Monday 29 November 2010

Kinh tế Việt Nam là hiện tượng thần kỳ ở châu Á

Kinh tế Việt Nam là hiện tượng thần kỳ ở châu Á

Theo các chuyên gia Pháp, kinh tế Việt Nam là "hiện tượng phát triển thần kỳ ở châu Á," sau nhiều năm khó khăn do chiến tranh gây ra.


Cuối tuần qua, mạng tin Eurasia Review dẫn đánh giá của các chuyên gia Viện Nghiên cứu phát triển thuộc Đại học Tổng hợp Paris nhận định kinh tế Việt Nam là một "hiện tượng phát triển thần kỳ ở châu Á" sau nhiều năm khó khăn nghiêm trọng do chiến tranh gây ra.

Theo các nhà nghiên cứu Pháp, ngay từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tình trạng nghèo đói ở Việt Nam đã giảm bớt. Số dân sống dưới mức nghèo đói giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 14,5% trong năm 2008. Chỉ trong vòng 15 năm, đã có 25 triệu người dân Việt Nam thoát nghèo.

Năm 2008, tại các khu vực thành thị, chỉ có 3,5% số dân thuộc diện nghèo đói mặc dù giá sinh hoạt tiếp tục tăng. Tỷ lệ người giàu tăng mạnh do Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế đáng kể trong 20 năm qua và là một trong số các nước có mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới. Do đó, mới đây, Việt Nam đã được coi là "mấp mé" ở gần thứ hạng của khu vực các nước mới nổi.

Các chuyên gia nhận định Việt Nam đạt được thành công kinh tế như vậy là do nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là công cuộc đổi mới năm 1986 của Việt Nam đã đưa ra một định hướng đặc biệt: xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sau đó khu vực tư nhân năng động hình thành song song với khu vực kinh tế công. Việt Nam xác định động lực phát triển kinh tế trên cơ sở xuất khẩu và nhanh chóng tham gia nền kinh tế quốc tế. Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu dẫn đầu thế giới về càphê, hạt tiêu và đứng thứ hai về xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mỹ.

Ngoài ra, Việt Nam còn đóng vai trò tích cực trong các tổ chức quốc tế. Tháng 1/2007, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Sự bùng nổ kinh tế không phải luôn mang lại lợi ích cho mọi người dân Việt Nam. Để khắc phục sự bất bình đẳng giữa các vùng miền, Chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách chuyển ngân sách từ các khu vực giàu sang khu vực nghèo, các vùng sâu, vùng xa để phát triển cơ sở hạ tầng như giáo dục, y tế, điện, hệ thống giao thông, hệ thống cung cấp nước và thoát nước, cung cấp y tế và các loại dịch vụ xã hội khác.

Các chiến lược của Việt Nam dẫn đến sự cải thiện các chỉ số phát triển con người, đó là tỷ lệ trẻ em đến trường về cơ bản đạt 100%, tuổi thọ của nam giới tăng từ 63 tuổi năm 1990 lên 68 tuổi năm 2005 và tuổi thọ của nữ giới tăng từ 67 lên 73 tuổi. Việt Nam đang phấn đấu đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đúng thời hạn là vào năm 2015.

Tuy nhiên, để khắc phục nghèo đói, theo các chuyên gia Pháp, Việt Nam vẫn đang đứng trước một số thách thức cần giải quyết; trong đó những thách thức quan trọng nhất là phải giảm khu vực kinh tế không chính thức gồm những người bán hàng rong, các cửa hàng tư nhân trên đường phố, các dịch vụ trong nước...

Việt Nam hiện có trên 10 triệu người kinh doanh buôn bán nhỏ. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm mất một số lượng lớn việc làm và đã thúc đẩy khu vực kinh tế không chính thức tại Việt Nam. Khu vực này giải quyết 50% thị trường lao động và chiếm khoảng 20% GDP.

Eurasia Review kết luận để thu hẹp khu vực kinh tế không chính thức, Nhà nước nên tăng cường cung cấp các khoản vay hoặc đào tạo việc làm cho người nghèo và thành lập hệ thống an sinh xã hội cho người lao động thuộc khu vực này.

Theo TTXVN

Giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán

Giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán


Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 của Quốc hội, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng Dự án Luật Kiểm toán độc lập. Vấn đề này đã được thảo luận vào ngày 13/11 tại Quốc hội 12 kỳ họp thứ 8. Đến tháng 5/2011, Quốc hội sẽ thông qua và công bố Luật Kiểm toán độc lập.

TS Hà Thị Ngọc Hà - Phó Vụ trưởng

Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán,Bộ Tài chính

Q

ua tổng hợp cho thấy đại bộ phận các bộ, ngành các đại biểu tham gia hội thảo đều thống nhất với sự cần thiết và nội dung dự thảo luật. Tuy nhiên, việc xem xét Báo cáo kiểm toán có giá trị pháp lý hay không và Báo cáo kiểm toán có thể thay thế được kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan thanh tra, cơ quan thuế, cơ quan kiểm toán nhà nước hay không còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Có cần quy định rõ về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán ?

Trước hết, cần hiểu rõ thế nào là giá trị pháp lý của Báo cáo kiểm toán. Tôi cho rằng giá trị pháp lý là giá trị bắt buộc phải thực hiện, tức là đơn vị được kiểm toán bắt buộc phải tuân thủ và thực hiện các kết luận ghi trong báo cáo kiểm toán của kiểm toán viên hành nghề (sau đây gọi tắt là KTV). Điều đó là không đúng vì kiểm toán độc lập chỉ là dịch vụ tư vấn. Người được tư vấn không có trách nhiệm bắt buộc phải thực hiện ý kiến của người tư vấn. Để làm rõ giá trị của Báo cáo kiểm toán, trước hết chúng ta cần xem xét trách nhiệm đối với Báo cáo tài chính (BCTC), trách nhiệm đối với Báo cáo kiểm toán và nội dung, các loại ý kiến của KTV về BCTC theo thông lệ quốc tế và theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thứ nhất, trách nhiệm đối với BCTC và trách nhiệm đối với Báo cáo kiểm toán:

- Theo chuẩn mực kế toán quốc tế và theo quy định của Luật Kế toán VN thì người đại diện theo pháp luật của DN, tổ chức (đơn vị được kiểm toán) chịu trách nhiệm lập và trình bày trung thực và hợp lý BCTC theo đúng tình hình tài sản và kết quả kinh doanh của đơn vị và đúng chuẩn mực, chế độ kế toán hiện hành. Trách nhiệm của KTV và DN kiểm toán (DNKT) là kiểm tra và xác nhận về sự trung thực và hợp lý của BCTC chứ không phải chịu trách nhiệm pháp lý về BCTC. Mục tiêu của kiểm toán BCTC là giúp cho KTV và DNKT đưa ra ý kiến xác nhận rằng BCTC có được lập trên cơ sở chuẩn mực, chế độ kế toán hiện hành, có phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu hay không ? Ý kiến của KTV đưa ra trong Báo cáo kiểm toán chỉ làm tăng sự tin cậy của các BCTC chứ không làm giảm nhẹ trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của đơn vị được kiểm toán đối với BCTC đã kiểm toán. Người sử dụng BCTC không thể cho rằng ý kiến của KTV là sự đảm bảo về khả năng tồn tại của đơn vị được kiểm toán trong tương lai cũng như hiệu quả và hiệu lực điều hành của bộ máy quản lý.

Quan hệ kiểm toán độc lập dựa trên hợp đồng dịch vụ mà DNKT đã ký với khách hàng. KTV và DNKT chịu trách nhiệm thực hiện dịch vụ kiểm toán theo các nguyên tắc hoạt động kiểm toán độc lập bao gồm: Tuân thủ pháp luật, chuẩn mực kiểm toán VN và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán; độc lập, trung thực, khách quan; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp.

Thứ hai, nội dung và các loại ý kiến của KTV về BCTC theo quy định của Chuẩn mực kiểm toán số 700- Báo cáo kiểm toán về BCTC

(1) Các loại ý kiến của KTV độc lập: Khác với ý kiến kết luận của các cơ quan kiểm toán nhà nước, hoặc cơ quan thuế, cơ quan thanh tra, căn cứ kết quả kiểm toán, KTV đưa ra một trong 4 loại ý kiến về BCTC như sau:

(a) Ý kiến chấp nhận toàn phần

(b) Ý kiến chấp nhận từng phần

(c) Ý kiến từ chối (hoặc ý kiến không thể đưa ra ý kiến)

(d) Ý kiến không chấp nhận (hoặc ý kiến trái ngược)

Ý kiến của KTV đưa ra trong Báo cáo kiểm toán chỉ làm tăng sự tin cậy của các BCTC và chỉ là ý kiến tư vấn mà không là kết luận của các cơ quan thanh tra, cơ quan thuế, cơ quan kiểm toán nhà nước nên không bắt buộc đơn vị được kiểm toán phải tuân thủ. Báo cáo kiểm toán không thể thay thế được kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và công việc của KTV không thể thay thế công việc của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này được giải thích rõ hơn vì ý kiến của KTV về BCTC không phải là sự đảm bảo tuyệt đối mà chỉ là sự đảm bảo rằng BCTC nếu có sai sót trọng yếu thì đã được KTV phát hiện và trình bày trong Báo cáo kiểm toán. Đảm bảo hợp lý là khái niệm liên quan đến việc thu thập bằng chứng kiểm toán cần thiết giúp KTV kết luận rằng BCTC không còn sai sót trọng yếu. Ý kiến của KTV chỉ là sự đảm bảo hợp lý vì: (i) Khả năng phát hiện ra sai sót trọng yếu của KTV bị giới hạn do những hạn chế tiềm tàng như: Sử dụng phương pháp kiểm toán chọn mẫu, những hạn chế tiềm tàng của hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ (như khả năng xảy ra thông đồng, giả mạo chứng từ ngay trong đơn vị được kiểm toán) và phần lớn các bằng chứng kiểm toán thường có tính xét đoán và thuyết phục nhiều hơn sự đảm bảo chắc chắn; (ii) Để đưa ra ý kiến kiểm toán, KTV chủ yếu phải dựa vào sự đánh giá, xét đoán riêng của mình, dựa trên các bằng chứng kiểm toán thu thập được.

Cần giải thích rõ về giá trị của báo cáo kiểm toán

Có nhiều ý kiến đề nghị giải thích rõ nếu báo cáo kiểm toán không có giá trị pháp lý thì có giá trị gì và có giá trị như thế nào để khẳng định vai trò quan trọng của ngành nghề này và Nhà nước mới phải ban hành Luật Kiểm toán độc lập để chi phối, điều chỉnh và quản lý hoạt động kiểm toán độc lập ? Đồng thời có ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm nghề nghiệp của KTV và DNKT để góp phần tăng cường giá trị kiểm toán.

Thứ nhất, về Báo cáo kiểm toán có giá trị thực tế cao hơn là có giá trị pháp lý: Kiểm toán là loại hình dịch vụ nên mục đích của nó là phải gia tăng giá trị cho người mua dịch vụ. Kiểm toán độc lập là hoạt động không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường của tất cả các quốc gia với vai trò quan trọng trong việc đảm bảo độ tin cậy của thông tin trong BCTC. Công việc của KTV sẽ cung cấp một cơ sở vững chắc cho các bên có liên quan để đi đến các kết luận và đưa ra các quyết định hợp lý, đúng đắn của chính họ về khả năng tồn tại và triển vọng tương lai của DN. Sản phẩm của kiểm toán độc lập là những thông tin kinh tế tài chính đã được các KTV có đủ năng lực và độc lập xác nhận về mức độ phù hợp với các chuẩn mực đã được thiết lập. Vì vậy, nó là căn cứ quan trọng cho cơ quan quản lý nhà nước đưa ra quyết định quản lý và các bên thứ ba như cổ đông, nhà đầu tư, ngân hàng... đưa ra các quyết định kinh tế.

Sự biến động kinh tế gần đây đã gây nhiều chú ý hơn về trách nhiệm của KTV cũng như DNKT và giá trị của kiểm toán đã thay đổi vì rủi ro thất bại của DN cao hơn và ảnh hưởng của các phán quyết được đưa ra dựa trên toàn bộ các thông tin về DN trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Để thỏa mãn nhu cầu của nhiều đối tượng sử dụng hơn, không chỉ dừng lại các nhà đầu tư như khách hàng, nhân viên, nhà cung cấp, cơ quan nhà nước... phạm vi và giá trị kiểm toán cần vượt lên trên sự trung thực và hợp lý của BCTC để đánh giá về quản lý rủi ro, quản trị DN và mô hình kinh doanh tổng thể, đặc biệt là khả năng tồn tại của DN trong các điều kiện khác nhau.

Thứ hai, về trách nhiệm nghề nghiệp của KTV và DNKT: Kiểm toán độc lập là một loại hình dịch vụ đặc biệt đòi hỏi các chủ thể kiểm toán phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định về nghề nghiệp. KTV và DNKT chịu trách nhiệm kiểm tra và đưa ra ý kiến của mình về BCTC. DNKT chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi trách nhiệm của mình với người sử dụng kết quả kiểm toán (về các thiệt hại xảy ra là do lỗi của KTV và DNKT do đưa ra ý kiến kiểm toán sai). Theo thông lệ của hầu hết các nước và theo quy định của pháp luật hiện hành về kiểm toán độc lập thì DNKT chỉ chịu trách nhiệm với người sử dụng kết quả kiểm toán khi người sử dụng kết quả kiểm toán chứng minh được rằng họ: (i) Có lợi ích liên quan trực tiếp tới kết quả kiểm toán của đơn vị được kiểm toán tại ngày ký báo cáo kiểm toán; (ii) Có hiểu biết một cách hợp lý về BCTC và cơ sở lập BCTC; (iii) Đã sử dụng một cách thận trọng thông tin trên BCTC đã kiểm toán.

Để làm rõ các vấn đề như đã nêu trên, Luật Kiểm toán độc lập cần quy định các nội dung liên quan đến mục đích, giá trị của báo cáo kiểm toán để thể hiện rõ giá trị và lợi ích của hoạt động kiểm toán độc lập. Đồng thời cần bổ sung thêm quy định các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền và cá nhân khác khi sử dụng báo cáo kiểm toán phải chịu trách nhiệm về quyết định sử dụng báo cáo kiểm toán của mình. Quy định này nhằm xác định rõ ràng trách nhiệm đối với việc sử dụng kết quả kiểm toán. Cụ thể, hoạt động kiểm toán độc lập góp phần công khai, minh bạch thông tin kinh tế tài chính của các DN, tổ chức; lành mạnh hóa môi trường đầu tư; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí; phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác quản lý và điều hành kinh tế, tài chính của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của DN, tổ chức.

Bên cạnh đó là giá trị của báo cáo kiểm toán. Kế thừa quy định của Nghị định 105/2004/NĐ-CP và phù hợp với thông lệ quốc tế, dự thảo Luật cần quy định: Báo cáo kiểm toán xác nhận tính trung thực, hợp lý của BCTC trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với quy định hiện hành về lập và trình bày BCTC; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tiền và tài sản của đơn vị được kiểm toán.

Báo cáo kiểm toán là một trong những tài liệu để: (a) Các cổ đông, các nhà đầu tư có quyền lợi trực tiếp với đơn vị được kiểm toán, các bên tham gia liên doanh, liên kết, các khách hàng và tổ chức, cá nhân khác xử lý các mối quan hệ về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan; (b) Cơ quan nhà nước và đơn vị cấp trên sử dụng cho quản lý, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao; (c) Giúp đơn vị được kiểm toán phát hiện, xử lý và ngăn ngừa kịp thời các sai sót, yếu kém trong hoạt động của đơn vị.

Trong bối cảnh các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới bị phá sản đã gây nên sự thiệt hại kinh tế nghiêm trọng đối với thị trường tài chính và nền kinh tế nói chung, những sự kiện gây xôn xao dư luận về các tập đoàn kinh tế lớn phá sản trong khi BCTC công khai có nhiều sai sót trọng yếu nhưng vẫn được KTV và DNKT xác nhận là trung thực và hợp lý càng khẳng định thêm về tình trạng khẩn cấp và yêu cầu phải tăng cường hơn nữa các quy định bổ sung cần thiết để tăng cường chất lượng dịch vụ kiểm toán và từ đó góp phần nâng cao giá trị của báo cáo kiểm toán. Do hoạt động kiểm toán có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước sử dụng báo cáo kiểm toán mà còn cả các tổ chức, DN và công chúng đầu tư. Việc ban hành khuôn khổ pháp lý cao, chặt chẽ sẽ tạo điều kiện cho công tác giám sát chất lượng, phòng ngừa những thiệt hại cho nền kinh tế cũng như cho các DN, các nhà đầu tư, đồng thời đây cũng là giải pháp quan trọng góp phần tăng cường công cụ quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh.

(Theo Báo DĐDN)

KPMG 'rinh' giải doanh nghiệp tư vấn thuế xuất sắc của năm

KPMG tại Vietnam được trao giải “Doanh nghiệp tư vấn thuế xuất sắc của năm tại Việt Nam” (“Vietnam Tax Firm of the Year”) tại Lễ trao các giải thưởng Doanh nghiệp tư vấn thuế xuất sắc tại châu Á năm 2010 của Tạp chí International Tax Review được tổ chức ngày 23 tháng 11 tại Fullerton, Singapore.
Hoạt động tư vấn thuế của KPMG đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. KPMG có trên 170 nhân viên chuyên nghiệp tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Trong thời gian qua, KPMG đã tạo dựng được uy tín lớn trên thị trường, đã và đang hỗ trợ nhiều công ty hàng đầu tại Việt Nam trong việc tuân thủ nghĩa vụ thuế của họ, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới mẻ như hoạt động chuyển giá, hay các lĩnh vực mang tính chuyên môn sâu như ngân hàng và tài chính.
Theo ông Warrick Cleine - Tổng Giám đốc phụ trách bộ phận Tư vấn thuế của KPMG tại Việt Nam: “Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục thu hút các nhà đầu tư mới, hoạt động sáp nhập và mua bán doanh nghiệp đang gia tăng, và các cơ quan thuế trở nên tinh thông và tập trung hơn trong hoạt động thu thuế, nhu cầu về dịch vụ chuyên môn của KPMG ngày càng cao hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường”.

Hệ thống giải thưởng Doanh nghiệp tư vấn thuế xuất sắc tại châu Á nằm trong một hệ thống các giải thưởng do nhóm biên tập viên của Tạp chí International Tax Review tại Luân Đôn sáng lập, với ý kiến đóng góp của các nhà điều hành thuế trong khu vực, công nhận các thông lệ kế toán và luật hàng đầu trong khu vực và được trao cho các doanh nghiệp chứng tỏ được sự xuất sắc, bao gồm hoạt động đổi mới và khả năng đương đầu với các vấn đề khó khăn và thế mạnh trong từng lĩnh vực.

Tạp chí International Tax Review được công nhận là một trong những ấn phẩm hàng đầu trên thế giới, chuyên cung cấp các tin tức quốc tế và thông tin cập nhật, các cuộc khảo sát và phỏng vấn với các giám đốc và quan chức phụ trách thuế hàng đầu thế giới.

(Theo DDDN)

Cậu nhóc bán báo rong hóa thân thành tỉ phú sòng bạc

Xuất thân từ một cậu bé bán báo rong, ông đã trở thành một trong những tỉ phú giàu nhất thế giới. Có thời điểm, với tổng tài sản 20,5 tỉ USD, Sheldon Adelson đứng thứ 3 trong số những người giàu nhất nước Mỹ, sau Bill Gates và Warren Buffett. Giới kinh doanh sòng bạc thế giới không ai không biết đến ông trùm Sheldon Adelson. Những câu chuyện về cách làm giàu của ông đều như một huyền thoại.

Xuất thân từ một cậu bé bán báo rong, ông đã trở thành một trong những tỉ phú giàu nhất thế giới. Đặc biệt trong hai năm gần đây, ông đã gia tăng tài sản của mình nhanh đến chóng mặt. Với tổng tài sản 20,5 tỉ USD, Sheldon Adelson đứng thứ 3 trong số những người giàu nhất nước Mỹ, sau Bill Gates và Warren Buffett.

Sheldon Adelson là ông trùm sòng bạc, nhưng cả một thời gian dài không ai biết ông có bao nhiêu tiền. Chỉ đến tháng 12/2004, khi Sheldon Adelson bán 10% cổ phiếu của tập đoàn Las Vegas Sands Corp., thu về gần 1,5 tỉ USD, người ta mới biết số tài sản khổng lồ của ông. Năm 2005, ông là người giàu thứ 15 thế giới, với 16,5 tỉ USD.

Không ai có tốc độ làm giàu nhanh như Sheldon Adelson, ông chủ của tập đoàn Las Vegas Sands, chuyên kinh doanh giải trí và sòng bạc. Mới đây giới truyền thông xôn xao khi đưa tin Eugene Isenberg của tập đoàn Nabor Industries, là vị CEO có mức lương cao nhất thế giới hiện nay với 71 triệu USD mỗi năm. Thế nhưng Sheldon Adelson hoàn toàn có thể cười khẩy về câu chuyện đó.

Lí do rất đơn giản là để làm ra số tiền này, Sheldon Adelson chỉ cần 3 ngày, không hơn. Hiện nay, mỗi ngày ông trùm sòng bạc Las Vegas thu về tổng cộng 23,6 triệu USD lợi nhuận, gần 1 triệu USD mỗi giờ.

Người ta cũng ước tính, nếu duy trì được tốc độ làm giàu kinh ngạc này, thì chưa đầy 10 năm nữa chính Sheldon Adelson chứ không phải là ai khác sẽ vượt Bill Gates để chiếm ngôi vị người giàu nhất hành tinh.

Cậu nhóc nhìn đâu cũng thấy tiền

Sheldon Adelson là người gốc Do Thái sinh sống tại Mỹ. Ông sinh tháng 8 /1933 tại khu phố Dorchester, thành phố Boston, Mỹ. Để thành đạt và trở thành một tỉ phú giàu có, ông đã phải bươn trải, kiếm sống bằng mọi nghề.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố làm nghề lái taxi, mẹ ở nhà dệt len, Sheldon Adelson vất vả từ bé. Hơn 10 tuổi, ông đã tự nuôi mình bằng thu nhập từ nghề bán báo rong. Những người dân ở khu phố nghèo Dorchester, Boston vẫn luôn nhớ hình ảnh cậu bé lanh lợi, bán báo mỗi ngày.

Sheldon Adelson học hành dang dở. Đã đăng ký học tại trường City College, nhưng vì kế sinh nhai, do ham kiếm tiền mà Sheldon Adelson thôi học giữa chừng. Ngoài một thời gian dài bán báo, Sheldon Adelson còn nhận làm đủ mọi nghề khác nhau để kiếm sống. Khi thì bán bánh kẹo, khi thì phát tờ rơi.

Sự nhanh nhẹn và khéo ăn nói còn đưa Sheldon Adelson đến với nghề quảng cáo và tiếp thị bán hàng. Sheldon Adelson không có bằng cấp gì nhưng kinh nghiệm đời thường của cuộc sống bươn trải đã đem lại cho ông những kiến thức kinh doanh vô cùng qui giá.

Sau thời gian đi nghĩa vụ quân sự, Sheldon Adelson lại quay về với nghề kinh doanh tự do. Ông chọn nghề môi giới tài chính, tín dụng và bảo hiểm là lĩnh vực mà ông ưa thích nhất. Cái nghề môi giới đã tạo cho ông nhiều mối quan hệ với nhiều người ở mọi lĩnh vực khác nhau. Sheldon Adelson đã nhận thấy cơ hội kinh doanh luôn có ở mọi nơi, mọi lúc.

Từ thực tế trên thương trường, Sheldon Adelson đã từng ví , cả cuộc đời săn lùng cơ hội kinh doanh của mình như người đợi xe buýt tại bến xe. Chẳng may lỡ chuyến buýt này thì chỉ vài phút sau lại có chuyến xe mới. Qua cách so sánh của Sheldon Adelson, người ta thấy ở ông sự khát khao kinh doanh và tự tin vào những cơ hội kinh doanh mới luôn xuất hiện.

Với triết lí kinh doanh và tham vọng mãnh liệt đó mà Sheldon Adelson nhìn đâu cũng thấy có thể kiếm được tiền. Ông có vô số ý tưởng kinh doanh, từ những điều bình thường nhất, cho đến những dự án khổng lồ.

Có lẽ bản thân ông cũng không nhớ hết mình đã thử sức với bao nhiêu dự án kinh doanh lớn nhỏ trong hơn 50 năm “chinh chiến” trên thương trường. Chỉ biết rằng những dự án sau càng qui mô hơn dự án trước và hứa hẹn đem lại những món lợi nhuận khổng lồ.

Ý tưởng đổi đời

Sheldon Adelson là người rất nhạy bén với các cơ hội kinh doanh tiềm năng. Vào cuối những năm 70 của thế kỷ XX, ông đã sớm nhận thấy xu hướng bùng nổ của công nghiệp máy tính cá nhân. Thế nhưng ông không phải là chuyên gia của lĩnh vực này, để có thể tham gia sản xuất hay kinh doanh máy tính.

Một ý tưởng bất ngờ đã đến với Sheldon Adelson. Ông quyết định làm dịch vụ hội chợ máy tính, khi biết rằng rất nhiều khách hàng có nhu cầu tìm hiểu và giới thiệu sản phẩm máy tính trên thị trường. Năm 1979, ông thành lập công ty Comdex chuyên tổ chức hội chợ máy tính.

Tại một vùng ngoại ô Las Vegas, Sheldon Adelson đã thuê mặt bằng để làm hội chợ. Không tốn quá nhiều tiền, Sheldon Adelson đã đầu tư nơi đây thành một khu hội chợ chuyên về các sản phẩm máy tính. Với những quan hệ rất rộng của một nhà môi giới sành sỏi, cộng với khả năng tổ chức rất tốt, ông đã thu hút được các đại gia máy tính khắp nơi tham dự hội chợ Comdex.

Máy tính bùng nổ và phát triển, cạnh tranh máy tính càng gay gắt, đã giúp cho kinh doanh hội chợ của Sheldon Adelson lên nhanh như diều gặp gió. Comdex trở thành nhà tổ chức hội chợ máy tính quốc tế có uy tín nhất thế giới. Mỗi lần hội chợ mở, có tới hàng trăm nghìn lượt người khắp nơi đổ về đây.

Sheldon Adelson đã thu bộn tiền, khi cho thuê mặt bằng hội chợ với giá 40 USD một mét vuông, trong khi ông trả cho chủ đất chỉ là 15 cent một mét vuông. Sau gần 20 năm hốt bạc từ kinh doanh hội chợ, năm 1997, ông đã bán lại Comdex cho tập đoàn Softbank của Nhật với giá 860 triệu USD.

Sau phi vụ này, Sheldon Adelson trở nên nổi danh với những giai thoại về một ông phù thuỷ kinh doanh. Lí do là Sheldon Adelson đã biết chọn thời điểm đàm phán và bán Comdex, khi công nghiệp máy tính lên tới tột đỉnh. Chỉ sau đó không lâu là thời kỳ xuống dốc không phanh và giá trị Comdex chỉ còn một phần nhỏ so với giá khổng lồ mà Sheldon Adelson đã tài tình bán được.

Sống và kinh doanh tại LasVegas, trung tâm sòng bạc và ăn chơi lớn nhất thế giới, Sheldon Adelson không thể bỏ qua các cơ hội kinh doanh mới. Từ năm 1984 ông đã xây dựng tổ hợp khách sạn Casino The Sands. Khách sạn này không chỉ đón khách hội chợ máy tính mà Sheldon Adelson còn tham vọng nhảy cả sang thị trường khách đến các sòng bạc ở Las Vegas.

Để khuếch trương tên tuổi Casino The Sands, Sheldon Adelson đã kỳ công và chịu tốn kém để mời được hai ca sĩ lừng danh lúc đó đến biểu diễn là Frank Sinatra và Rat Pack.

Cuộc chiến xây đế chế cờ bạc

Là người đến sau nhưng Sheldon Adelson dường như đã ngửi thấy ma lực hấp dẫn từ kinh doanh phục vụ sòng bạc. Sheldon Adelson quyết định dồn toàn lực để đầu tư và kinh doanh tại Las Vegas.

Tại thời điểm lúc bấy giờ, có thể nói rằng Sheldon Adelson đã rất liều lĩnh khi ngấm ngầm thách thức Steven Wynn, ông trùm chính thức của thủ đô sòng bạc Las Vegas hàng chục năm liền. Khi biết Sheldon Adelson nhảy vào đầu tư lớn trong lĩnh vực này, Steven Wynn đã hăm he đe doạ sẽ bóp chết các dự án của Sheldon Adelson.

Thế nhưng điều đó chỉ càng kích thích tham vọng khôn cùng của Sheldon Adelson, một người đã được biết đến nhiều bởi cái “máu lạnh” trong kinh doanh. Ông lạnh lùng chấp nhận cuộc chiến tay đôi với đối thủ cạnh trạnh bằng những dự án khổng lồ, ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.

Năm 1991, sau chuyến nghỉ tuần trăng mật với người vợ thứ hai Miriam tại Venedig (Italia), Sheldon Adelson có ý tưởng xây dựng một tổ hợp khách sạn Casino Venetian theo kiến trúc Venedig ngay tại Las Vegas. Hơn 1,4 tỉ USD đã được ông trùm mới nổi hào phóng bỏ ra, để có được một thành phố Venedig thu nhỏ ngay trong bang Nevada toàn sa mạc.

Sheldon Adelson cho xây dựng hơn 400 mét kênh đào nhân tạo chạy quanh khu tổ hợp khách sạn Casino Venetian được xây dựng nguy nga tráng lệ, toàn bộ ốp đá cẩm thạch. Tại đây có hơn 4.000 phòng khách sạn Suiten, 12 nhà hàng sang trọng và cả một khu phố mua sắm cao cấp. Khách đến sòng bạc có thể lựa chọn mọi hình thức chơi bạc tại 122 bàn chơi có người phục vụ hoặc tại 2.500 máy tự động.

Casino Venetian đã thực sự trở thành chốn ăn chơi hoành tráng nhất của thủ đô cờ bạc thế giới LasVegas. Và kể từ đó ông chủ Sheldon Adelson của Casino Venetian cũng đã chính thức qua mặt được đối thủ Steven Wynn không đội trời chung để trở thành ông trùm số 1 tại Las Vegas.

Tham vọng của Sheldon Adelson không dừng tại đó. Trước kia ông đã từng nói rằng mơ ước có ngày làm chủ cả hệ thống sòng bạc đầy tiềm năng và bí hiểm ở châu Á. Và giờ đây, khi đã ngoài 70 tuổi, Sheldon Adelson vẫn đang quyết liệt để thực hiện giấc mơ đó.

Năm 2002, ông đã chính thức đặt chân vào “mỏ vàng” Macao khi bỏ ra gần 300 triệu USD để xây dựng một Casino Sands theo kiểu Las Vegas. Tại đây những kẻ ăn chơi không cần đếm tiền, có thể chơi bạc, sử dụng mọi tiện nghi xa hoa nhất, dịch vụ xa xỉ nhất.

Thấy hết tiềm năng và lợi thế của Macao, thủ phủ sòng bạc châu Á, trong đầu Sheldon Adelson đã hình thành ngay một kế hoach đầu tư vĩ đại. Sheldon Adelson dự kiến sẽ bỏ khoảng 6 tỉ USD để biến Cotai, thuộc Macao thành một Las Vegas châu Á. Tại đây, Sheldon Adelson sẵn sàng bỏ ra 2 tỉ USD để có được một trung tâm Casino lớn nhất thế giới. Sheldon Adelson hoàn toàn tin tưởng rằng nơi đây sẽ trở thành thiên đường cờ bạc của những tay chơi sành điệu nhất thế giới.

Đây không chỉ là một phi vụ đầu tư vĩ đại mà còn là một canh bạc lớn của ông trùm Sheldon Adelson. Một lần nữa Sheldon Adelson lại thách thức “chiến đấu” với ông trùm người Hoa, Stanley Ho, người độc quyền thống trị hệ thống sòng bạc Macao từ hàng chục năm nay. Sheldon Adelson là ông chủ không chịu thất bại và không biết điểm dừng.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt ở Macao chưa kết thúc nhưng Sheldon Adelson đã lại có ngay những kế hoạch kinh doanh tiếp theo ở các nước châu Á khác như Singapore, Thái Lan, Indonesia. Những động thái nới lỏng qui định đầu tư vào sòng bạc ở các nước này, đều được Sheldon Adelson quan tâm và theo dõi chặt chẽ. Ông không bỏ lỡ những cơ hội kinh doanh khi nó đến với mình.


(Theo DDDN)

M&A bị trở ngại vì chuẩn mực kế toán Việt Nam

Bộ Tài chính đã ban hành lộ trình thực hiện các cam kết với Tổ chức Liên đoàn Kế toán quốc tế về việc áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam.

Theo đó, một số các nguyên tắc của IFRS đã được đưa vào chuẩn mực kế toán Việt Nam nhưng dự kiến phải đến năm 2020 IFRS mới có thể được hoàn thiện.


Theo nhận định của Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trong cuốn Sách Trắng 2011 vừa được công bố, các vấn đề chung theo chuẩn mực kế toán Việt Nam gồm khó khăn trong việc định giá lại tài sản cố định do không có một hệ thống định giá chính thức; thiếu sự tuân thủ các quy định kế toán về mức khấu hao.


Các vấn đề trên gây khó khăn cho việc đánh giá tình hình tài chính thực sự của doanh nghiệp dự kiến mua. Việc lưu trữ sổ sách còn bất cập và thực hành kế toán chưa hoàn chỉnh tại Việt Nam vì thế tiếp tục gây trở ngại cho các giao dịch mua bán sáp nhập (M&A).


EuroCham kiến nghị Bộ Tài chính xem xét và đẩy nhanh tiến trình đưa các nguyên tắc IFRS vào trong chuẩn mực kế toán Việt Nam.

Theo InfoTV
Nguyễn Tuân

Duy trì lãi suất cơ bản VND ở mức 9%/năm

picture

Nhiều ngân hàng thương mại đã nâng lãi suất này lên trên 13%/năm, một số thành viên có từ 13,2% - 13,85%, cá biệt cao nhất lên tới 14,5%/năm trên biểu niêm yết chính thức.

Ngày 29/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 2868/QĐ-NHNN về mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quy định mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9%/năm, áp dụng từ ngày 1/12 tới.

Như vậy, sau khi tăng từ 8%/năm lên 9%/năm, áp dụng từ ngày 5/11 vừa qua, mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam tiếp tục được giữ nguyên. Lãi suất tái chiết khấu hiện vẫn ở mức 7%/năm, lãi suất tái cấp vốn ở mức 9%/năm, sau lần điều chỉnh ngày 5/11.

Trên thị trường, lãi suất huy động VND từ ngày 5/11 đến nay có nhiều biến động. Nhiều ngân hàng thương mại đã nâng lãi suất này lên trên 13%/năm, một số thành viên có từ 13,2% - 13,85%, cá biệt cao nhất lên tới 14,5%/năm trên biểu niêm yết chính thức.

(Theo Vneconomy)

Hỗ trợ 13% lương để giáo viên mầm non đóng bảo hiểm xã hội


Theo Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về việc Quy định hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội đối với giáo viên mầm non đang được Bộ Giáo dục & Đào tạo soạn thảo, Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng quy định 3% của tiền lương tối thiểu để đóng bảo hiểm xã hội. Phần còn lại theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội do cá nhân giáo viên mầm non tự đóng.

Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ gồm cán bộ quản lý, giáo viên mầm non (sau đây gọi chung là giáo viên mầm non), công tác trong các cơ sở giáo dục mầm non (cơ sở giáo dục mầm non bao gồm: trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập thuộc các loại hình công lập, bán công, dân lập) đáp ứng đủ 4 điều kiện: Đạt trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non (có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm trở lên) theo quy định; Tham gia công tác trong các cơ sở giáo dục mầm non từ trước năm 1995, thời gian công tác thực tế trong các cơ sở giáo dục mầm non đủ 20 năm trở lên; Khi nghỉ việc có đủ điều kiện về tuổi đời theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 5 năm (từ 1 tháng đến 60 tháng) so với thời gian quy định tại Khoản 1, Điều 50 của Luật Bảo hiểm xã hội; Chưa nhận chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần, có nguyện vọng đóng tiếp bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Thời gian hỗ trợ cho mỗi giáo viên mầm non quy định từ 1 tháng đến 60 tháng (cho số tháng còn thiếu so với thời gian tối thiểu 20 năm) tham gia đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.

Khuyến khích các địa phương, cơ sở giáo dục mầm non hỗ trợ thêm kinh phí đóng bảo hiểm xã hội để giáo viên mầm non thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2, Điều 1 được tham gia đóng, hưởng bảo hiểm xã hội trên mức tiền lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định.

Kinh phí hỗ trợ được cấp một lần cho đối tượng hưởng tại thời điểm hết tuổi lao động. Đối với những người đã hết tuổi lao động trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực cấp vào năm tài chính 2011.

Tháng 6 hàng năm, cán bộ quản lý và giáo viên mầm non thuộc đối tượng được hưởng chính sách, hết tuổi lao động vào năm kế tiếp, làm đơn và hồ sơ theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi cơ sở giáo dục mầm non nơi đang công tác để tổng hợp gửi phòng giáo dục và đào tạo.

Hàng năm, cơ sở giáo dục mầm non sử dụng lao động có trách nhiệm lập danh sách các đối tượng được hưởng chính sách, kèm hồ sơ liên quan và dự toán kinh phí gửi phòng giáo dục và đào tạo thuộc quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh để tổng hợp, gửi cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định, làm căn cứ phân bổ kinh phí.

Phòng giáo dục và đào tạo thuộc quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh chịu trách nhiệm tiếp nhận, cấp kinh phí hỗ trợ cho đối tượng được hưởng, quản lý và quyết toán kinh phí hỗ trợ theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước; căn cứ số lượng đối tượng, xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ, tổng hợp chung trong dự toán chi ngân sách nhà nước của địa phương gửi Bộ Tài chính cùng thời gian báo cáo dự toán ngân sách Nhà nước năm kế hoạch.

Nguồn kinh phí thực hiện chi hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại dự thảo Quyết định được cân đối trong dự toán chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo hàng năm của các địa phương.

Ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương theo nguyên tắc: ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% nhu cầu kinh phí đối với các tỉnh, thành phố chưa tự cân đối được ngân sách, hỗ trợ 50% đối với các địa phương có tỉ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương dưới 50%; các tỉnh, thành phố còn lại, ngân sách địa phương tự đảm bảo theo phân cấp ngân sách hiện hành.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể việc thu, nộp bảo hiểm xã hội đối với giáo viên mầm non, thực hiện giải quyết chính sách và quản lý nguồn thu theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính hướng dẫn việc cấp phát kinh phí hỗ trợ cho đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 1, có đủ điều kiện hưởng hỗ trợ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Quyết định này.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định về hồ sơ và hướng dẫn thủ tục xin hỗ trợ kinh phí cho đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Quyết định này.

Dự kiến chế độ hỗ trợ nêu trên chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2010.


(Theo Efinance)

Tập đoàn Bảo Việt nhiều sai sót, thu hồi 20 tỷ đồng

Giao dịch tại sàn chứng khoán Bảo Việt. Ảnh Phạm Yên..
Kết thúc quá trình thanh tra Tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm Bảo Việt, Thanh tra Chính phủ (TTCP) phát hiện nhiều thiếu sót, khuyết điểm trong công tác đầu tư xây dựng, đầu tư tài chính, thực hiện bồi thường bảo hiểm...

Theo đó, TTCP kiến nghị lãnh đạo tập đoàn Bảo Việt chỉ đạo họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời những bất cập, có hình thức xử lý đối với các tập thể cá nhân liên quan đến thiếu sót, khuyết điểm; yêu cầu Bảo Việt thu hồi hơn 20 tỷ đồng từ các đơn vị, nộp về tài khoản tạm giữ chờ xử lý của cơ quan thanh tra.

Nhiều sai sót trong hoạt động bảo hiểm

Qua thanh tra cho thấy, Tập đoàn Bảo Việt cùng các đơn vị thành viên mắc những sai sót trong cho vay, ủy thác cho vay và cả hoạt động bảo hiểm.

TTCP đánh giá, Tổng Công ty (Cty) Bảo hiểm Việt Nam và các đơn vị đã thiếu chặt chẽ trong quản lý tài sản đảm bảo khoản vay nợ, chậm thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ vay, khiến nhiều khoản nợ rơi vào tình trạng thả gà ra đuổi như khoản nợ 4,6 tỷ đồng (gồm cả lãi) cho Cty TNHH Dòng Sông Xanh vay từ năm 1999, nay phải khởi kiện ra tòa; khoản tiền 3 triệu USD ủy thác cho Cty TNHH Đèn hình Orion Hanel vay, đến nay vẫn còn hơn 2 triệu USD chưa đòi được, trong khi Cty này đã nộp đơn xin phá sản.

Kiểm tra xác suất một số hồ sơ bồi thường bảo hiểm tại một số Cty bảo hiểm trực thuộc Tổng Cty Bảo hiểm Bảo Việt cho thấy, nhiều hồ sơ được bồi thường trái nguyên tắc. Đơn cử: Kiểm tra 11 hồ sơ bồi thường bảo hiểm hàng hóa cho Cty Thương mại XNK Thanh Lễ (Bình Dương) và 2 hồ sơ bảo hiểm hàng hóa cho Cty TNHH Vedan Việt Nam (Đồng Nai) phát hiện có việc sửa đổi bổ sung đơn bảo hiểm về tên tàu vận chuyển, số vận đơn, số lượng hàng, giá cả được thực hiện khi việc bốc dỡ lên tàu đã hoàn thành.

Hoặc Cty Bảo Minh còn cấp đơn bảo hiểm cho Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh sau ngày xảy ra tổn thất, phí bảo hiểm đơn vị mua còn chưa nộp.

Ngoài những sai sót trên, TTCP còn yêu cầu Tổng Cty Bảo hiểm Bảo Việt và các đơn vị thành viên chấn chỉnh ngay những khuyết điểm khác về thủ tục, trình tự thực hiện bồi thường bảo hiểm...

680 tỷ đồng đầu tư... mắc cạn

Qua kiểm tra hoạt động đầu tư tài chính, TTCP phát hiện, từ năm 2007 – 2009, Tập đoàn Bảo Việt và các đơn vị thành viên mua 680 tỷ đồng trái phiếu của Tập đoàn Vinashin (bao gồm cả số trái phiếu Cty TNHH Quản lý quỹ Bảo Việt mua theo ủy thác của quỹ BVF1). Trong đó, giá trị mệnh giá trái phiếu đáo hạn trong các năm 2012, 2013 là 200 tỷ đồng; trái phiếu đáo hạn trong năm 2017 là 480 tỷ đồng. Tuy nhiên, loại trái phiếu của Vinashin mà Bảo Việt cùng các đơn vị thành viên đã đầu tư là trái phiếu doanh nghiệp không có bảo đảm.

Cơ quan chức năng nhận định, ngay khi đầu tư 160 tỷ đồng vào trái phiếu của Vinashin phát hành tháng 12-2008, các phòng ban chuyên môn của Bảo Việt và các đơn vị thành viên đã không nắm đầy đủ thông tin về thực trạng hoạt động kinh doanh của tập đoàn này. Việc đầu tư trong tình trạng thiếu thông tin đã khiến một số tiền lớn của Bảo Việt và các Cty con mắc kẹt tại đây.

Bên cạnh đó, nhiều khoản đầu tư tài chính của Bảo Việt vào một số Cty, quỹ đầu tư đều không có kết quả tốt do các đơn vị này bị thua lỗ. Cụ thể: Tại thời điểm 31-12-2009, Cty CP Chứng khoán Bảo Việt lỗ lũy kế hơn 122,2 tỷ đồng; Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Long lỗ 112,8 tỷ đồng; Quỹ đầu tư chứng khoán Bảo Việt chỉ còn 95,2% giá trị đơn vị quỹ so với khi mới thành lập.

Ngoài ra, TTCP cũng chỉ ra việc kém hiệu quả trong hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch, bất động sản, vui chơi giải trí của Bảo Việt.

(Theo Tiền Phong)

Sunday 28 November 2010

Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo lương, thưởng Tết trước 20/12

picture

Việc yêu cầu báo cáo tình hình lương thưởng giúp cơ quan quản lý nắm rõ các thông tin nhằm phục vụ cho việc xây dựng cơ chế quản lý tiền lương trong các doanh nghiệp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có văn bản gửi sở lao động các địa phương, yêu cầu báo cáo nhanh tình hình tiền lương năm 2010 và kế hoạch thưởng Tết năm 2011 trước ngày 20/12.

Theo đó, các doanh nghiệp cần trao đổi với ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện người lao động thống nhất phương án điều chỉnh tiền lương, tiền thưởng Tết để báo cáo chế độ lương thưởng về sở lao động thương binh và xã hội ở địa phương doanh nghiệp đó đóng trụ sở; những phương án này cũng phải công bố công khai cho người lao động.

Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, các thông tin liên quan cần báo cáo nhanh về Bộ bao gồm thông tin của từng loại hình doanh nghiệp với các chế độ lương, thưởng ở ba mức: thấp nhất, bình quân và cao nhất.

Việc yêu cầu báo cáo tình hình lương thưởng giúp cơ quan quản lý nắm rõ các thông tin nhằm phục vụ cho việc xây dựng cơ chế quản lý tiền lương trong các doanh nghiệp.

(Theo Vneconomy)

Friday 26 November 2010

Một số tiện ích phòng ngừa trang web nguy hiểm

Ảnh minh họa
Để ứng phó với những hiểm nguy rình rập từ những trang web "độc", bạn có thể tải về một số tiện ích, xem những đoạn video cảnh báo...

Lướt web là công việc thường xuyên của bạn, trong khi cạm bẫy từ những trang web độc hại lại có mặt khắp nơi. Làm thế nào để tránh? Hãy tham khảo một số cách thức mô phỏng lại quy trình tấn công vào máy tính dưới đây và cách thức phòng vệ.

Những trang web dùng Flash có thể chứa mã độc lây nhiễm vào máy tính của bạn. Để giúp bạn tự bảo vệ trước sự tấn công dựa vào Flash, hãy cập nhật plug-in của Flash, hay nếu dùng Firefox, bạn có thể cài add-on Better Privacy giúp sắp xếp để xóa các cookie của Flash cũng như cookie thông thường một cách tự động bất cứ khi nào bạn ngưng hay khởi động trình duyệt.

Các đường liên kết rút gọn cũng tiềm ẩn những mối đe doạ. Hacker thường giấu mã độc vào các đường dẫn URL rút gọn. Để "lột" chân tướng, bạn có thể dùng ứng dụng TweetDeck với tính năng xem trước toàn bộ đường dẫn trước khi bạn quyết định mở nó. Một số dịch vụ rút gọn đường liên kết phổ biến khác là Bit.ly hay TinyURL.

Tại các trang web cho phép tải video hay mô hình chia sẻ mạng ngang hàng (peer-to-peer), thì Trojan thường ngụy trang dưới bộ giải mã để lây nhiễm vào máy tính kèm mã độc. Trend Micro, công ty phần mềm bảo mật, đã đưa ra một ví dụ trên website của hãng về cách thức mã độc len lỏi vào máy tính khi người dùng lỡ cài một bộ giả mã xem phim giả mạo.

Smartphone cũng là đích nhắm của hacker để đưa dữ liệu giả mạo có chứa mã độc vào điện thoại. Ví dụ, một trò chơi trong danh sách của Android Market có thể là phần mềm gián điệp ẩn náu. Trên YouTube có đoạn phim về một trò chơi mà thực chất là phần mềm gián điệp, xem tại đây.

Một mối đe dọa khác đến từ tài liệu định dạng PDF chứa mã độc. Các tập tin PDF nhiễm mã độc là những tập tin đã bị chèn các chương trình độc hại. Bạn có thể dùng một trình đọc PDF khác là Foxit Reader.

(Theo Pc World Việt Nam)

Google đề nghị mua lại Twitter với giá 4 tỉ USD

Ảnh minh họa
“Đại gia” tìm kiếm Google vừa đưa ra lời đề nghị mua lại mạng xã hội Twitter trong tham vọng tiến vào lĩnh vực đang rất hấp dẫn này.

Đầu năm nay, Google đã “ngỏ lời” mua lại Twitter với mức giá vào khoảng 2,5 tỉ USD, tuy nhiên đây chưa phải là một lời đề nghị chính thức. Cuộc đàm phán bị từ chối, thậm chí Twitter còn cho con số này là quá thấp so với giá trị thực của hãng.

Trong vài tháng gần đây, có thông tin rằng Microsoft cũng có ý định tương tự. Điều này khiến cho việc Google không ngần ngại chi tiền trở nên sáng tỏ. Một trong số đó là để ngăn chặn Twitter khỏi rơi vào tay “gã khổng lồ” Microsoft.

Theo lời một cổ đông của Twitter thì hãng này đang tìm kiếm một khoản đầu tư khoảng 3-4 tỉ USD, vậy nên con số mà Google đưa ra là khá sát thực tế và càng chứng tỏ quyết tâm của hãng trong việc mua lại Twitter.

Nếu thành công thì đây sẽ là một vụ sát nhập khổng lồ, tuy nhiên không phải là điều mới và bất ngờ trong xu hướng mạng xã hội đang phát triển rất nóng như hiện nay. Được biết cho tới nay có không dưới 11 công ty đã đề nghị với Facebook về việc mua lại trang mạng xã hội lớn nhất thế giới này.

(Theo Thông Tin Công Nghệ)

Thursday 25 November 2010

Thương mại song phương Nga - Trung “giã biệt” đồng USD

Trung Quốc và Nga sẽ ngừng sử dụng USD trong hợp tác kinh tế.

Trung Quốc và Nga vừa quyết định sử dụng đồng nội tệ của hai nước trong thương mại song phương, thay cho đồng bạc xanh của Mỹ.

Thông báo này được đưa ra sau khi Thủ tướng Nga Vladimir Putin gặp người đồng cấp Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại St. Petersburg (Nga).

Thủ tướng Nga Vladimir Putin cho hay, "chúng tôi muốn mở rộng sử dụng đồng tiền của Nga và Trung Quốc trong các giao dịch kinh tế và thương mại".

Giới phân tích Trung Quốc nhận định, động thái này không nhằm mục đích thách thức đồng USD, mà để bảo vệ kinh tế của Trung Quốc và Nga trong bối cảnh hai nước đang đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế.

Trước đây, Nga và Trung Quốc thường sử dụng các loại tiền tệ khác trong giao dịch thương mại, chủ yếu là bằng USD. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, hai bên bắt đầu hướng tới những sự lựa chọn khác.

Theo ông Putin, đồng Nhân dân tệ đang bắt đầu được giao dịch với đồng Rúp Nga trên thị trường liên ngân hàng Trung Quốc, và việc này cũng sẽ sớm được thực hiện ở Nga.

Trước đó, hôm 22/11, Trung Quốc đã bắt đầu cho phép Nhân dân tệ giao dịch hối đoái với đồng Rúp của Nga. Động thái này được coi là sẽ giúp "tạo thuận tiện cho hoạt động thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga, cũng như giúp phát triển hoạt động thanh toán thương mại bằng đồng Nhân dân tệ".

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ tính toán tỷ giá tham chiếu hàng ngày, dựa trên mức trung bình từ nhóm ngân hàng thương mại được chỉ định, với vai trò như các nhà tạo lập thị trường.

"Tốc độ quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ đang tăng dần lên. Việc cho phép giao dịch trực tiếp giữa đồng Nhân dân tệ và đồng Rúp Nga sẽ giúp cho hoạt động thương mại giữa hai nước thêm sôi động hơn", Zhao Qingming, chuyên gia phân tích thuộc ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, nhận định.

Kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa Nga và Trung Quốc năm 2008 đã đạt 55 tỷ USD, nhưng giảm xuống còn 39,51 tỷ USD trong năm 2009 do bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu. 7 tháng đầu năm 2010, tổng giá trị trao đổi hàng hóa giữa hai nước đạt 30,6 tỷ USD.

Cũng nhân cuộc gặp giữa hai thủ tướng, Trung Quốc và Nga đã chính thức ký kết 12 văn kiện, bao gồm hợp tác năng lượng, hàng không, xây dựng đường sắt, hải quan, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, văn hóa.

(Theo Vneconomy)

So sánh IFRS (IAS) và VAS (tiếp 7)

So Sánh IFRS (IAS) và VAS (tiếp 7)


Nội dung

IFRSs

VASs

IAS 17 và VAS 6 - Thuê tài sản

Phạm vi

Chuẩn mực này không được sử dụng làm cơ sở xác định cho các tài sản sau:

a) Tài sản do bên thuê nắm giữa được hạch toán là tài sản đầu tư (Xem IAS 40 Bất động sản đầu tư);

b) Bất động sản đầu tư do bên cho thuê cung cấp theo hình thức thuê hoạt động (xem IAS 40);

c) Tài sản sinh học do bên đi thuê năm giữ theo hình thức thuê tài chính (xem IAS 41 Nông nghiệp); hoặc

d) Tài sản sinh học do bên cho thuê cung cấp theo hình thức thuê hoạt động (xem IAS 41).

Không đề cập đến vấn đề này.

Phân loại thuê tài sản

Phân loại thuê tài sản dựa trên việc rủi ro và lợi ích liên quan đến quyền sở hữu tài sản thuộc về bên cho thuê hay bên đi thuê.

Phương pháp kế toán trong báo cáo tài chính của bên thuê - thuê tài chính

Khi tài sản đi thuê bị giảm giá, chuẩn mực yêu cầu cần áp dụng theo chuẩn mực kế toán quốc tế về tổn thất tài sản.

Không đề cập đến vấn đề này.

Phương pháp kế toán trong báo cáo tài chính của bên cho thuê - thuê tài chính

Chuẩn mực quy định trường hợp cụ thể trong đó ghi nhận chi phí trực tiếp ban đầu như chi phí hoa hồng, chi phí luật pháp và các chi phí khác phát sinh trong quá trình bên cho thuê đàm phán và chuẩn bị tài sản cho thuê vào chi phí hoặc chi phí chờ phân bổ.

Các chi phí này được ghi nhận trong kỳ phát sinh thuê tài sản hoặc được phân bổ trong suốt thời gian thuê và đảm bảo phù hợp với thu nhập có liên quan.

Ghi nhận lợi nhuận bán hàng hay lợi nhuận

Doanh nghiệp sản xuất hoặc công ty thương mại cho thuê tài sản cần hạch toán lãi/lỗ bán hàng vào cùng kỳ kế toán theo các hạch toán toàn bộ doanh thu. Trong trường hợp áp dụng mức lãi suất tiền vay giả định thấp, doanh nghiệp nên giới hạn lợi nhuận bán hàng ở mức có thể có nếu hạch toán theo lãi suất thị trường.

Khi lợi nhuận bán hàng được ghi nhận, doanh nghiệp sản xuất hoặc công ty thương mại cho thuê tài sản cũng hạch toán các chi phí phát sinh liên quan đến quá trình đàn phán và chuẩn bị tài sản cho thuê vào chi phí.

Không đề cập đến vấn đề này.

Phương pháp kế toán trong báo cáo tài chính của bên cho thuê -thuê hoạt động

Chi phí trực tiếp ban đầu phát sinh trong quá trình bên cho thuê đàm phán và chuẩn bị tài sản cho thuê được tính vào giá trị ghi sổ của tài sản thuê và được phân bổ vào chi phí trong suốt thời gian thuê theo cùng phương pháp áp dụng đối với ghi nhận thu nhập từ hợp đồng thuê.

Các chi phí này được ghi nhận trong kỳ phát sinh thuê tài sản hoặc được phân bổ trong suốt thời gian thuê và đảm bảo tương ứng với thu nhập nhận được.

Khi tài sản đi thuê bị suy giảm giá trị, chuẩn mực yêu cầu áp dụng theo chuẩn mực kế toán quốc tế về tổn thất tài sản.

Không đề cập đến vấn đề này.

Trình bày báo cáo tài chính đối với bên thuê - Thuê tài chính

Chuẩn mực đưa ra các yêu cầu chi tiết về việc trình bày các khoản mục thuê tài chính và thuê hoạt động.

Tương tự như IAS, ngoại trừ các mục không yêu cầu trình bày:

- Đối chiếu giữa tổng của các khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu tại ngày lập báo cáo tài chính, và giá trị còn lại của các khoản đó;

- Mô tả những thỏa thuận thuê chính của bên thuê.

IAS 18 và VAS 14 - Doanh thu

Xác định doanh thu

Doanh thu được xác định theo giá trị hợp lý của các khoản mà doanh nghiệp có thể nhận được.

Khi chưa nhận được các khoản tiền và tương đương tiền, giá trị hợp lý của một khoản phải thu có thể thấp hơn giá trị danh nghĩa của khoản mà doanh nghiệp nhận được hoặc có thể nhận được.

Chênh lệch giữa giá trị hợp lý và giá trị danh nghĩa của một khoản tiền phải thu được ghi nhận là tiền lãi.

Không đề cập đến vấn đề này.

Tiêu chuẩn ghi nhận doanh thu từ tiền lãi, tiền bản quyền và cổ tức

Doanh thu phát sinh từ hoạt động cho các đối tượng khác sử dụng tài sản mang lại tiền lãi của doanh nghiệp, tiền bản quyền và cổ tức, được ghi nhận khi:

a) Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch đó, và

b) Doanh thu được xác định một cách đáng tin cậy.

Doanh thu được ghi nhận như sau:

- Tiền lãi - được ghi nhận bằng phương pháp lãi trên cơ sở thời gian có tính đến tỷ lệ sinh lời thực tế của tài sản;

- Tiền bản quyền - được ghi nhận trên cơ sở dồn tích theo bản chất của hợp đồng liên quan;

- Cổ tức - được ghi nhận khi cổ đông được quyền nhận cổ tức; và

- Các khoản ưu đãi/thưởng cho khách hàng lâu năm được hạch toán là một phần riêng biệt của giao dịch bán hàng mà doanh nghiệp nhận được khoản ưu đãi/thưởng đó, và do đó, một phần giá trị hợp lý của các khoản thu được phân bổ cho khoản ưu đãi/thưởng đó và được phân bổ dần trong suốt thời gian của khoản ưu đãi/thưởng đó.

Tương tự như IAS. Tuy nhiên, tiền lãi chỉ được ghi nhận trên cơ sở thời gian.

Thu nhập khác

Không đề cập đến vấn đề này.

Có các quy định cụ thể về các khoản thu nhập khác.

Trình bày báo cáo tài chính

Chuẩn mực đưa ra các yêu cầu chi tiết về việc trình bày khoản mục doanh thu.

Tương tự như IAS ngoại trừ việc không có quy định về các khoản dự phòng, hoặc công nợ tiềm tàng.

IAS 19 - Phúc lợi cho người lao động

Mục đích

Mục đích của chuẩn mực này là quy định phương pháp hạch toán và trình bày các khoản phúc lợi cho người lao động, bao gồm: các khoản phúc lợi ngắn hạn (như tiền lương, nghỉ phép năm, nghỉ ốm, chia lợi nhuận hàng năm, các khoản thưởng và các khoản phúc lợi phi tiền tệ khác), tiền hưu trí, bảo hiểm nhân thọ khi nghỉ hưu, phúc lợi y tế và các khoản phúc lợi cho người lao động dài hạn khác (được nghỉ phép do có thâm niên công tác dài, phúc lợi do mất sức lao động, các khoản bồi thường hoãn lại, chia lợi nhuận dài hạn và các khoản thưởng).

Nguyên tắc làm cơ sở cho các yêu cầu cụ thể đặt ra trong chuẩn mực là chi phí phát sinh khi thanh toán các quyền lợi cho người lao động cần được ghi nhận trong kỳ mà chủ lao động nhận được dịch vụ từ người lao động tạo ra, chứ không phải thời điểm chi trả hoặc chuyển thành công nợ.

Có 2 loại quỹ phúc lợi hữu trí thường gặp như sau:

- Quỹ phúc lợi với mức đóng góp được xác định trước là quỹ phúc lợi hưu trí trong đó doanh nghiệp sẽ nộp một khoản tiền cố định vào một đơn vị khác (một quỹ) và sẽ không có bất kỳ trách nhiệm pháp lý hay trách nhiệm liên đới buộc phải trả phúc lợi cho nhân viên liên quan đến thời gian làm việc hiện tại và trước đó của nhân viên trong trường hợp quỹ không có đủ tài sản để thực hiện nghĩa vụ. Các quỹ phúc lợi này giống bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội bắt buộc được đóng bằng một khoản tiền cố định hàng tháng tại Việt Nam.

- Quỹ phúc lợi với mức phúc lợi được xác định trước là một quỹ phúc lợi hưu trí không thuộc loại quỹ phúc lợi với mức đóng góp được xác định trước như đề cập ở trên. Các chi phí phát sinh liên quan đến loại quỹ này được xác định thông qua việc sử dụng các chuyên gia thống kê và các phương pháp thống kê.

Không có CMKTVN tương đương quy định về vấn đề này. Nhìn chung, chi phí phúc lợi cho người lao động được ghi nhận khi doanh nghiệp phát sinh nghĩa vụ thanh toán các khoản này.

(Theo Deloitte)

Mẫu A290 – Trao đổi với Ban Giám đốc đơn vị về kế hoạch kiểm toán

Mẫu A290 – Trao đổi với Ban Giám đốc đơn vị về kế hoạch kiểm toán

Chuẩn mực và người thực hiện

Chuẩn mực kiểm toán “Lập kế hoạch kiểm toán báo cáo tài chính” (VSA 300) – đoạn A3 hướng dẫn KTV có thể thảo luận một số vấn đề về lập kế hoạch kiểm toán với Ban Giám đốc của đơn vị được kiểm toán nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện và quản lý cuộc kiểm toán.

Người thực hiện Mẫu này là trưởng nhóm kiểm toán và người phê duyệt là chủ nhiệm kiểm toán.

Thời điểm thực hiện

Trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán, trong hoặc sau khi kết thúc cuộc họp với Ban Giám đốc đơn vị.

Cách thực hiện

Ghi lại các trao đổi trong cuộc họp lập kế hoạch/ họp triển khai kiểm toán với Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán, bao gồm nhưng không giới hạn các vấn đề sau:

  • Phạm vi kiểm toán: Kiểm toán BCTC năm nào, tại các đơn vị trực thuộc nào, ...
  • Kế hoạch kiểm toán sơ bộ/kết thúc năm: thời gian, nhân sự, yêu cầu sự phối hợp của đơn vị,...
  • Xác định các bộ phận/ phòng, ban liên quan đến cuộc kiểm toán;
  • Các thay đổi quan trọng về môi trường kinh doanh, quy định pháp lý trong năm có ảnh hưởng đến đơn vị;
  • Các vấn đề Ban Giám đốc quan tâm và đề nghị KTV lưu ý trong cuộc kiểm toán;
  • ......

Các trao đổi này sẽ giúp KTV nâng cao hiệu quả của công tác lập kế hoạch, giúp Ban Giám đốc đơn vị có sự chuẩn bị cần thiết để hợp tác với KTV trong quá trình kiểm toán. Ngoài ra, việc trao đổi này cũng giúp KTV thu thập được một số thông tin làm cơ sở xét đoán và điền vào các Mẫu liên quan như: Mẫu A310, A400, A610.

Tuy nhiên, khi thảo luận về kế hoạch kiểm toán, KTV cần thận trọng để không làm ảnh hưởng đến hiệu quả của cuộc kiểm toán. Ví dụ, việc thảo luận quá chi tiết về nội dung, lịch trình các thủ tục kiểm toán với Ban Giám đốc đơn vị có thể dẫn đến việc Ban Giám đốc có thể dự đoán được các thủ tục kiểm toán mà KTV sẽ thực hiện và chuẩn bị sẵn các biện pháp mang tính đối phó, hoặc yêu cầu KTV thực hiện những công việc ngoài phạm vi kiểm toán.

Liên kết với giấy tờ làm việc khác

Liên kết từ các giấy tờ làm việc trong Phần A – Lập kế hoạch kiểm toán.

Liên kết đến các chương trình kiểm toán và giấy tờ làm việc chi tiết tại từng phần hành kiểm toán có liên quan từ Phần D đến Phần H.

Mẫu A260, A270 và A280: tính độc lập của KTV

Mẫu A260, A270 và A280: tính độc lập của KTV

Chuẩn mực áp dụng và người thực hiện

Chuẩn mực “Kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán - kiểm toán” quốc tế (ISQC1) và Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán yêu cầu KTV phải độc lập với khách hàng kiểm toán. Các mẫu giấy tờ này trợ giúp KTV kiểm tra lại tính độc lập của các thành viên trong nhóm kiểm toán và ký cam kết nếu như không thấy có vấn đề về tính độc lập.

Người thực hiện các mẫu này là trưởng nhóm kiểm toán. Các thành viên nhóm kiểm toán phải ký vào Mẫu A260 thể hiện sự cam kết về tính độc lập của mình trước khi tham gia vào nhóm kiểm toán. Mẫu A270 được sử dụng như một checklist để kiểm tra tính độc lập của các thành viên nhóm kiểm toán.

Nếu có bất kỳ yếu tố nào có thể làm ảnh hưởng đến tính độc lập (có dấu (Ö) ở cột “Có” của Mẫu A270), trưởng nhóm kiểm toán cần hoàn thành Mẫu A280 để khẳng định các yếu tố có thể làm suy yếu tính độc lập đã được loại trừ một cách phù hợp chưa.

Thời điểm thực hiện

Các Mẫu A260, A270, A280 cần được hoàn thành trước khi bắt đầu cuộc kiểm toán và cần phải cập nhật trong suốt quá trình thực hiện và hoàn thành cuộc kiểm toán nếu có sự thay đổi có thể làm ảnh hưởng trọng yếu đến những đánh giá ban đầu về tính độc lập của KTV và công ty kiểm toán.

Cách thực hiện

Rà soát các nội dung của giấy tờ làm việc để trả lời câu hỏi và ghi chép các thủ tục cần thực hiện/ đã thực hiện để đảm bảo tính độc lập.

Liên kết với giấy tờ làm việc khác

Các thông tin này được liên kết từ Mẫu A110, A120 và A210, A230, A310 (quan hệ giữa thành viên HĐQT, BGĐ, kế toán trưởng…với nhóm kiểm toán).

A200 HỢP ĐỒNG KIỂM TOÁN, KẾ HOẠCH KIỂM TOÁN VÀ NHÓM KIỂM TOÁN

A200 HỢP ĐỒNG KIỂM TOÁN, KẾ HOẠCH KIỂM TOÁN VÀ NHÓM KIỂM TOÁN (3)

Mẫu A210 - Hợp đồng / Thư hẹn kiểm toán


Mẫu A260, A270 và A280: tính độc lập của KTV


A290 – Trao đổi với Ban Giám đốc đơn vị về kế hoạch kiểm toán

A620: Trao đổi với BGĐ và các cá nhân có liên quan về gian lận

Mẫu A620: Trao đổi với BGĐ và các cá nhân có liên quan về gian lận

Chuẩn mực và người thực hiện

Chuẩn mực kiểm toán “Trách nhiệm của KTV liên quan đến gian lận trong quá trình kiểm toán BCTC” (VSA 240) (đoạn 17-24), yêu cầu KTV phỏng vấn các thành viên trong BGĐ và Ban Quản trị doanh nghiệp về gian lận như rủi ro về BCTC bị sai sót trọng yếu do gian lận hay nhầm lẫn; quy trình đánh giá gian lận và ứng xử, thông tin của BGĐ, Ban Quản trị và nhân viên về quy trình trên, các ứng xử kinh doanh và đạo đức nghề nghiệp.

KTV cũng được yêu cầu phỏng vấn BGĐ và những người khác trong doanh nghiệp nếu phù hợp để xác định xem họ có biết về vụ gian lận cụ thể nào của doanh nghiệp không.

Người thực hiện các mẫu này phải là chủ nhiệm kiểm toán hoặc Thành viên BGĐ phụ trách cuộc kiểm toán.

Thời điểm thực hiện

Trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán, thuận lợi nhất là khi thực hiện soát xét BCTC giữa kỳ hoặc kiểm toán sơ bộ. Nếu không thực hiện được vào thời điểm trên thì cần thực hiện ngay từ khi bắt đầu cuộc kiểm toán.

Cách thực hiện

Chủ nhiệm kiểm toán hoặc Thành viên BGĐ phụ trách cuộc kiểm toán căn cứ vào hướng dẫn chi tiết của Chuẩn mực kiểm toán “Trách nhiệm của KTV liên quan đến gian lận trong quá trình kiểm toán BCTC” (VSA 240), Mẫu 620 và mô hình tam giác rủi ro (động cơ/ áp lực; cơ hội và thái độ) để tự đánh giá và phỏng vấn BGĐ và các cá nhân khác trong doanh nghiệp như Kế toán trưởng, các nhân viên kế toán, lãnh đạo các phòng, ban, bộ phận liên quan và cá nhân khác…để xác định xem có tồn tại các yếu tố gian lận không? Lưu ý có 02 loại gian lận dưới góc độ kiểm toán: (1) Lập BCTC gian lận; (2) Biển thủ tài sản.

KTV cần ghi lại cụ thể họ tên, chức vụ người đã trao đổi, thời điểm và nội dung trao đổi, phỏng vấn. Trong khi trao đổi không phải làm tuần tự từng nội dung của bảng này mà sử dụng các kỹ năng mềm (kỹ năng giao tiếp, phỏng vấn, đặt câu hỏi; kỹ năng ứng xử…), các yếu tố để cấu thành gian lận để phỏng vấn.

Nếu xác định được rủi ro do gian lận, KTV phải ghi chép lại và tổng hợp vào kế hoạch kiểm toán. Trao đổi với Thành viên BGĐ phụ trách cuộc kiểm toán để đưa ra các xử lý phù hợp.

Trường hợp không xác định được rủi ro do gian lận thì KTV cũng cần ghi lại là “không xác định được rủi ro trọng yếu do gian lận”.

Liên kết với giấy tờ làm việc khác

Các rủi ro do gian lận phát hiện được cần được tổng hợp tại Mẫu A910 – Tổng hợp kế hoạch kiểm toán.

Popular Posts