Tuesday 16 November 2010

Lợi ích của đồng “đô” yếu: Lý thuyết và thực tế

Thời gian gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng nước Mỹ đang cố tình làm suy yếu đồng USD, gây thiệt hại cho các nền kinh tế khác.

Do cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia Mỹ, chưa chắc đồng USD yếu có thể giúp tạo thêm nhiều việc làm cho nước này
Về lý thuyết, một đồng tiền yếu có thể giúp quốc gia phát hành tăng xuất khẩu và tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, tờ New York Times nhận định, giá trị đi xuống của đồng USD hiện nay có thể không hỗ trợ được nước Mỹ trong tăng trưởng kinh tế như đã từng trước kia.

Cụ thể, do cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia Mỹ, chưa chắc đồng USD yếu có thể giúp tạo thêm nhiều việc làm cho nước này.

Nhiều công ty lớn của Mỹ như General Motor (GM) hay General Electric (GE) thường sản xuất hàng hóa ở những quốc gia tiêu thụ số hàng đó, thay vì sản xuất tại Mỹ rồi vận chuyển ra nước ngoài. Bởi vậy, tỷ giá đồng USD không có nhiều ý nghĩa đối với họ.

Ngoài ra, những công ty sản xuất hàng tại Mỹ rồi chuyển hàng ra nước ngoài để bán thường mua linh kiện từ nước ngoài, nên lợi thế đồng USD yếu khi xuất hàng sẽ bị bù lại bởi chi phí cao khi mua linh kiện.

Thậm chí khi doanh thu xuất khẩu của một công ty Mỹ tăng mạnh, thì công ty đó cũng không nhất thiết sẽ đẩy mạnh thuê thêm nhân công. Đó là vì hàng chế tạo vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Mỹ, mà mặt hàng này giờ không còn đòi hỏi hàm lượng lao động lớn để sản xuất.

Thêm vào đó, nhiều trong số những công ty giờ còn đặt cơ sở sản xuất tại Mỹ đều là những công ty chưa đặt chân ra nước ngoài vì quy mô quá nhỏ không đủ để bù đắp cho việc xây dựng nhà máy ở một thị trường khác. Đồng USD yếu có thể giúp ích cho các công ty này, nhưng có thể sẽ không tạo ra một làn sóng tuyển dụng lớn.

Thời gian gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng nước Mỹ đang cố tình làm suy yếu đồng USD, gây thiệt hại cho các nền kinh tế khác. Đi đầu trong quan điểm này là Trung Quốc, quốc gia bị cho là cố tình định giá thấp đồng Nhân dân tệ để hỗ trợ cho xuất khẩu và tăng trưởng. Đặc biệt, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố bơm 600 tỷ USD để mua tài sản thì những “tiếng bấc tiếng chì” càng trở nên nặng nề hơn.

Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Bộ Tài chính Timothy Geithner đã liên tục lên tiếng bảo vệ chương trình của FED, cho rằng kế hoạch này nhằm mục đích khuyến khích các công ty Mỹ vay mượn, đầu tư và thuê thêm nhân công, thay vì chỉ nhằm mỗi mục tiêu duy nhất là làm giảm giá trị đồng USD.

“Tác dụng của đồng USD yếu đối với xuất khẩu ròng sẽ là tích cực, nhưng đây sẽ không phải là động lực tạo việc làm. Các công ty có thể sử dụng máy móc để thay thế cho con người”, ông Daniel J. Meckstroth, chuyên gia kinh tế trưởng của Liên minh các nhà sản xuất công nghiệp Mỹ, nhận xét.

Theo ông Nigel Gault, chuyên gia kinh tế trưởng tại Mỹ của hãng nghiên cứu IHS Global Insight, từ năm 2001 tới nay, đồng USD đã mất giá 31% so với một rổ gồm các đồng tiền chủ chốt. Trong khoảng thời gian đó, xuất khẩu của Mỹ tăng 45%, nhưng số lượng công nhân trong ngành sản xuất công nghiệp đã giảm 1/3, còn 11,7 triệu công nhân từ mức 16,4 triệu công nhân.

Từ đầu tháng 6 tới nay, đồng USD đã mất giá khoảng 10% so với một rổ tiền tệ. Cùng với đó, theo thống kê của Chính phủ Mỹ, xuất khẩu của nước này trong tháng 9 tăng 500 triệu USD, tương đương mức tăng 0,3%, đạt mức cao nhất trong 2 năm. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã “kẹt” ở mức 9,6% suốt 3 tháng nay.

Nhiều chuyên gia về tiền tệ cho rằng, đồng USD sẽ không mất giá quá mạnh trong thời gian tới nữa, vì phần lớn sự mất giá đã diễn ra từ khi thị trường đồn đoán về kế hoạch bơm 600 tỷ USD của FED, thay vì sau khi kế hoạch này được công bố.

Ông Gary C. Hufbauer, một chuyên gia cao cấp của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, dự báo USD sẽ mất giá thêm 10% nữa trong những tháng tới so với một rổ tiền tệ của các quốc gia là đối tác thương mại của Mỹ. Theo chuyên gia này, mức giảm giá như vậy của USD sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu Mỹ tăng thêm 100 tỷ USD trong vòng 2 năm tới, và tạo thêm 500.000 việc làm cho người lao động nước này. Ông Hufbauer cho rằng, đây là con số “không tồi”, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với con số gần 15 triệu người Mỹ đang trong tình trạng “ăn không ngồi rồi” hiện nay.

Trong mấy thập kỷ gần đây, các công ty Mỹ đã đẩy nhanh việc dịch chuyển ra thị trường nước ngoài. Số liệu của Cục phân tích kinh tế Mỹ cho thấy, số công nhân làm việc cho các công ty Mỹ ở nước ngoài đã tăng hơn gấp đôi trong thời gian từ năm 1989 đến năm 2008, đạt mức 10,5 triệu người. Nhiên cứu đã chỉ ra, khi mở nhà máy ở một nước khác, các công ty một mặt muốn xâm nhập thị trường nước ngoài, mặt khác muốn tận dụng nguồn lao động giá rẻ, đồng thời cũng muốn tránh những rủi ro về biến động tỷ giá.

Chẳng hạn, hai hãng GM và Volkswagen - vốn đang cạnh tranh quyết liệt tại thị trường Trung Quốc - đều sản xuất phần lớn xe tiêu thụ tại thị trường này ngay tại địa phương, thay vì chuyển xe từ thị trường “sân nhà” sang.

Do tỷ giá Nhân dân tệ được neo vào USD, nên giá các sản phẩm nhập từ Mỹ sẽ rẻ hơn hàng nhập từ châu Âu. Bởi vậy, về lý thuyết, GM có thể có lợi thế hơn Volkswagen. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc GM tăng thị phần ở Trung Quốc không liên quan gì tới vấn đề tỷ giá, mà chẳng qua là nhờ những mẫu xe của GM thu hút được người tiêu dùng địa phương.

(Theo Vneconomy)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts