Monday, 13 August 2012

KIỂM TOÁN CẦN “THEO” DỰ ÁN NGAY TỪ ĐẦU

Bà Hà Thị Thu Thanh
Bà Hà Thị Thu Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam chia sẻ với ĐTCK về những giải pháp phát huy vai trò của các chuyên gia tài chính trong tham gia giám sát việc sử dụng những nguồn lực khổng lồ đổ vào các dự án đầu tư công tại Việt Nam. Anh Việt thực hiện.

Là 1 trong 4 công ty kiểm toán và tư vấn hàng đầu – Big 4, lại có rất nhiều khách hàng là DNNN lớn, bà đánh giá thế nào về hiệu quả các dự án đầu tư công do DNNN đầu tư và vai trò của kiểm toán trong lĩnh vực này?

Với DNNN ở nước ta hiện nay, họ vừa đảm nhận chức năng đầu tư công, vừa có các hoạt động đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế như một DN kinh doanh bình thường. Do vậy, việc đánh giá hiệu quả đầu tư công qua các kênh DNNN cần làm rõ, tách bạch được và đánh giá được 2 chức năng này của DNNN.

Tại nhiều dự án của DNNN luôn gặp phải 2 vấn đề: Tính tuân thủ quá trình lập dự toán và triển khai dự án, tổng vốn ít nhưng đầu tư dàn trải. Tổng vốn đầu tư thì chung chung, nhưng trong đó có nhiều dự án khác nhau, có dự án đầu tư công, có dự án đầu tư theo chức năng kinh doanh của DN, dẫn đến DN bị lẫn lộn nguồn vốn, trong khi mục tiêu sử dụng dự án khác nhau. Hiện nay, kiểm toán chỉ hậu kiểm. Khi dự án làm xong, hoàn thành rồi thì kiểm toán (bao gồm cả Kiểm toán Nhà nước và kiểm toán độc lập) mới thực hiện công việc kiểm toán – tập trung vào xem xét tính tuân thủ của dự án, bao gồm tuân thủ qui trình đấu thầu, qui trình đầu tư, chi tiêu có đúng đối tượng, đúng mục đích không…

Để nâng cao hiệu quả đầu tư công, dưới góc độ một nhà kiểm toán, tôi thấy chăng nên cần bổ nhiệm kiểm toán ngay khi dự án bắt đầu triển khai. Tùy theo qui mô của dự án, bộ/ngành chủ quản, chủ đầu tư cần lập một ủy ban giám sát về vấn đề lập dự toán của các dự án đó ngay từ giai đoạn khởi đầu và có một ủy ban đánh giá tầm quốc gia đối với các dự án, chương trình, mục tiêu quốc gia.

Đầu tư công được thực hiện qua DNNN rất nhiều. Tuy nhiên, nếu như chúng ta chỉ thực hiện ở khâu “hậu kiểm”, rõ ràng kết quả kiểm toán chỉ mang tính chấp nhận và rất khó để thực hiện các kiến nghị mà kiểm toán đưa ra?

DNNN đã thuộc diện bắt buộc thực hiện kiểm toán độc lập đối với các báo cáo tài chính (BCTC) từ nhiều năm nay. Nếu DNNN có thực hiện đầu tư các dự án loại A thì cũng bắt buộc kiểm toán. Ngoại trừ vốn đầu tư được cấp cho các công trình trọng điểm/chương trình mục tiêu quốc gia, DNNN cơ bản chỉ dùng vốn chủ sở hữu, quỹ đầu tư phát triển của DN và vốn bảo lãnh của Chính phủ để đầu tư. Việt quyết toán từng công trình này được thực hiện riêng, nhưng nguồn vốn nhiều khi theo dõi chung, lẫn lộn trong nguồn vốn của DNNN. Khi thực hiện các dự án trong điểm, do Nhà nước chỉ định, thì DN được cấp vốn và quyết toán riêng theo dự án.

Riêng vốn công trình đầu tư trong DN dùng vốn ngân sách được cấp từ đầu (vỗn chủ sở hữu) thì nằm lẫn trong BCTC. Câu chuyện đặt ra là khó có thể tách bạch các dự án dùng vốn chung, nên khi kiểm toán đánh giá hiệu quả sẽ khó đưa ra số liệu tách bạch.

Gần đây, người ta cũng nghi nhờ đạo đức của kiểm toán viên trong nhiều vụ việc đổ bể ở các DN. Vai trò của kiểm toán ở đâu trong việc cảnh báo rủi ro cho nhà đầu tư và công chúng cũng như xã hội, thưa bà?

Những sai sót trong hệ thống kế toán, BCTC, kế toán nằm trong phạm vi công việc, soát xét của kiểm toán. Nhưng những gian lận thương mại trong quá trình kinh doanh được hợp thức hóa về thủ tục tài chính, thủ tục đầu tư thể hiện trên con số kế toán, bằng soát xét thông thường, các kiểm toán viên khó phát hiện được.

Công luận nhiều khi cứ nhìn gian lận trong BCTC, thua lỗ tiềm ẩn và cho rằng, kiểm toán cần có trách nhiệm. Điều này rất khó với kiểm toán viên. Họ thực hiện công việc kiểm toán bằng các kỹ thuật kiểm tra, soát xét trên hệ thông thông tin được khách hàng cung cấp, đó là hệ thống thông tin kế toán và các số liệu trình bày trên BCTC được lấy từ hệ thống kế toán. Hệ thống kinh doanh đằng sau nếu DN đưa vào gian lận mà những gian lận đó đã được hợp pháp hóa bằng các thủ tục, qui trình đầu tư, các thủ tục tài chính sẽ vượt tầm của kiểm toán độc lập. Bởi vậy mới có chuyển trách nhiệm lập BCTC là của DN, một khi có gian lận và DN cố tình giấu giếm thì kiểm toán viên rất khó can thiệp.

Với thời gian, tốc độ và số tiền đầu tư công giải ngân ước tính hơn 20.000 tỷ đồng/tháng từ nay đến cuối năm, theo bà phải làm thế nào để sau khi dự án kết thúc, việc kiểm toán không mang ý nghĩa hợp thức hóa những vấn đề đã rồi trong quá trình đầu tư?

Gốc của vấn đề các dự án đầu tư công là cơ chế điều hành theo ngân sách cứng, nhưng bản thân ngân sách của Việt Nam lại linh hoạt theo kiểu “ngân sách mềm”. Đầu năm, các dự án cầm chừng hoặc vay vốn để làm, cuối năm giải ngân ồ ạt.

Làm như thế, nhìn thấy ngay rằng, công trình bị đội chi phí do lãi vay… Nhiều dự án không có khả năng giải ngân, vay vốn, nhưng cuối năm lại ồ ạt giải ngân, nên chi tiêu không đúng mục đích, hoặc tạm dùng vốn sai mục đích, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Nói khác đi thì gốc của nó là đầu tư dàn trải. Kiểm toán vào cũng chỉ có thể bóc ra, đề nghị xem xét lại mà thôi.

Do vậy, kiểm toán nên được tham gia ngay từ quá trình lập dự toán và trong quá tình triển khai dự án, để xem việc tuân thủ chi tiêu đúng đối tượng, đúng công trình không. Đây là thông lệ mà các quốc gia phát triển đều thực hiện. Làm như vậy, sẽ tránh được tình trạng như hiện nay, chi sai rồi, kiểm toán có chỉ ra cũng đã muộn.

Theo ĐTCK-VACPA

No comments:

Post a Comment

Popular Posts