LUẬT KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP VÀ DOANH NGHIỆP KIỂM TOÁN
µ Một số ý kiến trao đổi về quy định cấp phép thành lập và hoạt động.
ThS. Phan Văn Dũng - công ty kiểm toán PDAC
Dự thảo Luật KTĐL hiện nay đưa ra quy định "Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền cấp, đình chỉ, thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động cho DNKT; Giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh". Về vấn đề nay, tác giả có ý kiến như sau:
Thứ nhất, cần xem xét việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho DNKT do Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) các tỉnh, thành phố thực hiện theo quy định hiện hành có thuận lợi và khó khăn gì, nếu thực hiện theo quy định này thì có đáp ứng được yêu cầu quản lý không? Theo quan điểm cá nhân, tác giả cho rằng quy định hiện hành về cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho DNKT có các thuận lợi và khó khăn như sau:
- Thuận lợi: Thuận tiện và nhanh chóng trong việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vì thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và quản lý doanh nghiệp thuộc hầu hết các ngành kinh tế là Sở KH&ĐT các tỉnh, thành phố. Các Sở KH&ĐT đã khá thành thạo mảng công việc này, có nhiều kinh nghiệm và được chuyên môn hóa cao tới 63 tỉnh, thành phố mà không dồn vào một cơ quan là Bộ Tài chính.
- Khó khăn:
+ Hạn chế trong việc soát sét chặt chẽ được các tiêu chuẩn và điều kiện khi cấp phép vì Sở KH&ĐT không phải là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động KTĐL nên không cập nhật được đầy đủ các thông tin về DNKT. Trên thực tế, có trường hợp KTV đăng ký hành nghề ở một DNKT nhưng lại là thành viên góp vốn trong hồ sơ đăng ký thành lập mới của DNKT khác mà Sở KH&ĐT không nắm bắt được. Cho tới nay, có nhiều DNKT được thành lập nhưng không đủ điều kiện hoạt động, cụ thể: tính đến nay có hơn 160 DNKT đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng chỉ có 114 DNKT đủ điều kiện hoạt động, 19 DNKT không hoạt động do không đủ điều kiện hoạt động hoặc ngừng cung cấp dịch vụ kiểm toán do không đủ điều kiện.
+ Chưa phối kết hợp được giữa hoạt động cấp phép với quản lý hành nghề và xử lý vi phạm phát sinh trong hoạt động KTĐL. Khó khăn trong quá trình quản lý hoạt động hành nghề kiểm toán (liên quan đến việc thu hồi Giấy chứng nhận kinh doanh của DNKT trong trường hợp xử ký vi phạm, do Bộ Tài chính là người xử lý các sai phạm trong hoạt động nghề nghiệp nhưng lại không có quyền thu hồi, rút Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...).
Thứ hai, về quy định Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền cấp, đình chỉ, thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động cho DNKT và Giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như trong dự thảo Luật KTĐL hiện nay, tác giả có ý kiến như sau:
(1) Về thuận lợi thực hiện quy định này:
- Tập trung đầu mối quản lý nhà nước đối với hoạt động KTĐL từ khi cấp giấy phép thành lập đến quản lý nghề nghiệp xuyên suốt cả quá trình hoạt động của DNKT (Giống như hoạt động kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán). Từ đó góp phần đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn, điều kiện thành lập doanh nghiệp khi thực hiện cấp giấy phép cũng như quản lý trong quá trình hoạt động, bổ sung, thay đổi hồ sơ, điều chỉnh giấy phép cũng như xử lý các trường hợp vi phạm dẫn đến thu hồi giấy phép.
- Có khả năng soát xét chặt chẽ các điều kiện khi cấp giấy phép thành lập và hoạt động (vì Bộ Tài chính là cơ quan quản lý hành nghề kiểm toán, thực hiện kiểm tra tuân thủ pháp luật về KTĐL trong các DNKT và xử lý vi phạm pháp luật về KTĐL).
- Thuận tiện hơn cho Bộ Tài chính trong quá trình quản lý nhà nước đối với hoạt động KTĐL (liên quan đến việc thu hồi và tạm ngưng Giấy phép thành lập và hoạt động của DNKT trong trường hợp xử lý các vi phạm,...)
(2) Về khó khăn:
- Bộ Tài chính sẽ bị tăng đáng kể khối lượng công việc khi thực hiện thêm chức năng này, bao gồm cấp giấy phép khi thành lập, hoặc điều chỉnh giấy phép, bổ sung, đình chỉ, thu hồi giấy phép của DNKT..., khác với doanh nghiệp bảo hiểm và công ty chứng khoán, trong hoạt động kiểm toán các DNKT thường xuyên biến động, thay đổi KTV, người lãnh đạo, địa chỉ giao dịch, sáp nhập, giải thể...nên phải tăng biên chế để có 1 bộ phận chuyên cấp phép, soát xét hồ sơ.
- Gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu thực hiện vì các cán bộ làm việc trong lĩnh vực cấp giấy phép chưa có kinh nghiệm.
- Mất nhiều thời gian thực hiện vì chỉ có 1 đầu mối duy nhất là Bộ Tài chính trong khi DNKT có thể thành lập và hoạt động ở nhiều tỉnh, thành phố.
(3) Về hạn chế của quy định này:
- Theo dự thảo Luật KTĐL, nếu Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền cấp, đình chỉ, thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động cho DNKT; và Giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là Giấu chứng nhận đăng ký kinh doanh thì sẽ không đảm bảo tính thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp với tư cách là Luật chung điều chỉnh các vấn đề liên quan đến việc đăng ký kinh doanh và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh một ngành, nghề nhất định. Do đăng ký kinh doanh và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh là hai thủ tục hành chính khác nhau về bản chất, do đó, cần phải được thực hiện ở hai cơ quan khác nhau (đăng ký kinh doanh được thực hiện tại Sở KH&ĐT; xem xét để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ KTĐL được thực hiện tại Bộ Tài chính).
- Mặt khác, mặc dù dịch vụ kiểm toán là một loại hình kinh doanh có điều kiện, nhưng theo quy định của pháp luật hiện hành thì kinh doanh có đủ điều kiện chia thành 03 cấp độ: (1): Loại cần phải được cơ quan quản lý nhà nước cấp Giấy phép thành lập và hoạt động, đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (như đối với các dịch vụ tài chính: chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng). Doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện ở cấp độ này không chỉ phải đáp ứng các điều kiện luật định, bảo đảm chất lượng dịch vụ mà thông qua điều kiện kinh doanh, Nhà nước còn có thể hạn chế việc thành lập và hoạt động doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực này; (2) loại cần được cơ quan nhà nước cấp các loại chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề, sau đó thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh thông thường tại Sở KH&ĐT; (3) loại thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh thông thường tại Sở KH&ĐT nhưng phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Dịch vụ kiểm toán là một loại hình dịch vụ tư vấn, không được phân loại là dịch vụ tài chính và không cần thiết phải hạn chế việc thành lập và kinh doanh, tuy nhiên cũng cần thiết phải kiểm soát chặt chẽ về chất lượng dịch vụ. Do vậy, điều kiện kinh doanh dịch vụ này không giống và không cần thiết phải như đối với các dịch vụ tài chính gồm: tín dụng, chứng khoán, bảo hiểm - là các dịch vụ liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhà đầu tư và đông đảo công chúng. Các quy định về điều kiện kinh doanh đối với hoạt động kiểm toán là nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ kiểm toán, do vậy, chỉ cần quy định Bộ Tài cấp chứng chỉ hành nghề cho KTV, đồng thời Luật cần quy định chặt chẽ các điều kiện thành lập, hoạt động và thực hiện kiểm tra, giám sát xử phạt là đủ, còn việc đăng ký thành lập doanh nghiệp thì thực hiện bình thường tại Sở KH&ĐT theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Bộ Tài chính thực hiện cấp chứng chỉ hành nghề. Chính vì vậy, tác giả cho rằng, quan điểm của Ban soạn thảo chưa phù hợp với xu hướng cải cách hành chính trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp hiện nay (xu hướng quản lý hiện đại là chuyển từ cấp phép sang đăng ký và Nhà nước thực hiện việc kiểm tra, giám sát (hậu kiểm) và xử phạt chặt chẽ hơn).
(4) Đề xuất sửa đổi: Từ những vấn để đã nêu trên của quy định này, đặc biệt là không thể coi Giấy phép hoạt động đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đề nghị Luật KTĐL cần quy định theo hướng Bộ Tài chính chỉ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ kiểm toán và sau khi có giấy này thì cá nhân, tổ chức phải tiến hành các thủ tục đăng ký kinh doanh đối với DNKT thành lập mới tại cơ quan đăng ký kinh doanh (Sở KH&ĐT).
Quy định trên là hết sức cần thiết, có thể triển khai tốt trên thực tế và đáp ứng được mục tiêu quan trọng của dự án Luật KTĐL, đó là tăng cường chất lượng dịch vụ kiểm toán, cụ thể như sau:
a) Kiểm toán là dịch vụ "chứng thực", mang tính nghề nghiệp cao, đối tượng của kiểm toán là thông tin tài chính của các tổ chức kinh tế, phần đông là các doanh nghiệp niêm yết hoặc các công ty đại chúng, kết quả kiểm toán được nhiều đối tượng sử dụng như cơ quan quản lý, người cho vay, nhà đầu tư, chủ sở hữu, người lao động, ... chất lượng kiểm toán ảnh hưởng lớn đến quyết định kinh tế của các đối tượng sử dụng, vì vật việc đặt ra các yêu cầu quản lý để đảm bảo chất lượng kiểm toán là đặc biệt quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi của công chúng.
b) Để đảm bảo chất lượng kiểm toán, người hành nghề kiểm toán phải có trình độ chuyên môn sâu, phải độc lập với đối tượng được kiểm toán, phải bắt buộc cập nhật kiến thức hàng năm theo quy định, phải được kiểm tra, giám sát chất lượng hành nghề bởi cơ quan có lực lượng chuyên môn và có đủ thẩm quyền. Trong điều kiện hiện nay, việc kiểm soát các hoạt động này cần được tập trung thực hiện bởi Bộ Tài chính. Nghiên cứu mô hình các nước cũng cho thấy việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ kiểm toán hầu hết cũng tập trung vào các cơ quan chuyên môn ở cấp quốc gia chứ không quản lý tản mạn ở các địa phương, như Singapore, Australia, Malaysia, Hà Lan,... sau đó cá nhân, tổ chức phải tiến hành các thủ tục đăng ký kinh doanh như đối với cá doanh nghiệp khác. Mặt khác, quy định này cũng giải quyết được việc đăng ký kinh doanh các dịch vụ ngoài dịch vụ kiểm toán như tư vấn thuế, xác định giá trị doanh nghiệp, thẩm định giá...
c) Thực hiện qua tham khảo mô hình cấp phép các ngân hàng thương mại (NHTM) của ngân hàng Nhà nước - NHNN (mới ban hành theo Thông tư số 09/2010/TT-NHNN ngày 26/03/2010) thì NHNN là cơ quan cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho NHTM cổ phần. Sau khi được cấp phép, ngân hàng vẫn phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật (theo Điều 13 Thông tư số 09/2010/TT-NHNN).
Trên thực tế, một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác như doanh nghiệp sản xuất phim (hoạt động theo Luật Điện ảnh), hay doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc ( hoạt động theo Luật Dược) cũng đang vận hành theo mô hình này.
Ví dụ doanh nghiệp sản xuất phim muốn được thành lập phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Bộ Văn hóa, Thể theo và Du lịch cấp (Điều 14 Luật Điện ảnh 2006 và được sửa đổi năm 2009). Doanh nghiệp sản xuất thuốc muốn hoạt động phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc do Bộ Y tế cấp (Điều 11 Luật Dược năm 2005).
d) Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2010 ngày 15/04/2010 về đăng ký doanh nghiệp (thay thế Nghị định 88/2006/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh). Theo Nghị định mới, việc đăng ký doanh nghiệp bao gồm nội dung về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế của doanh nghiệp. Do vậy, quy định trên sẽ đảm bảo tính thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp với tư cách là luật chung điều chỉnh các vấn đề liên quan đến việc đăng ký kinh doanh, điều chỉnh, bổ sung, đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho tất cả các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực.
Quy định trên sẽ góp phần tăng cường phối kết hợp được giữa hoạt động đăng ký kinh doanh với quản lý hành nghề và xử lý vi phạm phát sinh trong hoạt động KTĐL, tránh tình trạng các KTV lợi dụng việc quản lý tách rời như hiện nay để gian dối trong hồ sơ thành lập, sử dụng chứng chỉ KTV thành lập nhiều DNKT, sớm khắc phục tình trạng DNKT được thành lập nhưng lại không đủ điều kiện hoạt động./.
Theo ĐTCK
No comments:
Post a Comment