Wednesday, 3 November 2010

Vay chứng khoán: quá nhiều rủi ro!

Vay chứng khoán: quá nhiều rủi ro!

“Đang có 100.000 VCG, 50.000 KLS, 200.000 PVX. Nếu vay thì (PM) chốt luôn nhé!”


Như đã thành thói quen, mỗi buổi sáng truy cập vào nick chat, NĐT N lại nhận được những lời rao như trên của cộng đồng các NĐT, các môi giới tại CTCK. Đánh theo đội lái là “mốt” một thời nhưng vay cổ phiếu và đánh xuống lại đang là lựa chọn của không ít “tay to”.

Vay chứng khoán, anh cần, tôi có

Cách đây hơn một năm ông H, một đại gia trong giới tài chính đã nghĩ đến việc lập một chợ cổ phiếu thông qua một công ty trung gian giữa NĐT và công ty chứng khóan (CTCK). Công ty này sẽ làm đầu mối để kết nối với những NĐT tại các CTCK hoặc họ có thể giao dịch trực tiếp với NĐT.
Ý tưởng trên chưa thành hiện thực thì đối tác của ông H là một quỹ đầu tư lớn gặp khó khăn và phải bán đi rất nhiều CP. Không có nguồn hàng cho vay nên việc lập một chợ như thế bị thất bại.
Tuy nhiên, tiếp nối ý tưởng của đại gia H, hiện nay trên TTCK đã hình thành những công ty trung gian và giới đầu tư quen gọi là “siêu đại lý” bởi nắm trong tay những CP có tính thanh khoản tốt với khối lượng khổng lồ.
Những quỹ đầu tư dài hạn, những nhà đầu tư tổ chức, các cá nhân thậm chí là những lãnh đạo của DN niêm yết sở hữu lượng CP lớn nhưng trước mắt không có nhu cầu giao dịch có thể cho công ty trung gian vay.
Công ty này đứng ra ký hợp đồng với NĐT có nhu cầu vay CP với các thỏa thuận về mức phí, cơ chế giao dịch…Mọi giao dịch vẫn được thực hiện trên tài khoản của người cho vay. Người đi vay nếu chưa có uy tín, quen biết sẽ phải đặt cọc 20% trên tổng giá trị CP vay.
Với những NĐT quen biết đôi khi chỉ cần chốt với nhau qua chat, qua SMS lúc đầu giờ giao dịch, cuối ngày mới thanh toán.
Thông thường “chợ cho vay chứng khoán” họp hai phiên. Phiên đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, những thời điểm chuẩn bị cho giao dịch. Tham gia vào các phiên chợ này phần đông là môi giới tại các CTCK. Họ mang đến cho công ty trung gian khách hàng có nhu cầu đán xuống và mang về những khoản phí, hoa hồng.

Bóp nghẹt T+3

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa có nhiều điểm sáng, kỳ vọng thị trường tiếp tục xuống nên đã xuất hiện nhu cầu vay chứng khoán để bán của NĐT. Đây là một nhu cầu có thật và một số công ty nhạy bén đã tìm cách đáp ứng. Tuy nhiên với quy định không được phép bán khống và họat động cho vay chứng khoán cũng chưa được rõ ràng, việc đi vay chứng khoán gây nên những rủi ro cho các cá nhân đầu tư, CTCK và với cả thị trường.

Đối với NĐT họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Một là nếu khi vay để bán nhưng thị trường lên thì sẽ thua lỗ. Điều này cũng là bình thường bởi nếu không đi vay chứng khóan họ đi vay tiền mua chứng khoán khi thị trường xuống cũng sẽ thua lỗ. Rủi ro thứ 2 là khi vay chứng khoán họ lại không được đứng tên giao dịch mặc dù đã có hợp đồng và nộp tiền đặt cọc.
Mọi giao dịch chỉ thực hiện thông qua công ty trung gian nên không biết được chính xác mỗi lệnh mua, lệnh bán đã khớp hay chưa. Nếu họ vay và bán được giá cao sau đó chứng khoán giảm sâu sẽ dễ nảy sinh tranh chấp do chủ sở hữu thực sự nhận thấy bị thua lỗ quá nhiều.
Lúc đó thật khó phân xử vì họat động cho vay chứng khoán chưa được phép và cơ chế để giải quyết tranh chấp này chưa có. Rủi ro thứ 3 là Công ty trung gian được thành lập nhưng hồ sơ không rõ ràng, thiếu tin cậy trong khi NĐT lại gửi cả tiền và chứng khoán để giao dịch chỉ thông qua một bản hợp đồng. Đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên việc họat động “chui” của các công ty này mang đến cho NĐT nhiều rủi ro.
Do nở rộ cho vay nên thị trường gần đây không có cơ hội tăng điểm. Giám đốc một CTCK cho biết thị trường đang bị bóp méo về biên độ. Thông thường phải T+4 NĐT mới được giao dịch nhưng nhưng NĐT đi vay, có sẵn trong tay CP đã làm biến dạng thị trường. Chỉ cần có lợi một chút rất nhỏ là NĐT đã chốt lời ngay do được bán sớm chứng khoán. Như vậy biên độ trở nên bị thu hẹp, TTCK khó có thể tăng điểm dứt khoát được. Hiếm có CP nào “thọ” được đến T+4 , mua xong CP về tài khỏan là bị lỗ.
Liên quan đến họat động cho vay chứng khoán, mặc dù thu được phí nhưng các CTCK cũng có không ít rủi ro. Do phải thông qua công ty trung gian để vay cổ phiếu (CTCK không được phép thực hiện nghiệp vụ này) họ sẽ phải chia sẻ thông tin khách hàng và không thực hiện tư vấn đầu tư nên khả năng mất khách hàng là rất lớn.
Bên cạnh đó việc quản trị rủi ro xung quanh họat động của các môi giới là rất khó khăn, cán bộ môi giới có thể cấu kết để thực hiện vay mượn, đảo số dư chứng khoán của khách hàng trong tài khoản lớn mà khách hàng có thể không hay biết, cán bộ môi giới tự ý xử lý các giao dịch mua bán trên tài khoản của khách hàng và rất dễ gây đến những mâu thuẫn, tranh chấp.

Cần có những can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước

Trước tình trạng cho vay chứng khoán nở rộ một câu hỏi đặt ra với cơ quan quản lý là đã đến lúc cho bán khống chứng khoán hay chưa (bán khống triệt tiêu việc cho vay)? “Ở Việt Nam hiện nay NĐT chỉ có thể kiếm lợi mỗi khi thị trường lên. Do đó để tạo điều kiện kiếm lời ngay khi thị trường xuống cần cho ứng trước chứng khoán hay cho phép bán khống” – một NĐT lớn cho biết.
Tuy nhiên với hệ thống công nghệ cùng hiểu biết của NĐT còn nhiều hạn chế, thật khó để triển khai ngay nghiệp vụ này. Do đó cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý nhằm xóa các chợ cho vay chứng khoán, làm lành mạnh hóa thị trường.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc giao dịch cho vay chứng khoán đã niêm yết ngoài hệ thống là vi phạm pháp luật vì theo Điều 33 Luật Chứng khoán, ngoài Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm giao dịch chứng khoán, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán. Đối với chứng khoán đã niêm yết chỉ có hai phương thức giao dịch là khớp lệnh đa phương và giao dịch thỏa thuận trong hệ thống của các Sở GDCK.


(Theo CafeF)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts