Monday, 20 August 2012

NÂNG CAO HIỆU QUẢ KIỂM TOÁN NỘI BỘ TRONG CÁC CÔNG TY TÀI CHÍNH


Hoạt động kinh doanh tài chính vốn dĩ đa dạng, phức tạp và tiềm ẩn rủi ro cao, các rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng nói chung và công ty tài chính nói riêng lại có khả năng tích lũy rất nhanh. Chính vì thế, hầu hết các tổ chức tín dụng đều xây dựng bộ phận kiểm toán nội bộ nhằm kiểm soát rủi ro.

ThS Đoàn Thị Thu Hà

Hiện cả nước có 17 công ty tài chính, phần lớn thuộc các tập đoàn kinh tế nhà nước như: Tổng công ty Tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam, Công ty cổ phần Tài chính Sông Đà, Công ty cổ phần Tài chính điện lực, Công ty cổ phần Tài chính xi măng, Công ty cổ phần Tài chính than khoáng sản Việt Nam. Theo đó, các công ty tài chính đều chú trọng kiểm toán nội bộ nhằm kiểm soát rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động theo định hướng đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ. Bộ phận kiểm toán nội bộ trong các công ty tài chính được tổ chức theo mô hình của “Quy chế kiểm toán nội bộ trong các tổ chức tín dụng” ban hành kèm theo Quyết định 37/2006/QĐ-NHNN do Thống đốc NHNN ký ngày 01/8/2006. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động kiểm toán nội bộ trong các công ty tài chính đã phát sinh nhiều bất cập:

Thứ nhất, theo quy chế chung đối với bộ phận kiểm toán nội bộ, việc xây dựng kế hoạch hoạt động mới chỉ dừng lại ở kế hoạch ngắn hạn hàng năm, do đó chưa xác định được định hướng phát triển của bộ phận kiểm toán nội bộ gắn với chiến lược của công ty tài chính trong dài hạn và trong từng giai đoạn cụ thể.

Thứ hai, việc đánh giá rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm toán thường chỉ dựa trên nhận định chủ quan và kinh nghiệm về các hoạt động có mức độ rủi ro cao để tập trung nguồn lực kiểm toán, chưa một công ty tài chính nào xây dựng được bản phân tích, đánh giá rủi ro trên toàn hệ thống.

Thứ ba, việc xây dựng định biên lao động cho bộ phận kiểm toán nội bộ nói chung và định biên cho từng chức danh nói riêng chủ yếu theo phương pháp ước lượng. Điều đó dẫn đến bộ máy kiểm toán nội bộ không đủ lực lượng kiểm toán viên để thực hiện các yêu cầu của HĐQT, và chưa bao quát được toàn bộ hoạt động của công ty tài chính.

Thứ tư, đa số các kiểm toán viên nội bộ đều chưa có các chứng chỉ nghề nghiệp, chưa được đào tạo chuyên sâu về kiểm toán nói chung và kiểm toán nội bộ nói riêng. Phần đông các kiểm toán viên là từ các ban nghiệp vụ chuyển lên, nên kinh nghiệm và kỹ năng kiểm toán còn hạn chế. Hơn nữa, hoạt động kiểm toán nội bộ thường diễn ra chậm hơn các hoạt động được kiểm toán khá lâu, do đó khả năng phát hiện sai sót cũng bị hạn chế còn khả năng ngăn chặn sai phạm là rất thấp.

Để đáp ứng được đòi hỏi cấp thiết của các công ty tài chính là tăng cường quản trị rủi ro, tăng sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả, bộ phận kiểm toán nội bộ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản. Trước hết, để đáp ứng được kỳ vọng của cổ đông, của HĐQT và Ban kiểm soát, bộ phận kiểm toán nội bộ cần phải xây dựng chiến lược phát triển của bộ phận mình phù hợp với chiến lược phát triển chung của cả công ty. Theo đó, cần xác định rõ lợi ích mà kiểm toán nội bộ mang lại cho công ty, giá trị gia tăng trong hiện tại và tương lai; những chiến thuật hoạt động để đạt tới mục tiêu cơ bản; xác định nhu cầu về vốn và nguồn nhân lực hiện tại và tương lai, các giả định và tiêu chuẩn cơ bản để so sánh kế hoạch với tình hình thực hiện; các tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng kiểm toán.

Tiếp đến, phải xây dựng kế hoạch về nhân sự phù hợp với chiến lược phát triển tổng thể của bộ phận kiểm toán nội bộ theo từng giai đoạn, từng thời kỳ. Sau đó phải xây dựng được định biên lao động cho bộ máy kiểm toán một cách khoa học. Định biên lao động sẽ dựa trên quy mô, địa bàn hoạt động, tính chất ngành nghề, loại hình sản phẩm, xây dựng định mức lao động chuẩn, từ đó sẽ xác định được số lượng kiểm toán viên theo địa bàn, chức danh và trình độ, lĩnh vực chuyên môn hóa. Việc tuyển dụng cần được mở rộng ra ngoài công ty tài chính đồng thời đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ hiện có, đảm bảo đủ trình độ và năng lực thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Bên cạnh vai trò là công cụ kiểm tra, giám sát của HĐQT và Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ cũng cần khẳng định vai trò là công cụ tư vấn, hỗ trợ cho việc thực hiện trách nhiệm của các nhà quản lý (Ban giám đốc). Thực hiện vai trò này, kiểm toán nội bộ cũng đồng thời thực hiện được chức năng tiền kiểm của mình. Để thực hiện dược vai trò tư vấn, kiểm toán nội bộ cần phân tích, đánh giá các quy trình, quy chế, đánh giá rủi ro tiềm ẩn, nhận diện những chốt kiểm soát yếu kém, khả năng xuất hiện sai phạm cao để đưa ra các ý kiến tư vấn điều chỉnh phù hợp, nhằm ngăn chặn các sai phạm từ xa. Bên cạnh đó, đối với các hợp đồng kinh tế, phương án kinh doanh chuẩn bị được thực hiện hoặc đang trong quá trình xây dựng đàm phán, kiểm toán nội bộ cũng nên có ý kiến nhận định rủi ro, đánh giá hiệu quả và đưa ra các kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả và đảm bảo an toàn cho công ty tài chính trong điều kiện phải đảm bảo các nguyên tắc độc lập, khách quan.

(theo tạp chí Thuế Nhà nước)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts