Tuesday, 21 February 2012

Kiểm toán doanh nghiệp niêm yết: Những vấn đề của 2012

Từ ngày 1/1/2012, Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực. Để đảm bảo tính minh bạch trong BCTC của các DN, có nhiều công việc cần phải được thực hiện đối với cả cơ quan quản lý, công ty kiểm toán và DN. Để đảm bảo tính minh bạch trong BCTC của các DN, có nhiều công việc cần phải được thực hiện đối với cả cơ quan quản lý, công ty kiểm toán và DN.

ThS Nguyễn Thanh Tùng

Phó TGĐ Công ty Kiểm toán AASC

Thuận lợi

Từ ngày 1/1/2012, Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực, với quy định chặt chẽ hơn về điều kiện của kiểm toán viên (KTV) hành nghề, điều kiện thành lập và hoạt động của DN kiểm toán, từ đó cải thiện chất lượng dịch vụ kiểm toán.

Từ ngày 1/7/2011, quy chế về quản trị công ty và điều lệ mẫu được áp dụng cho tất cả các công ty đại chúng (CTĐC), thay vì chỉ áp dụng cho DN niêm yết như trước đó. Với việc áp dụng các quy định này, DN phải đáp ứng được những điều kiện chặt chẽ về mặt tài chính, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, cũng như cơ cấu tổ chức...

Trong khi đó, UBCK đã yêu cầu các DN niêm yết phải thực hiện soát xét BCTC bán niên. Đây là quy định phù hợp với thực tiễn, làm giảm áp lực về thời gian cho công ty kiểm toán (CTKT) vào cuối kỳ. Ngoài ra, các CTKT và KTV sau nhiều năm thực hiện dịch vụ kiểm toán cho các DN niêm yết, đặc biệt là năm 2011, đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm khi kiểm toán BCTC.

Khó khăn

Tuy nhiên, trong hoạt động kiểm toán, một số nghiệp vụ thực tế phát sinh, vướng mắc từ nhiều năm trước vẫn chưa được hướng dẫn như: trích lập dự phòng đối với cổ phiếu OTC trong trường hợp hầu như không có giao dịch; góp vốn bằng thương hiệu; ghi nhận lợi thế thương mại phát sinh từ các giao dịch nội bộ giữa các công ty chịu sự kiểm soát chi phối của công ty nắm quyền kiểm soát…

Hơn nữa, một số văn bản pháp luật đưa ra hướng dẫn chưa sát với tình hình thực tế, thậm chí trái với các văn bản đã ban hành, dẫn đến việc các DN có những cách hiểu và áp dụng không thống nhất đối với cùng một vấn đề. Điển hình là việc xử lý chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ.

Bên cạnh đó, tình trạng cạnh tranh bằng giá phí giữa các CTKT diễn ra ngày càng phổ biến, có thể dẫn đến nguy cơ KTV không thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán, làm hạn chế chất lượng kiểm toán.

Năm qua, hầu hết DN đối mặt với tình trạng doanh thu bán hàng giảm, hàng hóa chậm luân chuyển, trong khi lãi suất ngân hàng cao, chi phí đầu vào tăng, dẫn đến nhiều DN không hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Thậm chí, có DN thua lỗ nặng, khó có khả năng thanh toán. Điều này có thể dẫn đến việc DN có những gian lận để “làm đẹp” BCTC, nhằm đạt các mục đích khác nhau.

Rủi ro này ảnh hưởng đến các CTKT là cao, vì trong không ít trường hợp, dù KTV đã thực hiện đủ các thủ tục theo quy trình và chuẩn mực, nhưng vẫn không thể phát hiện được được hết các gian lận từ phía DN.

Chính bởi xác định rủi ro cao, áp lực lớn, nên đã có một số CTKT xin đăng ký để được UBCK chấp thuận kiểm toán DN niêm yết nhằm “làm đẹp” hồ sơ chào hàng, chứ thực tế không muốn tham gia kiểm toán các DN niêm yết.

Để đảm bảo tính minh bạch trong BCTC của DN niêm yết, CTĐC và quyền lợi của NĐT, Bộ Tài chính cần có quy định thống nhất trong việc xử lý chênh lệch tỷ giá, quy định về việc trích lập dự phòng đối với cổ phiếu OTC trong trường hợp hầu như không có giao dịch, góp vốn bằng thương hiệu, ghi nhận lợi thế thương mại phát sinh từ các giao dịch nội bộ giữa các công ty chịu sự kiểm soát chi phối của công ty nắm quyền kiểm soát… Ngoài ra, Bộ Tài chính cần đẩy nhanh việc sửa đổi hệ thống Chuẩn mực kế toán Việt Nam, dựa trên cơ sở chuẩn mực lập và trình bày BCTC quốc tế hiện hành.

Đối với UBCK, hàng năm, cơ quan này nên phối hợp với Vụ Chế độ kế toán kiểm toán (Bộ Tài chính), Hội Kiểm toán viên hành nghề tổ chức hội thảo để rút kinh nghiệm về những sai sót trong quá trình kiểm toán với các CTKT được UBCK chấp thuận. Đặc biệt, cần đưa ra ý kiến về xử lý các trường hợp chưa có quy định hoặc quy định không thống nhất giữa các văn bản pháp quy để các CTKT có hướng xử lý thống nhất.

Về phía DN, nên quyết định lựa chọn CTKT có uy tín, chất lượng để thực hiện kiểm toán BCTC, không nên đặt tiêu thức giá phí rẻ để lựa chọn CTKT. DN nên yêu cầu KTV phải giải trình trong ĐHCĐ về ý kiến ngoại trừ của KTV trong báo cáo kiểm toán. Mặt khác, chủ động phối hợp với KTV trong việc cung cấp hồ sơ, xử lý các vướng mắc và soát xét số liệu kế toán trước khi phát hành BCTC, để hạn chế sự khác biệt giữa BCTC trước kiểm toán và BCTC đã được kiểm toán.

(Theo ĐTCK)
Nguon: VACPA

No comments:

Post a Comment

Popular Posts