Monday 22 November 2010

A410 – A450: Tìm hiểu chính sách kế toán và chu trình KD quan trọng

Mẫu A410 – A450: Tìm hiểu chính sách kế toán và chu trình KD quan trọng

Các mẫu này có nội dung tương tự nhau, do đó KTV căn cứ vào hướng dẫn dưới đây để thực hiện cho các Mẫu từ A410 – A450. Các thủ tục kiểm soát chính nêu tại Mẫu này chỉ là các ví dụ giả định. Tuỳ theo đặc điểm khách hàng và cuộc kiểm toán cụ thể, KTV phải căn cứ vào hệ thống kiểm soát nội bộ thực tế, mục tiêu kiểm soát và rủi ro phát hiện để xác định chu trình kinh doanh chính cần tìm hiểu.

Trong hồ sơ kiểm toán mẫu, các chu trình kinh doanh chính được gợi ý bao gồm:

(1) chu trình bán hàng, phải thu và thu tiền;

(2) chu trình mua hàng, phải trả và trả tiền;

(3) chu trình hàng tồn kho, tính giá thành và giá vốn;

(4) chu trình lương và phải trả người lao động;

(5) chu trình TSCĐ và xây dựng cơ bản.

Trên thực tế, tuỳ theo đặc điểm khách hàng, có những trường hợp không cần phải tìm hiểu tất cả 5 chu trình kinh doanh mà chỉ áp dụng những chu trình chính (như chu trình (1) và (2)). Ngoài ra, trong một số trường hợp, ngoài 5 chu trình trên, KTV còn phải tìm hiểu các chu trình quan trọng khác. Ví dụ: Đối với khách hàng là ngân hàng thì chu trình kinh doanh chính là chu trình huy động vốn (vay ngân hàng và các tổ chức tài chính, huy động tiền gửi tiết kiệm trong nhân dân, mở tài khoản tiền gửi của KH...); chu trình cho vay ngắn hạn, dài hạn...

Chuẩn mực và người thực hiện

Chuẩn mực kiểm toán “Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị” (VSA 315) yêu cầu KTV cần tìm hiểu hệ thống KSNB về mặt thiết kế và triển khai nhằm xác định nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán. Việc tìm hiểu và đánh giá hệ thống KSNB trong giai đoạn lập kế hoạch này được thực hiện hiện gồm 02 phần: Phần 1 - Đánh giá hệ thống KSNB ở cấp độ doanh nghiệp (Mẫu A610); Phần 2 - Tìm hiểu hệ thống KSNB về các chu trình kinh doanh chính (Các mẫu từ A410-A450).

Người thực hiện các mẫu này là trưởng nhóm kiểm toán và người phê duyệt là chủ nhiệm kiểm toán. Để thực hiện được Mẫu này đòi hỏi KTV phải tìm hiểu kỹ càng và có sự hiểu biết sâu sắc về đặc điểm của khách hàng và các chu trình kinh doanh chính. Đối với các khách hàng mới (khách hàng kiểm toán năm đầu tiên) có thể KTV chưa thực hiện được đầy đủ các mẫu này. Tuy nhiên, theo yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán, nhóm kiểm toán cần có hiểu biết nhất định về khách hàng và các chu trình kinh doanh chính, do đó, cần thực hiện tối thiểu các mẫu A410, A420 cho một khách hàng kiểm toán. Các mẫu còn lại cần thực hiện tùy thuộc tính chất quan trọng đối với đặc điểm khách hàng cụ thể. Trong trường hợp kiểm toán từ năm thứ 2 trở đi, KTV cần tìm hiểu kỹ hơn để hoàn thiện các mẫu này.

Thời điểm thực hiện

Các mẫu này nên được lập trước khi cuộc kiểm toán bắt đầu, thuận lợi nhất là thực hiện vào thời điểm thực hiện soát xét BCTC giữa kỳ hoặc kiểm toán sơ bộ.

Cách thực hiện

Trước khi thực hiện, KTV cần lưu ý mục tiêu của thủ tục “Tìm hiểu chính sách kế toán và chu trình kinh doanh” để:

  • Xác định và hiểu được các giao dịch và sự kiện liên quan tới chu trình kinh doanh quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp tới các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, các thủ tục kiểm tra, kiểm soát các nghiệp vụ kinh tế và lập chứng từ kế toán;
  • Đánh giá về mặt thiết kế và thực hiện đối với các thủ tục kiểm soát chính của chu trình KD này;
  • Quyết định xem liệu có thực hiện kiểm tra hệ thống KSNB hay không;
  • Thiết kế các thủ tục kiểm tra cơ bản phù hợp, hiệu quả đối với chu trình kinh doanh.

KTV cần tìm hiểu và điền nội dung thông tin liên quan tới các mục sau:

  • Hiểu biết về các khía cạnh kinh doanh chủ yếu liên quan;
  • Hiểu biết về chính sách kế toán áp dụng;
  • Mô tả chu trình: Các nghiệp vụ chính và thủ tục kiểm soát chính phải được xác định và mô tả bằng cách trần thuật bằng văn bản hoặc lập sơ đồ (flowchart) trong bước này.

Kết thúc phần mô tả các chu trình kinh doanh chủ yếu của khách hàng, KTV phải ghi chép lại nguồn thông tin cung cấp (ai, bộ phận liên quan) và cách xác minh tính hiện hữu của các bước và thủ tục trong từng quá trình (các mẫu chứng từ, các báo cáo nội bộ) và các thủ tục kiểm toán đã thực hiện (phỏng vấn, quan sát, kiểm tra) để chứng minh tính hiện hữu của các thông tin thu thập được, phục vụ cho quá trình tiến hành thử nghiệm kiểm soát hoặc thử nghiệm cơ bản.

KTV cần cân nhắc tiến hành thử nghiệm kiểm soát trong những trường hợp sau:

  • KTV tin rằng hệ thống KSNB được thiết kế và vận hành có hiệu quả trong việc ngăn ngừa, phát hiện và sửa chữa các sai sót hoặc gian lận có ảnh hưởng trọng yếu đến các cơ sở dẫn liệu của các chỉ tiêu trên BCTC.
  • Các thử nghiệm cơ bản không đủ cơ sở cung cấp các bằng chứng kiểm toán phù hợp cho các cơ sở dẫn liệu của các chỉ tiêu trên BCTC, chẳng hạn các chu trình kinh doanh chủ yếu phụ thuộc ở mức độ cao vào hệ thống công nghệ thông tin.

Trong trường hợp KTV quyết định tiến hành thử nghiệm kiểm soát, để thực hiện việc đánh giá hệ thống KSNB đối với chu trình kinh doanh chính, KTV cần thực hiện 05 bước công việc sau: (Tại các Mẫu từ A410 – 450 là các ví dụ về mục tiêu kiểm soát, rủi ro và thủ tục kiểm soát chính. Các công ty khi áp dụng phải sửa đổi cho phù hợp với công ty và từng khách hàng cụ thể.)

  • Bước 1 - Xác định mục tiêu kiểm soát: Mục tiêu kiểm soát được xây dựng chủ yếu dựa vào một số cơ sở dẫn liệu. Các cơ sở dẫn liệu hiệu quả đối với tìm hiểu, đánh giá và kiểm tra hệ thống KSNB là tính hiện hữu, tính đầy đủ và tính chính xác. Các cơ sở dẫn liệu khác thường được kiểm tra thông qua kiểm tra cơ bản.
  • Bước 2 - Xác định rủi ro có thể xảy ra: Xác định được rủi ro có thể xảy ra dẫn đến mục tiêu kiểm soát tương ứng không thực hiện được.
  • Bước 3 – Xác định thủ tục kiểm soát chính: Xác định thủ tục kiểm soát chủ yếu mà doanh nghiệp sử dụng để ngăn ngừa, phát hiện và sửa chữa một cách có hiệu quả các rủi ro đã xác định.
  • Bước 4 – Đánh giá thủ tục kiểm soát chính về mặt thiết kế: Sử dụng các thủ tục phỏng vấn, trao đổi, quan sát và vận dụng xét đoán chuyên môn để đánh giá xem thủ tục kiểm soát chính này có ngăn ngừa, phát hiện và sửa chữa có hiệu quả rủi ro đã xác định hay không.
  • Bước 5 – Đánh giá thủ tục kiểm soát chính về mặt triển khai: Kiểm tra xem doanh nghiệp có thực sự sử dụng các thủ tục kiểm soát này không bằng việc chọn mẫu một hoặc hai nghiệp vụ kiểm tra chúng từ khi bắt đầu cho đến khi được ghi nhận vào BCTC.

Khi kết luận kiểm toán cho các mẫu giấy tờ làm việc phần này, KTV cần phải thực hiện các công việc sau:

  • Xác định xem có còn rủi ro trọng yếu nào không và thủ tục kiểm toán cơ bản để kiểm tra chúng;
  • Kết luận sơ bộ về chu trình kiểm soát;
  • KTV có thể quyết định việc tiếp tục thực hiện kiểm tra hệ thống KSNB (sẽ thực hiện tiếp các mẫu giấy tờ làm việc trong Phần C). Nếu KTV quyết định chỉ kiểm tra cơ bản thì cần thực hiện nốt các giấy tờ làm việc trong Phần A- Lập kế hoạch và thực hiện kiểm tra cơ bản ở mức cao và không cần thực hiện Phần C.

Lưu ý:

Các công ty kiểm toán nên xây dựng cho mình thư viện về các mục tiêu kiểm soát và thủ tục kiểm soát chính cho các chu trình kinh doanh chính cho từng loại hình kinh doanh sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc tìm hiểu và kiểm tra hệ thống KSNB.

Liên kết với giấy tờ làm việc khác

Các thông tin trong các mẫu này được liên kết tới Mẫu A610, các mẫu tại phần C và Mẫu A910, về rủi ro phát hiện trong quá trình lập kế hoạch dựa trên hiểu biết các chu trình.

No comments:

Post a Comment

Popular Posts