Tại cuộc họp thường niên giám đốc các công ty kiểm toán do Bộ Tài chính phối hợp với Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam tổ chức tại Hà Nội hôm 2/7, có một số ý kiến đáng suy ngẫm. Đặc biệt, nổi lên là những băn khoăn của lãnh đạo công ty kiểm toán về việc tới đây, trong quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Kiểm toán độc lập, cơ quan quản lý sẽ đưa ra một số nhóm DN mà báo cáo kiểm toán không được có ý kiến ngoại trừ.
Hiện có 2 khối DN đang thực thi quy định trên, gồm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và các DN đại chúng muốn huy động vốn qua TTCK. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này vào thực tế đã nảy sinh nhiều vấn đề, đi ngược lại với mục tiêu của cơ quan quản lý. Thay vì giúp tăng tính minh bạch của các tổ chức, DN, quy định báo cáo kiểm toán không có điểm ngoại trừ dường như đang trở thành tấm chắn, giúp DN che giấu được những khiếm khuyết, đôi khi rất nghiêm trọng về tình hình tài chính.
Cụ thể, Thông tư 39/2011 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có quy định, báo cáo kiểm toán của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam không được có ý kiến ngoại trừ, dù năm 2012, nhiều ngân hàng dây vào kiện tụng, có nhiều khoản nợ khó đòi, cho vay sai chuẩn lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhưng báo cáo tài chính sau kiểm toán vẫn “sạch”. Chỉ ở một số ngân hàng, tổ chức tín dụng, có những vấn đề quá nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới NĐT, kiểm toán viên mới đưa ra một số “lưu ý” nho nhỏ. Theo quy định và cách hiểu thông thường, báo cáo kiểm toán có ý kiến lưu ý vẫn được xem là một báo cáo kiểm toán “sạch”, báo cáo tài chính vẫn được coi là trung thực, hợp lý.
Kiểm toán viên một công ty kiểm toán thuộc nhóm Big4, người trực tiếp thực hiện kiểm toán cho một ngân hàng có nhiều vấn đề trong năm qua chia sẻ, nếu căn cứ theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế thì nhiều khoản mục được lưu ý trong báo cáo kiểm toán lẽ ra phải được xếp vào ý kiến “ngoại trừ”, vì tác động rất lớn của những khoản mục đó đối với hoạt động của ngân hàng và ảnh hưởng đến quyết định của NĐT. Tuy nhiên, với quy định tại Thông tư 39/2011, kết quả là báo cáo kiểm toán của tất cả các tổ chức tín dụng sau 1 năm sóng gió như 2012 đều “sạch”. Đó là chưa kể trong thực tế, việc xuất hiện nhiều quy định “cứu” DN đang góp phần vô hiệu hóa các chuẩn mực kế toán. Đơn cử, NHNN từng có công văn cho phép các tổ chức tín dụng gia hạn nợ đối với các khoản cho Vinashin, Vinalines vay hay quy định lỗ do chênh lệch tỷ giá, DN được hạch toán trong 5 năm của Bộ Tài chính.
Tất nhiên, về phương diện nghề nghiệp, kiểm toán viên vẫn có thể đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với những đối tượng này. Nhưng việc kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ đồng nghĩa với việc DN sẽ phải thuê một công ty kiểm toán khác thực hiện kiểm toán lại từ đầu cho đến khi ra được báo cáo kiểm toán “sạch”. Dĩ nhiên, các công ty kiểm toán chẳng muốn mất đi khách hàng và việc thỏa hiệp trong trường hợp này là điều khó tránh khỏi.
(Theo ĐTCK)
No comments:
Post a Comment