Thursday 28 April 2011

Thuế thu nhập cá nhân: 1 cái "được" và 2 cái "mất"

Luật Thuế thu nhập cá nhân vẫn "nặng" về thu đồng đều, chưa đánh vào đối tượng thu nhập cao để đảm bảo tiết giảm tiêu dùng xa xỉ, đảm bảo công bằng xã hội và đảm bảo tăng thu ngân sách. - TS. Nguyễn Minh Phong nhận định.
Luật thuế thu nhập cá nhân hiện nay vẫn "nặng" về thu đồng đều, chưa đánh vào đối tượng thu nhập cao
Ông Nguyễn Minh Phong - Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội đã trao đổi với PV về những bất cập của thuế thu nhập cá nhân hiện tại.

Thuế thu nhập cá nhân vẫn "nặng" thu đồng đều

-Thưa ông, trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng, việc tính đến sửa đổi luật thuế thu nhập cá nhân hợp lý hay không hợp lý?

Nếu xét theo yêu cầu quản lý nhà nước thì việc sửa và hoàn thiện các văn bản pháp luật đã bàn hành trong bối cảnh thực tế đã thay đổi là chuyện bình thường. Vấn đề là xem nội dung sửa đổi theo hướng nào. Hướng thắt chặt tăng thu cho ngân sách nhà nước và mở rộng hơn các đối tượng thu, nâng mức thu sẽ là không phù hợp trong bối cảnh cần phải mở rộng kích cầu và đầu tư hiện nay. Còn nếu xét thấy mức khởi điểm thấp, diện bao quát chưa đầy đủ, phương thức hoàn thuế phức tạp... thì điều chỉnh là quá tốt.

Thực ra trong bối cảnh hiện nay, cần có hướng sửa đổi theo hướng tăng thu của các đối tượng thu nhập cao, bởi hiện nay, năm 2010, nhập khẩu hàng xa xỉ là 10 tỷ USD, trong bối cảnh nhập siêu là 12 tỷ USD. Rõ ràng đang xuất hiện tầng lớp có thu nhập rất cao, đối tượng này chưa được đưa vào diện quản lý một cách thực sự.

Luật Thuế thu nhập cá nhân vẫn "nặng" về thu đồng đều, chưa đánh vào đối tượng thu nhập cao để đảm bảo tiết giảm tiêu dùng xa xỉ, đảm bảo công bằng xã hội và đảm bảo tăng thu ngân sách.

- Thưa ông, liên quan đến mức khởi điểm chịu thuế thu nhập là 4 triệu đồng 1 tháng. Có nhiều ý kiến cho rằng đã lạc hậu và quá thấp.

Thực ra đây cũng là vấn đề mà chính tôi trước đây đã có kiến nghị là không nên đưa ra mức 4 triệu đồng vì đây là mức nên thay đổi theo năm, theo lạm phát cũng như mức lương tối thiểu và cũng không phù hợp với mức sống thực tế.

Theo tôi, nên quy định mức khởi điểm thuế theo mức lương tối thiểu để sau này cơ quan thuế áp dụng sẽ rất "mềm", chỉ cần nhân với mức lương tối thiểu và số lần qui định trong Luật thì sẽ ra được mức chịu thuế cụ thể từng thời điểm. Chẳng hạn, nếu tính thời giá bây giờ phải là có thu nhập 10 triệu đồng mới có thể chấp nhận được.

Đây là một trong những hướng được người dân, nhà khoa học đều ủng hộ.

Lạm phát 40% trong 3 năm, khởi điểm thuế phải điều chỉnh

- Tức là theo quan điểm của ông , chúng ta cần phải điều chỉnh Luật. Thế cơ sở chính để ông tính toán điều này là như thế nào ?

Chúng ta thấy rằng 2 năm vừa qua, 2009 -2010, lạm phát của chúng ta cao. Nếu tính tổng thể trong 3 năm thì cỡ khoảng 40%. Rõ ràng, từ khi Luật ra đời đến thời điểm này thì lạm phát đã tăng 40% thì mức khởi điểm chịu thuế cũng phải điều chỉnh lên ít nhất là 40%.

- Theo quan điểm của ông hơn 2 năm chúng ta thực hiện Luật thuế thu nhập, đâu là những mặt được và hạn chế? Chúng ta rút được kinh nghiệm gì?

Thực ra cái được chưa nhiều lắm. Cái được là nhà nước thu được ngân sách nhưng con số này chưa công bố. Và thứ 2 là ít nhất tạo ra được sự công bằng nhất định trong xã hội trong việc đóng thuế cho nhà nước.

Nhưng có 2 cái mất lớn nhất. Thứ nhất là chưa đánh đúng đối tượng có thu nhập cao thực sự và vẫn nặng thu bình quân của những người ăn lương nhà nước và những người có sổ lương. Thế còn những người có thu nhập cao khác chưa được bao quát hết như: thu nhập cao do hoa hồng, hoặc những khoản không trình bày trong sổ sách thì vẫn bị bỏ trống.

Vấn đề đặc biệt bất cập khác đó là công tác hoàn thuế. Người lao động cứ có thu nhập trên 500.000 đồng là phải chịu thuế 10%, nó làm sai mất bản chất của thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt là thu nhập cao. Rõ ràng là trong vấn đề tính thuế, hoàn thuế để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu không oan đối với những người thu nhập, nhất là những công chức bình thường thì đây là bất cập của ngành thuế mà vẫn chưa có hướng sửa đổi.

Về lâu dài phải có cở sở hạ tầng tính thuế

- Vậy theo kinh nghiệm của ông thì cách mà các nước khác trong khu vực đang tính thuế khác cách chúng ta đang làm hiện nay như thế nào?

Mỗi nước mỗi khác, nhưng quan trọng hơn là họ có cơ sở hạ tầng tính thuế rất tốt. Tất cả các khoản thu chi đều phải thực hiện qua hệ thống ngân hàng và được phản ánh vào một chỗ. Chính vì thế mức tổng thu nhập của một ngươi dân được tính rất rõ ràng, họ tính thuế một cách đơn giản hơn, áp thuế dễ và chính xác.

Trong khi đó, ở nước ta công việc này còn lỏng lẻo, thậm chí là không đầy đủ, không có, nên cơ quan thuế cứ "ăn chắc" là thu luôn từ gốc 10%. Cách tính thuế của chúng ta tưởng nhẹ, nhưng lại hóa ra rất nặng nếu xét về quyền lợi của người đóng thuế cũng như gây thiệt hại cho ngân sách nếu như xét về việc thất thu.

- Hiện nay nếu như sửa Luật thuế thu nhập cá nhân thì theo qui trình làm luật, chúng ta sẽ phải chờ đợi phiên họp tới của Quốc hội mới xem xét và thông. Vậy liệu có bị chậm không?

Vâng, chính cái qui định của Luật vừa "cứng" vừa gây ra những thủ tục dài khiến cho quá trình điều hành chính sách tài chính rất cứng, hầu như không có sự thay đổi trong suốt 2 năm qua, cho dù bối cảnh kinh tế đất nước có nhiều thay đổi. Vì thế, theo tôi nếu sửa đổi Luật lần này thì cần phải tạo tiền đề dài hơn cho những đợt điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân lần sau bằng cách thay vì qui định con số cụ thể thì nên đưa ra theo cách tính là bội số của lương tối thiểu như đã đề cập ở trên.

Thứ hai là đưa ra qui trình về thay đổi thuế theo thực tiễn một cách mềm hơn và linh hoạt hơn để tăng quyền cho cơ quan thuế không cần thông qua Quốc hội nữa mà vẫn đảm bảo đúng đối tượng và đúng yêu cầu. Nghĩa là, chất lượng của các văn bản thuế được xây dựng cao hơn theo hướng vừa bao quát vừa đầy đủ, vừa chặt chẽ mà có sự mềm dẻo trong quá trình thực hiện. Điều này sẽ giúp tránh những bất cập về quy trình thời gian, sự nặng nề về thủ tục và cả sự khó khăn trong điều hành và đặc biệt là sự lạc hậu trong thực tế.

Tôi cho rằng chúng ta cũng cần điều chỉnh toàn bộ qui trình làm luật theo 2 hướng. Hướng thứ nhất là phải đảm bảo tính chuyên nghiệp cũng như tính tập trung để đảm bảo chất lượng. Một hướng khác là trong quy định xây dựng luật cũng nên có phân cấp điều chỉnh ở mức độ nào đó để cơ quan thường trực làm trong năm thay vì phải chờ đợi Quốc hội họp.

- Xin cám ơn ông!
Theo VEF

No comments:

Post a Comment

Popular Posts