Tuesday, 5 April 2011

Giải mã điểm ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán

Xem hình

Các điểm ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán (BCKT) của DN, vốn rất khó "đọc" đối với NĐT, có hy vọng được giải mã nhờ quy định mới trong dự thảo Thông tư hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng (CTĐC) vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra lấy ý kiến.

Theo quy định của dự thảo Thông tư, các CTĐC quy mô lớn, có vốn điều lệ thực góp từ 120 tỷ đồng trở lên và số lượng cổ đông không thấp hơn 300 cổ đông, phải mời kiểm toán viên hoặc đại diện công ty kiểm toán (CTKT) dự họp ĐHCĐ thường niên để phát biểu về các vấn đề liên quan đến báo cáo tài chính (BCTC) năm trong trường hợp BCKT có các khoản ngoại trừ trọng yếu.

Với tiêu chí CTĐC quy mô như trên, theo ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, UBCK, trong số hơn 1.000 CTĐC đã đăng ký với UBCK, phần lớn các ngân hàng thương mại sẽ là đối tượng bị điều chỉnh bởi quy định mới.

Thực tế, BCKT của không ít DN có yếu tố ngoại trừ trọng yếu, nhưng NĐT nhỏ lẻ rất khó tiếp cận lãnh đạo DN, cũng như kiểm toán viên, để "đọc" được các thông tin phía sau các điểm ngoại trừ này.

Có những trường hợp, chính các điểm ngoại trừ trọng yếu có ảnh hưởng lớn đến "sức khoẻ" tài chính của DN, nên nếu thiếu thông tin diễn giải, NĐT dễ gặp phải rủi ro trong quá trình đầu tư.

Bởi vậy, nếu quy định CTĐC quy mô lớn phải mời kiểm toán viên đến dự ĐHCĐ, để giải mã các điểm ngoại trừ trong BCKT được Bộ Tài chính ban hành, thì theo NĐT Nguyễn Ngọc Tân, đây sẽ là một bước tiến đáng kể trong minh bạch thông tin tài chính của DN, cũng như giảm thiểu rủi ro cho NĐT. Tuy nhiên, điều quan trọng là dự thảo Thông tư cần được hoàn thiện theo hướng chặt chẽ, đảm bảo tính khả thi.

Tinh thần của dự thảo quy định mới rất tích cực và đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất là NĐT, bởi theo ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, nếu quy định mới được ban hành sẽ giúp gỡ được "nút thắt" mà nhiều NĐT đang gặp phải, đó là ít có cơ hội giải mã các yếu tố ngoại trừ trọng yếu trong BCKT từ nguồn thông tin chính thống là lãnh đạo DN và kiểm toán viên. Ở chiều ngược lại, DN phải gánh trách nhiệm nặng nề hơn do phải mời kiểm toán viên tham dự ĐHCĐ để chia sẻ quan điểm về các điểm ngoại trừ trọng yếu trong BCKT.

Tuy nhiên, ông Mai nêu vấn đề: nếu quy định DN phải mời kiểm toán viên dự họp ĐHCĐ, mà không làm rõ kiểm toán viên có nghĩa vụ phải dự họp hay không, thì hiệu quả của quy định mới khi được ban hành sẽ rất hạn chế, bởi không loại trừ tình trạng DN mời nhưng kiểm toán viên không đến họp.

Nếu đặt ra quy định "cứng" là kiểm toán viên phải đến họp thì khó khả thi. Thực tế, mùa họp ĐHCĐ cũng là thời điểm các CTKT vào mùa hoàn tất BCKT cho các DN, hơn nữa số lượng CTĐC quy mô lớn khá nhiều, vậy CTKT lấy đâu kiểm toán viên đi họp?

Trong trường hợp quy định buộc kiểm toán viên phải đến dự họp thì phải kèm theo nội dung, trong hợp đồng kiểm toán BCTC với DN nếu BCKT có nhiều yếu tố ngoại trừ trọng yếu thì CTĐC phải mời kiểm toán viên dự họp để phát biểu ý kiến về các vấn đề này và DN phải trả phí cho CTKT do phải cắt cử kiểm toán viên đi họp.

Về lo ngại CTKT không đủ sức đi họp ĐHCĐ, ông Hải cho biết, dự thảo Thông tư đã đưa ra 2 giới hạn để xử lý: các CTĐC quy mô lớn và chỉ là các DN có BCKT có yếu tố ngoại trừ trọng yếu, nên số lượng DN thuộc diện phải mời kiểm toán viên dự họp không quá nhiều.

Trường hợp DN mời nhưng kiểm toán viên không dự họp, ông Hải cho biết, với những CTKT có trách nhiệm tới cùng với sản phẩm của mình là BCKT thì luôn tìm kiếm cơ hội để thuyết trình về các điểm ngoại trừ trong BCKT để cổ đông, cộng động NĐT hiểu hơn các nội dung mà trong khuôn khổ hạn hẹp của một BCKT khó chuyển tải hết. Đây cũng là cơ hội cho kiểm toán viên cũng như CTKT chủ động giải trình để "phòng xa" các sự cố liên quan đến BCKT sau khi công bố.

Bởi vậy, quan trọng là quy định pháp lý có tạo cơ hội cho kiểm toán viên dự họp hay không, chứ không nên vội vàng e ngại DN mời nhưng kiểm toán viên không mặn mà dự họp… Ban soạn thảo sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các thành viên thị trường để đảm bảo tính khả thi cho Thông tư khi ban hành.

Theo kế hoạch, dự thảo Thông tư sẽ được hoàn chỉnh để sớm ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Chứng khoán sửa đổi từ ngày 1/7 tới.

(Theo tinnhanhchungkhoan.vn)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts