Thursday 21 April 2011

Thêm công cụ minh bạch cho doanh nghiệp

Việc lập Báo cáo diễn giải trong thời gian đầu nên là sự tự nguyện của DN (Ảnh minh họa: Corbis)

Báo cáo diễn giải về hoạt động kinh doanh là công cụ minh bạch phổ biến của DN theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là đối với DN niêm yết, nhưng nó còn mới đối với các DN Việt Nam. Bởi vậy, việc chủ động sử dụng công cụ này là cách để DN tạo điểm nhấn về minh bạch trong con mắt nhà đầu tư.

“Báo cáo thường niên của các DN hiện tại có nhiều điểm chưa đáp ứng được đòi hỏi thông tin ngày càng khắt khe của các nhà đầu tư. Do vậy, muốn khắc phục tình trạng này theo kinh nghiệm quốc tế, trước mắt các DN cần làm mới Báo cáo thường niên và xa hơn là cần lập Báo cáo diễn giải theo thông lệ quốc tế…”, bà Thái Thị Thanh Hải, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn quản trị rủi ro doanh nghiệp của Deloitte Việt Nam, chia sẻ như vậy tại Hội thảo về Báo cáo diễn giải, do Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) và Deloitte Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 21/4.

Theo bà Hải, Báo cáo thường niên của các DN, nhất là các DN niêm yết hiện nay có thông tin còn chung chung, dài dòng, nhưng thiếu thông tin được lượng hoá; sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên môn và quá nặng về các thông tin quá khứ… nên không nhiều hữu ích cho nhà đầu tư. Do vậy, lập Báo cáo diễn giải là cách để khắc phục những khiếm khuyết này.

Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng, hiện các DN đã quá tải với lập hệ thống báo cáo: Báo cáo tài chính, Báo cáo thường niên… nên nếu lập thêm Báo cáo diễn giải thì dễ dẫn đến trùng lắp với các báo cáo hiện có, đồng thời gây lãng phí cho DN.

Theo bà Hải, trong điều kiện môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện tại, trước mắt các DN nên đầu tư nhiều hơn cho “làm mới” Báo cáo thường niên, sau đó hãy tính đến lập Báo cáo diễn giải, để tạo điểm nhấn về minh bạch thông tin trong con mắt nhà đầu tư.

“Thông điệp quan trọng nhất mà DN nên bổ sung vào Báo cáo thường niên, cũng như thể hiện đậm nét trong Báo cáo diễn giải khi có điều kiện xây dựng là phải giải đáp được cho nhà đầu tư, ngày mai DN là ai, chứ không phải hôm qua và hôm nay DN là ai…”, bà Hải nói.

Theo bà Helen Brand, Tổng giám đốc ACCA, kết quả thu thập ý kiến của hơn 230 giám đốc tài chính của các công ty niêm yết tại 9 quốc gia về các thử thách hiện tại và định hình tương lai của Báo cáo diễn giải, cho thấy, nếu Báo cáo diễn giải được thực hiện đúng với chức năng của nó là định hình rõ khả năng phát triển của DN trong tương lai thì sẽ giúp NĐT nhận diện rõ hơn tiềm năng phát triển của DN. Các câu hỏi nhà đầu tư thường đặt ra nhất khi có ý định bỏ vốn mua cổ phiếu của một DN là: sắp tới DN đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ra sao, cách nào để tăng lợi nhuận… Việc thể hiện các thông điệp này theo hướng đơn giản, minh bạch trong Báo cáo diễn giải là bí quyết để các DN, nhất là DN niêm yết tạo dấu ấn trong con mắt nhà đầu tư.

Vì tính hữu ích của Báo cáo diễn giải đối với nỗ lực tăng cường minh bạch thông tin từ DN, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ, nên một số ý kiến cho rằng, Việt Nam nên nghiên cứu để có quy định pháp lý ràng buộc các DN phải xây dựng Báo cáo diễn giải kèm theo Báo cáo thường niên.

Tuy nhiên, TS Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ chế độ Kế toán và Kiểm toán (Bộ Tài chính) cho rằng, do đây là vấn đề mới, nên cần nghiên cứu thấu đáo hơn, đặc biệt là ở khía cạnh, sự khác biệt của Báo cáo diễn giải với Báo cáo kiểm toán và Báo cáo thường niên là gì, mối quan hệ giữa các báo cáo này. Nếu đưa ra quy định pháp lý điều chỉnh DN lập Báo cáo diễn giải, thì mức độ đến đâu, để tránh tăng gánh nặng chấp hành nghĩa vụ lập các loại báo cáo cho DN…

Việc lập Báo cáo diễn giải trong thời gian đầu nên là sự tự nguyện của DN, hơn là vội vàng đưa ra các quy định pháp lý ràng buộc, nhằm khuyến khích DN tự giác minh bạch thông tin về tình hình hoạt động của mình để tạo sức hút với nhà đầu tư như thông lệ quốc tế.

(theo ĐTCK)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts