Người lao động sẽ không vui vì giá cả tăng nhanh, trong khi mức thưởng có thể sẽ không tăng. Ảnh minh họa. |
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, năm nay ngành thép gặp khá nhiều thuận lợi vào 3 quí đầu năm do giá thép tăng khiến lợi nhuận của các công ty trong các quí này cũng tăng cao. Tuy vậy, ngành này đã gặp một số bất lợi vào các tháng cuối năm do giá phôi thép thế giới tăng cùng với áp lực tỷ giá, trong khi giá thép doanh nghiệp bán ra không tăng khiến cho lợi nhuận các công ty sụt giảm.
Nhưng với lợi nhuận của các tháng đầu năm, cộng với việc tiêu thụ đang tốt lên do đã vào mùa xây dựng, ông Cường khẳng định thưởng tết năm nay sẽ có thể bằng năm ngoái. Tuy nhiên, ông cho rằng, với mức thưởng như vậy thì những yếu tố trượt giá chưa được tính vào và người lao động cũng “khó vui” với mức thưởng này.
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, cho rằng kim ngạch xuất khẩu ngành may trong 10 tháng đầu năm đạt 9,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 23% so với cùng kỳ, mức tăng này chứng tỏ các doanh nghiệp dệt may đã có hoạt động xuất khẩu khá sôi động trong năm nay. Tuy vậy, ông Hồng cho rằng, thực tế hiệu quả của từng doanh nghiệp là không cao như các năm trước.
Lý do theo ông Hồng là ngành dệt may nhập nguyên phụ liệu lớn, cùng với các tác động từ kinh tế vĩ mô như lãi suất cao, tỷ giá biến động, giá xăng dầu tăng… nên lợi nhuận của các doanh nghiệp có tăng nhưng sẽ không nhiều.
“Khác với các ngành khác, ngành may rất cần lao động, vì vậy cho dù kết quả kinh doanh ra sao thì các doanh nghiệp vẫn sẽ cố để có thể giữ được mức thưởng không thấp hơn năm ngoái cho người lao động để giữ chân họ”, ông Hồng nói thêm.
Ông cũng cho rằng, Công ty may Sài Gòn 3 mà ông đang là tổng giám đốc cũng sẽ cố gắng thưởng tết khoảng 2 tháng lương cho người lao động như tết năm 2010. Nhưng với việc chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng cao trong năm nay thì mức thưởng này của doanh nghiệp khó bù được trượt giá.
Theo bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty dược Hậu Giang, năm nay công ty đối diện với nhiều khó khăn như tỷ giá, lạm phát song do chủ động nhập nguyên liệu từ đầu năm nên công ty không bị ảnh hưởng nhiều. Thêm vào đó, do có nguồn tiền mặt dồi dào, không phải vay ngân hàng nên dược Hậu Giang vẫn có thể có lợi nhuận vào năm nay. Và công ty cũng sẽ cố gắng để trích thưởng năm nay cho cán bộ công nhân viên được bằng với năm ngoái.
Bà Nga cho rằng, với những khó khăn từ những tháng cuối năm, như chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, lương tối thiểu tăng, dược Hậu Giang cũng có kế hoạch xây nhà máy vào năm 2011 nên dự báo lợi nhuận của công ty có thể giảm vào năm sau và bà cho rằng lương, thưởng của năm 2012 sẽ khó mà giữ được như năm nay.
Với ngành giấy, ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty giấy Sài Gòn cho biết ngành giấy gặp nhiều khó khăn trong năm 2010, công ty ông cũng không thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận. Việc giá nguyên liệu tăng do tỷ giá, chi phí kinh doanh tăng do lạm phát... trong khi giá bán không thể tăng do khó tiêu thụ là những nguyên nhân chính gây ra áp lực cho doanh nghiệp.
Nói đến lương, thưởng năm 2010, ông cho biết sẽ vẫn cố gắng thực hiện như các năm trước. "Dù phải vay ngân hàng để trả lương, thưởng cho công nhân thì doanh nghiệp cũng phải làm, vì đó là trách nhiệm của người kinh doanh, trong bối cảnh giá cả leo thang như hiện nay thì người lao động sẽ rất mong chờ vào tiền thưởng tết từ doanh nghiệp", ông Vị nói thêm.
(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
No comments:
Post a Comment