Friday 24 August 2012

Thông báo về kỳ thi kiểm toán viên và kỳ thi kế toán viên hành nghề năm 2012

BỘ TÀI CHÍNH

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG THI KIỂM TOÁN VIÊN

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

VÀ KẾ TOÁN VIÊN HÀNH NGHỀ

CẤP NHÀ NƯỚC NĂM 2012

Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 2012

Số: 01/TB-HĐT

THÔNG BÁO

Về kỳ thi kiểm toán viên và kỳ thi kế toán viên hành nghề năm 2012


Kính gửi: - Các Công ty kiểm toán và tư vấn tài chính kế toán

- ……………………………………………………

Thực hiện Thông tư số 129/2012/TT-BTC ngày 09/8/2012 của Bộ Tài chính Quy định về việc thi và cấp Chứng chỉ kiểm toán viên và Chứng chỉ hành nghề kế toán (dưới đây gọi tắt là Thông tư 129/2012/TT-BTC), Hội đồng thi kiểm toán viên và kế toán viên hành nghề cấp Nhà nước năm 2012 thông báo về kỳ thi kiểm toán viên, kế toán viên hành nghề và thi sát hạch đối với người có chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc chứng chỉ kiểm toán viên nước ngoài năm 2012, như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Việc thi của người dự thi lần đầu để lấy Chứng chỉ kiểm toán viên và Chứng chỉ hành nghề kế toán từ kỳ thi năm 2012 trở đi được thực hiện theo Thông tư số 129/2012/TT-BTC ngày 09/8/2012 của Bộ Tài chính Quy định về việc thi và cấp Chứng chỉ kiểm toán viên và Chứng chỉ hành nghề kế toán.

2. Việc thi nâng điểm, thi những chuyên đề chưa thi, thi lại những chuyên đề thi chưa đạt yêu cầu, xét điểm đạt, bảo lưu kết quả thi của những người đã dự thi để lấy Chứng chỉ kiểm toán viên và Chứng chỉ hành nghề kế toán từ kỳ thi năm 2011 trở về trước tiếp tục thực hiện theo quy chế thi ban hành theo Quyết định số 94/2007/QĐ-BTC ngày 16/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về Ban hành Quy chế thi và cấp Chứng chỉ kiểm toán viên và Chứng chỉ hành nghề kế toán và Thông tư số 171/2009/TT-BTC ngày 24/8/2009 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi và cấp chứng chỉ kiểm toán viên và Chứng chỉ hành nghề kế toán ban hành kèm theo Quyết định số 94/2007/QĐ-BTC ngày 16/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính đến hết 31/12/2013.

II. CÁC VẤN ĐỀ CỤ THỂ

1. THI KIỂM TOÁN VIÊN

1.1. Đối với người dự thi lần đầu:

1.1.1. Điều kiện dự thi

a) Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;

b) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán; hoặc có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác và có tổng số đơn vị học trình (hoặc tiết học) các môn học: Tài chính, Kế toán, Kiểm toán, Phân tích hoạt động tài chính, Thuế từ 7% trên tổng số học trình (hoặc tiết học) cả khóa học trở lên; hoặc có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác và có văn bằng, chứng chỉ hoàn thành các khoá học do Tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán cấp bảo đảm các quy định tại Điều 9 Thông tư 129/2012/TT-BTC.

Tổng số đơn vị học trình (hoặc tiết học) các môn học được hiểu là:

- Tổng số đơn vị học trình chỉ tính phần học lý thuyết và bài tập của các môn học, không tính số tiết quy đổi đơn vị học trình của báo cáo thực tập, báo cáo kiến tập, báo cáo thu hoạch của người học;

- Trường hợp bảng điểm học đại học của người đăng ký dự thi không ghi rõ số đơn vị học trình mà chỉ ghi số tiết học của các môn học thì tổng số tiết học của các môn học: Tài chính, Kế toán, Kiểm toán, Phân tích hoạt động tài chính, Thuế phải từ 7% tổng số tiết học của cả khóa học trở lên.

c) Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán từ 60 tháng trở lên tính từ tháng tốt nghiệp ghi trên quyết định tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học đến thời điểm đăng ký dự thi; hoặc thời gian thực tế làm trợ lý kiểm toán ở doanh nghiệp kiểm toán từ 48 tháng trở lên tính từ tháng ghi trên quyết định tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học đến thời điểm đăng ký dự thi;

d) Nộp đầy đủ, đúng mẫu hồ sơ dự thi và lệ phí thi theo quy định.

1.1.2. Môn thi, thời gian thi và hình thức thi:

Thi 7 môn, gồm:

+ 06 môn thi viết, thời gian thi 180 phút/ 1 môn, gồm:

(1) Pháp luật về kinh tế và Luật Doanh nghiệp

(2) Tài chính và quản lý tài chính nâng cao;

(3) Thuế và quản lý thuế nâng cao;

(4) Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao;

(5) Kiểm toán và dịch vụ đảm bảo nâng cao;

(6) Phân tích hoạt động tài chính nâng cao.

+ 01 môn Ngoại ngữ (trình độ C) của 01 trong 05 ngoại ngữ thông dụng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức: Thi viết trong thời gian 120 phút.

Lưu ý: Người đăng ký dự thi lần đầu năm 2012 có thể đăng ký dự thi cả 7 môn hoặc đăng ký dự thi tối thiểu 4 môn trong số 7 môn thi nói trên; các môn còn lại sẽ được đăng ký thi tiếp kỳ thi năm 2013 hoặc năm 2014.

1.1.3. Hồ sơ dự thi, gồm:

a) Phiếu đăng ký dự thi có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc của Ủy ban nhân dân địa phương nơi cư trú, có dán ảnh màu cỡ 3x4 mới chụp trong vòng 6 tháng và đóng dấu giáp lai kèm theo Giấy xác nhận về thời gian công tác thực tế làm tài chính, kế toán, kiểm toán có chữ ký của người đại diện theo pháp luật và đóng dấu xác nhận của cơ quan, đơn vị;

b) Bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu;

c) Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc Uỷ ban nhân dân địa phương nơi cư trú;

d) Bản sao văn bằng, chứng chỉ đối với người dự thi lấy Chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Thông tư 129/2012/TT-BTC, có xác nhận của tổ chức cấp hoặc cơ quan công chứng. Nếu là bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác thì phải nộp kèm theo bảng điểm có chứng thực ghi rõ số đơn vị học trình (hoặc tiết học) của tất cả các môn học. Trường hợp người dự thi nộp bằng thạc sỹ, tiến sỹ thì phải nộp kèm theo bảng điểm học thạc sỹ, tiến sỹ có ghi rõ ngành học có chứng thực;

đ) 3 ảnh màu cỡ 3x4 mới chụp trong vòng 6 tháng và 02 phong bì có dán tem và ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người nhận.

1.2. Người đã có chứng chỉ hành nghề kế toán do Bộ Tài chính cấp dự thi chuyển tiếp lấy chứng chỉ kiểm toán viên:

1.2.1. Điều kiện dự thi

- Có chứng chỉ hành nghề kế toán do Bộ Tài chính cấp.

1.2.2. Môn thi, thời gian thi và hình thức thi:

Thi 3 môn, gồm:

(1) Kiểm toán và dịch vụ đảm bảo nâng cao: Thi viết 180 phút;

(2) Phân tích hoạt động tài chính nâng cao: Thi viết 180 phút;

(3) Ngoại ngữ (trình độ C) của 01 trong 05 ngoại ngữ thông dụng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức: Thi viết 120 phút.

1.2.3. Hồ sơ dự thi, gồm:

a) Phiếu đăng ký dự thi có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc của Ủy ban nhân dân địa phương nơi cư trú, có dán ảnh màu 3x4 mới chụp trong vòng 6 tháng và đóng dấu giáp lai;

b) Bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu;

c) Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc Uỷ ban nhân dân địa phương nơi cư trú;

d) Bản sao có chứng thực Chứng chỉ hành nghề kế toán;

đ) 3 ảnh màu cỡ 3x4 mới chụp trong vòng 6 tháng và 02 phong bì có dán tem và ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người nhận.

1.3. Đối với những người thi lại chuyên đề thi chưa đạt yêu cầu hoặc thi các chuyên đề chưa thi hoặc thi nâng điểm:

1.3.1. Điều kiện dự thi

Người đã dự thi lấy chứng chỉ kiểm toán viên kỳ thi từ năm 2011 trở về trước, đang trong thời gian bảo lưu kết quả, muốn đăng ký thi lại chuyên đề thi chưa đạt yêu cầu hoặc thi các chuyên đề chưa thi hoặc thi nâng điểm phải có giấy chứng nhận điểm thi các kỳ thi trước do Hội đồng thi cấp. Các chuyên đề thi đạt yêu cầu của các kỳ thi trước chỉ được bảo lưu kết quả thi của kỳ thi năm 2010, năm 2011.

1.3.2. Các chuyên đề thi, thời gian thi và hình thức thi:

Tuỳ từng trường hợp, người dự thi đăng ký một hoặc nhiều chuyên đề thi trong 08 chuyên đề sau:

- 06 chuyên đề thi viết, thời gian thi 180 phút/ 1 chuyên đề, gồm:

(1) Pháp luật về kinh tế và Luật Doanh nghiệp;

(2) Tài chính và quản lý tài chính nâng cao;

(3) Thuế và quản lý thuế nâng cao;

(4) Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao;

(5) Kiểm toán và dịch vụ có đảm bảo nâng cao;

(6) Phân tích hoạt động tài chính nâng cao.

- 02 chuyên đề thi điều kiện: Đạt điểm 5/10 là đạt yêu cầu, không tính vào tổng số điểm, gồm:

(7) Tin học (trình độ B): Thi thực hành trên máy tính (máy tính xách tay hoặc máy tính để bàn) trong thời gian khoảng 30 phút;

(8) Ngoại ngữ (trình độ C): Thi viết trong thời gian 90 phút, thi vấn đáp trong thời gian khoảng 30 phút.

1.3.3. Hồ sơ dự thi, gồm:

a) Phiếu đăng ký dự thi có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc của Ủy ban nhân dân địa phương nơi cư trú, có dán ảnh màu 3x4 mới chụp trong vòng 6 tháng và đóng dấu giáp lai;

b) Bản sao Giấy chứng nhận điểm thi của các kỳ thi trước do Hội đồng thi thông báo;

c) 3 ảnh màu cỡ 3x4 mới chụp trong vòng 6 tháng và 02 phong bì có dán tem và ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người nhận.

1.4. Mẫu hồ sơ dự thi: Được đăng tải trên trang website của Bộ Tài chính ở địa chỉ www.mof.gov.vn.

1.5. Nơi nhận hồ sơ dự thi

a) Tại Hà Nội: Bộ Tài chính - 28 Trần Hưng Đạo - Hà Nội (Tầng 1); Điện thoại: 04.22202828 (số máy lẻ: chị Mai Thu Trang: 8627; chị Toán Thị Ngoan: 8635) hoặc Văn phòng Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam - Tầng 3 Tòa nhà Dự án - Số 4 Ngõ I Hàng Chuối - Hà Nội; Điện thoại: 04.39724334.

b) Tại TP. Hồ Chí Minh: Văn phòng Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (phía Nam) - Phòng 23 Lầu 1 Văn phòng Bộ Tài chính - 138 Nguyễn Thị Minh Khai - Quận 3 - TP. HCM; Điện thoại: 08.39306435.

2. THI KẾ TOÁN VIÊN HÀNH NGHỀ

2.1. Đối với người dự thi lần đầu:

2.1.1. Điều kiện dự thi

a) Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;

b) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành Tài chính, Kế toán, Kiểm toán;

c) Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán từ 60 tháng trở lên tính từ tháng tốt nghiệp ghi trên quyết định tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học đến thời điểm đăng ký dự thi;

d) Nộp đầy đủ, đúng mẫu hồ sơ dự thi và lệ phí thi theo quy định;

đ) Không thuộc các đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Luật kế toán.

2.1.2. Môn thi, thời gian thi và hình thức thi:

Thi 4 môn, thi viết, thời gian thi 180 phút/ 1 môn, gồm:

(1) Pháp luật về kinh tế và Luật Doanh nghiệp

(2) Tài chính và quản lý tài chính nâng cao;

(3) Thuế và quản lý thuế nâng cao;

(4) Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao;

Lưu ý: Người đăng ký dự thi lần đầu năm 2012 có thể đăng ký dự thi cả 4 môn hoặc đăng ký dự thi tối thiểu 2 môn trong số 4 môn thi nói trên; các môn còn lại sẽ được đăng ký thi tiếp kỳ thi năm 2013 hoặc năm 2014.

2.1.3. Hồ sơ dự thi, gồm:

a) Phiếu đăng ký dự thi có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc của Ủy ban nhân dân địa phương nơi cư trú, có dán ảnh màu cỡ 3x4 mới chụp trong vòng 6 tháng và đóng dấu giáp lai kèm theo Giấy xác nhận về thời gian công tác thực tế làm tài chính, kế toán, kiểm toán có chữ ký của người đại diện theo pháp luật và đóng dấu xác nhận của cơ quan, đơn vị;

b) Bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu;

c) Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc Uỷ ban nhân dân địa phương nơi cư trú;

d) Bản sao bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành Tài chính, Kế toán, Kiểm toán có xác nhận của tổ chức cấp hoặc cơ quan công chứng.

đ) 3 ảnh màu cỡ 3x4 mới chụp trong vòng 6 tháng và 02 phong bì có dán tem và ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người nhận.

2.2. Đối với những người thi lại chuyên đề thi chưa đạt yêu cầu hoặc thi các chuyên đề chưa thi hoặc thi nâng điểm:

2.2.1. Điều kiện dự thi

Người đã dự thi lấy chứng chỉ hành nghề kế toán kỳ thi từ năm 2011 trở về trước, đang trong thời gian bảo lưu kết quả, muốn đăng ký thi lại chuyên đề thi chưa đạt yêu cầu hoặc thi các chuyên đề chưa thi hoặc thi nâng điểm phải có giấy chứng nhận điểm thi các kỳ thi trước do Hội đồng thi cấp. Các chuyên đề thi đạt yêu cầu của các kỳ thi trước chỉ được bảo lưu kết quả thi của kỳ thi năm 2010, năm 2011.

2.2.2. Các chuyên đề thi, thời gian thi và hình thức thi:

Tuỳ từng trường hợp, người dự thi đăng ký một hoặc nhiều chuyên đề thi trong 05 chuyên đề sau:

- 04 chuyên đề thi viết, thời gian thi 180 phút/ 1 chuyên đề, gồm:

(1) Pháp luật về kinh tế và Luật Doanh nghiệp;

(2) Tài chính và quản lý tài chính nâng cao;

(3) Thuế và quản lý thuế nâng cao;

(4) Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao;

- 01 chuyên đề thi điều kiện: Đạt điểm 5/10 là đạt yêu cầu, không tính vào tổng số điểm, gồm:

(5) Tin học (trình độ B): Thi thực hành trên máy tính (máy tính xách tay hoặc máy tính để bàn) trong thời gian khoảng 30 phút.

2.2.3. Hồ sơ dự thi, gồm:

a) Phiếu đăng ký dự thi có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc của Ủy ban nhân dân địa phương nơi cư trú, có dán ảnh màu 3x4 mới chụp trong vòng 6 tháng và đóng dấu giáp lai;

b) Bản sao Giấy chứng nhận điểm thi của các kỳ thi trước do Hội đồng thi thông báo;

c) 3 ảnh màu cỡ 3x4 mới chụp trong vòng 6 tháng và 02 phong bì có dán tem và ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người nhận.

2.3. Mẫu hồ sơ dự thi: Được đăng tải trên website của Bộ Tài chính ở địa chỉ www.mof.gov.vn.

2.4. Nơi nhận hồ sơ dự thi

a) Tại Hà Nội: Bộ Tài chính - 28 Trần Hưng Đạo - Hà Nội (Tầng 1); Điện thoại: 04.22202828 (số máy lẻ: chị Mai Thu Trang: 8627; chị Toán Thị Ngoan: 8635) hoặc Văn phòng Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam - Số 192 đường Giải Phóng - Quận Thanh Xuân - Hà Nội; Điện thoại 04.38688277.

b) Tại TP. Hồ Chí Minh: Văn phòng Hội Kế toán TP. HCM - 142 Nguyễn Thị Minh Khai - Quận 3 - TP. HCM; Điện thoại: 08.39303908.

3. THI SÁT HẠCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CHỨNG CHỈ CHUYÊN GIA KẾ TOÁN HOẶC CHỨNG CHỈ KIỂM TOÁN VIÊN NƯỚC NGOÀI

3.1. Điều kiện dự thi:

1. Những người có chứng chỉ ACCA, CPA Australia hoặc có chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc chứng chỉ kiểm toán viên của các tổ chức nghề nghiệp nước ngoài được Bộ Tài chính Việt Nam thừa nhận, muốn được cấp Chứng chỉ kiểm toán viên hoặc Chứng chỉ hành nghề kế toán của Việt Nam phải dự thi sát hạch kiến thức về luật pháp Việt Nam.

Trường hợp tổ chức cấp chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc chứng chỉ kiểm toán viên là cơ quan nhà nước có thẩm quyền (không phải là tổ chức nghề nghiệp) thì người dự thi phải là hội viên chính thức của tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán và tổ chức nghề nghiệp đó phải là thành viên của Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC). Nội dung học và thi để lấy chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc chứng chỉ kiểm toán viên phải tương đương hoặc cao hơn nội dung học và thi theo quy định tại Điều 6 của Thông tư 129/2012/TT-BTC.

2. Tổ chức nghề nghiệp nước ngoài được Bộ Tài chính Việt Nam thừa nhận phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là thành viên của Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC);

b) Có nội dung học và thi lấy chứng chỉ kiểm toán viên và chứng chỉ hành nghề kế toán tương đương hoặc cao hơn nội dung học và thi theo quy định tại Điều 6 Thông tư 129/2012/TT-BTC.

3.2. Nội dung và cách thức thi sát hạch:

3.2.1. Nội dung kỳ thi sát hạch để cấp Chứng chỉ kiểm toán viên gồm các phần:

(1) Pháp luật về kinh tế và Luật doanh nghiệp;

(2) Tài chính và quản lý tài chính;

(3) Thuế và quản lý thuế;

(4) Kế toán tài chính, kế toán quản trị;

(5) Kiểm toán và dịch vụ bảo đảm.

3.1.2. Nội dung kỳ thi sát hạch để cấp Chứng chỉ hành nghề kế toán gồm các phần:

(1) Pháp luật về kinh tế và Luật doanh nghiệp;

(2) Tài chính và quản lý tài chính;

(3) Thuế và quản lý thuế;

(4) Kế toán tài chính, kế toán quản trị;

3.1.3. Người có đủ điều kiện dự thi, đã tham dự và đạt yêu cầu các kỳ thi phối hợp (bao gồm 2 môn thi Luật và Thuế Việt Nam) giữa Bộ Tài chính Việt Nam với ACCA thì được miễn thi phần (1) Pháp luật về kinh tế và Luật doanh nghiệp và phần (3) Thuế và quản lý thuế.

3.1.4. Nội dung, yêu cầu từng phần thi sát hạch quy định tại Phụ lục số 01 Thông tư 129/2012/TT-BTC.

3.3. Ngôn ngữ: Ngôn ngữ sử dụng trong kỳ thi là tiếng Việt.

3.4. Thời gian thi:

Thời gian thi là 180 phút cho cả 5 phần thi. Người tham gia 4 phần thi thì thời gian thi là 145 phút. Người tham gia 3 phần thi thì thời gian thi là 110 phút.

3.5. Hồ sơ đăng ký dự thi gồm:

a) Phiếu đăng ký dự thi có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác, có dán ảnh màu 3x4 mới chụp trong vòng 6 tháng và đóng dấu giáp lai;

b) Bản sao, bản dịch ra tiếng Việt có chứng thực Chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên nước ngoài;

c) Tài liệu (bao gồm cả bản dịch ra tiếng Việt có chứng thực nếu tài liệu bằng tiếng nước ngoài) chứng minh người dự thi là hội viên chính thức của tổ chức nghề nghiệp;

d) 03 ảnh màu cỡ 3 x 4 chụp trong vòng 6 tháng và 02 phong bì có dán tem và ghi rõ họ, tên, địa chỉ người nhận;

đ) Bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu;

e) Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc Uỷ ban nhân dân địa phương nơi cư trú;

f) Tài liệu chứng minh có đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 10 đối với các tổ chức nghề nghiệp nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 10 Thông tư 129/2012/TT-BTC:

- Tài liệu chứng minh tổ chức nghề nghiệp đã cấp Chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên cho người dự thi là thành viên của Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC);

- Tài liệu trình bày về nội dung học và thi để lấy Chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên của tổ chức nghề nghiệp đã cấp chứng chỉ cho người dự thi;

g) Những người đã tham dự 2 môn thi (Luật và Thuế Việt Nam) theo chương trình thi phối hợp giữa Bộ Tài chính Việt Nam với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA), trong hồ sơ phải bổ sung thêm chứng nhận của ACCA là đã tham gia thi và đạt yêu cầu 2 môn thi trong kỳ thi phối hợp giữa Bộ Tài chính Việt Nam với ACCA.

3.6. Mẫu hồ sơ dự thi: Được đăng tải trên website của Bộ Tài chính ở địa chỉ www.mof.gov.vn.

3.7. Nơi nhận hồ sơ thi sát hạch:

a) Tại Hà Nội: Bộ Tài chính - 28 Trần Hưng Đạo - Hà Nội (Tầng 1); Điện thoại: 04.22202828 (số máy lẻ: chị Mai Thu Trang: 8627; chị Toán Thị Ngoan: 8635) hoặc Văn phòng Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam - Tầng 3 Tòa nhà Dự án - Số 4 Ngõ I Hàng Chuối - Hà Nội; Điện thoại: 04.39724334.

b) Tại TP. Hồ Chí Minh: Văn phòng Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (phía Nam) - Phòng 23 Lầu 1 Văn phòng Bộ Tài chính - 138 Nguyễn Thị Minh Khai - Quận 3 - TP. HCM; Điện thoại: 08.39306435.

III. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM THI; THỜI GIAN NHẬN HỒ SƠ; LỆ PHÍ DỰ THI

1. Thời gian thi dự kiến: Từ ngày 01/11/2012 đến 06/11/2012 (Nghỉ chủ nhật ngày 04/11/2012).

2. Địa điểm thi dự kiến: Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Thời gian thi, địa điểm thi, lịch thi chính thức; danh sách những người đủ điều kiện dự thi và danh sách những người không đủ điều kiện dự thi Hội đồng thi sẽ thông báo trước ngày 20/10/2012 trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (Lưu ý: Hội đồng thi sẽ không gửi thông báo trực tiếp cho từng thí sinh qua đường bưu điện)

3. Thời gian nhận hồ sơ: Từ ngày 27/8/2012 đến ngày 28/9/2012.

Mỗi người đăng ký dự thi nộp 01 bộ hồ sơ. Người dự thi chỉ được thi các môn thi (chuyên đề thi) đã đăng ký. Hồ sơ dự thi làm không theo mẫu quy định, không đầy đủ, lập không đúng theo Thông báo này, hồ sơ của người không đủ điều kiện dự thi hoặc chưa nộp lệ phí dự thi, hồ sơ nộp sau ngày 24/9/2012 sẽ không được chấp nhận. Hồ sơ đã nộp không trả lại người đăng ký dự thi.

4. Phí dự thi:

- Phí dự thi kiểm toán viên và kế toán viên hành nghề: Chỉ tính cho những môn thi (chuyên đề thi) đăng ký dự thi theo mức 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng)/1 môn thi (chuyên đề thi).

- Phí dự thi sát hạch đối với người có chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc chứng chỉ kiểm toán viên nước ngoài: 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng)/1 thí sinh.

Lệ phí dự thi phải nộp khi nộp hồ sơ dự thi. Lệ phí thi đã nộp không được hoàn lại trừ trường hợp người dự thi đã được Hội đồng thi thông báo không đủ điều kiện dự thi năm 2012.

Thông tin chi tiết về việc thi và cấp Chứng chỉ Kiểm toán viên và Chứng chỉ hành nghề kế toán đề nghị xem Thông tư số 129/2012/TT-BTC và bản tin trên website của Bộ Tài chính, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam./.

Nơi nhận:

TM. HỘI ĐỒNG THI

- Như trên;

KT. CHỦ TỊCH

- Lãnh đạo Bộ Tài chính (để báo cáo);

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC

- Kiểm toán Nhà nước;

- Các Tổng công ty 90, 91;

- Các thành viên Hội đồng thi;

- TW Hội Kế toán và Kiểm toán VN; Hội Kế toán TP. HCM (để thông báo công khai, đưa lên trang web và thực hiện theo uỷ quyền);

(Đã ký)

Hà Thị Ngọc Hà

(Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán

và Kiểm toán)

- Hội Kiểm toán viên hành nghề VN (để thông báo công khai, đưa lên trang web và thực hiện theo uỷ quyền);

- Thông báo tóm tắt trên Báo Nhân dân, Báo Sài Gòn Giải phóng, Báo Hà Nội mới;

- Cục Tin học và Thống kê Tài chính (để đưa lên website Bộ Tài chính);

- Lưu: VT, Vụ CĐKT, Hội đồng thi.

Tệp đính kèm: 0824 PL 1 - CDKT.DOC
Tệp đính kèm: 0824 PL 2 - CDKT.DOC
Tệp đính kèm: 0824 PL 3 - CDKT.DOC


Theo Botaichinh

Thursday 23 August 2012

HỘI THẢO 'VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC NGHỀ NGHIỆP VỀ KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN (PAOS)'

BÁO CÁO VỀ TINH HÌNH PHÁT TRIỂN VÀ VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC NGHỀ NGHIỆP KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN TRONG VIỆC DUY TRÌ VÀ PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN Ở VIỆT NAM

Ông Bùi Văn Mai

Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký

Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam

BBT: Ngày 16/8/2012, Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) phối hợp với Liên đoàn kế toán Châu Á Thái Bình Dương (CAPA) tổ chức Hội thảo về “Vai trò của tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán (PAOs)”. Ban Biên tập Web VACPA xin trích đăng lần lượt các bài tham luận trong buổi hội thảo này.

Ông Bùi Văn Mai
1. Tổng quan về sự phát triển của nghề nghiệp kế toán, kiểm toán tại Việt Nam

Công việc kế toán được thực hiện tại Việt Nam từ nhiều năm trước đây nhưng chỉ trở thành nghề nghiệp (dịch vụ) từ năm 1991 khi Bộ Tài chính Việt Nam thành lập hai công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán đầu tiên (VACO-Deloitte Việt Nam và AASC) và chính thức được luật hóa trong Luật kế toán năm 2003 và Nghị định về kiểm toán độc lập năm 1994 của Nhà nước.

Về cơ bản, hệ thống pháp luật về kế toán, kiểm toán của Việt Nam là khá hoàn chỉnh và phù hợp với thông lệ quốc tế và kinh tế thị trường, gồm Luật kế toán 2003, Luật kiểm toán độc lập 2011. Bộ Tài chính đã công bố 26 Chuẩn mực kế toán (VASs) phù hợp với Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASs); chế độ kế toán (tài liệu hướng dẫn áp dụng VASs) cho doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa; công bố 37 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (VSAs) phù hợp với Chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISAs) và Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán… Hệ thống văn bản pháp luật về kế toán, kiểm toán đã nâng cao vị thế của nghề nghiệp kế toán, kiểm toán độc lập của Việt Nam lên tầm cao mới, đặt cơ sở pháp lý bền vững cho sự phát triển của nghề nghiệp này trong hiện tại và tương lai.

Đến tháng 6/2012, Việt Nam có 152 công ty kiểm toán với 40 chi nhánh đang hoạt động (trong đó có Big 4 và 24 công ty là thành viên của các hãng kiểm toán quốc tế, 35 công ty lớn đủ điều kiện kiểm toán tổ chức niêm yết), có trên 10.000 người làm việc. Ngay từ khi thành lập, các công ty kiểm toán đều rất chú trọng đến việc tuyển chọn kiểm toán viên và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên. Từ tháng 10/1994 đến nay, Bộ Tài chính đã tổ chức 17 kỳ thi và cấp chứng kiểm toán viên (CPA Việt Nam)cho 2.500 người trong đó có 700 người đạt trình độ quốc tế, 1.500 người đang cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán và 1.000 người hoạt động trong các lĩnh vực khác. Người được cấp CPA Việt Nam phải có 4 năm thực tế làm kế toán, kiểm toán mới được ký báo cáo kiểm toán.

Người hành nghề kế toán, kiểm toán ở Việt Nam phải được cập nhật kiến thức bắt buộc tối thiểu 40 giờ/năm với các nội dung do Bộ Tài chính quy định. Bộ Tài chính đã giao cho Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) thực hiện công việc CNKT hàng năm cho kiểm toán viên.

Trong hơn 2 thập kỷ qua, nghề nghiệp kế toán, kiểm toán ở Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, với các loại dịch vụ: kế toán, kiểm toán, thuế, tư vấn tài chính, đầu tư, quản trị doanh nghiệp và các dịch vụ phi kiểm toán khác; với lượng khách hàng ngày càng đa dạng và mở rộng,gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức có lợi ích công chúng, doanh nghiệp nhà nước, công ty TNHH, cổ phần, tư nhân, dự án đầu tư, đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội, dự án quốc tế.

Trong thập kỷ qua, doanh thu từ dịch vụ kế toán, kiểm toán tăng trung bình trên 20% mỗi năm. Năm 2011, các doanh nghiệp kiểm toán cung cấp dịch vụ cho 32.000 khách hàng là các doanh nghiệp và tổ chức trong cả nước, doanh thu toàn ngành kiểm toán độc lập đạt 3.047 tỷ VNĐ (145.000.000 USD); kết quả kinh doanh (lãi sau thuế) là 71.844 tỷ đồng (tương đương 3.421.000 USD).

Sự phát triển của nghề nghiệp kế toán, kiểm toán tại Việt Nam đã góp phần gia tăng giá trị báo cáo tài chính, ổn định nền tài chính quốc gia, đẩy mạnh nền kinh tế thị trường Việt Nam phát triển.

2. Sự hình thành, phát triển và vai trò của các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán

Phù hợp với thông lệ quốc tế, Ngoài 2 hội nghề nghiệp chuyên nghiệp về kế toán, kiểm toán là Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA – thành lập năm 1994) và Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA – thành lập năm 2005), Việt Nam còn có một số hội nghề nghiệp liên quan tới ngành tài chính, kế toán, kiểm toán như Hội tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), Hiệp hội các nhà đầu tư chứng khoán (VASB).

Ngoài các tổ chức nghề nghiệp trong nước, các tổ chức nghề nghiệp quốc tế cũng đã có mặt tại Việt Nam. Năm 1996, Hiệp hội kế toán công chứng Anh (ACCA) là tổ chức đầu tiên vào Việt Nam để tổ chức đào tạo, thi và cấp chứng chỉ có giá trị quốc tế, sau đó là Hiệp hội kế toán công chứng Australia (CPA Australia) vào năm 2006. Các tổ chức nghề nghiệp quốc tế khác như ICPAS, ICAEW, ICAA, IIA, CIMA…cũng đã có các hoạt động tại Việt Nam. Sự xuất hiện và hoạt động của các hội nghề nghiệp quốc tế đã góp phần tích cực vào việc tăng cường nhân lực có chuyên môn cao cho các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, các trường Đại học và cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay Việt Nam có khoảng 700 người có chứng chỉ ACCA, CPA Australia, CPA Mỹ hoặc các chứng chỉ quốc tế khác. Đó là kết quả to lớn của sự lựa chọn và hợp tác quốc tế của kiểm toán độc lập Việt Nam với quốc tế.

3. Sự ra đời và phát triển của Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA)

Nhận thức được tầm quan trọng của hội nghề nghiệp về kiểm toán và sự cần thiết có một tổ chức quản lý trực tiếp kiểm toán viên hành nghề (CPA Việt Nam) khi hoạt động kiểm toán độc lập ngày càng phát triển mạnh và số lượng kiểm toán viên ngày càng tăng nhanh, ngày 15/4/2005, Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) được thành lập. VACPA tổ chức, hoạt động theo Điều lệ Hội được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt và chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. VACPA có một văn phòng trung ương duy nhất trực tiếp quản lý từng hội viên và một văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh để triển khai các hoạt động thuộc khu vực phía Nam. Phương châm hoạt động của VACPA là “Độc lập – Trung thực – Minh bạch”. Sau 7 năm hoạt động, VACPA đã triển khai thực hiện đầy đủ, toàn diện các chức năng, nhiệm vụ của Hội theo Điều lệ Hội và các công việc do Bộ Tài chính ủy quyền.

VACPA là thành viên của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), thành viên của Liên đoàn kế toán Châu Á Thái Bình Dương (CAPA) từ năm 2010 và mới trở thành thành viên của Ủy ban phát triển các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán (PAODC) thuộc CAPA từ năm 2012.


Hiện VACPA có trên 1.400 hội viên trên cả nước là những người có chứng chỉ kiểm toán viên (CPA Việt Nam) và chủ yếu đang hành nghề tại các công ty kiểm toán. VACPA đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển nghề nghiệp kế toán, kiểm toán tại Việt Nam, như sau:

· Hàng năm tổ chức từ 30 đến 40 khóa đào tạo, cập nhật kiến thức, hội thảo, tọa đàm cho 2000 kiểm toán viên và người quan tâm; trong đó đã phối hợp với WB, ACCA, CPA Australia, ICPAS, ICAEW, CIMA, Đại học Swinburne…và các trường đại học lớn trong nước cùng tổ chức;

· Thực hiện kiểm tra chất lượng dịch vụ từ 30 đến 40 công ty kiểm toán và 1/3 số hội viên trong 1 năm. Thông qua việc kiểm soát chất lượng, đã hỗ trợ rất hiệu quả việc tuân thủ chuẩn mực kế toán, kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho KTV, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời thực hiện xử lý sai phạm đối với hội viên hoặc báo cáo Bộ Tài chính xử lý các sai phạm của KTV;

· Thực hiện soạn thảo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam phù hợp với Chuẩn mực kiểm toán quốc tế theo ủy quyền của Bộ Tài chính để trình Bộ Tài chính ban hành;

· Cung cấp miễn phí dịch vụ tư vấn chuyên môn về kế toán, kiểm toán, thuế, tài chính…cho hội viên; xây dựng, đào tạo, phổ biến Chương trình kiểm toán mẫu và chương trình đào tạo thực hành kiểm toán và cung cấp các công cụ hỗ trợ, tài liệu hướng dẫn cho hội viên;

· Tham gia xây dựng Luật kiểm toán độc lập, chuẩn mực kế toán và các văn bản pháp luật trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và các lĩnh vực khác có liên quan;

· Mở rộng hoạt động đối ngoại, tuyên truyền quảng bá nghề nghiệp, hợp tác với nhiều tổ chức trong nước và quốc tế trong hoạt động nghề nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách có chuyên môn và kinh nghiệm hoạt động;

· Không ngừng củng cố tổ chức bộ máy, quản lý hoạt động; trong 3 năm qua đã được WB hỗ trợ VACPA 2 dự án, đã tăng cường năng lực hoạt động một cách đáng kể.

Để học tập các tổ chức quốc tế, VACPA đã ký Biên bản hợp tác với 5 tổ chức nghề nghiệp quốc tế như ACCA, CPA Australia, ICPAS, ICAEW, IMA, Đại học công nghệ Swinburne…và ký Biên bản hợp tác với một số cơ quan nhà nước (UBCKNN), các trường đại học tại Việt Nam. Việt Nam và ACCA, CPA Australia đã thỏa thuận về thừa nhận lẫn nhau bằng cách ACCA, CPA Australia được thi chuyển đổi lấy chứng chỉ CPA Việt Nam, và CPA Việt Nam được miễn từ 3 đến 7 môn khi thi ACCA, CPA Australia.

Với những gì đã làm được, VACPA đã và đang được cơ quan nhà nước, công chúng trong nước và tổ chức quốc tế thừa nhận là Hội nghề nghiệp chuyên nghiệp, độc lập, tự chủ, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp duy trì và phát triển nghề nghiệp kế toán, kiểm toán tại Việt Nam, góp phần ổn định nền tài chính và kinh tế thị trường.

4. Cơ hội phát triển nghề nghiệp và Hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán

Dịch vụ kế toán, kiểm toán đã được pháp luật và xã hội Việt Nam thừa nhận, doanh nghiệp, nhà đầu tư chấp nhận và ngày càng đề cao hơn vai trò của kiểm toán viên. Thị trường kiểm toán đã mở rộng, nhất là sau khi thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua hơn 10 năm phát triển.

Cơ quan nhà nước đã thừa nhận vai trò của Hội nghề nghiệp, đã chuyển giao một số chức năng quản lý nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cho Hội, đã công bố trong các văn bản pháp luật và tạo điều kiện cho Hội phát triển.

Luật kiểm toán độc lập tháng 3/2011 mở ra thời kỳ phát triển mới của nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Các văn bản hướng dẫn luật đang mở rộng đối tượng đủ điều kiện thi lấy chứng chỉ kiểm toán viên, tạo điều kiện tăng số lượng, nâng cao chất lượng kiểm toán viên, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của xã hội.

Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam sắp ban hành dựa trên hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế mới có hiệu lực từ 15/12/2009. VACPA đang xây dựng các tài liệu hướng dẫn chuẩn mực theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Đó là những cơ hội rất tốt cho sự phát triển nghề nghiệp và Hội nghề nghiệp kế toán và kiểm toán ở Việt Nam.

5. Thách thức đối với nghề nghiệp và Hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán

Số lượng kiểm toán viên hiện có còn thiếu và chất lượng hiện chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Chất lượng dịch vụ của các công ty kiểm toán nói chung ngày càng được cải thiện nhưng vẫn chưa đạt mong muốn và còn rất khó khăn để được khu vực và quốc tế thừa nhận. Hiện nay chất lượng nhân viên và chất lượng dịch vụ giữa các công ty kiểm toán còn chưa đồng đều. Quy mô các tổ chức kiểm toán độc lập ở Việt Nam còn nhỏ bé.

Cơ chế hành chính nhà nước còn khá mạnh, còn trực tiếp quản lý, chi phối nhiều hoạt động của kiểm toán viên và doanh nghiệp kế toán, kiểm toán và hoạt động của Hội nghề nghiệp, còn thiếu các quy định pháp luật về vai trò của tổ chức nghề nghiệp.

6. Mục tiêu và định hướng phát triển của VACPA đến năm 2020

Về hoạt động nghề nghiệp, định hướng phát triển chính là:

· Nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực (CPA Việt Nam);

· Xây dựng chuẩn mực chuyên môn về kế toán, kiểm toán và tham gia với cơ quan nhà nước xây dựng văn bản pháp luật phù hợp với thông lệ quốc tế tốt nhất và phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Soạn thảo các tài liệu hướng dẫn thực hành;

· Phát triển dịch vụ tư vấn và cung cấp công cụ hỗ trợ hội viên;

· Phát triển hoạt động kiểm soát chất lượng, tăng cường chất lượng dịch vụ của hội viên.

Về tổ chức, định hướng phát triển là:

· Hình thành bộ máy tổ chức có từ 30-50 người, có đủ năng lực, uy tín, ổn định với các cơ chế chính sách hoạt động đầy đủ, rõ ràng, phù hợp thông lệ quốc tế, bảo đảm phát triển vững bền; Tăng số lượng hội viên lên 4000-5000 người;

· Xây dựng Trung tâm nghiên cứu và tư vấn kiểm toán viên, với chương trình đào tạo rõ ràng; tiếp tục mở rộng nội dung và chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của Hội viên và xã hội;

· Thực hiện tốt hơn vai trò thành viên của CAPA, phấn đấu trở thành thành viên của IFAC; và

· Tự chủ về tài chính, có cơ sở vật chất phù hợp với quy mô phát triển và yêu cầu hoạt động.

7. Mong muốn hỗ trợ từ CAPA/IFAC

· Tác động làm thay đổi nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và xã hội để giúp các Hội nghề nghiệp ở Việt Nam nói chung và VACPA nói riêng tiếp cận với cộng đồng các tổ chức nghề nghiệp quốc tế rộng lớn hơn (gia nhập thành viên IFAC).

· Hỗ trợ tổ chức các hoạt động quốc tế về kế toán, kiểm toán tại Việt Nam.

· Giúp nâng cao năng lực hoạt động cho VACPA, giúp VACPA phát triển bền vững thông qua việc chia sẻ kiến thức kinh nghiệm, công cụ và hướng dẫn để hỗ trợ phát triển tổ chức, cung cấp thông tin quốc tế, hỗ trợ chuyên gia đào tạo, tư vấn, quảng bá nghề nghiệp và vai trò của tổ chức nghề nghiệp ở Việt Nam.

******

Thông qua hội thảo quốc tế này, chúng tôi mong muốn thông tin cho các bạn quốc tế hiểu biết về tình hình Việt Nam, mong muốn được nhận và học tập được kinh nghiệm của quốc tế và quốc gia bạn nhằm nâng cao nhận thức của đồng nghiệp và xã hội về vai trò của tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam, sớm góp phần ngày càng hiệu quả vào sự nghiệp công khai minh bạch nền tài chính, kinh tế Việt Nam.

(THeo VACPA)

Popular Posts