“Thành viên Ban kiểm soát có quyền tiếp cận tất cả các thông tin và tài liệu liên quan đến tình hình hoạt động của DN. Thành viên HĐQT, giám đốc (tổng giám đốc) điều hành và cán bộ quản lý phải cung cấp các thông tin theo yêu cầu của ban kiểm soát". Đó là một trong các quy định trong Dự thảo thông tư hướng dẫn về quản trị DN áp dụng cho các công ty đại chúng đang được UBCK lấy ý kiến trước khi trình Bộ Tài chính ban hành.
Quy định này thực chất không mới mà chỉ nhấn mạnh thêm quyền lực của ban kiểm soát trong DN. Tuy nhiên, vai trò thực tế của ban kiểm soát lại bị nhiều người đặt dấu hỏi.
"Phần lớn báo cáo của ban kiểm soát tại các kỳ ĐHCĐ gần như được sao chép như ban kiểm soát thống nhất với báo cáo của HĐQT. Chưa thấy báo cáo nào phát hiện ra những yếu tố bất thường trong hoạt động của DN cả", ông Nguyễn Văn T, cổ đông của CTCP Tổng hợp I Việt Nam (TH1) chia sẻ với phóng viên Đầu tư Chứng khoán bên lề ĐHCĐ thường niên của TH1. NĐT này còn cho biết, khi tham dự các ĐHCĐ thì thấy báo cáo ban kiểm soát không đọc thì thiếu mà đọc xong lại thấy thừa, bởi thực tế nó không hề mang lại giá trị gì thêm cho cổ đông.
Tương tự, sau ĐHCĐ vừa qua của CTCK Phố Wall (WSS), cổ đông Nguyễn H cho biết, năm 2010, mặc dù doanh thu chỉ đạt 60,23% kế hoạch (hơn 112 tỷ đồng) và lợi nhuận trước thuế đạt 12,81% kế hoạch (18,7 tỷ đồng), thu nhập trên mỗi cổ phần là 395 đồng, nhưng báo cáo của Ban kiểm soát về tình hình hoạt động của WSS không có những kết luận và kiến nghị cụ thể về tình hình hoạt động của Công ty.
"Mặc dù kết quả kinh doanh rất kém nhưng Ban kiểm soát, với tư cách là bộ phận có quyền giám sát các hoạt động xây dựng quy chế, quy định nội bộ như quy chế tiền lương, thưởng…, lại không có ý kiến gì về đề xuất của HĐQT về thù lao HĐQT và Ban kiểm soát năm 2010 lên đến 1,5 tỷ đồng (gần 10% lợi nhuận trước thuế) và phần thưởng dành cho HĐQT, Ban kiểm soát, Ban điều hành và CBCNV còn lên tới 10% lợi nhuận sau thuế", cổ đông này bức xúc.
Về vấn đề này, bà Ngô Thị Thu Hà, Đoàn luật sư Nghệ An cho rằng: "Chừng nào HĐQT còn là người đưa ra mức thù lao, thưởng cho ban kiểm soát và chừng nào ban kiểm soát còn là CBNV trong công ty thì chừng đó ban kiểm soát và HĐQT khó hoạt động độc lập. Theo tôi, nên khuyến khích việc tham gia của thành viên ban kiểm soát độc lập giống như thành viên HĐQT độc lập".
Trên thực tế, đã có trường hợp bản báo cáo ban kiểm soát về kết quả kinh doanh năm 2010 của một DN niêm yết ghi sai tổng số vốn đầu tư ngắn hạn trong lĩnh vực đầu tư tài chính (lẽ ra là 98 tỷ đồng thì ghi nhầm thành 167 tỷ đồng) do sao chép toàn bộ cái sai của báo cáo HĐQT. Tại đại hội, chủ tịch HĐQT lại là người phát hiện ra cái sai này và xin lỗi cổ đông.
Rõ ràng, hiện nay, cơ chế hỗ trợ ban kiểm soát tại các DN đại chúng thực thi nhiệm vụ là không thiếu, nhưng vấn đề là sự phát huy cơ chế đó đến đâu. Trên thực tế, tại nhiều DN, ban kiểm soát chưa thực sự là một bộ phận độc lập để có thể giám sát tình hình hoạt động và cơ chế ra quyết định của ban điều hành. Còn tại các DN chưa đại chúng, tình trạng ban kiểm soát bị "coi nhẹ" còn nặng nề hơn. Như trường hợp tại Công ty Investip, ông Phí Long, thành viên ban kiểm soát (người đại diện cho một nhóm cổ đông được bầu làm thành viên ban kiểm soát) phát biểu tại ĐHCĐ mới đây của công ty này rằng: "Đã nhiều năm nay, tôi không hề được ban kiểm soát cũng như HĐQT mời tham gia vào các buổi họp của HĐQT cũng như ban kiểm soát hay đơn vị kiểm toán; do đó, tôi sẽ không chịu trách nhiệm về tính trung thực trong các nội dung của các bản báo cáo trình đại hội, kể cả báo cáo tài chính có kiểm toán".
(Theo ĐTCK)
No comments:
Post a Comment