Vũ Xuân Biên, TP Kiểm toán 2,
Hãng kiểm toán AASC
Dưới sức ép minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán từ nhiều phía, các DN niêm yết đã ý thức được trách nhiệm trong việc lập báo cáo tài chính (BCTC) một cách trung thực, rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh doanh đầy khó khăn, nhiều DN vẫn có xu hướng “làm đẹp” BCTC để làm hài lòng cổ đông, NĐT. Vì vậy, NĐT cần phải lưu ý một số vấn đề cơ bản khi xem xét các BCTC bán niên năm nay, để có thể hiểu rõ về “sức khỏe” tài chính của DN đằng sau những con số doanh thu, lợi nhuận đơn thuần.
1. Khi đọc BCTC, NĐT cần đưa ra được sự so sánh về lợi nhuận của DN trong 6 tháng đầu năm nay với cùng kỳ các năm trước, để xem xét có sự biến động lớn hay không, cũng như nguyên nhân của những biến động này.
2. Cần chú ý hàng tồn kho và nợ xấu. Hàng tồn kho và nợ là các khoản mục mang tính chất trọng yếu trên BCTC. Trong tình hình kinh tế khó khăn, sức cầu hàng hóa giảm sút, lượng hàng tồn kho của DN tăng cao, đặc biệt là đối với các DN ngành xây dựng, kinh doanh bất động sản, sản xuất công nghiệp. Hàng tồn kho nhiều, chưa có đầu ra, nguồn vốn sản xuất hạn chế nên sản xuất - kinh doanh của DN cũng bị ngưng trệ. Thậm chí, nhiều DN bán được hàng nhưng không thu được tiền, làm gia tăng nợ xấu. Trong tình hình kinh doanh không thuận lợi, DN có thể không trích lập dự phòng đầy đủ với các khoản nợ xấu, hàng tồn kho.
NĐT cũng cần chú ý đến doanh thu và các khoản vay. Doanh thu ổn định hoặc tăng đều cho thấy DN vẫn duy trì được thị phần của mình. Ngoài con số về các khoản vay trên BCTC, NĐT cần quan tâm đến lãi suất vay của DN để đặt vào sự so sánh với tăng giảm của doanh thu và nợ phải thu.
3. NĐT cần xem xét kỹ những trường hợp DN ghi nhận lãi, nhưng lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh âm. Thực chất, có nhiều DN bán được hàng, nhưng không thu được tiền, làm gia tăng nợ xấu.
4. Ngoài việc giấu nợ xấu, hàng tồn kho, DN có thể áp dụng nhiều thủ thuật khác để tạo ra các khoản lãi ảo cho mình. NĐT cần xem xét kỹ thuyết minh về chính sách kế toán, tìm hiểu về nguyên nhân cũng như tác động của việc thay đổi của chính sách kế toán (nếu có) của DN đối với con số chi phí, doanh thu, lợi nhuận. Nếu thay đổi do chính sách lương, thưởng thì không sao, nhưng nếu do bất đồng trong quan điểm về tuân thủ chuẩn mực kế toán, tài chính thì đây là vấn đề cần lưu tâm.
5. NĐT cũng nên xem xét công ty kiểm toán thực hiện soát xét BCTC có uy tín trên thị trường hay không, kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên thực hiện soát xét báo cáo. Nhận diện được các vấn đề này, NĐT cũng sẽ đánh giá được phần nào độ tin cậy của BCTC soát xét.
Đối với việc soát xét BCTC bán niên, kiểm toán viên thường bị hạn chế về mặt thời gian, điều kiện không giống với công việc kiểm toán BCTC năm. Do đó, việc tìm ra các vấn đề trọng yếu khi soát xét là thách thức lớn đối với kiểm toán viên, đòi hỏi kiểm toán viên phải có sự xét đoán, nghiệp vụ chuyên môn cao.
Hiện nay, nhiều DN còn chưa có hiểu biết đầy đủ về công việc soát xét BCTC, nên gây khó khăn cho kiểm toán viên khi thực hiện soát xét cũng như thống nhất ý kiến kiểm toán, dẫn tới báo cáo soát xét chậm phát hành. Trong một số trường hợp, việc không thống nhất được ý kiến giữa DN kiểm toán và kiểm toán viên có thể dẫn đến việc khó phát hành được báo cáo kiểm toán.
Để công việc soát xét có thể tiến hành thuận lợi, có thể cung cấp cho cổ đông, NĐT một bản BCTC bán niên sau soát xét chính xác, trung thực về tình hình tài chính của DN, các DN niêm yết nên ký hợp đồng kiểm toán nhiều năm liền với một công ty kiểm toán. Việc này giúp cho kiểm toán viên có sự hiểu biết rõ ràng về DN, công việc soát xét nhờ đó cũng trở nên nhanh và hiệu quả hơn. Ngoài ra, với sự gắn kết chặt chẽ, đồng hành cùng DN, công ty kiểm toán sẽ là người tư vấn chính xác và kịp thời nhất cho DN. Các vấn đề vướng mắc DN cần trao đổi ngay với kiểm toán viên để đưa ra được các xử lý kế toán phù hợp, điều đó sẽ giảm thiểu sự chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán.
(Theo ĐTCK)
No comments:
Post a Comment