Wednesday, 10 July 2013

Nhận diện công ty Holdings: Thách thức nhìn từ báo cáo tài chính

Ảnh minh họa
Xuất phát từ thực tế không muốn phô trương, các tập đoàn khi muốn sở hữu dự án thường thông qua nhiều hình thức và không "ra mặt".

Bảo Hân

Theo đà phát triển, quy mô của các doanh nghiệp sẽ tăng dần, hoạt động kinh tế, tài chính cũng sẽ đa dạng, phức tạp hơn nên cấu trúc của các công ty cũng thay đổi. Từ một vài công ty con, đến một nhóm công ty rồi cả hệ thống công ty liên quan, cấu trúc các công ty liên tục thay đổi và hiện nay, ngày càng có nhiều công ty mang mô hình holdings (công ty mẹ) xuất hiện trên thị trường.
Cũng chính vì vậy, việc có thể đánh giá tình hình hoạt động của các công ty có cấu trúc phức tạp nhìn chung là không đơn giản. Đối với một nhà đầu tư thông thường, nhận diện báo cáo tài chính vốn đã khó, nếu là báo cáo tài chính của một công ty holdings nào đó sẽ lại thêm nhiều thách thức.
Từ sở hữu chồng chéo
Xuất phát từ thực tế không muốn phô trương, các tập đoàn khi muốn sở hữu dự án thường thông qua nhiều hình thức và không "ra mặt". Chính vì lẽ đó, các tập đoàn thường lập ra nhiều công ty con với cơ chế sở hữu chồng chéo không rõ ràng.
Ví dụ tập đoàn H muốn sở hữu dự án R nhưng không thích phô trương. Tập đoàn H sẽ lập ra công ty con S1 và S2. Công ty S1 sở hữu 30% dự án R. Công ty S2 sở hữu 40% dự án R. Như vậy, về mặt hình thức, dự án R được sở hữu bởi nhiều cổ đông nhưng về mặt pháp lý, tập đoàn H đã sở hữu 70% dự án R - tức có quyền định đoạt toàn bộ dự án R. Đến đây, chúng ta có thể nhận thấy việc sở hữu chồng chéo như thế này bắt đầu gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc định giá doanh nghiệp.
Xét ở góc độ kế toán thì việc sở hữu như thế này sẽ bóp méo tình hình tài chính của tập đoàn H. Trường hợp tập đoàn H không thành lập 2 công ty con S1 và S2 thì sẽ nắm quyền kiểm soát dự án R, khi đó, những khoản nợ phát sinh từ dự án R sẽ do tập đoàn H gánh chịu và cổ đông chắc chắn hiểu được vấn đề này hơn.
Nhưng trong trường hợp tập đoàn H thành lập 2 công ty con S1 và S2, những khoản nợ phát sinh từ dự án R sẽ được phân bổ cho 2 công ty S1 và S2, và chắc chắn rằng S1 và S2 không gánh hoàn toàn những khoản nợ phát sinh từ dự án R.

Trường hợp 1, tập đoàn H phải ghi nhận các khoản nợ từ dự án R vào báo cáo tài chính hợp nhất. Như vậy, nếu dự án R không tốt như kỳ vọng thì tình hình tài chính của tập đoàn sẽ trở nên "bi đát" hơn và nếu muốn duy trì dự án R, H phải vay thêm nợ và điều này sẽ thể hiện trên báo cáo tài chính.
Tuy nhiên, H có thể "lách" bằng cách lập 2 công ty con để sở hữu dự án R và mỗi công ty đều sở hữu dưới 50%. Như vậy, về mặt kế toán, H không phải gánh chịu những khoản nợ phát sinh từ R. Điều này gây khó khăn cho kiểm toán viên khi muốn đưa ra bức tranh thật của doanh nghiệp cho người sử dụng báo cáo tài chính.
Xét cho cùng, cách "lách luật" này của tập đoàn H không sai về mặt nguyên lý kế toán, nhưng bản chất thì không thay đổi. Đứng ở góc độ kế toán, việc chuyển từ phương pháp hợp nhất báo cáo tài chính sang phương pháp vốn chủ sở hữu cũng gây không ít nhầm lẫn cho công tác kế toán trong doanh nghiệp.
Việc sở hữu chồng chéo còn gây khó khăn cho nhà đầu tư khi đánh giá thực trạng doanh nghiệp. Đối với những công ty con mà tập đoàn sở hữu chéo, nếu tập đoàn đã "cố tình" không công bố thông tin đầy đủ thì nhà đầu tư không thể đánh giá chính xác mức độ kiểm soát của công ty mẹ đối với từng công ty liên doanh, liên kết mà bản chất có thể là công ty con.
Đến thách thức kiểm soát nội bộ
Việc tập đoàn H sở hữu nhiều công ty con cũng dẫn đến việc không thể duy trì cơ chế kiểm soát nội bộ hiệu quả đối với từng công ty con. Điều này xuất phát từ yếu tố con người. Thành lập càng nhiều công ty con đồng nghĩa với việc phải tăng cường nguồn nhân lực tương ứng và phải duy trì được hệ thống kiểm soát nội bộ như ban đầu.
Đây là vấn đề không dễ thực hiện vì quy mô của công ty mẹ khác công ty con, yếu tố con người cũng không giống nhau. Ngoài ra, phân tán nguồn lực cũng khiến doanh nghiệp khó tập trung vào việc củng cố những quy chuẩn hiện hành đối với toàn bộ hệ thống.
Đứng ở góc độ kiểm toán, đối diện hệ thống kiểm soát nội bộ yếu kém thì kiểm toán viên phải thực hiện khối lượng công việc nhiều hơn vì không thể dựa vào hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp trong việc giảm thiểu rủi ro kiểm soát.
Đối với nhà đầu tư bên ngoài, hệ thống kiểm soát nội bộ không nói lên nhiều điều. Một phần vì nhà đầu tư không có đủ thông tin để đánh giá, và một phần vì việc đánh giá này không mang lại nhiều lợi ích do nhà đầu tư không thể lượng hóa những yếu kém hay những điểm mạnh của hệ thống kiểm soát nội bộ vào việc định giá công ty.
Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, dưới góc độ kế toán và kiểm toán, hệ thống kiểm soát nội bộ là cực kỳ quan trọng. Bất kỳ yếu kém nào trong hệ thống kiểm soát nội bộ cũng tạo gánh nặng lên công việc kế toán và kiểm toán.
Hiện nay, trên thị trường chứng khoán, chế độ công bố thông tin thường tập trung vào những thông tin tài chính, ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư. Vì vậy, những thông tin khác thường bị bỏ qua và thông tin về cấu trúc doanh nghiệp là một trong số thông tin bị bỏ qua đó.
Việc siết chặt thông tin này góp phần hạn chế cửa "bủa" của doanh nghiệp và góp phần làm cho công tác kế toán được minh bạch hơn. Đối với những khoản đầu tư mà bản chất là công ty con, chế độ công bố thông tin nên quy định rõ doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ thông tin về công ty con (đặc biệt là thông tin tài chính) cho nhà đầu tư. Như vậy, bức tranh tổng thể về các tập đoàn sẽ rõ ràng hơn và nhà đầu tư cũng yên tâm phần nào với các quyết định đầu tư của mình.
(Theo Thời báo kinh doanh)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts