứng ở mức cao là nguyên nhân giúp ngành có lợi nhuận tăng vọt.

Nếu như lợi thế thương mại giúp nhiều DN niêm yết có kết quả kinh doanh khả quan thì các khoản thu nhập một lần có ý nghĩa quyết định tới lợi nhuận tại một số DN nhỏ: quý II, CTCP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (HAX) lỗ 120 triệu đồng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh chính, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 5,1 tỷ đồng nhờ khoản thu nhập từ tiền thưởng bán hàng và thanh lý tài sản cố định; trong 12,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của CTCP Kho vận Miền Nam - Sotran (STG) thì việc chuyển nhượng BĐS đã đóng góp gần 7 tỷ đồng…

Thông tin về hoạt động của nhóm cổ phiếu penny vốn dĩ mờ ảo, các khoản thu nhập một lần lại phụ thuộc vào thời điểm công ty hạch toán. Vì vậy, lợi nhuận của nhóm cổ phiếu nhỏ có tính đàn hồi cao. Điều này giải thích phần nào đích đến của dòng tiền đầu cơ.

Phần còn lại của thị trường

Trên bình diện chung, loại trừ các DN BĐS - kết quả kinh doanh thường cán đích vào nửa cuối năm, hầu hết DN đã đi được nửa chặng đường năm 2010. So sánh kết quả cùng kỳ năm trước, nhiều DN có mức sụt giảm khá mạnh như nhóm ngành sản xuất săm lốp. Đối lập là một số DN thủy sản, vận tải biển có mức tăng trưởng lợi nhuận tính bằng lần so với cùng kỳ, nhưng điều này cũng chưa thuyết phục. Nửa đầu năm 2009, các DN thủy sản, vận tải có điểm rơi lợi nhuận thấp nhất. Hết quý II, cá biệt một số DN đã công bố hoàn thành kế hoạch năm, nhưng đây là các DN khá đặc thù: hoạt động kinh doanh có tính mùa vụ và có truyền thống xây dựng các chỉ tiêu chỉ ở mức "an toàn".

Mảng tối trong mùa công bố kết quả kinh doanh quý II là cùng với TRI, có thêm nhiều DN tiếp tục công bố lỗ. Với nhóm vận tải biển, đó là Hàng hải Hà Nội (MHC) lỗ 20,2 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh thuần, Hàng hải Đông Đô (DDM) lỗ 11,6 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu ngành vật liệu, CTCP Cáp điện Taya và Nhựa Tân Hóa (VKP) cùng lỗ 12 tỷ đồng. Đây là chuyện không mới khi 2 năm qua, đó là cũng là các DN có kết quả kinh doanh… tối dần đều.


(Theo Tinnhanhchungkhoan)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts