Monday 23 August 2010

“Công ty kiểm toán quá nhỏ sẽ không đủ lực để làm chuyên môn”

Quy định bắt buộc các công ty kiểm toán phải có tối thiểu 5 kiểm toán viên hành nghề; kiểm toán viên chưa được phép hành nghề độc lập và phải có tối thiểu 36 tháng thực tế mới được phép ký Báo cáo kiểm toán.

- Kiểm toán viên phải có đủ 36 tháng kinh nghiệm mới được ký báo cáo kiểm toán- Băn khoăn vai trò của Hội nghề nghiệp trong Kiểm toán độc lập

Đó là 3 nội dung gây “ồn ào” nhất trong buổi Hội thảo do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức lấy ý kiến cho Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong năm 2010. Luật Kiểm toán độc lập sau khi đi vào hoạt động sẽ thay thế cho Nghị định số 30/2009/CP-ND sửa đổi của Chính phủ về kiểm toán độc lập.


Phải có tối thiểu 5 kiểm toán viên hành nghề


Nghị định số 30/2009/CP-ND quy định, một công ty kiểm toán độc lập phải có tối thiểu 3 kiểm toán viên hành nghề. Tuy nhiên, theo Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập quy định doanh nghiệp kiểm toán phải có tối thiểu 5 kiểm toán viên hành nghề với thời gian làm việc từ 36 tháng trở lên bên cạnh những ràng buộc khác.


Theo ông Đặng Thái Hùng - thành viên Ủy ban Kinh tế Tài chính Quốc hội, đồng thời là thành viên ban soạn thảo Luật Kiểm toán độc lập – quy định này được đúc kết, đánh giá từ thực tiễn. Các doanh nghiệp với quy mô từ 3 kiểm toán viên hành nghề không đủ điều kiện ở quy mô tối thiểu cho việc thực hiện kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán. Vì vây, quy định tối thiểu 5 kiểm toán viên hành nghề cho việc thành lập cũng như hoạt động của công ty kiểm toán là một quy định phù hợp.


Đồng tình với quy định mới trong dự thảo, ông Bùi Văn Mai, Phó Chủ tịch thường trực Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, cho rằng quy định này không nằm ngoài mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán bởi nếu doanh nghiệp kiểm toán quá nhỏ sẽ không đủ lực lượng để làm chuyên môn.


Tuy nhiên, ông Mai cũng cho rằng quy mô của doanh nghiệp lớn hơn sẽ dẫn đến chi phí tăng cao, do vậy các doanh nghiệp kiểm toán chỉ nhắm đến mục tiêu là các khách hàng lớn, điều này vô tình sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp kiểm toán không còn mặn mà với việc kiểm toán các doanh nghiệp nhỏ và vừa.


Về thẩm quyền cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán. Dự thảo Luật quy định Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán. Giấy phép này đồng thời là giấy chứng nhận kinh doanh. Hoạt động kiểm toán có những đặc điểm rất khác biệt, đây là một ngành nghề cung cấp các dịch vụ tư vấn và giúp cho “bệnh nhân” (các đối tượng được kiểm toán) thấy được “bệnh” của mình và tiếp nhận sự tư vấn để “chữa bệnh” cho mình để làm sao báo cáo tài chính sau khi kiểm toán phải đạt chất lượng cao hơn so với báo cáo tài chính trước khi kiểm toán.


“Rõ ràng, đối với người “khám bệnh, kê đơn” cần phải được quản lý một cách chặt chẽ ngay từ khi được cấp phép thành lập công ty. Thực tế hiện nay cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp kiểm toán nhỏ chỉ hoạt động với 3 hoặc 4 kiểm toán viên nên lúc nào cũng có nguy cơ tan rã nếu chỉ 1 kiểm toán viên nghỉ việc sẽ dẫn đến công ty kiểm toán đó không đủ điều kiện hoạt động. Vì vậy, rõ ràng việc cấp phép cũng chưa đủ mà còn liên quan đến tín chỉ và thu hồi giấy phép.” – ông Đặng Thái Hùng cho biết.


Cũng theo ông Hùng, đối với loại hình doanh nghiệp kiểm toán, nếu cứ làm như hiện nay thì việc quản lý sẽ bị buông lỏng, rõ ràng với quyền hạn được Chính phủ giao cho, Bộ Tài chính có đầy đủ biện pháp để quản lý các doanh nghiệp kiểm toán từ khi cấp phép thành lập cho đến khi doanh nghiệp đi vào hoạt động.


Chưa cho phép kiểm toán viên hành nghề độc lập


Về hình thức hành nghề, Dự thảo quy định kiểm toán viên hành nghề được hành nghề trong các doanh nghiệp kiểm toán chứ chưa quy định việc hành nghề với tư cách cá nhân. Trên thực tế, việc hành nghề cá nhân cũng đã là thông lệ của nhiều nước, ông Đặng Thái Hùng cho biết Việt Nam cũng sẽ có quy định cho phép kiểm toán viên hành nghề với tư cách cá nhân nhưng hiện tại chưa phải là thời điểm phù hợp bởi chưa hội tụ đầy đủ các điều kiện.


Lý do để chưa thể cấp phép cho kiểm toán viên hành nghề độc lập là bởi chúng ta còn thiếu hàng lang pháp lý, trình độ quản lý của nhà nước cũng như của tổ chức nghề nghiệp hiện nay chưa đáp ứng đủ, trình độ của kiểm toán viên cũng chưa đạt tới mức cần thiết. Đặc biệt, Việt Nam cũng chưa có tòa án để phân xử những trường hợp kiểm toán viên vi phạm mà đưa ra pháp luật. Do vậy, đối với hành nghề cá nhân, Việt Nam chưa có đủ điều kiện để quy định, nhưng theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, rất có thể trong vòng 5-10 năm tới Luật sẽ có sự bổ sung cho quy định này.


“Về quy định chưa cho phép kiểm toán viên hành nghề độc lập là không đúng với thông lệ quốc tế nhưng lại rất phù hợp đối với điều kiện của Việt Nam bởi đội ngũ kiểm toán viên hành nghề của Việt Nam chưa đáp ứng được năng lực cần thiết để có thể hoạt động độc lập.” ông Bùi Văn Mai bày tỏ sự đồng tình.


Kiểm toán viên phải trải qua 36 tháng thực tế


Cũng liên quan đến tiêu chuẩn kiểm toán viên và điều kiện đăng ký hành nghề, dự thảo quy định rõ 2 chức danh: kiểm toán viên và kiểm toán viên hành nghề.


Trong đó, chức danh Kiểm toán viên trong Dự thảo được khái niêm “Là những người tốt nghiệp đại học các chuyên ngành về ngân hàng, tài chính, kế toán, kiểm toán. Sau khi tốt nghiệp họ được thi để lấy chứng chỉ kiểm toán viên, sau khi đã được hành nghề kiểm toán tại các doanh nghiệp kiểm toán đủ 36 tháng trở lên và đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn khác thì được cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề. Khi đó, kiểm toán viên mới được gọi là kiểm toán viên hành nghề và mới được ký báo cáo kiểm toán.”


Theo Nghị định 30 quy định kiểm toán viên phải trải qua 4 năm làm trợ lý kiểm toán hoặc 5 năm làm kế toán quốc tế thì mới được thi, nhưng khi thi đỗ chỉ được cấp chứng chỉ kiểm toán viên và được đăng ký hành nghề, được ký báo cáo kiểm toán.


Rõ ràng với quy định này, những người tốt nghiệp đại học các chuyên ngành trên sau khi tốt nghiệp thì họ có quyền thi lấy chứng chỉ do Bộ Tài chính cấp. Theo đánh giá của các chuyên gia, quy định này định sẽ góp phần hướng nghiệp cho những người học các chuyên ngành gắn với hoạt động kiểm toán.


Ông Bùi Văn Mai cho rằng quy định về thời gian thực tế 36 tháng là một sự thay đổi cần thiết, nó sẽ góp phần nâng cao chất lượng của kiểm toán viên bởi việc trang bị kiến thức ở trường đại học là một phần, phần quan trọng hơn cả là kinh nghiệm đúc rút từ thực tế.


Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, các quy định về điều kiện đăng ký hành nghề và hình thức hành nghề được dự án luật quy định tương đối chặt chẽ với các điều kiện để đăng ký hành nghề, bao gồm: quy định về đạo đức nghề nghiệp, hợp đồng lao động, và quy định kiểm toán viên hành nghề là hội viên của tổ chức nghề nghiệp. Những quy định này là để đảm bảo việc đăng ký hành nghề của kiểm toán viên là chặt chẽ và đảm bảo cho việc kiểm toán viên hành nghề thực hiện nhiệm vụ kiểm toán trong doanh nghiệp kiểm toán với chất lượng cao nhất.

(Theo Infotv)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts