Saturday 21 August 2010

Doanh nghiệp có nên thay đổi niên độ kế toán?


Doanh nghiệp có nên thay đổi niên độ kế toán?

Hầu hết DN Việt Nam hiện nay đều có niên độ kế toán kết thúc vào ngày 31/12 hàng năm. Đây được coi là một thói quen của các DN Việt Nam, gây nên tình trạng dồn tích công việc của các bên liên quan vào thời điểm chuyển giao giữa các năm. Đã có một số doanh nghiệp quyết định thay đổi niên độ kế toán và nhận được sự ủng hỗ rộng rãi.

Hải Vân

CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (CMG) vừa có công văn gửi Sở GDCK TP. HCM (HOSE) về việc thay đổi niên độ kế toán năm 2010 của Công ty. Theo đó, niên độ kế toán của CMG sẽ bắt đầu từ ngày 1/4/2010 và kết thúc vào ngày 31/3 của năm kế tiếp. Do vậy, báo cáo tài chính năm 2010 của Công ty sẽ bao gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ 1/1/2010 đến ngày 31/3/2010 và giai đoạn 2 sẽ bắt đầu từ ngày 1/4/2010 đến ngày 31/3/2011.
CMG có sự thay đổi niên độ kế toán vì 2 lý do. Thứ nhất, do tính chất hoạt động của CMG, quý I hằng năm là thời điểm Công ty thực hiện hoàn tất các hợp đồng đã ký từ năm trước và bắt đầu thực hiện các hợp đồng mới từ quý II hằng năm. Lý do thứ 2 là việc thay đổi này sẽ tránh áp lực cho Công ty kiểm toán, bởi hiện nay rất ít doanh nghiệp niêm yết thực hiện niên độ kế toán bắt đầu từ quý II, mặc dù trên thế giới rất phổ biến.

Trước đó, CTCP Kho vận giao nhận ngoại thương TP. HCM (TMS) cũng công bố thay đổi niên độ tài chính 2010. Theo đó, năm tài chính tiếp theo của TMS sẽ bắt đầu từ ngày 1/4/2010 và kết thúc ngày 31/03 năm kế tiếp.
Năm 2008, CTCP Tập đoàn Tôn Hoa Sen (HSG) là doanh nghiệp tiên phong thay đổi niêm độ kế toán tài chính năm, bắt đầu từ ngày 1/10/2008 và kết thúc vào ngày 30/9 của năm tiếp theo.
Trao đổi với ĐTCK, ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho rằng, chúng ta cần khuyến khích các DN thay đổi niên độ tài chính, thay vì ngày cuối niên độ dồn hết vào 31/12 như hiện nay.

Trên thực tế, việc DN áp dụng niên độ kế toán bắt đầu từ đầu năm và kết thúc vào cuối năm chỉ là một thói quen, và chính thói quen này đã gây ra không ít hệ lụy, tạo áp lực đối với các công ty kiểm toán thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm. Trong khi đó, những hoạt động khác của doanh nghiệp như đại hội cổ đông, quyết toán thuế… lại dồn vào thời điểm đầu năm. Một khi khối lượng công việc lớn, lại chịu sức ép về thời hạn nộp báo cáo, thì khó đảm bảo chất lượng báo cáo kiểm toán cao.

Ông Mai cho rằng, để việc soát xét báo cáo tài chính đi vào thực chất, mang lại hiệu quả cao hơn, các DN niêm yết cần có sự thay đổi. Chẳng hạn, niên độ tài chính không nhất thiết kết thúc vào ngày 31/12 hàng năm, mà có thể kết thúc vào cuối quý I, quý II, quý III.

Trước đây, VACPA cũng đã có văn bản đề xuất Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Bộ Tài chính nên khuyến khích nhiều DN thay đổi niên độ kế toán, thậm chí là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong vài năm đầu cho các DN thực hiện thay đổi niên độ kế toán. Việc thay đổi này sẽ có lợi cho mọi chủ thể, không chỉ cho các DN niêm yết, các công ty kiểm toán và UBCK..., mà bản thân ngành thuế cũng sẽ giảm áp lực công việc và sẽ đỡ sai sót.

Ở góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, mặc dù tại HNX, các DN vẫn giữ thói quen kết thúc năm tài chính vào ngày 31/12 nhưng Sở rất ủng hộ các DN thay đổi niên độ kế toán. Tất nhiên là việc thay đổi phải được sự đồng thuận của các cổ đông và được đại hội đồng cổ đông thông qua, đặc biệt là phải thông báo rộng rãi cho nhà đầu tư để họ có điều kiện theo dõi.
Còn về phía Sở GDCK TP. HCM, hiện nay, yêu cầu của Sở với các công ty niêm yết là vào cuối kỳ kế toán quý phải gửi báo cáo tài chính cho Sở qua email và qua bưu điện (hoặc fax). Khi nhận được báo cáo từ các công ty, Phòng Quản lý và thẩm định niêm yết phải tiến hành một số bước xem xét rà soát như đối chiếu số dư đầu và cuối kỳ, đảm bảo không sai sót về tính toán; xem xét về các vấn đề bất thường trong báo cáo tài chính trước khi công bố cho nhà đầu tư.

Đại diện HOSE cũng cho biết, việc chọn niên độ kế toán là quyền tự chủ của doanh nghiệp, tuy nhiên Sở cũng có văn bản hướng dẫn công ty niêm yết về vấn đề trên.

Một số chuyên gia cũng nhận định, việc thay đổi niên độ kế toán năm sẽ giúp kiểm toán viên giảm được áp lực về mặt thời gian, tránh xảy ra các sai sót không đáng có trong quá trình kiểm toán. Ở một số nước trên thế giới, các công ty hay chọn thời điểm kết thúc niên độ kế toán vào ngày 31/6 hoặc 31/12 hàng năm…
Hiện nay, Việt Nam có trên 500 doanh nghiệp niêm yết và hầu hết đều có niên độ kế toán bắt đầu từ ngày 1/1 của năm và kết thúc vào cuối năm. Việc bỏ thói quen kết thúc năm tài chính vào cuối năm là điều các DN cần tính tới, trên cơ sở tính chất hoạt động của từng DN.

Theo ĐTCK

No comments:

Post a Comment

Popular Posts