Thursday, 21 April 2011

“Tháo chạy” khỏi Sóc Sơn, giới đầu tư “vác tiền” về Đông Anh

Đất Sóc Sơn sau một thời gian bị đẩy giá lên cao giờ đã chững lại, giá giảm và giao dịch chậm, giới đầu tư đã bắt đầu tháo chạy sau khi kiếm khoản lợi nhuận kha khá. Một trong những điều lạ không thể phủ nhận, số lượng lớn chủ đầu tư đó lại “vác tiền” về Đông Anh là có thật.
Mặc dù “chiếc bánh quy hoạch” vẽ ra rất “ngon” nhưng qua tìm hiểu của nhiều nhà đầu tư thì đất khu vực này không “ngon” như đã tưởng khiến hàng loạt chủ đầu tư “vỡ mộng”
Sóc Sơn và bài học sốt đất Ba Vì
Trên thực tế, đất Sóc Sơn chỉ sốt trong thời gian 2 – 3 tuần khi mà có thông tin Hà Nội dự kiến di dời 25 bệnh viện, 13 Viện nghiên cứu, 12 trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành, trong số đó Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đề xuất Trường Đại học Công đoàn, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp, Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới… di chuyển về Sóc Sơn khiến khu vực này nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Mặc dù “chiếc bánh quy hoạch” vẽ ra rất “ngon” nhưng qua tìm hiểu thì đất khu vực này không “ngon” như đã tưởng khiến hàng loạt chủ đầu tư “vỡ mộng”.
Điều tra thực tế của phóng viên cho thấy, khách đến tìm mua đông nhất khoảng 3 tuần trước và chủ yếu họ chỉ hỏi chứ không có ý định mua, giao dịch thì trầm lắng. Theo phản ánh của người dân, hiện tại nhiều nhà muốn bán nhưng không bán được. Đại diện một văn phòng nhà đất trên Quốc lộ 2 cũng cho biết, thời gian gần đây, lượng nhà đầu tư về đây giảm hẳn.
Tại một số diễn đàn, chị Nguyễn Hồng Lan chia sẻ, đúng là đất Sóc Sơn hiện nay thanh khoản quá kém, mua thì dễ nhưng để bán được cực kỳ khó, hơn nữa Công viên thiên đường - nghĩa trang lớn nhất Hà Nội sẽ được xây dựng tại đây, nên có muốn mua đất Sóc Sơn chắc phải tham khảo khu nào cách đó ít nhất 3-5km, chứ đất gần nghĩa trang bán chẳng ai mua.
Đồng tình với ý kiến trên, anh Nguyễn Huy Hưng – một nhà đầu tư cũng khẳng định, giá đất Sóc Sơn đúng là rẻ, quỹ đất nhiều thật nhưng thanh khoản kém. Nếu để đầu tư lâu dài thì chắc cũng có lãi nhưng ngắn hạn thì rất khó.
Rõ ràng, trong bối cảnh đồng tiền mất giá, lạm phát tăng cao khiến cho người dân đều muốn mua đất để giữ tiền. Tuy nhiên, bài học cơn sốt đất Ba Vì vừa qua đã là “kim chỉ nam” để người dân phải thận trọng hơn khi quyết định đầu tư vào khu vực này.
“Vác” tiền về Đông Anh
Không thể phủ nhận, theo điều tra của phóng viên, việc số lượng lớn nhà đầu tư, người dân “vác” tiền từ việc đầu tư vào đất Sóc Sơn trở về Đông Anh là có thật.
Gần 1 tháng quay trở lại, huyện Đông Anh vẫn nhộn nhịp như ngày nào. Với hệ thống giao thông thuận lợi, chỉ 20 phút chạy xe từ trung tâm thành phố Hà Nội, qua cầu Thăng Long huyện Đông Anh đang dần tạo ra bộ mặt mới.
Tiếp chuyện với một vị lãnh đạo huyện thì được biết, trong thời gian gần đây, khách đến tìm mua đất rất đông, chủ yếu là có nhu cầu thực, họ mua trong khoảng diện tích từ 50 – 70m2 để xây nhà ở luôn là chủ yếu. Đối tượng là những đôi vợ chồng trẻ làm việc bên nội thành.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết, trên địa bàn huyện hiện đã quy hoạch thành 7 chùm đô thị, bao gồm: 1 trung tâm tài chính quốc tế ở khu vực Phương Trạch - Vĩnh Ngọc; Trung tâm triển lãm quốc tế ở khu Vân Trì kéo dài đến Bắc Hồng; ngoài ra còn các khu TTTM, khu đô thị mới cũng đã được phê duyệt như KĐT mới Nam Hồng, Kim Chung, KĐT mới Đại Mạch đang được nghiên cứu, mỗi khu rộng khoảng 3-400 ha...
Bên cạnh đó, nếu so sánh giá đất giữa bên kia sông Hồng thì thấy chênh nhau rất lớn. Cụ thể như khu vực Cổ Nhuế, Từ Liêm hiện nay có giá trung bình khoảng 100 triệu/m2, trong khi giá đất ở Đông Anh chỉ xấp xỉ khoảng từ 30-40 triệu/m2 mà khoảng cách thì không chênh nhau là mấy.
Đông Anh đang trở thành mảnh đất "màu mỡ" hơn bao giờ hết
Trước thông tin hiện đang có 100 doanh nghiệp "rục rịch" xin TP Hà Nội cấp đất ở Đông Anh để xây dựng hàng loạt công trình, doanh nghiệp đầu tiên là CTCP Đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản Đông Á (Dong A Land) đã lên tiếng khẳng định đang có kế hoạch triển khai thực hiện dự án Khu đô thị rộng 40 ha tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội bao gồm khu đô thị, khu biệt thự, nhà liền kề, văn phòng cho thuê.
Không có gì lạ khi Đông Anh là một trong những huyện có vị trí rất đắc địa bởi nằm giữa Thủ đô Hà Nội và sân bay Nội Bài rất thuận tiện cho giao thông và phát triển cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, Bộ Xây dựng chính thức có văn bản trả lời Văn phòng Chính phủ về việc lập quy hoạch chung hai bên đường Nhật Tân – Nội Bài và đầu tư xây dựng quần thể Trung tâm tài chính thương mại Quốc tế ASEAN và đô thị, dịch vụ đa năng tại khu vực Đông Anh - Hà Nội (phía bắc sông Hồng).
Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có nhiều dự án điển hình như: cầu Đông Trù nối đường 5 kéo dài, Trung tâm triển lãm quốc tế ở khu Vân Trì kéo dài đến Bắc Hồng..., điều đặc biệt nếu quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng được duyệt sớm thì đây sẽ là 1/2 đô thị Hà Nội. Chính những lý do này khiến Đông Anh trở thành mảnh đất màu mỡ hơn bao giờ hết.

(Theo DDDN)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts