Monday, 4 April 2011

Đầu tư vào DN chưa niêm yết: Khoảng tối trong trích lập dự phòng

Xem hình

Cùng đầu tư vào một DN, với mức giá khá gần nhau, nhưng hai DN lại có 2 cách ứng xử hoàn toàn khác biệt. Đây có lẽ là một ví dụ cho thấy, khoảng tối lớn vẫn đang tồn tại trong bức tranh các khoản đầu tư vào DN chưa đại chúng hoặc chưa niêm yết.

Câu chuyện của VIP và VTO

Trong Báo cáo kiểm toán năm 2010 của CTCP Vận tải xăng dầu Vitaco (mã VTO) và CTCP Vận tải xăng dầu VIPCO (mã VIP) có một đặc điểm chung, đó là cùng có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên liên quan đến vấn đề trích lập dự phòng khoản đầu tư vào cùng một DN: CTCP An Phú. Nguyên nhân dẫn đến việc ngoại trừ trong cả hai trường hợp đều là: cổ phiếu CTCP An Phú chưa được niêm yết và công ty cũng không thu thập được các thông tin trên thị trường giao dịch không chính thức từ các CTCK.

Tại VIPCO, khoản đầu tư 652.000 cổ phiếu CTCP An Phú với giá gốc 56,16 tỷ đồng (tương đương hơn 86.100 đồng/CP) được Ban lãnh đạo Công ty ghi nhận vào 31/12/2010 là nguyên giá gốc. Trong khi đó, cùng thời điểm trên, 625.000 cổ phiếu trên với giá gốc 53,5 tỷ đồng (tương đương mức 85.600 đồng/CP) lại được Vitaco ghi nhận giá trị chỉ còn 6,875 tỷ đồng, tương đương mức trích lập dự phòng tổng cộng lên tới 46,625 tỷ đồng (trong đó, năm 2010 trích lập 24,375 tỷ đồng, năm 2009 trích lập 22,25 tỷ đồng). Với mức trích lập này, giá cổ phiếu CTCP An Phú chỉ còn 11.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 12,85% giá gốc.

Ai đúng, ai sai hay cả hai cùng sai trong trường hợp trên là câu hỏi không dễ trả lời khi DN chưa tất toán khoản đầu tư. NĐT lại càng khó biết khi thậm chí, họ có thể còn không biết tồn tại một CTCP An Phú như vậy. Nhưng rõ ràng, sự khác biệt này đã tác động đến kết quả kinh doanh trong kỳ, khi nếu VIPCO trích lập như Vitaco thì, kết quả kinh doanh sẽ phải giảm đi 48,988 tỷ đồng trong khi lợi nhuận trước thuế công ty mẹ năm 2010 là 50,675 tỷ đồng. Còn nếu Vitaco lựa chọn cách trích lập giống như của VIPCO, lợi nhuận Công ty (hợp nhất) sẽ tăng thêm 46,625 tỷ đồng trên 102,011 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Mù mờ trích lập dự phòng

Một điều dễ thấy là từ năm 2009 đến nay, ngoại trừ một số cổ phiếu chuẩn bị niêm yết, thị trường OTC khá trầm lắng, thậm chí đóng băng với đa số cổ phiếu "lạ". Do đó, với những khoản đầu tư này, việc DN ghi nhận như thế nào, NĐT sẽ rất khó khăn để xác định tính chính xác.

Trong BCTC kiểm toán năm 2010 của CTCP Đầu tư và phát triển SACOM (SAM), khoản mục đầu tư tài chính dài hạn tính theo giá gốc lên tới 1.300 tỷ đồng, trong đó 380 tỷ đồng đầu tư vào công ty con, 386,79 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên doanh liên kết, còn lại 533,669 tỷ đồng đầu tư dài hạn khác. Trong đó có 150.000 chứng chỉ quỹ PRUBF1, 300.000 cổ phiếu CTCP Du lịch Bưu điện, 180.000 cổ phiếu ALP giá hơn 40.000 đồng/CP, hơn 4 triệu HPG giá 40.000 đồng/CP, 2 triệu cỏ phiếu WSS giá 10.000 đồng/CP, 28 triệu chứng chỉ quỹ tầm nhìn SSI (giá 10.000 đồng/CCQ), gần 1 triệu QCG giá 25.800 đồng/CP, 375.000 cổ phiếu SSI (giá 36.000 đồng/CP). Trong khi đó, tổng trích lập dự phòng cho toàn bộ 1.300 tỷ đồng đầu tư này tại SACOM là 64 tỷ đồng.

Báo cáo kiểm toán không có ngoại trừ, SAM đã qua được một vòng tương đối quan trọng để chiếm niềm tin của NĐT, nhưng với tổng giá trị đầu tư quá lớn trong khi NĐT không thể xác minh tính hiệu quả các khoản đầu tư này, thì việc xuất hiện những thắc mắc về tính chuẩn xác của số liệu trích lập là điều khó tránh khỏi.

Với CTCP Kinh Đô (KDC), thời điểm này, Công ty vẫn chưa có BCTC năm kiểm toán, đồng thời, BCTC quý IV chưa nêu chi tiết các khoản đầu tư (chỉ chung chung ở con số 291,276 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu dài hạn khác, 212,363 tỷ đồng đầu tư dài hạn; 800,5 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên doanh liên kết trên tổng số 2.301,287 tỷ đồng đầu tư dài hạn), trong khi con số trích lập dự phòng giảm giá là 94,84 tỷ đồng (tương đương 7,29% giá trị đầu tư dài hạn khác và đầu tư vào công ty liên doanh liên kết). Điều này khiến cho những NĐT quan tâm phải đặt đâu hỏi: liệu con số lợi nhuận quý IV/2010 có sát với con số lợi nhuận trong BCTC kiểm toán năm nay? Nghi ngờ này không phải là không có cơ sở, khi năm 2009, công chúng đầu tư đã từng bị "sốc" do kết quả kinh doanh năm 2008 của Công ty chuyển từ lãi 142,3 tỷ đồng thành lỗ 61,7 tỷ đồng do trích lập dự phòng chưa đúng.

Tất nhiên, không phải DN niêm yết nào cũng có quy mô đầu tư tài chính dài hạn lớn cỡ REE, SAM, KDC (ngoại trừ các đơn vị chuyên về tài chính). Nhưng, nếu xem xét giá trị đầu tư tài chính trên cơ sở tỷ trọng tài sản của toàn DN, hoặc so sánh chi phí tài chính có khả năng bị DN… quên trích lập với tương quan lợi nhuận một năm, sẽ thấy những bất thường đáng nghi ngại.

Ba năm vừa qua, các DN đã minh bạch hơn trong trình bày thuyết minh về "các khoản đầu tư dài hạn khác", nhưng không phải tất cả. Câu chuyện của VIPCO, Vitaco là một minh chứng cho thấy: ngay cả khi DN minh bạch thì số liệu đưa ra cũng không hẳn là con số hoàn toàn đáng tin cậy, nên những DN để một lượng tài sản lớn chỉ đơn giản diễn đạt ở chữ "khác" thì mức rủi ro lớn cho NĐT là điều có thể xảy ra.

(Theo tinnhanhchungkhoan.vn)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts