Wednesday, 18 August 2010

Để áp dụng thành công chương trình kiểm toán mẫu của VACPA

ĐỂ ÁP DỤNG THÀNH CÔNG CHƯƠNG TRÌNH KIỂM TOÁN MẪU cỦA VACPA

Ths. Lê Thế Việt, CPA (Việt Nam, Úc)

Giám đốc Kiểm toán-Công ty Kiểm toán và Tư vấn NEXIA ACPA

Chuyên gia Dự án CTKT mẫu

Ông Lê Thế Việt

Như chúng ta đều biết, hoạt động kiểm toán độc lập ở Việt Nam hình thành từ năm 1991, đến nay đã có trên 170 Công ty kiểm toán đang hoạt động với trên 8.000 người làm việc và 1.300 kiểm toán viên hành nghề. Để thực hành hoạt động kiểm toán độc lập trên cơ sở hệ thống chuẩn mực kiểm toán do Bộ Tài chính ban hành, mỗi công ty đều tự xây dựng cho mình một bộ "Chương trình kiểm toán". Tuy nhiên, chất lượng và quy mô chương trình kiểm toán của các công ty đều rất khác nhau: các công ty quốc tế, công ty lớn và công ty thành viên Hãng quốc tế áp dụng chương trình kiểm toán của Hãng quốc tế; công ty vừa và nhỏ thường áp dụng theo chương trình kiểm toán của công ty quốc tế hoặc tự xây dựng nhưng đều chưa có một chương trình phù hợp và khó áp dụng.

Xuất phát từ thực trạng đó, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), đã thành lập Dự án “Tăng cường năng lực Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam” để tiến hành xây dựng bộ Chương trình kiểm toán (CTKT) mẫu với mục đích góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ của các công ty kiểm toán, tăng cường sự tuân thủ nhất quán các yêu cầu của Chuẩn mực kiểm toán, đồng thời làm cơ sở cho việc đào tạo, cập nhật và kiểm tra chất lượng dịch vụ hàng năm của hội viên VACPA.

CTKT mẫu này đã được đào tạo và thảo luận với các Công ty kiểm toán ngày 27, 28/10/2009 tại Hà Nội; đã hoàn thiện theo ý kiến tham gia trong Hội thảo và bằng văn bản của hơn 20 Công ty kiểm toán và đã chính thức áp dụng thử nghiệm cho mùa kiểm toán 2009/2010 tại 31 Công ty kiểm toán. CTKT mẫu đã tiếp tục được hoàn thiện theo ý kiến tham gia bằng văn bản của 27 công ty đã thực hiện thí điểm và tại Hội thảo, đào tạo ngày 29, 30/6/2010 tại Đà Nẵng. Cho đến thời điểm này, có thể nói, CTKT mẫu đã hoàn chỉnh về mặt hình thức và nội dung, đang trong giai đoạn cuối cùng của quá trình hoàn thiện để sẵn sàng cho các công ty kiểm toán có thể áp dụng cho các cuộc kiểm toán từ năm 2011.


Trên cơ sở các quy định của Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam ban hành từ năm 1999 đến năm 2005, các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi từ năm 2010 và các năm tiếp theo, cũng như cân nhắc các yêu cầu bổ sung của Hệ thống các chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISAs) do Ủy ban chuẩn mực kiểm toán quốc tế (IFAC) ban hành năm 2009 và có hiệu lực từ 15 tháng 12 năm 2009 với những mục tiêu cụ thể đưa ra theo từng chuẩn mực yêu, cầu KTV và công ty kiểm toán phải thực hiện trong quá trình kiểm toán, CTKT mẫu giải quyết tất cả các khía cạnh của công việc kiểm toán, từ việc chấp thuận khách hàng, lập kế hoạch kiểm toán, kiểm tra hệ thống kiểm soát nội bộ, các thủ tục kiểm toán chi tiết, các thủ tục hoàn thành và quản lý chất lượng kiểm toán với một số ưu điểm chính sau đây:

§ Với phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro (risk-based audit), CTKT mẫu cho phép KTV tập trụng kiểm toán những khoản mục chính có thể xảy ra rủi ro có sai sót trọng yếu đến BCTC của đơn vị, đồng thời giảm thiểu thời gian kiểm toán các khoản mục không có rủi ro có sai sót trọng yếu, vừa đảm bảo rủi ro kiểm toán được giảm xuống ở mức độ thấp có thể chấp nhận được, vừa đảm bảo tính hiệu quả về chi phí.

§ CTKT mẫu giúp KTV và công ty kiểm toán cân bằng được tính đầy đủ và thích hợp của bằng chứng kiểm toán thu thập để phục vụ cho việc đưa ra ý kiến kiểm toán phù hợp thông qua việc kết hợp hài hòa bằng chứng kiểm toán thu thập từ 2 phương pháp thử nghiệm kiểm toán là thử nghiệm kiểm soát và thử nghiệm cơ bản.

§ Với sự nhấn mạnh vào việc tìm hiểu đơn vị được kiểm toán, môi trường hoạt động và hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị, CTKT mẫu sẽ giúp KTV xây dựng những đánh giá rủi ro phù hợp với từng loại hình đơn vị được kiểm toán để xây dựng kế hoạch kiểm toán phù hợp, đồng thời tạo nền tảng để KTV có thể đưa ra những khuyến nghị nâng cao hiệu quả của hệ thống KSNB cả về mặt thiết kế và tính hiệu quả khi hoạt động, từ đó góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho dịch vụ kiểm toán.

§ Do đặc điểm hoạt động kinh doanh, hệ thống KSNB, quy trình kế toán ở từng đơn vị là khác nhau, nên CTKT mẫu cũng cho phép KTV và các công ty kiểm toán có thể linh hoạt bổ sung thêm các thủ tục mà KTV và các công ty kiểm toán cho là cần thiết theo xét đoán chuyên môn của mình để đạt mục tiêu kiểm toán đã định.

Với những ưu điểm đó, CTKT mẫu có thể được áp dụng cho tất cả các cuộc kiểm toán BCTC các doanh nghiệp sản xuất, thương mại và dịch vụ, bao gồm cả việc kiểm toán cho các công ty niêm yết. Đối với những đơn vị thuộc các lĩnh vực hoạt động đặc thù khác như xây lắp, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, KTV và công ty kiểm toán có thể vận dụng CTKT mẫu để sửa đổi, bổ sung những thủ tục kiểm toán phù hợp, đặc biệt là phần kiểm tra chi tiết các nghiệp vụ và số dư.

CTKT “Mẫu” không có nghĩa chỉ là để xem, để tham khảo. CTKT “Mẫu” ở đây cần được hiểu là nên làm, nên áp dụng theo nếu CTKT của công ty chưa phù hợp, chưa cập nhật.

Do đó, để đảm bảo áp dụng CTKT mẫu một cách có hiệu quả, phát huy tốt những ưu điểm trên, KTV và các công ty kiểm toán, bên cạnh VACPA, cần phải chuẩn bị để đáp ứng các điều kiện chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, Ban Giám đốc của công ty kiểm toán phải duy trì thái độ đúng đắn đối với việc tuân thủ và áp dụng CTKT mẫu. BGĐ là bộ phận thượng tầng trong hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán của mỗi công ty. Do đó, BGĐ cần thể hiện thái độ đúng đắn trong quá trình đặt vấn đề áp dụng CTKT mẫu tại Công ty, xem xét nhu cầu đào tạo cho các cấp bậc nhân viên trong Công ty trước khi áp dụng cũng như tham gia trực tiếp vào quá trình lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán và giám sát, soát xét hồ sơ kiểm toán. Sự nghiêm túc của BGĐ công ty kiểm toán sẽ tạo ảnh hưởng tích cực đến các cấp bậc nhân viên trong Công ty trong quá trình nghiên cứu áp dụng và thực hiện CTKT mẫu.

Thứ hai, Công ty kiểm toán cần tổ chức đào tạo và nội dung đào tạo phù hợp cho nhân viên trước khi áp dụng chính thức CTKT mẫu. Những thủ tục nêu trong bộ CTKT mẫu này là những thủ tục mà các chuyên gia cho rằng đặc biệt quan trọng và khuyến nghị KTV và Công ty kiểm toán nên thực hiện đầy đủ trong mỗi cuộc kiểm toán trên cơ sở các yêu cầu cơ bản của các chuẩn mực kiểm toán liên quan. Do đó, KTV cần cân nhắc kỹ lưỡng và phải giải thích được cơ sở của việc không áp dụng bất kỳ thủ tục nào trong số các thủ tục đã nêu trong bộ CTKT mẫu này. Tuy nhiên, các thủ tục đã nêu chưa phải là toàn bộ các thủ tục cần áp dụng trong một cuộc kiểm toán. Trong suốt quá trình lập kế hoạch và thực hiện cuộc kiểm toán, kiểm toán viên và Công ty kiểm toán phải thường xuyên thực hiện những xét đoán chuyên môn để đưa ra các thủ tục sửa đổi, bổ sung CTKT mẫu này cho phù hợp với đặc điểm và yêu cầu của cuộc kiểm toán và đối tượng khách hàng cụ thể. Do vậy, công tác đào tạo những kiến thức cơ bản về kiểm toán như: lập kế hoạch, tìm hiểu khách hàng và hệ thống kiểm soát nội bộ, đánh giá rủi ro, thử nghiệm kiểm soát, thử nghiệm cơ bản, kỹ năng soát xét hồ sơ kiểm toán, kỹ năng phỏng vấn, v.v.. cần được các công ty chú trọng để tạo những nền tảng chuyên môn cần thiết cho các cấp bậc nhân viên có thể hiểu và áp dụng các thủ tục yêu cầu trong CTKT mẫu một cách đúng đắn và linh hoạt. Với những phần hành khó trong CTKT mẫu, các công ty cũng có thể xây dựng chương trình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu công việc cho từng cấp bậc nhân viên (trợ lý kiểm toán, trưởng nhóm kiểm toán, giám sát kiểm toán, trưởng phòng kiểm toán) theo từng năm.

Thứ ba, Do đây là CTKT mẫu dựa trên phương pháp tiếp cận kiểm toán trên cơ sở đánh giá rủi ro nên có rất nhiều phần hành trong hồ sơ kiểm toán đòi hỏi phải được phân công cho những nhân viên có kinh nghiệm, phải được soát xét bởi chủ nhiệm kiểm toán và/hoặc thành viên BGĐ phụ trách cuộc kiểm toán. Vì thế, việc cẩn trọng trong sự phân công công việc của nhóm kiểm toán với quan điểm “đúng người, đúng việc” sẽ đảm bảo chất lượng công việc được hoàn thành ở mức độ cao nhất.

Thứ tư, Rủi ro kiểm toán (tức là KTV và công ty kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán không phù hợp khi báo cáo tài chính được kiểm toán vẫn còn chứa đựng sai sót trọng yếu) là như nhau, cho dù đó là một cuộc kiểm toán cho đơn vị nhỏ hay đơn vị lớn, hay với mức phí kiểm toán thấp hay cao. Do đó, sẽ không có “sự thỏa hiệp” rút ngắn các thủ tục kiểm toán khi áp dụng CTKT mẫu do điều kiện hạn chế về thời gian và chi phí hay đơn vị quy mô nhỏ hoặc phí kiểm toán quá thấp. Vấn đề quan trọng nhất trong quá trình thực hiện là KTV và công ty kiểm toán phải áp dụng thử CTKT mẫu trên một số khách hàng tiêu biểu, từ đó đúc rút kinh nghiệm kịp thời để làm sao có thể thực hiện các cuộc kiểm toán một cách hiệu quả nhất đối với từng loại quy mô khách hàng mà vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán cần thiết, trên cơ sở tinh giản nội dung ghi chép về các phần hành không quan trọng hoặc các thủ tục không áp dụng. Tuy nhiên, cần lưu ý là việc không áp dụng bất kỳ thủ tục kiểm toán tối thiểu nào đòi hỏi sự xét đoán của KTV trên cơ sở hiểu biết về yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán liên quan, áp dụng các thủ tục bổ sung hoặc giải thích ảnh hưởng của việc không thực hiện thủ tục đó đến phạm vi kiểm toán và ý kiến kiểm toán và phải phản ánh trong hồ sơ kiểm toán.

Thứ năm, Soát xét hồ sơ kiểm toán đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình áp dụng. Chú trọng công tác soát hồ sơ kiểm toán trong những cuộc kiểm toán áp dụng CTKT mẫu đầu tiên với sự tham gia đúng đắn của các thành viên BGĐ phụ trách cuộc kiểm toán không chỉ đảm bảo công tác soát xét được thực hiện đúng theo chính sách kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán của công ty, mà còn giúp BGĐ công ty đánh giá được những mặt được, mặt chưa được trong quá trình áp dụng CTKT mẫu, từ đó có những điều chỉnh phù hợp và mang tính yêu cầu áp dụng thống nhất cho những cuộc kiểm toán tiến hành tiếp theo của Công ty. Nếu không quán triệt quan điểm này, sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng có những phần hành quan trọng cần tập trung làm thì nhóm kiểm toán không làm hoặc làm không đầy đủ dẫn đến rủi ro phát hiện, hoặc ngược lại, có những phần hành không quan trọng lại được nhóm kiểm toán làm quá nhiều dẫn đến mất thời gian, không hiệu quả, không còn đủ thời gian để tập trung làm những phần hành quan trọng khác.


Thứ sáu, Về phía VACPA, sau khi ban hành áp dụng chính thức năm 2011, VACPA cần tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các khóa đào tạo không chỉ cho các hội viên VACPA mà còn chia các khóa đào tạo phù hợp cho các cấp bậc khác nhau trong các công ty kiểm toán (nếu có yêu cầu) với các mức kiến thức cơ bản và nâng cao phù hợp để vừa có thể giải đáp các vướng mắc trong quá trình thực hiện CTKT mẫu, vừa có thể tiếp tục đưa ra những sửa đổi phù hợp hơn cho CTKT mẫu cập nhật theo những thay đổi của các chuẩn mực kiểm toán và thực tiễn kiểm toán ở Việt Nam và trên thế giới.

Thứ bảy, CTKT mẫu nên được sử dụng làm thước đo để đánh giá tính đầy đủ và phù hợp của CTKT được áp dụng tại các công ty kiểm toán tronq quá trình kiểm tra chất lượng hoạt động kiểm toán hàng năm của Bộ Tài chính và VACPA. Đối với những công ty kiểm toán không đăng kí áp dụng CTKT mẫu, trong quá trình hành nghề, nếu thấy chương trình kiểm toán hiện hành của mình còn thiếu, có thể bổ sung áp dụng những mẫu giấy tờ làm việc mà công ty nhận thấy là cần thiết để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực kiểm toán liên quan.

*********

Tóm lại, Sự ra đời của CTKT mẫu thực sự là một công cụ làm việc rất có hiệu quả mà VACPA, với sự tài trợ của Ngân hàng Thế gới, đem lại cho các KTV và công ty kiểm toán tại Việt Nam, quán triệt mục tiêu hoạt động của Hội là “Luôn đem lại giá trị gia tăng cho hội viên”. Sự áp dụng đúng đắn và rộng rãi CTKT mẫu chắc chắn sẽ góp phần rất quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện nhất quán các yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán, từ đó cải thiện và nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, góp phần làm tăng lòng tin của công chúng đối với kết quả kiểm toán. Sự quan tâm đúng đắn của các KTV và công ty kiểm toán trong quá trình nghiên cứu áp dụng và thực hành, sự hỗ trợ liên tục, kịp thời từ phía VACPA cũng như sự thừa nhận của Bộ Tài chính trong việc công nhận và phổ cập áp dụng CTKT mẫu như là hồ sơ kiểm toán chuẩn tham khảo chính thức sẽ là những nền tảng vững chắn đảm bảo cho sự thành công của CTKT mẫu trong thời gian tới./.

š«

No comments:

Post a Comment

Popular Posts