Chênh lệch trước và sau kiểm toán: Số liệu của StoxPlus
Tính đến ngày 13/4/2010 đã có 441 trên tổng số 662 doanh nghiệp trên HOSE và HNX đã công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2010. Trong đó có 198 (chiếm 45%) công ty có điều chỉnh lợi nhuận tăng và 143 (chiếm 32%) công ty điều chỉnh lợi nhuận giảm bởi các kiểm toán viên độc lập của công ty. Xem Bảng 1 phía sau.
Chênh lệch trước và sau kiểm toán là chuyện bình thường
Theo thông lệ trong kiểm toán báo cáo tài chính, việc kiểm toán viên đề xuất điều chỉnh các bút toán để phù hợp với chế độ kế toán và phản ánh hợp lý tình hình tài chính của doanh nghiệp là điều rất bình thường và rất phổ biến. Đây cũng là lý do mà các doanh nghiệp cần đến một dịch vụ chuyên nghiệp. Không chỉ bởi các kiểm toán viên và các hãng kiểm toán có kiến thức và trình độ chuyên sâu trong việc xử lý và hạch toán các nghiệp vụ. Hơn nữa, các quy định và chế độ kế toán không phải bao giờ cũng rõ ràng. Ví dụ như việc đánh giá và ghi nhận lỗ lãi số dư các khoản vay ngoại tệ, vấn đề định giá các khoản đầu tư cổ phiếu chưa niêm yết, v.v.
Ghi chú: Chênh lệch trước và sau kiểm toán được định nghĩa là số liệu trên BCTC chưa được kiểm toán (thường là BCTC quý 4 có trình bày số lũy kế) trừ đi số liệu trên BCTC đã được kiểm toán.
Tuy nhiên mức độ và quy mô các chênh lệch ở Việt Nam cho thấy nhiều vấn đề
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM trong thời gian gần đây cũng nêu vấn đề thực trạng chênh lệch trước và sau kiểm toán này. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cổ đông và của nhà đầu tư. Họ là những người được tiếp cận thông tin ở giai đoạn sau so với nhiều cổ đông nội bộ.
Thực tế này sẽ không là vấn đề lớn nếu khoảng cách công bố thông tin chưa kiểm toán hay sơ bộ và báo cáo tài chính đã kiểm toán được thu hẹp. Theo quy định Thông tư 09 về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán là 100 ngày sau ngày kết thúc năm tài chính. Đây là khoảng thời gian đủ dài để sự bất cân xứng về thông tin tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích có những hoạt động giao dịch khác nhau.
Thông thường ở các thị trường phát triển thì thời gian công bố thông tin sơ bộ thường rất sát với công bố chính thức và quan trọng hơn là kể cả công bố thông tin sơ bộ cũng cần có thủ tục rà soát bởi các kiểm toán viên.
Ví dụ sàn giao dịch chứng khoán Euronext, quy định báo cáo tài chính đã được kiểm toán viên rà soát phải công bố trước 15 của tháng đầu tiên năm tài chính tiếp theo, tức là chỉ trong vòng 15 ngày phải công bố thông tin. Điều này ở Việt Nam là không thể. Việc rút ngắn thời gian công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán ở Việt Nam là khó khăn bởi các lý do sau:
Thứ nhất, hầu hết các công ty đại chúng đều không có một hệ thống thông tin tài chính kế toán một cách nhanh nhạy, tạo điều kiện cho việc “khóa sổ” nhanh. Thông thường việc khóa sổ theo nhiều bước khác nhau tiến hành trong nửa đầu tháng 12 của năm. Trong khi đó, các công ty lại chưa thực sự đánh giá được tầm quan trọng của tính nhanh nhạy và kịp thời của thông tin đến cổ đông và nhà đầu tư.
Thứ hai, công bố thông tin hiện tại của các công ty đại chúng mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn mang tính dựa trên các quy định trước khi có thị trường chứng khoán. Theo đó các báo cáo tài chính và thông tin chủ yếu phục vụ các cơ quan quản lý và cơ quan thuế. Trong các trường hợp này thì tốc độ công bố thông tin không là vấn đề lớn.
Những thông tin mà cổ đông và nhà đầu tư cần và quan tâm có nhiều thông tin hơn rất nhiều so với các thông tin trên báo cáo tài chính. Bản giải trình kết quả kinh doanh hàng quý và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh rất ít có doanh nghiệp thực hiện.
Báo cáo tài chính chỉ là số liệu kế toán. Cổ đông và nhà đầu tư đang quan tâm hơn rất nhiều về tình hình hoạt động, cơ cấu doanh số, tình hình triển khai dự án, các chỉ số chuyên dùng cho nhà đầu tư như EBITDA, EBIT, hay dòng tiền tương lai, nhu cầu vốn đầu tư v.v. thì hoàn toàn vắng bóng trong báo cáo tài chính.
Thông thường trên các bản công bố thông tin tại các sở giao dịch chứng khoán trên thế giới, một biểu mẫu riêng được soạn lập bởi doanh nghiệp và doanh nghiệp thường thuê các đơn vị kiểm toán thực hiện soạn lập trong quá trình kiểm toán. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh các khoản mục “bất thường” hay không mang tính lặp lại trong mô hình kinh doanh của công ty để cổ đông và nhà đầu tư có cách nhìn chính xác hơn so với con số kế toán.
Ví dụ, Euronext quy định tất cả các khoản thu nhập mang tính bất thường như thu tiền từ bảo hiểm, thanh lý tài sản cố định, trợ cấp của chính phủ, v.v. cần được điều chỉnh khỏi lợi nhuận kế toán của doanh nghiệp để đưa vào bản công bố thông tin cho nhà đầu tư.
Điều này cực kỳ cần thiết tại Việt Nam khi mà rất nhiều câu chuyện lợi nhuận đột biến từ bán tàu, thanh lý dàn xe taxi, chuyển nhượng một lô đất của một công ty không liên quan đến kinh doanh bất động sản, khoản chênh lệch kế toán được ghi nhận do đánh giá lại tài sản đem góp vốn liên doanh các các cổ phiếu VNS, GMD, VSP, …đã tạo ra nhiều “sóng thần” trên thị trường chứng khoán. Đây là các khoản lợi nhuận bất thường hay thuật ngữ trong giới đầu tư chuyên nghiệp gọi là “surprised earnings” và rất quan trọng để tạo nên sức hấp dẫn của cổ phiếu.
Tuy nhiên câu chuyện thực hiện công bố thông tin và minh bạch đã không được nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt. Người bị thiệt hại là những nhà đầu tư chạy theo các tin đồn và các “bầy sói” nhằm chi phối câu chuyện thanh khoản và giá của cổ phiếu. Tuy nhiên, thực tế năm 2010 cho thấy “bầy sói” không luôn luôn bắt được mồi.
Thứ ba, văn hóa và cách hành xử của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết chưa thực sự trú trọng đến công tác quan hệ cổ đông và chăm lo lợi ích cho các “ông chủ” địch thực của mình. Một số CEO và chủ tịch của công ty đại chúng vẫn còn tư tưởng “niêm yết thì không liên liên quan gì đến doanh nghiệp nữa” vì “giá cổ phiếu là do thị trường quyết định”. Tuy nhiên khi doanh nghiệp có kế hoạch huy động vốn thì mới ngã người ra: "hóa ra mình vẫn cần họ và thị trường chính là họ và chúng ta cần phải chủ động thông tin cho họ để còn thực hiện phát hành cho cổ đông hiện hữu".
Thứ tư, nhiều doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa có một CFO hay Giám đốc Tài chính địch thực mà vẫn dừng lại ở “kế toán trưởng”. CFO là người chịu trách nhiệm về tài chính và huy động vốn dựa trên con số kế toán. Nhiệm vụ của kế toán trưởng là cung cấp con số phải thu khách hàng một cách chuẩn xác thì nhiệm vụ của CFO là làm sao để giảm con số chiếm dụng vốn của khách hàng này để giảm nhu cầu vay vốn lưu động trước áp lực lãi vay trên 20% này. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp chỉ do vai trò quản trị tài chính không làm tốt và đã đốt đi công sức của hàng ngàn người lao động chân tay để tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu tốt của công ty mình.
CFO cũng là người thường chịu trách nhiệm chăm lo công tác quan hệ cổ đông. Theo chuẩn mực tốt nhất về công tác quan hệ cổ đông của TTCK Luân Đôn, 80% tại các doanh nghiệp thì Ban Quan hệ cổ đông báo cáo trực tiếp cho CFO và chỉ có 20% báo cáo trực tiếp cho CEO. Và CEO cần dành ít nhất 20% quỹ thời gian trong năm cho công tác quan hệ và phát triển với các đối tác vốn, thuyết trình trước cổ đông, gặp gỡ các quỹ và định chế tài chính lớn. Riêng ở góc độ này, CEO của Masan Group theo đánh giá của tác giả là đã làm tốt vai trò. Các đợt thành công phát hành vốn của tập đoàn này đã nói nên điều đó mặc dù còn có nhiều dị nghị vể quản trị và mô hình kinh doanh của Masan.
Chỉ xem chênh lệch trước và sau kiểm toán thôi…chưa đủ
Trong 441 doanh nghiệp trên HOSE và HNX đã công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán thì có hơn 70 bộ báo cáo tài chính của doanh nghiệp bị kiểm toán viên đưa ra ý kiếm kiểm toán “ngoại trừ” và đưa ra khá nhiều bất đồng với lãnh đạo doanh nghiệp – người chịu trách nhiệm về số liệu chứ không phải kiểm toán viên. Và trong các điểm “ngoại trừ” này đã được báo chí nêu khá nhiều và chúng tôi cho rằng nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cơ bản hay giá trị - có xu hướng tìm các doanh nghiệp tốt và phân tích số liệu trước khi quyết định đầu tư cần hiểu rõ hơn để có những điều chỉnh thích hợp.
(Theo stox.vn)
No comments:
Post a Comment