Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá ngày càng gia tăng, xu thế phát triển mạnh mẽ của các tập đoàn kinh tế, các công ty đa quốc gia cả về quy mô và cơ cấu tổ chức là một tất yếu khách quan. Sự lớn mạnh của các Tập đoàn kinh tế, các Công ty đa quốc gia (gọi tắt là các doanh nghiệp) kéo theo sự gia tăng khối lượng các giao dịch thương mại ngày một lớn. Khi các Doanh nghiệp áp đặt giá giao dịch nội bộ không theo giá thị trường, không theo quy luật cung cầu thì các giao dịch nội bộ này là phương tiện để Doanh nghiệp thực hiện hành vi chuyển giá nhằm hưởng lợi và tối thiểu hoá số thuế phải nộp gây ra sự bất bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các Doanh nghiệp và tác động xấu đến môi trường kinh doanh.
Bấm vào đây để tải văn bản về
Để tăng cường công tác kiểm soát đối với hoạt động chuyển giá, ngày 22/4/2010 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 66/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết. Theo đó chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với sản phẩm hàng hoá, dịch vụ được chuyển dịch giữa các bên có quan hệ liên kết không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường, nhằm tối thiểu hoá tổng số thuế phải nộp của doanh nghiệp. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký, với đối tượng áp dụng là các Tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thực hiện giao dịch kinh doanh với các bên có quan hệ liên kết, có nghĩa vụ kê khai, xác định nghĩa vụ thuế TNDN tại Việt Nam. Theo đó các đối tượng thoả mãn 3 điều kiện: là Doanh nghiệp; Có thực hiện giao dịch kinh doanh với các bên có quan hệ liên kết và nộp thuế TNDN tại Việt Nam theo kê khai.
Thông tư 66 nêu trên có phạm vi áp dụng đối với tất cả các giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, chuyển giao hoặc chuyển nhượng hàng hoá dịch vụ trong quá trình kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết.
Để xác định được các bên có quan hệ liên kết, trong Thông tư cũng chỉ rõ gồm 3 nhóm đối tượng sau:
Một là: Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi hình thức vào bên kia;
Hai là: Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi hình thức của một bên khác;
Ba là: Các bên cùng tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi hình thức vào một bên khác.
Thông thường, hai doanh nghiệp trong một kỳ tính thuế có quan hệ giao dịch kinh doanh thuộc một trong 13 trường hợp sau thì xác định là các bên liên kết, cụ thể:
1- Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;
2- Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp;
3- Cả hai doanh nghiệp đều nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của một bên thứ ba;
4- Một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn đầu tư của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% vốn đầu tư của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;
5- Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;
6- Một doanh nghiệp chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc kiểm soát của một doanh nghiệp khác với điều kiện số lượng các thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc kiểm soát của doanh nghiệp thứ hai; hoặc một thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thứ hai;
7- Hai doanh nghiệp cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba;
8- Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ sau: vợ và chồng; bố, mẹ và con (không phân biệt con đẻ, con nuôi hoặc con dâu, con rể); anh, chị, em có cùng cha, mẹ (không phân biệt cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi); ông nội, bà nội và cháu nội; ông ngoại, bà ngoại và cháu ngoại; cô, chú, bác, cậu, dì ruột và cháu ruột;
9- Hai doanh nghiệp có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài;
10- Một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm sử dụng tài sản vô hình hoặc quyền sở hữu trí tuệ của một doanh nghiệp khác với điều kiện chi phí phải trả cho việc sử dụng tài sản vô hình, quyền sở hữu trí tuệ đó chiếm trên 50% giá vốn (hoặc giá thành) sản phẩm;
11- Một doanh nghiệp cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp trên 50% tổng giá trị nguyên vật liệu, vật tư hoặc sản phẩm đầu vào (không bao gồm chi phí khấu hao đối với tài sản cố định) để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm đầu ra của một doanh nghiệp khác;
12- Một doanh nghiệp kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp trên 50% sản lượng sản phẩm tiêu thụ (tính theo từng chủng loại sản phẩm) của một doanh nghiệp khác;
13- Hai doanh nghiệp có thỏa thuận hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng.
Trong Thông tư còn quy định các Doanh nghiệp có quan hệ giao dịch liên kết phải có trách nhiệm kê khai các thông tin về giao dịch liên kết theo mẫu quy định. Thời hạn nộp hồ sơ kê khai “Thông tin về giao dịch liên kết” cùng với thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
Các Doanh nghiệp có giao dịch liên kết có nghĩa vụ và trách nhiệm lưu giữ các thông tin, tài liệu và chứng từ làm căn cứ áp dụng phương pháp xác định giá thị trường đối với sản phẩm trong các giao dịch liên kết và xuất trình theo yêu cầu kiểm tra, thanh tra của cơ quan Thuế.
Cụ thể, Doanh nghiệp có nghĩa vụ lập và lưu giữ hồ sơ gồm 3 loại thông tin, tài liệu và chứng từ có liên quan đến giao dịch liên kết sau:
1- Thông tin chung về doanh nghiệp và các bên liên kết như: Quan hệ liên kết giữa các bên liên kết với doanh nghiệp; Các tài liệu, báo cáo cập nhật về chiến lược phát triển, điều hành, kiểm soát giữa các bên liên kết; chính sách xây dựng giá giao dịch về từng nhóm sản phẩm theo định hướng chung của các bên liên kết và doanh nghiệp; Các tài liệu, báo cáo về quá trình phát triển, chiến lược kinh doanh, dự án, kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh; quy định và quy trình về chế độ báo cáo tài chính và kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp; Tài liệu mô tả sơ đồ tổ chức, chức năng hoạt động của doanh nghiệp.
2- Thông tin về giao dịch của doanh nghiệp như: Sơ đồ giao dịch và tài liệu mô tả về giao dịch bao gồm các thông tin về các bên tham gia giao dịch, trình tự và thủ tục thanh toán, chuyển giao sản phẩm…; Tài liệu mô tả đặc tính, chỉ tiêu kỹ thuật sản phẩm; bảng kê chi tiết chi phí (hoặc giá thành) đơn vị sản phẩm, giá bán sản phẩm, tổng số lượng sản phẩm sản xuất kinh doanh và tiêu thụ trong kỳ (chi tiết theo giao dịch liên kết và giao dịch độc lập (nếu có)); số lượng các sản phẩm; Các thông tin, tài liệu và chứng từ về quá trình thương lượng, ký kết, thực hiện và thanh lý các hợp đồng, thỏa thuận kinh tế có liên quan đến giao dịch; Các thông tin, tài liệu và chứng từ có liên quan đến điều kiện kinh tế của thị trường khi diễn ra giao dịch liên kết có ảnh hưởng đến phương pháp xác định giá giao dịch.
3- Thông tin về phương pháp xác định giá thị trường: Chính sách xây dựng giá mua, bán hoặc trao đổi sản phẩm của doanh nghiệp, quy trình kiểm soát, xét duyệt giá, biểu giá bán sản phẩm trên các thị trường tiêu thụ; Các thông tin, tài liệu và chứng từ làm căn cứ chứng minh cho việc lựa chọn và áp dụng phương pháp xác định giá phù hợp nhất trong giao dịch liên kết của doanh nghiệp bao gồm các thông tin, dữ liệu và chứng từ được sử dụng để phân tích so sánh, điều chỉnh khác biệt trọng yếu, bảng tính giá giao dịch theo phương pháp xác định giá mà doanh nghiệp áp dụng và giải thích lý do lựa chọn phương pháp đó; Các thông tin, tài liệu và chứng từ khác mang tính chất tham khảo có liên quan đến việc lựa chọn và áp dụng phương pháp xác định giá trong giao dịch liên kết.
Các thông tin, tài liệu và chứng từ có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và phương pháp xác định giá thị trường đối với giao dịch liên kết phải được lập tại thời điểm diễn ra các giao dịch liên kết, được cập nhật, bổ sung trong suốt quá trình thực hiện giao dịch và lưu giữ phù hợp với các quy định về lưu giữ chứng từ, sổ sách kế toán theo các quy định của pháp luật về kế toán, thống kê và thuế.
Doanh nghiệp phải cung cấp các thông tin, tài liệu và chứng từ trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc khi có yêu cầu của cơ quan Thuế. Trường hợp cơ sở kinh doanh có lý do chính đáng thì thời hạn này được gia hạn 1 lần không quá 30 ngày.
Các thông tin đã cung cấp cho cơ quan thuế để phục vụ việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên liên kết cho mục đích tính thuế sẽ được cơ quan thuế giữ bí mật.
Để triển khai thực hiện đúng các quy định của Thông tư; trong tháng 7 năm 2010, Tổng cục Thuế đã tiến hành mở các lớp tập huấn để phổ biến nội dung trong cán bộ, công chức thuế đồng thời chỉ đạo các Cục thuế địa phương tiếp tục mở các lớp tập huấn cho các Doanh nghiệp nắm vững các quy định để thực hiện.
Thông tư số 66/2010/TT-BTC ngày 22/4/2010 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết.
No comments:
Post a Comment