Monday, 9 August 2010

Kiểm toán trước nguy cơ vừa thiếu vừa yếu

Kiểm toán trước nguy cơ

vừa thiếu vừa yếu


Theo cam kết WTO, Việt Nam đã cho phép các công ty kiểm toán, kế toán, các tổ chức tư vấn tài chính kế toán nước ngoài đầu tư hoạt động. Việt Nam cũng khuyến khích công ty, tổ chức nước ngoài hợp tác liên doanh với công ty, tổ chức hành nghề dịch vụ kế toán, kiểm toán trong nước. Yêu cầu đặt ra thời điểm này là cần nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty, tổ chức, cá nhân hành nghề kế toán, kiểm toán để có thể trụ vững và chiến thắng ở thị trường trong nước và khu vực.

Anh Việt

Thiếu và yếu

Ông Phạm Công Tham, Trưởng ban Quản lý hành nghề kế toán, Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA) cho biết, cả nước hiện có khoảng hơn 1 triệu DN, tổ chức và hơn 1 triệu hộ kinh doanh cá thể. Nhu cầu làm kế toán đến hàng triệu người. Từ năm 1990 về trước, công việc kế toán hầu hết đều do người làm kế toán các DN, tổ chức thực hiện. Từ khi chuyển đổi sang kinh tế thị trường, đã xuất hiện loại hình dịch vụ kế toán, các DN và tổ chức chủ yếu là DN vừa và nhỏ ngoài nhà nước đã dần dần chuyển sang sử dụng dịch vụ kế toán.

Theo báo cáo của 46 sở kế hoạch và đầu tư các tỉnh, thành phố, đến thời điểm 30/06/2009, có 848 DN đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán, kiểm toán, trong đó số chưa đăng ký hành nghề kế toán là 546 DN, chưa kể hang nghìn người hành nghề kế toán tự do không đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, lực lượng kế toán viên được Bộ Tài chính cấp chứng chỉ hành nghề còn quá mỏng (150 người). Kế toán tự do, tự phát, giá cả dịch vụ kế toán quá thấp, được chào mời lộn xộn, dẫn tới việc đảm bảo chất lượng dịch vụ khó khăn.

"Các DN dịch vụ kế toán trong nước quá nhỏ cả về số lượng lẫn quy mô, trong khi đòi hỏi của thị trường là quá lớn và nguy cơ các DN dịch vụ trong nước phải cạnh tranh trong thế yếu với các DN dịch vụ nước ngoài", ông Tham nói.

Tương tự, tính đến đầu năm 2010, Việt Nam có 7.938 người làm việc trong các công ty kiểm toán, trong đó chỉ có 1.116 người có chứng chỉ kiểm toán viên, trong số này có vỏn vẹn 111 người vừa có chứng chỉ kiểm toán viên nhà nước ngoài (người Việt Nam 87, người nước ngoài 24). Ông Trần Phú Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cho rằng, nếu so với các nước trong khu vực thì tổng số người có chứng chỉ kế toán quốc tế (CPA) và số lượng CPA của Việt Nam tăng lên hàng năm quá khiêm tốn, dẫn tới thiếu hụt lớn so với nhu cầu thực tế. Hiện nay, Singapore có 22.000 CPA, Malaysia gần 26.000 và tại Philippines mỗi năm khoảng 2.000 CPA gia nhập làm hội viên của Hội kế toán công chứng Philippines.

Theo báo cáo của Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), số lượng khách hàng của toàn ngành kiểm toán Việt Nam năm 2008 và 2009 là 21.588 và 25.875 khách hàng, năm 2009 tăng 19,86% so với năm 2008. Cùng với số lượng khách hàng tăng cao, doanh thu của ngành kiểm toán tăng đáng kể. Doanh thu năm 2008 là 1.717 tỷ đồng, năm 2009 là 2.191 tỷ đồng, tăng 27,55%. Tuy vậy, DN sử dụng dịch vụ kiểm toán còn thiên về tuân thủ quy định, chưa thực sự hướng đến dịch vụ gia tăng giá trị cho DN.

Tăng chất và lượng

TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch VAA cho biết, chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán Việt Nam chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, đến năm 2015 hoàn thành cơ bản hệ thống luật pháp kế toán, kiểm toán theo cơ chế thị trường, thực hiện rộng khắp trong nền kinh tế quốc dân. Ban hành và áp dụng đầy đủ hệ thống chuẩn mực kế toán và kiểm toán, vừa hòa nhập với thị trường dịch vụ các nước ASEAN và khu vực, áp dụng các chuẩn mực chung về đào tạo, chứng chỉ hành nghề, chuẩn mực báo cáo tài chính.

Theo ông Đặng Thái Hùng, Vụ Trưởng Vụ chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn đang được hoàn thiện theo hướng chuyển từ nguyên tắc giá gốc sang nguyên tắc thị trường. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ cập nhật, tuân thủ về cơ bản hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế áp dụng cho các DN, đặc biệt cho các DN niêm yết trên TTCK.

Với chiến lược phát triển như trên, nhu cầu về kế toán, kiểm toán tại Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng. Tại hội thảo "Xu thế và chiến lược phát triển kế toán Việt Nam và các nước ASEAN" do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA) phối hợp cùng Liên đoàn Kế toán các nước ASEAN và VAA tổ chức ngày 06/08, thực trạng yếu và thiếu đề cập ở trên đã được các chuyên gia đóng góp ý kiến nhằm từng bước khắc phục. Một trong những giải pháp được đề cập nhiều nhất là Bộ Tài chính cần nhanh chóng chuẩn hóa nội dung chương trình đào tạo, thi tuyển và cấp chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề thường xuyên, thay vì mỗi năm có một đợt như hiện nay. Để đáp ứng yêu cầu đến năm 2020, riêng đối với lực lượng kế toán viên hành nghề, theo ước tính của VAA mỗi năm phải tổ chức đào tạo, thi và cấp chứng chỉ cho khoảng 600 - 700 người. Chương trình thi được góp ý cải tiến theo hướng tương đồng với chương trình của các tổ chức quốc tế, nhằm thuận lợi hơn trong việc công nhận chứng chỉ CPA lẫn nhau. Đồng thời, Nhà nước nên tiếp tục chuyển giao cho hội nghề nghiệp những nhiệm vụ quản lý chuyên môn đối với lực lượng hành nghề kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp, nhằm phát triển hội nghề nghiệp đạt trình độ chuyên nghiệp cao.

Nhu cầu dịch vụ kiểm toán ngày càng tăng và trở thành nhu cầu tất yếu để nâng cao lòng tin của nhà đầu tư vào DN. Để ngành nghề dịch vụ này phát triển và hạn chế những tồn tại hiện hữu, sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tạo lập cơ chế thuận lợi, thông thoáng là khuyến nghị cần được xem xét sớm.

Theo ĐTCK

No comments:

Post a Comment

Popular Posts