Tuesday 2 November 2010

3 cách CTCK xử lý khi tài khoản NĐT bị âm

3 cách CTCK xử lý khi tài khoản NĐT bị âm

Thanh khoản giảm khiến công ty chứng khoán không thể “thoát hàng” với những cổ phiếu của nhà đầu tư bị phong tỏa tài khoản.


Với các công ty chứng khoán cho "hợp tác đầu tư" với tỷ lệ cho vay cao, khi cổ phiếu bị mất thanh khoản nhiều phiên liên tiếp, thì tài khoản nhà đầu tư bị âm là hoàn toàn có thể xảy ra.

Ở những trường hợp như cổ phiếu HTV, từ mức giá 40.000 về 19.000, thanh khoản của cổ phiếu này không thể cho phép “thoát hàng” khi mà phiên giao dịch cao nhất chỉ đạt 18.800 cổ phiếu, còn thấp nhất thì chỉ có 110 cổ phiếu.

Như vậy, khi vào vùng giá 40.000 về 19.000, nếu như đến mức phải đóng tiền để bù vào mức giảm của cổ phiếu HTV mà nhà đầu tư không đóng thêm tiền bù cho công ty chứng khoán, trong khi công ty chứng khoán không thể giải chấp, bán tháo cổ phiếu HTV thì tài khoản của nhà đầu tư dùng dịch vụ “hợp tác đầu tư” sẽ bị âm. Và đương nhiên, thiệt hại trước mắt sẽ do công ty chứng khoán gánh chịu (tất nhiên nhà đầu tư thì mất tất cả kèm theo khoản nợ treo phải trả).

Tương tự là trường hợp của cổ phiếu LTC và nhiều cổ phiếu có thời điểm mất thanh khoản khác, nhiều tài khoản nhà đầu tư dùng margin hoàn toàn có thể bị âm mà công ty chứng khoán có muốn bán cũng không được.

Thực ra, khoản nợ mà công ty chứng khoán phải gánh chịu từ các vụ âm tài khoản của nhà đầu tư giống như "nợ xấu", "nợ khó đòi" của các ngân hàng khi cho vay tín dụng.

Mỗi khi nhà đầu tư bị âm tài khoản cần phải đóng thêm tiền, thì câu chuyện đòi nợ của công ty chứng khoán cũng muôn hình vạn trạng.

Trước tiên là gọi điện nhắc nhở nhà đầu tư, tiếp đến gia tăng các cuộc gọi điện thoại đến lúc trả tiền thì thôi. Môi giới dùng lời lẽ, “đòn” tâm lý để thuyết phục các “con nợ” nhanh chóng trả tiền…

Nhưng đây chỉ có thể áp dụng đối với nhà đầu tư còn tiền và còn khả năng trả nợ. Còn đối với nhà đầu tư đã hết sạch sành sanh thì nếu có gọi điện thoại cũng chỉ nhận được câu trả lời của một giọng nữ phát đi từ tổng đài điện thoại báo... tắt máy.

Đối với trường hợp này thì mỗi công ty chứng khoán có cách “xử” khác nhau, có trường hợp dọa sẽ gửi thông báo về cơ quan nơi nhà đầu tư làm việc, thậm chí có trường hợp còn mạnh hơn mà không nên nói ra.

Còn nếu mang ra pháp luật kiện tụng thì có lẽ là câu chuyện dài hơi về tính pháp lý của “hợp đồng hợp tác đầu tư” giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư. Trên thị trường cũng đã xuất hiện nhiều các vụ “lời qua tiếng lại”, thế nhưng đưa nhau ra tòa thì vẫn chưa có.

Nhìn chung, với dịch vụ mà pháp luật chưa cho phép thì phương pháp phổ biến nhất để giải quyết công nợ chính là cách công ty chứng khoán và nhà đầu tư “đóng cửa bảo nhau”.

Có lẽ mỗi công ty chứng khoán đều có phương án xử lý nợ khác nhau đối với các trường hợp, nhưng hiện khi các tài khoản bị âm, các công chứng khoán thường xử lý theo một số cách phổ biến sau:

Cách 1: Họp hội đồng đầu tư, nếu trường hợp cổ phiếu tốt, hội đồng đầu tư chấp nhận mua lại thì họ sẽ thương lượng với nhà đầu tư để mua lại cổ phiếu đó vào thời điểm nhà đầu tư cháy tài khoản.

Theo cách này thì an toàn cho công ty chứng khoán và nhà đầu tư cũng không bị rơi vào bước đường cùng khi chứng kiến cảnh bán không được mà nợ thì cứ ngày một tăng lên.

Cách 2: Công ty chứng khoán sẽ bán bằng được bằng mọi giá và sau đó sẽ thuyết phục nhà đầu tư xoay đủ khoản tiền bị âm để trả công ty chứng khoán. Trường hợp nhà đầu tư không thể trả thì theo thông thường, công ty chứng khoán sẽ ép môi giới quản lý tài khoản nhà đầu tư đó phải làm mọi cách thuyết phục nhà đầu tư nộp tiền.

Cách 3: Đối với trường hợp tài khoản bị âm quá nhiều, công ty chứng khoán có thể cho nhà đầu tư giữ danh mục bị âm trong vòng 6 tháng, tuy nhiên nhà đầu tư phải có tài sản bảo đảm. Khi cổ phiếu về đến mức giá nhà đầu tư không còn bị âm tài khoản nữa, thì công ty chứng khoán sẽ bán cổ phiếu ra để nhà đầu tư không còn bị tình trạng nợ công ty chứng khoán.

Theo Duy Cường
NDHMoney

No comments:

Post a Comment

Popular Posts