Ảnh minh họa |
Phần 1: Thế nào là chuyển giá?
Chuyển giá: Chuyển giá là việc các doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp ở các quốc gia khác nhau thực hiện thay đổi giá một cách bất thường, lên cao hoặc xuống thấp trong giao dịch nhằm hưởng lợi về thuế (không phù hợp với giá trị hàng hóa dịch vụ mua vào bán ra thông thường). Chuyển giá trên thực tế có thể kết luận là doanh nghiệp trốn thuế nhưng cũng có thể xem là hoạt động thực hiện tối ưu hóa các giao dịch qua biên giới để tiết kiệm thuế theo nguyên tắc chung: Ở lãnh thổ nào thuế thu nhập doanh nghiệp thấp thì các nhà kinh doanh sẽ để lợi nhuận tại nước đó.
Tại một số nước khi xác định được việc chuyển giá dẫn đến môi trường cạnh tranh về giá không lành mạnh thì Nhà nước sẽ xử phạt hành vi chuyển giá bằng cách phạt tiền về hành vi giá cả và áp dụng một thuế suất đặc biệt cho doanh nghiệp trong một thời hạn nhất định kể từ khi phát hiện (Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, xuất nhập khẩu, lệ phí bắt buộc). Ở Việt Nam xử phạt hành vi chuyển giá khi xác định được chuyển giá là truy thu thuế và phạt chậm nộp.
Chuyển giá hầu như ở nước nào cũng có. Ở Hoa Kỳ, Úc, Đức sinh viên được dạy về chuyển giá thông qua nội dung tìm hiểu và so sánh các lỗ hỏng trong chính sách thuế của các quốc gia. Họ không xem chuyển giá là việc to lớn, khác thường mà chấp nhận nó. Mỗi quốc gia đều phải xử lý trên lãnh thổ của mình bằng các biện pháp tốt nhất để cơ quan thuế có phản ứng nhanh, kịp thời phát hiện xử lý và đưa ra những quy định điều chỉnh về thuế có tính cạnh tranh giữa các quốc gia đồng thời phù hợp với sự phát triển quốc gia mình.
Việc kinh doanh lỗ và lỗ liên tục thì không đồng nghĩa với việc chuyển giá. Để xác định được chuyển giá thì phải có quá trình thu thập tài liệu đầy đủ khách quan. Thông thường tại Mỹ, Châu Âu ,Hồng Kông những vụ chuyển giá lớn được phán quyết tại tòa án sau khi quan tòa tiếp thu ý kiến của cả hai bên (Thuế và doanh nghiệp).
Sau đây là một số yếu tố và hình thức thông thường để nhận định có thể có sự chuyển giá tại doanh nghiệp có phát sinh mối quan hệ liên kết hay không:
Yếu tố biểu hiện doanh nghiệp có thể có chuyển giá trong phát sinh mối quan hệ liên kết:
- Lỗ trên 03 năm hoặc lỗ âm nguồn vốn chủ sở hữu nhưng vẫn hoạt động và tăng doanh thu, tăng quy mô.
- Hiệu quả kinh doanh không đáng kể nhưng luôn có sự tài trợ từ các khoản vay của các công ty liên kết giao dịch, công ty mẹ hoặc các chủ sở hữu phần góp vốn.
- Công ty chỉ có một khách hàng hoặc vài khách hàng trong nhiều năm liên tục, thường bán sản phẩm chỉ bằng giá thành sản xuất không bao gồm chi phí quản lý, chi phí bán hàng.
- Cùng một hàng hóa dịch vụ trong doanh nghiệp nhưng giá bán thị trường nội địa cao hơn giá xuất khẩu.
- Công ty phải trả nhà cung cấp hàng hóa hoặc phải thu khách hàng có mối liên kết trong nhiều năm mà không thanh toán công nợ nhưng vẫn phát sinh giao dịch.
- Xuất xứ hàng hóa có sự tham gia từ 03 nước khác nhau trở lên.
Hình thức thực hiện chuyển giá trong phát sinh mối quan hệ liên kết:
- Chuyển giá thông qua việc đầu tư vốn bằng tài sản và mua tài sản cố định với giá cao.
- Chuyển giá thông qua việc mua nguyên vật liệu với giá cao hơn giá bán buôn thông thường.
- Chuyển giá thông qua việc cho vay hoặc đi vay.
- Chuyển giá thông qua việc bảo hành sản phẩm, thương quyền sản phẩm hưởng trên doanh thu xuyên biên giới.
- Chuyển giá thông qua mối liên kết đào tạo, nhà thầu.
- Chuyển giá thông qua việc sản phẩm sản xuất trong nước nhưng xuất khẩu rồi lại nhập khẩu sau đó bán trong nước sản xuất dưới tên một công ty khác trong mối liên kết.
Tuy hiểu rõ về “chuyển giá” nhưng để xác định các doanh nghiệp có mối quan hệ liên kết giao dịch khi giao dịch với nhau không theo giá thị trường như các bên giao dịch độc lập khác là một vấn đề không đơn giản. Chẳng hạn, một Công ty tại Hoa Kỳ (A1) sản phẩm kinh doanh là xe, lập một công ty con là (A2) ở Trung Quốc sản xuất các linh kiện, phụ kiện hoàn chỉnh cho xe, giá vốn sản xuất là 20 đồng, sau đó xuất các linh kiện phụ kiện này sang Công ty A3 (công ty con của A1) ở Thái Lan giá 40 đồng. Công ty ở Thái Lan (A3) xuất bằng giá 40 đồng sang công ty trong mối liên kế ở Việt Nam là công ty A4 để lắp ráp với giá nhân công lắp ráp là 10 đồng. Sau đó sản phẩm này bán tại Việt Nam là 50 đồng. Tính trên lợi nhuận gộp thì công ty A4 tại Việt Nam là không có lãi (giá nhập 40 + lắp ráp 10), chưa kể A4 còn lỗ cả chi phí quản lý và chi phí bán hàng. Nhưng nếu tính trong mối quan hệ liên kết các Công ty nhóm A thì lợi nhuận gộp cho nhóm là 20 đồng(giá bán 50 – sản xuất 20 – lắp ráp 10), vậy quan trọng nhất là Việt Nam giữ được phần nào 20 đồng lợi nhuận gộp này ở lại Việt Nam.
Doanh nghiệp có nhiều lý giải cho rằng không phải là chuyển giá: kinh doanh hợp pháp, đầy đủ các chứng từ xuất nhập khẩu, chọn Trung Quốc sản xuất vì có đa dạng nguyên liệu giá rẽ đạt yêu cầu, nhân công nhiều, đất đai thuê rẻ. Chọn Thái Lan để kiểm tra chất lượng linh phụ kiện vì con người, kinh nghiệm công nghiệp xe phát triển hơn Việt Nam và cuối cùng như vậy thì chất lượng mới đảm bảo cho tiêu dùng Việt Nam.
Phần 2: Cơ sở pháp lý cho việc chống chuyển giá của cơ quan Thuế tại Việt Nam.
Hiện tại cơ sở pháp lý cho việc chống chuyển giá mà cơ quan thuế Việt Nam thực hiện chủ yếu là nội dung trong thông tư 66/2010/TT-BTC ngày 22 tháng 4 năm 2010. Có hiệu lực sau 45 ngày kể tư ngày ký ban hành. Nội dung của thông tư này là hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết.
Có thể tóm tắt các nội dung chính thông tư như sau:
1. Thông tư hướng dẫn 05 phương pháp xác định giá thị trường: Phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập, phương pháp giá bán lại, phương pháp giá vốn cộng lãi, phương pháp so sánh lợi nhuận, phương pháp tách lợi nhuận. Trong trường hợp do đặc thù duy nhất trong các giao dịch liên kết trong các phương pháp trên không áp dụng được thì có thể vận dụng biện pháp tổng hợp hoặc biện pháp vận dụng số liệu so sánh giữa các kỳ.
2. Thông tư nêu rõ các khái niệm được cho là các bên có quan hệ liên kết như: về sở hữu vốn, quan hệ gia đình, đặc quyền về điều hành kiểm soát, độ lớn của sản phẩm dịch vụ trao đổi.
3. Khác biệt trọng yếu về thông tin so sánh điều chỉnh là tăng giảm 1% trên đơn giá sản phẩm hoặc ít nhất 0,5% tỷ suất lợi nhuận gộp, tỷ suất sinh lời.
4. Trách nhiệm của doanh nghiệp có phát sinh trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết:
- Kê khai đầy đủ phụ lục 1-GCN/CC trong thông tư 66/2010/TT-BTC và nộp đến cơ quan thuế cùng với thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp lưu giữ các thông tin tài liệu, chứng từ liên quan đến việc lập báo cáo nêu trên và cập nhật thông tin liên quan trong suốt quá trình thực hiện giao dịch bao gồm pháp nhân giao dịch, sản phẩm dịch vụ giao dịch, hợp đồng, chứng từ thanh toán, thanh lý…
- Doanh nghiệp cung cấp tài liệu liên quan trong vòng 30 ngày khi cơ quan thuế có yêu cầu và được gia hạn 1 lần khi doanh nghiệp có lý do chính đáng. Khi cơ quan thuế đã có nghi ngờ doanh nghiệp làm không đúng hoặc cố tình làm không đúng thì doanh nghiệp có thời gian 90 ngày để cung cấp các hồ sơ liên quan đến các giáo dịch khi cơ quan thuế yêu cầu giải trình. Sau thời gian này cơ quan thuế có quyền ấn định thuế.
Hạn chế khi thực hiện thông tư 66/2010 TT-BTC ngày 22/04/2010
1. Khái niệm về chuyển giá của người làm kế toán tại các doanh nghiệp còn khác biệt so với thông tư ban hành.
2. Sự chế tài của thông tư chưa được quy định rõ ràng cụ thể trong trường hợp doanh nghiệp không nộp báo cáo.
3. Sự tuyên truyền của cơ quan thuế đến doanh nghiệp và cộng đồng xã hội chưa đầy đủ, mạnh mẽ.
4. Sự triển khai thông tư hiện tại chưa đồng bộ giữa các tỉnh thành.
5. Nguồn dữ liệu để so sánh phân tích về giá của cơ quan Thuế còn hạn chế. Trừ tổng cục thuế thì các cục thuế tỉnh thành chưa có một bộ phận cán bộ chuyên biệt về giá. Cán bộ làm việc hiện tại là các phòng thanh tra, kiểm tra thuế thu nhập doanh nghiệp kiêm nhiệm thêm việc. Các tổ chức khác ngoài xã hội như: các công ty kiểm toán kế toán, hiệp hội, cơ quan đăng ký, đăng kiểm. . . chưa đủ mạnh.
6. Việc giải quyết trước tòa án khi xảy ra bất đồng giữa doanh nghiệp và cơ quan Thuế về các vấn đề thuế nói chung và vấn đề chuyển giá nói riêng là còn quá mới mẻ tại Việt Nam.
7. Trở ngại và khó khăn lớn nhất gặp phải của ngành Thuế khi phải đối chiếu xác minh các dữ liệu xuyên quốc gia là vấn đề ngôn ngữ và tập quán làm việc. Việc thu thập tài liệu này không chỉ là làm việc với cơ quan thuế các nước mà còn là vấn đề thu thập trên thị trường.
-o0o-
No comments:
Post a Comment