Sunday 28 July 2013

Phát hiện giao dịch liên ngân hàng lãi suất "khủng" lên tới 37,5%

Xem hình

Báo cáo kiểm toán việc điều hành cũng như thực hiện chính sách tiền tệ tại Ngân hàng Nhà nước và 6 tổ chức tín dụng đã chỉ ra khá nhiều hạn chế, thiếu sót tại các đơn vị này.
Theo Kiểm toán Nhà nước, bên cạnh một số kết quả tích cực, công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2012 vẫn bộc lộ một số hạn chế nhất định.

Điển hình là nhu cầu vốn giá rẻ cho nền kinh tế chưa được đáp ứng đầy đủ do lãi suất cho vay còn cao; tăng trưởng tín dụng 14,45% không đạt chỉ tiêu theo nghị quyết của Chính phủ.

Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu liên tục tăng từ năm 2007 và đến năm 2011 tăng đột biến, từ 1,55% của năm 2007 lên 3,07% năm 2011. Hoạt động thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động cho vay tái cấp vốn chưa kịp thời đầy đủ. Một số hồ sơ tái cấp vốn chưa được giám sát việc sử dụng vốn vay theo thông báo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước như hồ sơ vay vốn của Vietinbank, BIDV, VCB.

Cùng với đó là việc điều hành thị trường liên ngân hàng còn hạn chế, không kiểm soát được mức lãi suất cao bất thường, điển hình như trong năm 2011, tại một số thời điểm xuất hiện không ít giao dịch cho vay, gửi tiền liên ngân hàng lãi suất cao như: trong tháng 3/2011 có giao dịch với lãi suất 23%/năm, tháng 10/2011 có giao dịch với lãi suất 30%/năm, thậm chí trong tháng 11/2011 có giao dịch với lãi suất 37,5%/năm, trong khi lãi suất huy động trên thị trường I năm 2011 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tối đa chỉ 14%/năm.

Về hoạt động đầu tư, góp vốn liên doanh liên kết của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, Kiểm toán Nhà nước cho biết tại các đơn vị được kiểm toán đều có hoạt động đầu tư, góp vốn liên doanh, liên kết, song hiệu quả của các khoản đầu tư, góp vốn còn thấp, nhiều khoản đầu tư không thu được lợi nhuận hoặc suy giảm lợi nhuận giá trị kể từ thời điểm đầu tư, thậm chí là có nguy cơ mất vốn cao.

Đơn cử như tỷ lệ thu nhập từ đầu tư góp vốn, mua cổ phần trên tổng giá trị đầu tư năm 2011 của BIDV từ 3,1% đến 3,4%; của ngân hàng MHB là 0,07%; tại Tổng công ty PVI tỷ suất lợi nhuận đầu tư dài hạn so với số vốn đầu tư dài hạn bình quân là 5,01% và 70,7% giá trị các khoản đầu tư dài hạn có hiệu quả đầu tư thấp hoặc chưa có hiệu quả.

Tại BIDV, tổng giá trị chứng khoán vốn đầu tư sẵn sàng để bán năm 2011 đã suy giảm 62% giá trị; tại PVI 31,8% giá trị đầu tư ngắn hạn tiềm ẩn rủi ro cao và khoản đầu tư vào Quỹ tăng trưởng Việt nam đã giảm 51%, Quỹ tầm nhìn giảm 24% giá trị; tại Ngân hàng MHB 102 tỷ đồng góp vốn vào công ty chứng khoán MHB nhưng công ty này có số lỗ luỹ kế đến hết năm 2011 là 114 tỷ đồng; trong khi 54,8 tỷ đồng góp vốn vào một công ty bất động sản từ năm 2007 đến nay chưa thu được một đồng lãi nào và hơn 200 tỷ đồng đầu tư vào 3 doanh nghiệp khác từ 2008 đến thời điểm này đang có nguy cơ mất trắng.

Về hoạt động tín dụng, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra tình trạng nợ xấu tại các tổ chức tín dụng còn cao, tiêu biểu như BIDV là 2,96%, MHB là 2,49%; cùng với đó là nhiều khoản cho vay tiềm ẩn rủi ro và khả năng thu hồi vốn khó khăn, chẳng hạn như số dư tiền gửi đến 31/12/2011 của MHB tại các tổ chức tín dụng khác là 11.737,8 tỷ đồng, trong đó số quá hạn chưa thu được phải gia hạn là 1.157,16 tỷ đồng và hơn 4 triệu USD.

Trao đổi với báo giới ngày 25/7, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái cho biết, trong năm 2013, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung kiểm toán 3 ngân hàng, gồm: Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) với mục tiêu là đi sâu vào nội dung nợ xấu của các đơn vị này, trong đó cố gắng cập nhật đến 30/6/2013.


Vneconomy

Kế toán ngày càng khó xin việc

Xem hình

Kế toán - kiểm toán là ngành có nguồn cung nhiều nhất ở TP HCM trong tháng 7 nhưng nhu cầu tuyển dụng rất thấp.
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, kế toán - kiểm toán chiếm gần một nửa trong tổng nguồn cung nhân lực của cả TP HCM tháng 7, tới 42,58%. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng lại gần như đứng cuối bảng, chỉ 4,53%.
Cơ quan này nhận xét, nguồn cung cao chủ yếu ở các vị trí như kế toán trưởng, kế toán tổng hợp và lực lượng có kinh nghiệm, trình độ hiện tăng đến 72,78% so với tháng 6. Đây cũng là ngành ghi nhận tình trạng mất cân đối cung cầu lao động nhiều nhất trên địa bàn thành phố trong tháng này. Cuộc cạnh tranh giữa các ứng viên để có được chỗ đứng trong doanh nghiệp càng trở nên khốc liệt hơn.
Đứng thứ 2 về mức độ dồi dào nhân lực là kinh doanh - bán hàng, chiếm 11,56%. Song khả năng tìm việc của người lao động ở lĩnh vực này "dễ thở" hơn hẳn kế toán - kiểm toán khi rất nhiều doanh nghiệp ráo riết tìm người, đưa ngành này dẫn đầu nhu cầu tuyển dụng tháng 7, với 30,9%.
Ketoan-1374738392_500x0.jpg
Gần 50% nguồn cung nhân lực trong tháng 7 ở TP HCM thuộc ngành kế toán, kiểm toán. Ảnh: Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM
Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM nhìn nhận, rất nhiều doanh nghiệp đăng thông tin tuyển dụng lao động ở các cập bậc như: đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề và lao động phổ thông nhưng vẫn chưa tìm đủ số lượng. Trong khi đó, một nguồn lớn sinh viên ra trường chưa có việc, phải làm trái ngành. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp cần nguồn lao động chất lượng cao, có kinh nghiệm - điều mà các sinh viên mới tốt nghiệp còn hạn chế.
Tháng 7 xuất hiện các nhóm ngành nghề kỹ thuật có nhu cầu tìm việc tăng trên 1,5 lần như: kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, điện - điện lạnh - điện công nghiệp, công nghệ thực phẩm, chủ yếu do nguồn sinh viên các trường đại học, cao đẳng tốt nghiệp ra trường.
Dự kiến trong tháng 8, TP HCM cần khoảng 25.000 lao động. Thị trường cần nguồn lao động phổ thông nhiều nhất, chiếm 35%, kế đến là trình độ sơ cấp và công nhân kỹ thuật lành nghề, trung cấp, cao đẳng - đại học - trên đại học.
Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông tiếp tục tăng trong các ngành nghề: dệt may - giày da, nhựa bao bì, bán hàng, dịch vụ phục vụ, nhà hàng - khách sạn…
Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục chú trọng nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn. 


Theo vnexpress

Deutsche Bank phù phép để các khoản vay "bốc hơi" khỏi sổ sách như thế nào?

Từ năm 2008, Deutsche Bank (DB) đã cho các ngân hàng khác vay hàng tỉ đô la và ghi nhận vào sổ sách kế toán theo cách sẽ giúp che giấu rủi ro trước nhà đầu tư. Hiện ngân hàng lớn nhất nước Đức này có thể cho các ngân hàng từ Ý tới Brazil vay nhưng giao dịch đó hoàn toàn biến mất trên bảng cân đối kế toán.
Deutsche Bank phù phép để các khoản vay "bốc hơi" khỏi sổ sách như thế nào?
Deutsche Bank phù phép để các khoản vay "bốc hơi" khỏi sổ sách như thế nào?
Ngân hàng Ý Banca Monte dei Paschi di Siena và ngân hàng Brasil Banco do Brasil đã vay 2,5 tỷ USD từ Deutsche Bank chính bằng cách này.
Các khoản nợ đều nằm trong số tài sản trị giá 395,5 tỉ Euro mà Deutsche Bank đưa ra khỏi bảng cân đốikế toán bằng cách bù trừ tài sản với công nợ. Con số này được Deutsche Bank tiết lộ vào đầu tháng4/2013, theo tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế. Nó tương đương 19% tổng tài sản trị giá 2,03 nghìn tỉ Euros của ngân hàng.
Cách Deutsche Bank ghi nhận khoản vay được gọi là hợp đồng mua lại “tăng cường” (enhanced “repo”)nhằm làm giảm tổng tín dụng trong báo cáo tài chính, khi hai CEO Anshu Jain và Juergen Fitschen tìm cách thuyết phục các nhà đầu tư rằng công ty có đủ vốn để phòng ngừa thua lỗ.
Ngân hàng hưởng lợi nhuận từ việc sắp xếp các giao dịch phụ đi kèm khoản cho vay, bao gồm cả việc bán hợp đồng bảo hiểm rủi ro tín dụng đối với trái phiếu chính phủ mà sau này điêu đứng vì cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.
Deutsche Bank còn có hợp đồng repo dài hạn với ba chủ nợ khác: NationalBank of Greece, Hellenic Postbank SA tại Athens và Al Khaliji ở Qatar. Mọi giao dịch này đều dùng cách bù trù tài sản với công nợ.
Mỗi tỷ euros mà Deutsche Bank không đưa vào bảng cân đối đều thổi phồng tình trạng tài chính lẫn tỷ lệ vốn thực tế của mình để tránh phải huy động vốn từ các nhà đầu tư. Nó đã đem lại cái nhìn sai lệch cho các nhà đầu tư vì bảng cân đối trông ít rủi ro hơn so với thực tế.
Theo FDIC,Deutsche Bank xếp hạng chót trong số các ngân hàng toàn cầu trên ít nhất một thước đo rủi ro: tỉ lệ đòn bẩy. Nếu áp dụng theo đề xuất của Ủy ban Basel, họ sẽ phải đưa cả tài sản bên ngoài sổ sách vào khi tính toán đòn bẩy và phải bổ sung thêm số vốn tương đương 12,3 tỷ euro.
 
Deutsche Bank phù phép để các khoản vay
Ngân hàng lâu đời nhất thế giới Monte Paschi đang trên bờ vực thẳm. Deutsche Bank đã cho Monte Paschi vay hàng tỷ USD.
Deutsche Bank bỏ khoản vay ra ngoại bảng như thế nào?
DB dùng thủ thuật “no-balance-sheet usage” để đẩy các khoản nợ khỏi sổ sách.
Trong một giao dịch cho vay thế chấp thông thường, ngân hàng cho vay tiền mặt của mình và ghi nhận khoản vay như một tài sản trong bảng cân đối. Đổi lại, nó nhận tài sản thế chấp và nắm giữ đến khi các khoản vay được hoàn trả.
Còn với giao dịch “no-balance-sheet” của Deutsche Bankngân hàng này nhận tài sản thế chấp, bán và dùng tiền để cho vay. Ví dụ như khi bán trái phiếu chính phủ, DB tạo ra một nghĩa vụ hoàn trả chứng khoán, cho phép ngân hàng bù trừ giữa tài sản và công nợ.
Bù trừ được là nhờ Deutsche Bank viện dẫn Chuẩn mực số 32 IFRS, buộc một số công cụ tài chính nhất định phải bù trừ lẫn nhau nếu nghĩa vụ được thanh toán cùng lúc hoặc thanh toán bù trừ trong suốt thời gian hiệu lực của các công cụ đó.
Deutsche Bank thực tế đã “bán khống” số trái phiếu trên, một biên bản nội bộ của ngân hàng viết.
Các điều khoản của thỏa thuận cho vaycho phép Deutsche Bank bán tài sản thế chấp và không phải hoàn trả đúng loại trái phiếu đem thế chấp. Thay vào đó, Deutsche Bank có thể trả khách các trái phiếucó giá trị rẻ nhất tương đương.
Bằng cách đồng ý chấp nhận các tài sản với giá rẻ nhất trong trường hợp mặc định, Monte Paschi và Banco do Brasil thực tế đã coi số trái phiếu họ đưa cho Deutsche Bank là tài sản thế chấp.
Họ trả lãi trên số tiền vay và hương lãi trên số trái phiếu đem thế chấp. Đó vẫn là tái ản của Monte Paschi vì họ có nghĩa vụ phải nhận lại chúng.
Ngân hàng bán bảo hiểm cho các khoản chứng khoán liên quan tài sản thế chấp, đồng nghĩa với chuyểnrủi ro khoản vay vỡ nợ sang trading bookNếu trái phiếu chính phủ mất giá, khách hàng phải bổ sung tài sản ký quỹ.
Dù có điểm giống hợp đồng repo, nhưng các khoản vay của Deutsche Bank có thời hạn tới 5 năm hoặc hơn và không được ghi nhận như tài sản.
Còn Deutsche Bank có thể ghi lãi ngay từ đầu nhờ bán phí bán bảo hiểm vỡ nợ tín dụng cho các nhà đầu tư. Trong vụ cho vay Monte Paschi, Deutsche Bank ghi được ngay 60 triệu euro lợi nhuận như thế.
Thỏa thuận này được mô tả trong bản ghi nhớ nội bộ như một hợp đồng mua lại đã tái cấu trúc. Còn trong các công bố, Monte Paschi gọi công cụ này dưới mác “hợp đồng mua lại dài hạn” và "hợp đồng bảo hiểm sẽ có lãi toàn phần".
Mối lo ngại nghiêm trọng
Đến năm nay, dù đã dùng đến chiêu thức kể trên, Deutsche Bank vẫn phải huy động thêm vốn. Ngân hàng đã bán gần 3,9 tỷ USD cổ phần vào tháng và 1,5 tỷ USD trái phiếu không có tài sản đảm bảo để đáp ứng các quy định vốn sắp thắt chặt.
Christopher Wheeler, một nhà phân tích tại Mediobanca SpA tại London nói rằng: "Có rất nhiều tin đồn xung quanh các công cụ được ngân hàng sử dụng để tăng vốn và giảm đòn bẩy kể từ khi khủng hoảng.
Nếu chúng bị phát hiện là từng được sử dụng, thị trường sẽ rất hoang mang vì không hiểu số vốn và tỷ lệ đòn bẩy hiện tại có thực sự phản ánh được đúng tình hình tài chính của các ngân hàng hay không."

Chuẩn mực quốc tế cho BCTC ngành bảo hiểm

DNBH là đơn vị có liên quan nhiều đến công chúng nên BCTC phải phù hợp với Chuẩn mực quốc tế để góp phần tạo dựng thông tin minh bạch cho thị trường.
Chuẩn mực quốc tế cho BCTC ngành bảo hiểm
Chuẩn mực quốc tế cho BCTC ngành bảo hiểm
Kinh doanh bảo hiểm (BH) giúp các tổ chức, cá nhân tham gia BH khắc phục hậu quả tài chính khi gặp tai nạn, tổn thất và các rủi ro. Tính đa dạng của đối tượng khách hàng và nhu cầu về sự an toàn không ngừng tăng lên đối với các sản phẩm BH nên ở tất cả các nước, Nhà nước phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có hệ thống khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng tham gia BH và DNBH, đồng thời để điều chỉnh, thúc đẩy hoạt động kinh doanh BH phát triển.

Trong lĩnh vực kế toán, ngay cả khi chưa có chuẩn mực kế toán (CMKT) quốc tế về BH thì các nước có thị trường BH phát triển như Mỹ, Anh, Úc... đã ban hành các CMKT áp dụng riêng cho DNBH. Cho đến tháng 3/2004, Ủy ban Chuẩn mực quốc tế (IASB) đã ban hành Chuẩn mực báo cáo tài chính (BCTC) quốc tế số 4 (IFRS 4) - “Hợp đồng BH”. IFRS 4 là chuẩn mực trung gian, tạm thời, vì còn nhiều vấn đề chưa đề cập và phải tiếp tục nghiên cứu. Do thông lệ kế toán cho các hợp đồng BH rất đa dạng và khác biệt với thông lệ kế toán của các lĩnh vực khác, nên IFRS 4 được ban hành để cải thiện ở mức độ có giới hạn thông lệ kế toán hiện hành đối với hợp đồng BH. Nội dung chủ yếu của IFRS 4 là quy định các thông tin, số liệu mà DNBH phải trình bày trên BCTC về các hợp đồng BH cho tới khi IASB ban hành tiếp trong giai đoạn 2. Trên cơ sở IFRS 4- “Hợp đồng BH”, năm 2005, Bộ Tài chính đã ban hành CMKT số 19 - Hợp đồng bảo hiểm và tháng 12/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 232 hướng dẫn kế toán áp dụng đối với DNBH phi nhân thọ, DN tái BH và chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.

Trước xu thế hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm, để phù hợp với Chuẩn mực BCTC quốc tế và để người sử dụng BCTC có thể thấy được bức tranh toàn cảnh về hoạt động kinh doanh của DNBH, chế độ BCTC áp dụng cho các DNBH ban hành theo Thông tư số 232 đã có nhiều bổ sung, sửa đổi so với quy định trước đó, đặc biệt là các nội dung sau:

Quy định trình bày tách biệt tài sản tái BH và dự phòng nghiệp vụ BH trên bảng cân đối kế toán (là báo cáo phản ánh tình hình tài chính) của DNBH

Quy định này giúp cho việc phản ánh đầy đủ thông tin về trách nhiệm, quyền của DNBH theo quy định tại Điều 27 Luật kinh doanh BH năm 2000 là: “DNBH chịu trách nhiệm duy nhất đối với bên mua BH theo hợp đồng BH, kể cả trong trường hợp tái BH những trách nhiệm đã nhận BH”. Do đó, trong trường hợp DN nhận tái BH không hoàn thành các nghĩa vụ tái BH thì DNBH vẫn phải chịu toàn bộ trách nhiệm đối với chủ hợp đồng BH theo hợp đồng BH gốc. Vì vậy, việc trình bày tách biệt tài sản tái BH và dự phòng nghiệp vụ BH trên bảng cân đối kế toán là để phản ánh đầy đủ trách nhiệm của DNBH đối với chủ hợp đồng BH. Ngoài ra, việc trình bày tài sản tái BH là để phản ánh phần phải thu từ DN nhận tái BH. Nếu DN nhận tái BH không có khả năng thực hiện phần trách nhiệm của mình thì DN nhượng tái BH sẽ không thu hồi được phần thiệt hại thuộc trách nhiệm bồi thường của DN nhận tái BH, nhưng vẫn chịu trách nhiệm đền bù toàn bộ thiệt hại đối với chủ hợp đồng BH gốc và sẽ phải ghi nhận phần thiệt hại do không thu hồi được từ DN nhận tái BH theo hợp đồng tái BH. Quy định này khắc phục được hạn chế trong chế độ BCTC trước đây là khi trình bày trên bảng cân đối kế toán, DNBH thực hiện bù trừ các tài sản tái BH và dự phòng nghiệp vụ BH, nên không phản ánh đúng tình hình tài chính của họ. Trên thế giới, tất cả các DNBH đều ghi nhận và trình bày tách biệt khoản mục tài sản tái BH và dự phòng nghiệp vụ BH trên bảng cân đối kế toán.

Quy định các số liệu, thông tin DNBH phải thuyết minh trên BCTC

Thứ nhất, thuyết minh rõ ràng các thông tin giúp xác định và giải thích các số liệu trong BCTC của DNBH phát sinh từ các hợp đồng BH, gồm:

* Thuyết minh các chính sách kế toán của DNBH như: Phương pháp ghi nhận doanh thu, chi phí, trích lập dự phòng nghiệp vụ…, phương pháp và cách xử lý đối với doanh thu phí BH của các hợp đồng tái tục.
* Trình bày trên thuyết minh BCTC các tài sản, nợ phải trả phát sinh từ các hợp đồng BH cho từng loại hoạt động kinh doanh BH gốc, nhận tái và nhượng tái BH.
* Về doanh thu, chi phí: Để đánh giá khả năng khai thác BH gốc, khả năng nhận tái BH và kết quả hoạt động kinh doanh nhận tái và nhượng tái BH cũng như mức độ phụ thuộc của BH, DNBH phải thuyết minh các thông tin cho từng nghiệp vụ BH quan trọng theo quy định của pháp luật về kinh doanh BH.
* Thuyết minh các giả định được sử dụng có ảnh hưởng lớn đến phương pháp tính toán ghi nhận tài sản, nợ phải trả, doanh thu, chi phí phát sinh từ các hợp đồng BH và sự thay đổi của từng giả định được sử dụng có ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC.

Thứ hai, thuyết minh các thông tin về giá trị, thời gian và biến động các luồng tiền tương lai của DNBH, gồm:
* Thuyết minh các thông tin về giá trị, thời gian và biến động các luồng tiền trong tương lai dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản sau: (i) Cần có sự cân bằng giữa các thuyết minh mang tính định lượng và định tính để giúp người sử dụng BCTC hiểu bản chất các rủi ro có thể xảy ra và tác động tiềm tàng của chúng; (ii) Các thuyết minh cần phù hợp với nhận thức của ban giám đốc về rủi ro BH và các biện pháp của DNBH để giảm bớt các rủi ro này.
* Thuyết minh các thông tin về rủi ro BH và chính sách quản lý rủi ro của DNBH, thuyết minh tình hình bồi thường tổn thất của DNBH, gồm:

1. Thuyết minh rủi ro BH và phân tích mức độ tập trung của các rủi ro BH, cụ thể:
- Thuyết minh rủi ro BH theo từng lĩnh vực kinh doanh BH gốc, nhận tái và nhượng tái BH, theo từng loại nghiệp vụ BH và theo từng khu vực địa lý.
- Thuyết minh các thông tin về rủi ro BH có ảnh hưởng trọng yếu làm thay đổi kết quả kinh doanh và vốn chủ sở hữu của DNBH. Mối tương quan hoặc sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các loại rủi ro khác nhau và các thông tin cả rủi ro trước cũng như sau khi đã điều chỉnh bởi hoạt động nhượng tái BH.
- Phân tích mức độ tập trung của các rủi ro BH, bao gồm mô tả việc ban lãnh đạo quyết định mức độ tập trung và mô tả về tính chất chung có thể xác định đối với mỗi loại (ví dụ loại sự kiện BH, khu vực địa lý hoặc loại tiền tệ). Mức độ tập trung của các rủi ro BH có thể phát sinh từ một hợp đồng rủi ro đơn lẻ hoặc một số hợp đồng có liên quan, như hợp đồng có rủi ro thấp nhưng mức độ nghiêm trọng lớn như rủi ro động đất. Một sự cố đơn lẻ nhưng mang lại rủi ro cho DNBH theo nhiều loại hợp đồng BH khác nhau. Các thay đổi ngoài dự kiến như hành vi của bên mua BH hoặc thay đổi của thị trường tài chính làm cho chủ hợp đồng BH chọn cơ hội tốt hơn. Rủi ro về kiện tụng và thay đổi luật pháp có thể phát sinh các khoản chi phí hoặc ảnh hưởng lớn tới rất nhiều hợp đồng BH.

2. Thuyết minh về phân tích độ nhạy của các rủi ro BH, cụ thể:
- Phân tích về độ nhạy thể hiện việc lãi hoặc lỗ và vốn chủ sở hữu có thể bị ảnh hưởng nếu như có sự thay đổi của các biến số rủi ro có liên quan tại ngày lập BCTC, các phương pháp và giả định được sử dụng trong việc lập phân tích độ nhạy; các thay đổi về phương pháp và các giả định được sử dụng so với các giai đoạn trước đó.
- Thông tin định tính về độ nhạy, các thông tin về điều khoản và điều kiện của hợp đồng BH có ảnh hưởng trọng yếu đến giá trị, thời gian và tính không chắc chắn của các luồng tiền trong tương lai của DNBH.

3. Thuyết minh chính sách của DNBH để giảm thiểu các rủi ro phát sinh từ các hợp đồng BH. Theo đó, DNBH phải thuyết minh chính sách chấp nhận rủi ro khi lựa chọn và phê duyệt các rủi ro được BH, mức độ đảm bảo tính phù hợp giữa phân loại rủi ro và mức trách nhiệm BH, phương pháp định giá và quản lý rủi ro phát sinh cho cả 2 loại rủi ro chi tiết và tổng thể, các phương pháp sử dụng để hạn chế hoặc chuyển giao rủi ro như việc sử dụng các giới hạn và nhượng tái BH, các cam kết huy động vốn vay hoặc vốn góp để chi trả khi cần thiết.

4. Thuyết minh về tình hình bồi thường tổn thất của DNBH để so sánh các khoản bồi thường thực tế so với số liệu ước tính trước đây thông qua “Bảng tổng hợp số liệu về tình hình bồi thường”. Bảng này phải trình bày cho 5 năm liên tiếp để cung cấp các thông tin hữu ích nhằm xem xét, đánh giá xem DNBH có đảm bảo tính thận trọng không, đồng thời giúp người sử dụng BCTC biết được trong quá khứ cho đến năm tài chính hiện hành, DNBH có thay đổi tính thận trọng không và xu hướng thay đổi sẽ ảnh hưởng đến BCTC như thế nào.

Tóm lại, DNBH là đơn vị có liên quan nhiều đến công chúng, nên BCTC phải được lập và trình bày cho phù hợp với Chuẩn mực quốc tế về BCTC để góp phần tạo dựng thông tin minh bạch cho thị trường tài chính, giúp các DNBH Việt Nam dễ dàng hội nhập với thị trường quốc tế. Trên thực tế, thông lệ về kế toán đối với các hợp đồng BH rất đa dạng và IASB chưa đề cập trong IFRS 4. Với khuôn khổ pháp luật về kế toán, đặc biệt là CMKT số 19 về hợp đồng BH và Thông tư số 232 được ban hành trong những năm qua đã và sẽ giúp các DNBH nâng cao chất lượng BCTC, qua đó củng cố lòng tin của thị trường đối với hoạt động và sự minh bạch của các DN trong ngành này.

TS. Hà Thị Ngọc Hà, Vụ phó Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán - Bộ Tài chính
Theo ĐTCK

Khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán

Khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán (Audit Expectation Gap) không phải là một vấn đề mới trong lĩnh vực kiểm toán. Nó được xem như một hình ảnh xấu cho kiểm toán nói chung và kiểm toán độc lập nói riêng.
Khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán
Khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán
Bài viết này trình bày bản chất và các nguyên nhân hình thành khoảng cách kỳ vọng kiểm toán trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Qua đó để giảm bớt khoảng cách kỳ vọng kiểm toán thì cần nâng cao trách nhiệm và thực hành kiểm toán từ phía các kiểm toán viên và công ty kiểm toán; nâng cao nhận thức của những người sử dụng báo cáo tài chính; và hoàn thiện hệ thống luật pháp.

Khái niệm khoảng cách kỳ vọng kiểm toán

Theo Liggio (1974), khoảng cách kỳ vọng kiểm toán là sự khác biệt giữa mức độ dự định thực hiện theo nhận thức của KTV và của những người sử dụng BCTC. Ủy ban Cohen (1978) về trách nhiệm của KTV mở rộng khái niệm này bằng việc xem xét xem có khoảng cách nào tồn tại giữa những gì mà công chúng kỳ vọng và những gì mà KTV có thể và nên dự định thực hiện.

Theo Guy và Sullivan (1988), có sự khác biệt giữa những gì mà công chúng và những người sử dụng BCTC tin tưởng KTV chịu trách nhiệm và những gì mà KTV tin tưởng họ chịu trách nhiệm. Godsel (1992) mô tả khoảng cách kỳ vọng là khoảng cách mà công chúng tin tưởng về nhiệm vụ và trách nhiệm của KTV và thông điệp thể hiện trong Báo cáo kiểm toán.

Monroe và Woodliff (1003) cho rằng khoảng cách kỳ vọng kiểm toán là sự khác biệt về niềm tin giữa KTV và công chúng về nhiệm vụ và trách nhiệm mà KTV đảm nhận và thông điệp trình bày trong báo cáo kiểm toán. Theo Viện Kế toán viên Công chứng Hoa Kỳ (1993), khoảng cách kỳ vọng đề cập đến sự khác biệt giữa những gì mà công chúng và người sử dụng BCTC tin rằng trách nhiệm của KTV phải làm và những gì mà KTV tin rằng trách nhiệm họ phải làm. Viện Kế toán viên Công chúng Úc (1994) cho rằng khoảng cách kỳ vọng là sự khác biệt về kỳ vọng của người sử dụng BCTC và chất lượng lập BCTC & chất lượng dịch vụ kiểm toán.

Như vậy, có thể nhận thấy rằng mặc dù các khái niệm với các từ ngữ khác nhau nhưng các khái niệm trên đều đề cập đến khoảng cách về sự nhận thức hoạt động thực tế của KTV và kỳ vọng mà KTV phải thực hiện; và tồn tại sự khác biệt về nhận thức giữa KTV, người sử dụng BCTC và xã hội.

Trên thực tế, lúc nào cũng có sự khác biệt về nhận thức giữa KTV và công ty kiểm toán thực hiện hoạt động kiểm toán, và sự nhận thức của những người sử dụng BCTC và xã hội đối với hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, khi hoạt động kiểm toán ngày càng trở nên phổ biến thì khoảng cách này lại có sự thu hẹp qua thời gian. Chính do xuất hiện khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán mà sự mâu thuẫn và hiểu lầm giữa KTV và Công ty kiểm toán, và những người sử dụng BCTC thường xuyên xảy ra. Sự xuất hiện khoảng cách kỳ vọng kiểm toán này, xét một cách khách quan, được hình thành từ cả phía KTV và Công ty kiểm toán; và chính từ phía những người sử dụng BCTC.

Nguyên nhân hình thành khoảng cách kỳ vọng kiểm toán

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hình thành khoảng cách kỳ vọng kiểm toán. Trong các nghiên cứu của Guy và Sullivan (1988), Godsel (1992), Monroe và Woodliff (1993) và các nghiên cứu khác khẳng định rằng sự hình thành khoảng cách kỳ vọng kiểm toán xuất phát phổ biến từ phía KTV và công ty kiểm toán và từ phía những người sử dụng BCTC.

Thứ nhất, từ phía KTV và công ty kiểm toán. Cụ thể, các dịch vụ kiểm toán do KTV và công ty kiểm toán cung cấp chưa thực sự hoàn hảo và chưa thỏa mãn nhu cầu và kỳ vọng của những người sử dụng BCTC. Dịch vụ kiểm toán chưa hoàn hảo có thể do:

- Năng lực nghề nghiệp của KTV thực hiện cuộc kiểm toán chưa cao do vậy chưa phát hiện được các sai phạm trọng yếu vẫn còn tồn tại trong BCTC đã được kiểm toán;

- Tính độc lập của KTV bị vi phạm như KTV chưa độc lập đầy đủ về quan hệ xã hội và quan hệ kinh tế với đơn vị được kiểm toán và chưa độc lập trong việc thu thập và đánh giá các bằng chứng kiểm toán;

- Không phải lúc nào KTV cũng kiểm tra 100% các nghiệp vụ kinh tế phát sinh cho nên hoạt động kiểm toán lúc nào cũng tồn tại rủi ro;

- Môi trường luật pháp về kiểm toán chưa thực sự đồng bộ và đầy đủ.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện các cuộc kiểm toán bao gồm cả cuộc kiểm toán BCTC, các KTV và Công ty kiểm toán chưa thông báo và giải thích hoặc có thông báo và giải thích không đầy đủ cho những người sử dụng BCTC như Ban Giám đốc công ty khách hàng và các bộ phận có liên quan trong đơn vị được kiểm toán như phòng Kế toán … về bản chất của cuộc kiểm toán. Cụ thể, người sử dụng BCTC vẫn chưa hiểu thấu đáo cơ sở tiến hành kiểm toán; đối tượng kiểm toán; phạm vi kiểm toán; ý kiến kiểm toán, mức trọng yếu, các loại rủi ro có liên quan …

Hơn nữa, ý kiến chấp nhận từng phần có ngoại trừ bị lạm dụng và được nhiều KTV và công ty kiểm toán đưa ra. Mục đích của việc đưa ra ý kiến này là để giảm thiểu trách nhiệm của KTV về BCTC đã được kiểm toán. Theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 700 và 705, ý kiến chấp nhận từng phần được được áp dụng trong trường hợp KTV kết luận là các sai sót, xét riêng lẻ hay tổng hợp lại, có ảnh hưởng trọng yếu nhưng không lan tỏa đối với BCTC; hoặc KTV không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán, nhưng KTV kết luận rằng những ảnh hưởng có thể có của các sai sót chưa được phát hiện (nếu có) có thể là trọng yếu nhưng không lan tỏa đối với BCTC.

Thứ hai, từ phía chính những người sử dụng BCTC. Vẫn còn nhiều quan niệm cho rằng (i) trách nhiệm của KTV là bảo đảm BCTC được kiểm toán là chính xác tuyệt đối và không có bất cứ sai sót nào tồn tại; và (ii) KTV cần phải kiểm tra 100% các nghiệp vụ kinh tế và phát hiện tất cả các sai sót và gian lận qua đó cảnh báo tất cả các rủi ro có thể xảy ra đến doanh nghiệp; và (iii) BCTC phải trình bày tất cả các thông tin có liên quan đến mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Nhiều người sử dụng BCTC cho rằng BCTC đã được kiểm toán là sự bảo đảm tuyệt đối các thông tin phản ánh trên BCTC của doanh nghiệp. Nhiều người sử dụng BCTC đã được kiểm toán cũng kỳ vọng rằng số liệu mà KTV xác nhận trên BCTC phải giống như số liệu mà các cơ quan khác thanh quyết toán BCTC của đơn vị như số liệu về thuế phải nộp, chi phí hợp lý hợp lệ … Cũng còn nhiều người sử dụng BCTC chưa phân biệt được sự khác biệt giữa loại ý kiến chấp nhận toàn phần và ý kiến không chấp nhận toàn phần (ý kiến ngoại trừ, ý kiến từ chối và ý kiến trái ngược). Do vậy, họ không quan tâm nhiều đến ý kiến KTV và khi quyết định kinh tế của họ có sai lầm thì dẫn đến mâu thuẫn và tranh chấp kiện tụng với KTV và công ty kiểm toán.

Quả thật, để thỏa mãn kỳ vọng của những người sử dụng BCTC theo quan điểm trên dường như là ảo tưởng và không thể thực hiện được đối với KTV và công ty kiểm toán. Sở dĩ, BCTC được lập dựa trên rất nhiều giả định mang tính chủ quan như giả định về tính liên tục hoạt động, lập BCTC trong nền kinh tế ổn định … và tồn tại nhiều ước tính kế toán có liên quan như dự phòng, chi phí phải trả … Do vậy, KTV không thể khẳng định tính chính xác tuyệt đối của BCTC. Hơn nữa, BCTC không thể trình bày được tất cả các thông tin liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp mà trên Thuyết minh BCTC chỉ trình bày các thông tin trọng yếu mà thôi. Ngoài ra, KTV không có trách nhiệm phát hiện tất cả các sai sót tồn tại trong BCTC của doanh nghiệp. Điều này là điều không thể đối với các KTV. KTV chỉ thực hiện cuộc kiểm toán dựa trên mức trọng yếu đã được xây dựng trong lập kế hoạch kiểm toán. Hơn nữa,

Các giải pháp nhằm giảm thiểu khoảng cách kỳ vọng kiểm toán

Khoảng cách kỳ vọng kiểm toán luôn tồn tại và tác động trực tiếp đến KTV, những người sử dụng BCTC và thậm chí tác động đến nền kinh tế. Do vậy, giảm thiểu sự cách biệt về khoảng cách kỳ vọng giữa các đối tượng này đã được bàn đến trong rất nhiều các nghiên cứu. Có một số các giải pháp được đưa ra dựa trên kết quả tổng hợp các nghiên cứu trước đây. Cụ thể:

Thứ nhất, nâng cao năng lực của KTV và công ty kiểm toán

- KTV cần tuân thủ yêu cầu về tính độc lập như không có ràng buộc trong việc tiếp cận tài liệu và thu thập thông tin; không bị chi phối về lợi ích khi thực hiện công việc kiểm toán; độc lập về quan hệ xã hội và độc lập trong việc thu thập và đưa ra ý kiến của mình. Bên cạnh đó, KTV phải có trình độ chuyên môn uyên thâm về tài chính, kế toán và kiểm toán, và nắm rõ các chính sách và chế độ tài chính kế toán. Ngoài ra, KTV cần nâng cao kỹ năng phục vụ nghề nghiệp như kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng thu thập thông tin, kỹ năng giải quyết vấn đề …

- Công ty kiểm toán cần công bố và giải trình rõ ràng hơn các bước công việc kiểm toán. Ngoài ra, công ty kiểm toán yêu cầu KTV nghiêm túc thực hiện đúng theo kế hoạch kiểm toán và thực hiện kiểm toán với thái độ thận trọng cao. Công ty kiểm toán cần tổ chức hướng dẫn, đào tạo và đào tạo lại chuyên môn nghiệp vụ tốt hơn cho các KTV. Các tiêu chuẩn đánh giá năng lực KTV cần được xây dựng và công bố mức trọng yếu qua Thư quản lý và kèm theo BCTC đã được kiểm toán.

- KTV cần thông báo và giải thích đầy đủ và chi tiết về bản chất cuộc kiểm toán BCTC như đối tượng, phương pháp, quy trình, trong yếu, rủi ro, ý kiến kiểm toán, cơ sở tiến hành kiểm toán ... để những người sử dụng BCTC như Ban Giám đốc, Bộ phận Kế toán và các Bộ phận có liên quan hiểu được hoạt động kiểm toán.

- KTV cần tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp và không được lạm dụng ý kiến chấp nhận từng phần đưa ra trong Báo cáo kiểm toán để tránh xảy ra những bất đồng với khách hàng.

Thứ hai, nâng cao nhận thức của những người sử dụng BCTC

Giáo dục nâng cao nhận thức của những người sử dụng BCTC sẽ giúp giảm bớt khoảng cách kỳ vọng kiểm toán. Cần nâng cao kiến thức của công chúng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các buổi họp báo, hội thảo phổ biến kiến thức kiểm toán qua đó tuyên truyền giải thích cho những người sử dụng các dịch vụ kiểm toán đặc biệt là dịch vụ kiểm toán BCTC; giải thích trách nhiệm của KTV và trách nhiệm của các nhà quản lý đối với BCTC của doanh nghiệp.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống luật pháp và chuẩn mực kiểm toán

Trong quá trình thực hiện kiểm toán và đưa ra ý kiến về BCTC của doanh nghiệp, KTV luôn phải tuân thủ theo luật định và chuẩn mực kiểm toán. Việc nghiên cứu và ban hành chuẩn mực kiểm toán rõ ràng và đầy đủ sẽ giúp cho KTV tránh được những nhầm lẫn trong việc tiếp nhận thông tin cũng như thực thi trong quá trình kiểm toán.

Tại Việt Nam, hệ thống chuẩn mực kiểm toán chưa thực sự đầy đủ cho nên gây khó khăn cho KTV và công ty kiểm toán trong việc thực hiện chức năng xác minh và bày tỏ ý kiến. Do vậy, việc ban hành đầy đủ khung pháp lý về kiểm toán phù hợp với thông lệ phổ biến của kiểm toán quốc tế là rất cần thiết. Chính vì vậy, hàng loại các chuẩn mực kiểm toán cần ban hành trong thời gian tới như chuẩn mực về Thông tin với những người có trách nhiệm của đơn vị; Thông báo sự hạn chế trong kiểm soát nội bộ đối với những người có trách nhiệm và Ban quản lý; Phản hồi của kiểm toán viên về rủi ro được đánh giá; Đánh giá về các sai phạm được nhận diện trong cuộc kiểm toán; Các xem xét đặc biệt – Kiểm toán báo cáo tài chính tập đoàn (bao gồm công việc của các kiểm toán viên bộ phận); Các xem xét đặc biệt – Kiểm toán các báo cáo tài chính được lập theo mục đích đặc biệt … Ngoài ra, chuẩn mực kiểm toán Việt Nam cần sửa đổi hàng năm cho phù hợp với chuẩn mực kiểm toán quốc tế và phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.

Ngoài ra, để giảm khoảng cách kỳ vọng kiểm toán thì Bộ Tài chính và tổ chức hiệp hội nghề nghiệp như Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cần kiểm tra kiếm soát thường xuyên về chất lượng hoạt động kiểm toán. Cần có chế tài cương quyết đối với các cuộc kiểm toán có chất lượng thấp và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để những người sử dụng BCTC biết được chất lượng thực sự từ phía các công ty kiểm toán. Bộ Tài chính và VACPA cần ban hành văn bản pháp lý tính điểm chất lượng hoạt động kiểm toán của các công ty kiểm toán.

Tóm lại, khoảng cách kỳ vọng kiểm toán luôn tồn tại sự khác biệt về nhận thức giữa KTV, các nhà đầu tư, ngân hàng, chuyên gia phân tích tài chính, các nhà quản lý doanh nghiệp … Trong những năm gần đây, hoạt động kiểm toán ngày càng trở nên quan trọng. Những người quan tâm ngày càng hiểu biết hơn và họ hy vọng KTV bảo vệ lợi ích cho họ và họ kỳ vọng BCTC được kiểm toán có chất lượng bởi lẽ KTV sẽ giúp họ đưa ra các quyết định kinh tế đúng đắn. Khoảng cách kỳ vọng kiểm toán giữa KTV và những người sử dụng BCTC vẫn sẽ là đề tài bàn luận tiếp theo và để giảm khoảng cách kỳ vọng này có thể được thực hiện thông qua việc nâng cao trách nhiệm của KTV, nâng cao nhận thức của những người sử dụng BCTC và ban hành các chuẩn mực mới.

TS. Trần Mạnh Dũng (CPA)
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Ths. Lại Thị Thu Thủy
Trường Đại học Thương Mại

Danh mục tài liệu tham khảo


1.     AICPA (1993). Professional Standards, American Institute of Certified Public Accountants. New York, USA.

2.     Cohen Commission (1978). Report of the Commission on Auditors’ Responsibilities; Conclusions and Recommendations, New York: American Institute of Certified Public Accountants.

3.     Guy DM, Sullivan J (1988). The Expectation Gap Auditing Standards, J. Account., 165: 36-46.

4.     Humphrey CG, Turley WS, Moizer P (1993). Protecting Against Detection: The Case of Auditors and Fraud. Account. Organ. Soc., 16 (4): 313-331.

5.     Humphrey CGCN (1991). Audit Expectations, in Current Issues in Auditing, London: Plu Chapma Publishing.

6.     Liggio CD (1974). The Expectation Gap: The Accountant’s Waterloo, J. Contemp. Bus., 3(3): 27-44.

7.     Monroe GS, Woodliff D (1993). The Effect of Education on the Audit Expectation Gap. Account. Finance, 33(1): 61-78.

8.     Percy L (2007). Fiffteen Years of Reformation What Next?, Manage. Audit. J., 22(2): 226-235.

9.     Trần Mạnh Dũng (2011). Ảnh hưởng của tính trọng yếu vào thực hành kế toán. Tạp chí kiểm toán. Số 2 (123). Tháng 2/2011. pp. 28-31.

10.  Swamy GH (2007). An Emperical Study of Corporate Audit Expectation Gap in Bangalore City, PhD Thesis, University of Myscore, India.

11.  Vinten G (2005). Audit Expectation – Performance Gap in the United Kinhdom in 1999 and Comparison with Gap in New Zealand in 1989-1999. Manage. Audit. J., 20: 5.


Source: Tạp chí Kế toán & Kiểm toán; số 5/2013 (116); tháng 5/2013

Hủy niêm yết vì kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến: 3 năm niêm yết buồn của NTB

Thị giá cổ phiếu rơi thảm từ hồi niêm yết, nhiều lần công ty vi phạm công bố thông tin...là những dấu mốc buồn cho 3 năm niêm yết của NTB.
Hủy niêm yết vì kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến: 3 năm niêm yết buồn của NTB
Hủy niêm yết vì kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến: 3 năm niêm yết buồn của NTB
Hôm nay, cổ phiếu NTB của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 sẽ chính thức hủy niêm yết bắt buộc, kết thúc hơn 3 năm gắn bó với HoSE.

Hoạt động kinh doanh chính của Công ty chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực là: kinh doanh bất động sản, xây lắp công trình dân dụng – thương mại, xây lắp các công trình giao thông và một sốhoạt động kinh doanh khác như sản xuất vật liệu xây dựng, cho thuê văn phòng, cung cấp dịch vụchung cư ...

Kết cục buồn cho cổ đông

Buồn nhất phải kể đến giá cổ phiếu rớt thảm thương. Nhiều năm ròng, cổ đông NTB không biết mùi vị của cổ tức bằng tiền. Đúng ra là có nhưng nó như miếng bánh vẽ trong bản cáo bạch treo trước mắt nhà đầu tư nhưng không với tới.

Thị giá thảm thương

3 năm niêm yết buồn của NTB (1)
Hình bên là biểu đồ giá của NTB từ khi niêm yết vào tháng 5 năm 2010. Từ mức giá chào sàn 37.000 đồng/CP, NTB đã giảm mạnh còn 2.500 đồng/CP kết thúc phiên giao dịch hôm qua, 22/7/2013.

Cổ tức bằng tiền không có

Từ khi niêm yết đến nay, NTB chưa từng trả cổ tức bằng tiền. Đúng một lần duy nhất vào tháng 6 năm 2012 công ty chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10,5%. Tuy nhiên, miếng bánh cổ tức này cũng khất từ cuối 2011 đến năm 2012 mới chốt quyền chi trả.

Bánh vẽ

Năm nào, ĐHCĐ của NTB cũng vẽ ra kế hoạch kinh doanh huy hoàng nhưng rồi 2011, 2012 đều gánh lỗ.

Năm 2010, bản cáo bạch lên sàn được NTB nộp lên HoSE. Như mọi doanh nghiệp mới niêm yết khác thời bấy giờ, NTB nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư khi nắm trong tay hàng loạt dự án bất động sản công ty đang hoặc phối hợp thực hiện tiêu biểu như: Khu căn hộ cao tầng Sacomreal-584; Khu dân cứ và căn hộ cao tầng 584 Tân Kiên; Khu căn hộ cao cấp Điện Biên Phủ; Khu dân cư-căn hộ cao tầng 584 Lilama plaza; Khu căn hộ cao tầng 584 Lilama SHB Building; Khu căn hộ cao tầng Lê Đức Thọ-584; Khu căn hộ cao tầng phường 16; Khu căn hộ cao cấp Thảo Điền; Dự án cao ốc khách sạn kết hợp Trung tâm Thương mại và Văn phòng cho thuê  tại 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh , Quận I, Tp. HCM; Khu căn hộ cao cấp Phường 13, quận Bình Thạnh; Dự án Khu căn hộ cao tầng Anpha ...

Cùng với hàng loạt dự án được nêu tên, NTB đã đưa ra kế hoạch kinh doanh cho các năm tiếp theo với tỷ lệ tăng trưởng phi mã. Bảng sau được dẫn nguồn từ bản cáo bạch niêm yết của NTB.

3 năm niêm yết buồn của NTB (2)
Trích kế hoạch kinh doanh trong bản cáo bạch chào sàn năm 2010

 
Thế nhưng, kết quả thực hiện qua các năm hoàn toàn khác. Năm 2010 công ty lãi gần 39 tỷ đồng. Sang năm 2011 công ty bắt đầu lỗ nhẹ 1,15 tỷ đồng và năm 2012 lỗ 67 tỷ đồng.

Từ khi niêm yết đến khi rời sàn, NTB lãnh án từ HoSE/UBCKNN không ít lần vì nghĩa vụ công bố thông tin. Nhìn lịch sử "lãnh án" của NTB có thể thấy: Thực chất, vấn đề công bố thông tin của NTB đã lộ diện từ lâu nhưng nhà đầu tư không hề nghĩ đến câu chuyện thảm thương về tài chính của đơn vị này:

-Ngày 22/6/2011 bị nhắc nhở lần 2 vì chậm nộp báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 năm 2011
-Ngày 24/2/2013, NTB bị cảnh cáo trên toàn thị trường. Lý do cũng là công bố thông tin.
-Ngày 13/4/2012, UBCK xử phạt vi phạm hành chính 70 triệu đồng do vi phạm quy định về chế độ báo cáo và công bố thông tin.
-24/8/2012 bị nhắc nhở vì chậm nộp báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2012
-5/2/2013: Bị nhắc nhở lần 2 vì chậm công bố báo cáo tài chính quý 4/2012.
-4/4/2013 Tổng giám đốc mua cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước giao dịch
-2/4/2013 bị nhắc nhở chậm nộp báo cáo kiểm toán 2012
-24/4/2013 bị nhắc nhở chậm nộp báo cáo thường niên
-NTB bị tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 07/05/2013 do thua lỗ 2 năm liên tiếp.
-NTB bị hủy niêm yết từ 23/7/2013

Lộ diện vấn đề từ kiểm toán 2012

Nếu xét trên vốn điều lệ gần 400 tỷ thì mức lỗ của NTB chưa hẳn đã khiến công ty lao đao nhưng ý kiến kiểm toán đã cho thấy hoạt động kinh doanh của NTB bộc lộ nhiều vấn đề. Một số điểm mấu chốt khiến kiểm toán hạn chế phạm vi kiểm toán phải nhắc đến như:

-Năm 2012 công ty ký hợp đồng xây dựng cao ốc thương mại-văn phòng tại 158 Võ Văn Tần với tổng trị giá 648 tỷ đồng. Công ty đồng thời ký hợp đồng với nhà thầu phụ để thực hiện dự án. Tại thời điểm kiểm toán, công trình gần như chưa triển khai nhưng công ty đã thanh toán 674,5 tỷ đồng, vượt giá trị đã ký với chủ đầu tư.

-Tại ngày 31/12/2012, một số khoản phải thu, phải trả và tiền gửi ngân hàng chưa được đối chiếu. Bằng thủ tục kiểm toán bổ sung và thay thế, kiểm toán cũng không có  những bằng chứng để đưa ra nhận xét về các khoản trên. Kiểm toán chưa thu thập được xác nhận từ các bên thứ 3 như sau: Tiền gửi ngân hàng 77,27%, tương đương 154 triệu đồng; tạm ứng 100% tương đương 34 tỷ đồng; phải thu khác 100% tương ứng 530 tỷ đồng; phải thu khách hàng 99,74% tương ứng 51 tỷ đồng; người mua trả tiền trước 100% tương ứng 343 tỷ đồng…
Đơn vị kiểm toán lưu ý thêm, tại thời điểm kết thúc năm 2012, một số dự án mang thế chấp tại ngân hàng nhưng công ty đang không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi theo cam kết tại hợp đồng tín dụng. Đến thời điểm khóa sổ các món vay thuộc dự án này đã quá hạn 246 tỷ đồng, việc các dự án này có bị giải chấp hay không sẽ phụ thuộc vào các tổ chức tín dụng.
Vậy là, nhìn lại 3 năm niêm yết của NTB có thể thấy: Nhà đầu tư sốc từ khi HoSE quyết định hủy niêm yết cổ phiếu NTB do BCTC kiểm toán năm 2012 đã lộ diện quá nhiều vấn đề về doanh nghiệp này. Lịch sử những lần bị nhắc nhở, cảnh cáo cho thấy công ty không ít lần vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin. Kết cục buồn cho cổ đông khi giá cổ phiếu chỉ còn vài nghìn đồng và giờ đây, khi bị hủy niêm yết cũng không biết quyền lợi sau đó là thế nào.

Nguyễn Thanh
Theo Trí Thức Trẻ

Popular Posts