Sunday, 12 August 2012

10 dấu hiệu doanh nghiệp "làm xiếc" với báo cáo tài chính

Theo các chuyên gia tài chính, cũng như kinh nghiệm mà thị trường đã trải qua, nhà đầu tư cần cảnh giác với những số liệu có dấu hiệu bất thường.
10 dấu hiệu dưới đây rất có thể cho thấy doanh nghiệp đã sử dụng thủ thuật kế toán để thổi phồng lợi nhuận trong báo cáo tài chính (BCTC).

1.Lợi nhuận đánh bại thị trường. Nếu một doanh nghiệp bình thường hoạt động ở lĩnh vực có lợi suất thấp, mà duy trì được lợi nhuận khả quan, thậm chí vượt trội trong môi trường kinh doanh khó khăn, thì các con số ấn tượng cần được đem ra mổ xẻ.

2.Lợi nhuận ấn tượng nhưng không được đối thủ cùng ngành vị nể. Đây là trường hợp của Công ty cổ phần Dược phẩm Viễn Đông (mã DVD). Khi cổ phiếu này mới lên niêm yết, ít nhất 3 công ty chứng khoán (CTCK) lớn có báo cáo đánh giá hoạt động của DVD rất khả quan. Dựa trên thông tin DVD công bố, các công ty chứng khoán này tính toán EPS dự phóng của cổ phiếu DVD cao nhất nhì trong ngành.

Khi cổ phiếu DVD nhận được nhiều lời tán dương từ các chuyên viên phân tích, thì không ít doanh nghiệp cùng ngành dược lại không mấy xem trọng hoạt động kinh doanh của DVD. Thực tế cho thấy, DVD đã sụp đổ.

3. Lợi nhuận nhảy vọt so với cùng kỳ. Hai năm trước khi niêm yết, DVD chỉ đạt lợi nhuận lần lượt 18,5 tỷ đồng và 25,5 tỷ đồng, nhưng vào năm 2009, khi vừa niêm yết, lợi nhuận bất ngờ đạt 109 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận của DVD xuất phát từ hoạt động sản xuất - kinh doanh chính, chứ không phải từ các thu nhập bất thường như thanh lý tài sản, chuyển nhượng vốn. “Hiện tượng” DVD sau này được giải mã bằng hình thức ghi nhận “doanh thu ảo”.

4.Lợi nhuận ấn tượng công bố trước các đợt phát hành tham vọng. Trong quý III/2010, mặc dù thị trường chứng khoán suy giảm, đa phần CTCK thua lỗ, nhưng CTCK VNDirect (mã VND) công bố lãi 53 tỷ đồng. Thế nhưng, vào quý IV/2010, khi TTCK phục hồi, đa phần CTCK có lãi, thì VND lại công bố lỗ 117 tỷ đồng.

Lãnh đạo VND giải thích, thua lỗ có nguyên nhân khách quan là thị trường biến động, nhưng giới phân tích nhìn nhận, con số lợi nhuận khả quan trước đó của VND có thể được công bố để hỗ trợ cho đợt phát hành tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2010.

5. Lợi nhuận được tạo ra từ các giao dịch đáng ngờ. Tháng 7/2010, một doanh nghiệp ngành khí đốt đã triệu tập Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận tăng 2,5 lần so với con số được thông qua vài tháng trước đó tại ĐHCĐ thường niên. Khoản lợi nhuận tăng thêm này được tạo ra từ kinh doanh bất động sản, nhằm phục vụ cho mục đích tăng vốn.

Thực chất, khoản lợi nhuận này được tạo ra bằng một giao dịch chuyển nhượng khá đáng ngờ trong liên minh 3 bên đều liên quan đến chủ tịch Hội đồng quản trị.

6.Các con số lợi nhuận thay đổi chóng mặt. Vào đầu quý II năm nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco (mã DBC) gây chú ý khi ĐHCĐ vừa thông qua kế hoạch lợi nhuận 167 tỷ đồng năm 2012, thì hai ngày sau đó, Công ty công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2012 với 204 tỷ đồng lợi nhuận, gấp 4 lần con số lãnh đạo DBC công bố tại ĐHCĐ. Giải thích với báo giới và giải trình với cơ quan quản lý thị trường, ý kiến của lãnh đạo DBC tỏ ra không thống nhất về cách ghi nhận lợi nhuận từ việc chuyển nhượng dự án bất động sản.

7. Lợi nhuận gắn với các đợt thanh lý tài sản khả nghi. Các đợt thanh lý tài sản lớn có thể là biện pháp cứu vãn kết quả kinh doanh yếu kém của doanh nghiệp. Đặc biệt, nếu việc thanh lý diễn ra sát thời điểm kết thúc chu kỳ kế toán, thì gần như chắc chắn là doanh nghiệp có ý đồ.

Ví dụ, năm 2010, Công ty cổ phần Nước giải khát Sài Gòn (Tribeco, mã TRI) chuyển nhượng cổ phần tại Tribeco Bình Dương cho một cổ đông lớn là Uni- President vào đúng ngày 30/6. Động thái này giúp Tribeco lãi 44 tỷ đồng trong quý II/2010 và khiến cổ phiếu tăng giá mạnh. Tuy nhiên, đây là quý lãi duy nhất của Tribeco trong 13 quý liên tiếp.

8. Lợi nhuận cao đột biến rơi vào quý I và quý III. BCTC quý I và quý III không yêu cầu phải soát xét, nên các tiểu xảo kế toán nhiều khả năng được doanh nghiệp đem ra áp dụng nhiều nhất.

9.Thay đổi kế toán trưởng liên tục. Chưa kể những lần thay đổi người đại diện pháp luật và tổng giám đốc, trước khi kết thúc năm tài chính 2011, Công ty cổ phần Nhựa Tân Hóa (mã VKP) liên tục thay kế toán trưởng. Hai vị trí tổng giám đốc và kế toán trưởng có vai trò quan trọng đối với chất lượng BCTC của doanh nghiệp. Sự thay đổi đột ngột cả hai vị trí này trước thời điểm năm tài chính kết thúc có thể là một dấu hiệu không tốt, báo hiệu BCTC có thể bị can thiệp.

10. Doanh nghiệp có thể thay đổi lợi nhuận bằng cách thay đổi chính sách bán hàng, cho phép người mua trả chậm để tăng doanh thu. Một kỹ thuật khác là thay đổi các ước kế toán ghi nhận giá trị các hợp đồng tương lai về thời điểm hiện tại.
Theo ĐTCK

No comments:

Post a Comment

Popular Posts