“Sau 20 năm gắn bó với nghề kiểm toán, tài sản lớn nhất tôi dành dụm được là niềm tin. Nhờ tài sản quý giá này mà tôi ‘giàu’ lên trông thấy cả trong cuộc sống lẫn trong công việc…”, bà Hà Thị Thu Thanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam trải lòng với ĐTCK.
“Nghề kiểm toán sống bằng niềm tin, một giá trị vô hình rất to lớn, nhưng cũng rất đỗi mong manh. Ấy vậy mà người làm kiểm toán lúc nào cũng phải chắt chiu, gìn giữ và phải đặt được niềm tin này vào trái tim của khách hàng nếu muốn tồn tại…”, bà Thanh mở đầu câu chuyện bằng giọng trầm xuống khi bắt đầu nghĩ về những trải nghiệm (và cả kỷ niệm “đắng”) của một người gần như gắn cả sự nghiệp của mình với nghề kiểm toán độc lập (KTĐL).
Từ một công việc đang khá an nhàn với vị trí là công chức của Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính), vào đầu năm 1991 bà Thanh được lãnh đạo Bộ cử sang làm việc tại Công ty Kiểm toán Việt Nam (VACO) - công ty kiểm toán đầu tiên của Việt Nam, hoạt động trong một môi trường hoàn toàn mới là KTĐL. Ba năm đầu tiên có thể coi là khoảng thời gian nhiều khó khăn và đây là sức ép lớn đối với bà. Bây giờ, nhìn lại dấu ấn của chặng đường 20 năm ngành KTĐL Việt Nam (1991 - 2011), bà Thanh không giấu được sự tự hào khi thấy mình là một trong 5 người đầu tiên đặt chân vào một lĩnh vực kinh doanh mới là KTĐL hiện vẫn còn gắn bó với nghề. Điều này còn ý nghĩa hơn khi bà đang ngồi trên “ghế nóng” điều hành Deloitte Việt Nam - thành viên của Hãng tư vấn và kiểm toán số 1 thế giới Deloitte Touche Tohmatsu.
Ở vị trí Tổng giám đốc đã 13 năm, chèo lái đưa “con thuyền” Deloitte qua nhiều chặng hành trình của nghề, của ngành kiểm toán và cập những bến bờ thành công mới qua mỗi hành trình, trong ký ức của bà Thanh, đó là một hành trình nhiều sóng gió, gian nan, nhưng cũng đầy tự hào và đáng nhớ của Deloitte Việt Nam ngày nay (tiền thân là VACO) và của nghề KTĐL Việt Nam. Lịch sử phát triển và thành công của Deloitte Việt Nam gắn liền với lịch sử 20 năm ngành KTĐL Việt Nam. Ngày khai sinh 13/5/1991 của VACO cũng là ngày đánh dấu ngày thành lập KTĐL Việt Nam. “Khi bước chân sang ‘nghiệp kinh doanh’, tôi gần như bắt đầu từ con số 0”, bà Thanh tâm sự, bởi lâu nay chỉ quen làm chính sách chế độ kế toán, chứ chưa biết gì nhiều về KTĐL, chưa định hình khái niệm về kinh doanh trong lĩnh vực kiểm toán.
Vừa làm nghề, vừa “mò mẫm”, bà Thanh thấy mình thật may mắn, vì luôn có được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo Bộ Tài chính và luôn có (dường như là nhiều hơn các đồng nghiệp khác) cơ hội học tập trong nghề, trong công việc cả trong nước và ở nước ngoài. Ngay từ những ngày đầu làm nghề, bà được trực tiếp tham gia tác nghiệp với các đồng nghiệp quốc tế, học hỏi kinh nghiệm làm việc, học hỏi kiến thức kiểm toán và thực hành kiểm toán quốc tế. Điều này đã cho bà cơ hội tích lũy nhanh nhất và nhiều nhất kiến thức nghề KTĐL ngay từ những năm đầu tiên.
“Tôi là dân tiếng Nga, nhưng làm kiểm toán phần nhiều dùng tiếng Anh, nên khi mới làm nghề gặp vô vàn khó khăn. Vì bất đồng ngôn ngữ như vậy, nên ban đầu khi tham gia kiểm toán với đồng nghiệp quốc tế, lúc nào cũng phải có phiên dịch đi kèm. Nhưng giải pháp này cũng không ổn, bởi phiên dịch không chuyển tải hết được thuật ngữ chuyên môn của lĩnh vực kiểm toán, nên có lần phạm phải lỗi nghiệp vụ khá ngây ngô. Sau những lần ngượng chín cả người như vậy, không còn cách nào khác tôi phải làm chủ tiếng Anh để đảm bảo công việc trôi chảy và điều tôi muốn đã đạt được”, bà Thanh nói.
Cùng với Ban giám đốc Công ty thời kỳ đầu thành lập, đánh giá khả năng phát triển của thị trường kiểm toán, bà Thanh đã kiên trì theo đuổi chiến lược “quốc tế hoá nhân viên Việt Nam”. Năm 1995, Liên doanh kiểm toán VACO - Deloitte Touche Tohmatsu được thành lập, với sự tham gia đầy đủ và sâu rộng sự quản lý và điều hành của người Việt. Giọng bà Thanh hào hứng hẳn lên khi chia sẻ: “Đây không chỉ là bước ngoặt của VACO, mà là cả với ngành KTĐL non trẻ của Việt Nam, bởi nó đánh dấu giai đoạn hội nhập đầu tiên của KTĐL Việt Nam, tạo điều kiện cho các kiểm toán viên người Việt Nam có cơ hội nhiều nhất được đào tạo một cách toàn diện khi làm việc ở một mô hình công ty liên doanh kiểm toán như vậy, qua đó có thể làm chủ một lĩnh vực kinh doanh mới với các yêu cầu nghiêm ngặt trong hoạt động theo chuẩn mực quốc tế”.
Với bà Thanh, năm 2007 là mốc đáng nhớ, bởi Deloitte Việt Nam khi đó bước qua độ tuổi “trăng tròn”, để chuyển sang một giai đoạn trưởng thành chín chắn, vững vàng hơn khi VACO hoàn tất quá trình chuyển đổi lịch sử từ một doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính trở thành thành viên của “gã khổng lồ” Deloitte Touche Tohmatsu.
Bà Thanh không giấu được sự tự hào khi nhìn lại năm 2010 - thời điểm không thể quên với những thành viên trong “gia đình” Deloitte, bởi lần đầu tiên Deloitte vươn lên ngôi vị dẫn đầu toàn cầu về cung cấp dịch vụ kiểm toán, tư vấn. Trong sự thành công đó, có phần công sức của Deloitte Việt Nam.
Hành trình vượt sóng gió của Deloitte Việt Nam trong 20 năm qua luôn gắn liền với vị “thuyền trưởng”, một “bóng hồng” mà nhiều người gắn cho biệt danh là “Người đàn bà thép”. Khi được hỏi nhiều người học ở “Tây” về khó phát huy ở “Ta”, nhưng là một trong những người Việt Nam đầu tiên sang Mỹ học về kiểm toán, điều gì giúp bà không những đứng vững, mà hiện là một “nữ tướng” hiếm hoi trong làng kiểm toán và tư vấn Việt Nam, bà Thanh chia sẻ, chính vì nằm lòng niềm tin mãnh liệt “yêu nghề, nghề sẽ không phụ” để sẵn sàng đối mặt với thách thức là bí quyết giúp bà trụ vững với nghề ngay trong những thời khắc khó khăn nhất.
Cũng như những người làm kiểm toán chân chính khác, bà Thanh đã có được một “khối tài sản” đáng kể sau 20 năm gắn bó với nghề, đó là “Niềm tin”.
“Với đặc thù khắc nghiệt của nghề kiểm toán là không có sản phẩm hữu hình, nếu bản thân từng kiểm toán viên, cũng như các công ty kiểm toán không tạo được niềm tin với đối tác, khách hàng, thì anh sẽ chẳng có gì cả. Niềm tin được chắt chiu qua từng câu chữ, con số trong báo cáo kiểm toán, qua phong cách làm việc chuyên nghiệp… Đối tác tin cậy và lựa chọn một công ty kiểm toán nào đó là bởi doanh nghiệp đó gieo được niềm tin trong trái tim họ”, bà Thanh chiêm nghiệm.
Ví kiểm toán viên giống như “bác sỹ” tài chính cho doanh nghiệp, nên theo “Người đàn bà thép”, nếu không có niềm tin sẽ rất khó chẩn đoán chính xác bệnh tình của doanh nghiệp để kê được đơn thuốc tốt. Bởi vậy, 600 con người với 600 trái tim ở Deloitte Việt Nam đều cùng một nhịp đập của niềm tin, của ý chí nỗ lực để tạo dựng danh tiếng cho cá nhân mỗi người, cũng như cả Công ty.
Khi được hỏi điều gì khó nhất với người làm kiểm toán lúc này, bà Thanh không giấu giếm: “Khó nhất là biết nói ‘say No’ với đối tượng kiểm toán có vấn đề một cách chuyên nghiệp”. Chỉ có như vậy kiểm toán viên, công ty kiểm toán mới tạo dựng được danh tiếng cho mình, bằng không sẽ rơi vào cái bẫy của đối tượng kiểm toán. Cái tâm, cái tầm của một công ty kiểm toán đẳng cấp là ngoài chỉ ra bệnh và cách chữa trị cho doanh nghiệp, điều quan trọng hơn là tư vấn cho họ cách phòng bệnh, để có được sức khoẻ tốt hơn. Khi thị trường kiểm toán mới hình thành, người làm kiểm toán luôn phải đối mặt với thử thách, đó là nhiều doanh nghiệp nghĩ họ trả tiền thuê công ty kiểm toán, vậy mà cái họ nhận được toàn là những thứ móc máy, phải phơi bày những thông tin doanh nghiệp muốn giữ kín… Còn rủi ro lớn nhất của công ty kiểm toán hiện tại là hễ có “sự cố” liên quan đến báo cáo kiểm toán là dư luận, thị trường vội vàng đổ lỗi cho kiểm toán, mà dễ bỏ qua thực tế kiểm toán viên chỉ có thể đưa ra những đánh giá, nhận xét về sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp dựa trên các dữ liệu “ngọn”. Trong khi đó, một khi đối tượng kiểm toán cố tình cung cấp các dữ liệu đầu vào không trung thực, thì với chức trách của mình, kiểm toán viên không thể “đọc” hết được “gốc rễ” những chiêu thức gian lận của doanh nghiệp.
Với nghề quanh năm lu bu với những con số, những phép tính dễ rèn giũa cho con người ta tính mạch lạc, quyết đoán. Dẫu vậy, “Người đàn bà thép” luôn tâm đắc triết lý “dù đi đâu, làm gì, là ai tôi vẫn là người phụ nữ”. Bà là tấm gương về người phụ nữ thành đạt, cân bằng và hài hòa giữa công việc và cuộc sống. Bà Thanh chia sẻ: “Nhiều người nói tôi có ‘chất thép’, nhưng lại mềm dẻo và luôn giữ được tính giới. Thực tế, tôi gần gũi và hay nhỏ to với nhân viên nữ về kỹ năng làm vợ, làm mẹ, cách làm đẹp…” (cười).
Vào mùa kiểm toán cao điểm như hiện tại, lắm lúc làm việc đến quá nửa đêm, nhưng dù bận đến mấy bà Thanh cũng luôn trung thành với công thức đặc biệt: 3 ly cà phê trước khi bắt đầu công việc; trong giờ làm việc, thi thoảng gọi điện cho cháu ngoại. Tiếng bi bô của trẻ giúp bà nạp thêm năng lượng cho thời gian làm việc còn lại trong ngày. Ngoài 5 giờ chiều, bà dành ít nhất 45 phút cho tập thiền, yoga để lấy lại thăng bằng cho trí não cũng như thể lực.
Một thú vui khá riêng được bà Thanh chia sẻ như là phương thức giúp bà nạp năng lượng cho những chuyến chèo lái Deloitte Việt Nam “vượt đại dương” trong những lần ra khơi sắp tới là cuối tuần rất thích đưa cháu ngoại đi chơi hoặc ngồi cà phê tán gẫu với bạn bè.
(Theo Tinnhanhchungkhoan)
No comments:
Post a Comment