Monday 20 August 2012

Gian lận tài chính và trách nhiệm của kiểm toán viên

Chuyện giấu lãi, giấu lỗ của doanh nghiệp không còn xa lạ mặc dù có bàn tay của kiểm toán viên. Vậy trách nhiệm của kiểm toán đến mức nào hay chỉ là việc tư vấn cho DN đáp ứng các chuẩn mực, quy định hiện hành? Vấn đề nóng bỏng này cần được nghiên cứu và bàn thảo, giải quyết để tạo được niềm tin với người quan tâm. Bài báo trình bày những kết quả nghiên cứu bước đầu của tác giả nhằm góp phần giải quyết vấn đề này.

Nguyễn Thị Phương - Cao đẳng QTKD.

D

ấu hiệu của gian lận tài chính "Giấu lãi, giấu lỗ" là việc thiếu trung thực về kê khai tài chính của DN để trấn an cổ đông hay với mục đích trốn thuế hoặc thu hút nhà đầu tư v.v... Một trong những dấu hiệu rõ nét của việc gian lận tài chính thể hiện ở trước và sau thời gian ưu đãi thuế hay công bố báo cáo tài chính (BCTC). Trong thời điểm công bố BCTC hay trong thời kỳ ưu đãi thuế, BCTC thường thể hiện có lãi lớn. Tuy nhiên khi hết thời gian này, DN đột ngột thông báo thua lỗ. Điển hình là các DN FDI có dấu hiệu chuyển giá sang cho công ty mẹ tại nước ngoài: lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu nhưng lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh vẫn dương, đầu tư vẫn mở rộng v.v...

Hơn nữa, các khoản mục trên BCTC biến động bất thường cũng là những dấu hiệu nổi bật của thiếu trung thực trong kê khai tài chính. Thứ nhất, chi phí giá thành tăng đột biến do thay đổi phương pháp hạch toán hoặc lý do không thuyết phục. Tương tự, các chi phí quản lý, bán hàng tăng đột biến nếu DN không mở rộng kinh doanh, phát triển chi nhánh. Thứ hai, doanh thu tăng lên và tỷ suất lợi nhuận giảm đột ngột hơn cũng là biểu hiện đáng nghi ngờ. Như trường hợp của Công ty CP Vận tải biển Việt Nam VOSCO (VOS), lợi nhuận gộp hay lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính đều thua lỗ - 12 tỷ đồng. Công ty này chỉ thoát lỗ nhờ việc bán tàu biển, được hạch toán dưới dạng doanh thu khác 23 tỷ đồng. Do vậy, lợi nhuận thuần 6 tháng đầu năm 2011 của VOS vẫn lãi 7,5 tỷ đồng, quá thấp so với vốn điều lệ (1.400 tỷ đồng) của DN này. Con số lãi trên BCTC của VOS không thể thuyết phục cổ đông rằng tình hình tài chính Công ty vẫn xuôi chèo mát mái mà hoàn toàn ngược lại!

Trách nhiệm của KTV và của Công ty kiểm toán đến đâu?

KTV không chỉ có nghĩa vụ xác minh mà còn đóng vai trò tư vấn, giám sát DN tuân thủ các chuẩn mực tài chính, kế toán. Do vậy, khối lượng công việc của KTV rất lớn, đòi hỏi sự mẫn cán, tôn trọng nguyên tắc nghề nghiệp, đặc biệt là chuẩn mực đạo đức.

Hơn thế nữa, số lượng các công ty kiểm toán có hạn, chi phí kiểm toán ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán, bám sát được hoạt động của DN. Hạn chế lớn nhất trong trách nhiệm KTV là họ không thể tham gia vào mọi hoạt động của DN như kiểm soát, thu hồi nợ và đánh giá chất lượng tín dụng, các khoản phải thu v.v... Ví dụ như Công ty kiểm toán làm việc với các công ty đầu tư tài chính, ma trận danh mục đầu tư đòi hỏi sự am hiểu kỹ lưỡng vì dòng vốn chảy qua hai kênh trực tiếp lẫn gián tiếp (ủy thác, hợp tác kinh doanh) với bên thứ 3 nên việc giấu lãi, lỗ rất dễ dàng. Do đó, CTKT buộc các DN phải chấp nhận thay đổi lớn về kết quả tài chính sau kiểm toán hoặc đưa ra ý kiến ngoại trừ. Đối với các tổ chức hay tập đoàn lớn, báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ sẽ làm giảm mạnh mức độ minh bạch tài chính trong mắt cổ đông lớn, ảnh hưởng đến việc xếp hạng tín nhiệm trong mắt các ngân hàng thương mại. Do vậy, tôn trọng ý kiến của KTV sẽ giữ được vị thế tín nhiệm của tổ chức đó trên thị trường tài chính. Đơn cử như Tập đoàn Kinh Đô (KDC) hoàn toàn không trích dự phòng cho danh mục đầu tư chứng khoán trong năm 2008 theo BCTC do KDC tự lập. Trước khi lập BCKT, tập đoàn này đã phải nghiêm chỉnh thực hiện trích lập dự phòng, và tất nhiên việc sụt giảm lợi nhuận không thể tránh khỏi. Hay trường hợp của Quốc Cường Gia Lai (QCG), DN bất ngờ công bố lãi lớn sau khi công bố đợt phát hành 600 tỷ trái phiếu chuyển đổi năm 2010. BCTC sau soát xét cho thấy lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ tăng gấp 3,6 lần từ 13,4 tỷ đồng lên 61,4 tỷ đồng. Theo giải trình của QCG, doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính được điều chỉnh tăng 177 tỷ đồng. Theo yêu cầu của CTKT Ernst & Young, QCG đã ghi nhận thêm doanh thu bán một dự án bất động sản hơn 204 tỷ đồng nên dẫn đến sự thay đổi trên báo cáo soát xét. Tại thời điểm lập BCTC quý II/2010, việc chuyển giao tài sản của QCG đang diễn ra, nên công ty chưa ghi nhận lợi nhuận. Ví vụ này cho thấy trách nhiệm CTKT là điều chỉnh, hồi tố kịp thời những thay đổi quan trọng về tài chính trong giai đoạn lập BCTC để thông tin kịp thời cho cổ đông và cơ quan quản lý.

Thủ thuật lách kiểm toán

Trách nhiệm của kiểm toán phải đi đôi với kinh nghiệm, trình độ bắt mạch đúng bệnh của DN đang làm việc. Đối với các NHTM hay Công ty chứng khoán, họ có thể báo lãi với con số khủng hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở con số lãi mà chính là việc kiểm soát nợ xấu của các tổ chức tài chính này ra sao. Lãi ảo phát sinh từ việc hạch toán lãi của DN mà ém nhẹm đi các khoản dự phòng các khoản nợ khó thu hồi hay danh mục đầu tư thu lỗ. Nguồn thu nhập sinh lời lớn đối với các NHTM trong năm 2011 thu nhập lãi trên thị trường liên ngân hàng. Lãi suất vay qua đêm cao chót vót từ 25%-30% đã và đang khiến cho bên vay nợ là rơi vào tình trạng mất thanh khoản, sớm muộn phải sáp nhập theo chủ trương của NHNN (dự kiến số lượng từ 5 đến 8 NHTM trong năm 2012). Những khoản vay không được thẩm định kỹ càng là những quả bom nổ chậm cho chi phí rủi ro sau này. Không chỉ vậy, đối với danh mục đầu tư của NHTM, thủ thuật thường thấy là chuyển đầu tư ngắn hạn sang nắm giữ dài hạn (chứng khoán sẵn sàng để bán, nắm giữ tới khi đáo hạn) để tránh việc trích dự phòng, hay mập mờ trong thuyết minh BCTC. Trường hợp NHTM Sacombank nắm giữ khá nhiều trái phiếu của công ty con, Công ty chứng khoán Sacombank (SBS) mà không trích lập dự phòng, trong khi hoạt động SBS gặp nhiều khó khăn do nợ khó thu hồi khách hàng cá nhân. Trong thuyết minh BCTC của công ty con, Sacombank gánh chịu rủi ro kép do việc bơm vốn dưới hình thức mua trái phiếu của SBS.

Không chỉ riêng với NHTM, các CTCK cũng có vô số chiêu trò qua mắt được công ty kiểm toán. Đó là việc mua bán đảo nợ danh mục chứng khoán giải chấp, một thực tế diễn ra phổ biến tại CTCK. Xuất phát từ việc cho khách hàng cá nhân vay vốn mua chứng khoán, khi đến giới hạn ép buộc phải bán đi cắt lỗ và hoàn trả vốn cho CTCK, hình thức mua bán thỏa thuận sẽ được áp dụng từ tài khoản này sang tài khoản khác của khách hàng cá nhân. Thực chất, nợ của khách hàng cá nhân chưa được thu hồi mà chỉ đổi tên trên giấy. Dấu hiệu quan trọng các KTV có thể phát hiện là dòng tiền đột biến trong các hoạt động mua bán đảo nợ phát sinh ra. Ngoài ra, giao dịch chéo hay cổ đông nội bộ, cổ đông lớn như Chủ tịch HĐQT, Ban kiểm soát còn khá lỏng lẻo nên xảy ra hiện tượng rút ruột công ty. Không những vậy, CTCK lớn thuộc top 10 thị trường, việc mua bán để hạch toán lợi nhuận ảo diễn ra khá phổ biến dưới dạng hợp đồng tương lai (future con-tract) hay bán cho các nhân có liên quan tới nội bộ để phát sinh thu nhập. Sự nhập nhằng giữa công và tư trong CTCK vốn là điểm nhức nhối khi tài khoản tự doanh thường núp bong dưới tên cá nhân, do vậy, gian lận tài chính rất rễ xảy ra khi quyền rút tiền của tài khoản thuộc về cá nhân. Trường hợp mất thanh khoản như CTCK SME hay Hà Thành cũng không khó hiểu khi mô hình kiểm soát CTCK còn quá lỏng lẻo, CTKT không dễ dàng rà soát những kẽ hở cho đến khi sự việc được phơi bày ra ánh sáng. Cho dù DN có nhiều chiêu trò để lách kiểm toán, trách nhiệm KTV phải là sự chắc chắn về tính minh bạch tài chính của DN và cam kết đạo đức nghề nghiệp ở mức cao nhất./.

(Theo TC Kế toán và kiểm toán)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts