Sunday, 21 November 2010

Phải bồi thường nếu báo cáo kiểm toán không chính xác?

picture

Đại biểu Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Kiểm toán độc lập.

Còn nhiều nội dung tại dự thảo luật Kiểm toán độc lập khiến các vị đại biểu băn khoăn

Thảo luận về dự án thảo Luật Kiểm toán độc lập chiều 19/11, đại biểu Nguyễn Thành Tâm đã đề nghị bổ sung thêm hình thức xử lý bồi thường thiệt hại về tài chính nếu báo cáo kiểm toán không chính xác.

Theo đại biểu Tâm, cần bổ sung hình thức này bên cạnh các hình thức như cảnh cáo, phạt tiền, truất phép hoạt động hoặc xử lý hình sự để nâng cao trách nhiệm của bên lập báo cáo kiểm toán. Vì thực tế trong thời gian qua trên thị trường chứng khoán cũng như trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước đã cho thấy có trường hợp doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đứng trên bờ vực phá sản nhưng báo cáo kiểm toán vẫn đẹp và hậu quả của nó gây ra những thiệt hại rất lớn cho các nhà đầu tư cũng như cho Nhà nước.

“Những thiệt hại như vậy nếu chỉ phạt vi phạm hành chính thì mức bồi hoàn cho nhà đầu tư cũng như cho nền kinh tế là không đáng kể” đại biểu Tâm nói.

Liên quan đến đối tượng kiểm toán, đại biểu Thái Thị An Chung băn khoăn khi dự luật chỉ nhấn mạnh tới yếu tố chủ sở hữu là nhà nước hoặc nước ngoài. Theo đại biểu Chung, nên áp dụng kiểm toán bắt buộc với các doanh nghiệp hoạt trong lĩnh vực đầu tư có điều kiện, các công ty tư nhân và cũng cần có lộ trình bắt buộc kiểm toán đối với các công ty vừa và nhỏ. Bởi hiện nay Việt Nam đang có khoảng trên 400 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 94% trong tổng số các loại hình doanh nghiệp.

Ngoài ra cũng cần áp dụng kiểm toán bắt buộc đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư ra nước ngoài để tránh chuyển tiền hoặc đầu tư ra nước ngoài trái pháp luật, bà Chung đề nghị.

Đại biểu Phạm Thị Loan đưa ra đề nghị tất cả các khoản sử dụng ngân sách của Nhà nước cần phải được kiểm toán bắt buộc trong tương lai.

Liên quan đến quy định doanh nghiệp kiểm toán và vai trò của hiệp hội kiểm toán, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, kiểm toán là một dịch vụ đặc biệt và kinh doanh có điều kiện khác hoàn toàn các ngành nghề khác, là nghề nghiệp gắn với trách nhiệm con người, không phải là trách nhiệm về vốn liếng… “Chính vì vậy vấn đề đạo đức nghề nghiệp cực kỳ quan trọng mà quản lý đạo đức nghề nghiệp chưa ai chứng minh được rằng quản lý nhà nước trực tiếp tốt hơn để cho tổ chức nghề nghiệp quản lý”.

Vì vậy, ông Lịch đề nghị phải chế định rõ vai trò của hiệp hội hành nghề kiểm toán Việt Nam trong luật này và kiểm toán phải là thành viên của hiệp hội.

Còn doanh nghiệp kiểm toán cần bắt buộc phải có điều kiện được cấp phép mới đăng ký kinh doanh và không nên tổ chức loại công ty TNHH mà là công ty hợp danh. “Làm kiểm toán phải đứng cạnh tổ chức giống như luật sư chứ không phải ai muốn làm kiểu gì thì làm”, đại biểu Lịch nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường đề nghị bỏ quy định giám đốc hoặc tổng giám đốc doanh nghiệp kiểm toán phải góp tối thiểu 10% vốn điều lệ. Vì một mặt quy định này không phù hợp với pháp luật hiện hành, bởi tổng giám đốc, giám đốc là chức danh doanh nghiệp có thể thuê quản lý.

Mặt khác, quy định như vậy sẽ hạn chế quyền được làm việc và cống hiến của đối tượng có chất xám, có kỹ năng, kinh nghiệm nhưng không có vốn hoặc không muốn tham gia góp vốn vào doanh nghiệp.

Còn nhiều nội dung tại dự luật khiến các vị đại biểu băn khoăn, song Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh “xin phép được ghi nhận, nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến xác đáng để trình vào kỳ họp tới, vì còn nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận, hội thảo…”.

(Theo Vneconomy)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts