Tuesday, 23 November 2010

Bộ Trưởng Vũ Văn Ninh: Truy thu 1.450 tỷ đồng từ doanh nghiệp FDI khai lỗ không đúng

Xem hình

Đây là số tiền truy thu trong 3 năm thanh tra các Doanh nghiệp FDI. DN FDI thua lỗ không nộp thuế và báo cáo lỗ là một hình thức chuyển giá.

Lỗ liên tiếp nhưng vẫn mở rộng sản xuất

Năm 2009 toàn quốc có 1.358 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI đang hoạt động, có tới 56% số doanh nghiệp báo cáo làm ăn thua lỗ, các doanh nghiệp này đều có công ty mẹ tại nước ngoài, hàng sản xuất ra 99% là xuất khẩu sang nước thứ ba.

Do lỗ nên các doanh nghiệp FDI không nộp thuế, như một doanh nghiệp quận Bình Tân – Tp. Hồ Chí Minh năm 2007 báo cáo lỗ 2.354 tỷ đồng, năm 2008 lỗ 2.668 tỷ đồng, năm 2009 lỗ 2.654 tỷ đồng. Điều lạ là lỗ như vậy nhưng doanh nghiệp này vẫn mở rộng sản xuất năm sau cao hơn năm trước.

Theo ý kiến của đại biểu Quốc Hội Phạm Xuân Thường – Thái Bình đây thực chất là hình thức chuyển giá để trốn thuế bằng cách tính nguyên liệu đầu vào các doanh nhgiệp nhập từ công ty mẹ với giá cao ngất ngưởng, hàng đầu ra xuất sang các nước có thuế suất bằng 0 hoặc thuế suất thấp nên danh nghĩa theo báo cáo là lỗ công ty con, nhưng lại lãi cực lớn ở công ty mẹ.

Đã xây dựng một chương trình để thực hiện việc chống chuyển giá

Sáng ngày 23/11/2010, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc Hội - Phạm Xuân Thường về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính – Vũ Văn Ninh cho biết:

Qua giám sát, kiểm tra và quyết toán thuế, Bộ Tài chính đã nắm được vấn đề này. Năm 2005 BTC đã ban hành một thông tư hướng dẫn để cho các cơ quan thuế triển khai thực hiện biện pháp chống trượt giá như đại biểu vừa nói là trượt giá từ công ty mẹ sang công ty con.

Quá trình triển khai thực hiện đã tích cực trong việc triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra để hạn chế việc chống trượt giá, tuy nhiên việc chống trượt giá là vô cùng khó khăn bởi vì chuyển từ nước ngoài, xác định giá trị thiết bị, nhiên nguyên vật liệu từ công ty mẹ ở nước ngoài vào công ty trên cơ sở giấy tờ nhìn về hình thức là rất hợp pháp, đây là vấn đề rất khó.

Thêm vào đó, khi Việt Nam gia nhập WTO, việc áp định bảng giá tối thiểu, căn cứ vào đó xác định thuế đã phải hủy bỏ, không được thực hiện bảng giá tối thiểu, xác định trên cơ sở giá trị theo chứng từ hóa đơn. Chính vì thế, quá trình triển khai về thanh tra, kiểm tra rất khó khăn.

Với tình hình như vậy, năm 2010 chúng tôi đã ban hành Thông tư thay thế Thông tư này để kiểm soát việc chống chuyển giá, trong đó chuyển giá đầu vào vô cùng quan trọng.

Trong quá trình triển khai, BTC đã thanh tra 127 doanh nghiệp FDI lỗ nhiều liên tục trong 3 năm cũng đã phát hiện khai lỗ không đúng là 1.450 tỷ đồng, truy thu vào ngân sách.

Hiện nay, BTC vẫn đang tiếp tục triển khai một chương trình thanh tra toàn diện đối với doanh nghiệp FDI, chúng tôi đối chiếu với các chứng từ từ đầu vào và đầu ra, tham khảo giá trên thị trường thế giới, trong quy định gọi là tham vấn giá, các đại biểu hình dung giống như tham vấn giá nhập khẩu ô tô.

BTC đã có công văn, văn bản đề nghị với Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan thương vụ, các cơ quan tham tán và đại sứ quán nước ngoài xin thu thập các thông tin có liên quan khi cơ quan thuế có yêu cầu phối hợp chống chuyển giá này.

BTC cũng đã xây dựng một chương trình để thực hiện việc chống chuyển giá này. Bước đầu đã có kết quả. Đã thu được vào ngân sách một số vốn tương đối lớn. Trong năm tới chúng tôi tiếp tục thực hiện công việc này mạnh mẽ hơn.

(Theo Quốc Hội)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts