Thursday, 19 August 2010

Cơ quan thuế sẽ không bán hóa đơn cho các cơ sở kinh doanh là doanh nghiệp từ 1/1/2011


Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ. Nghị định 51/2010/NĐ-CP ra đời với mong muốn tạo bước ngoặt mang tính đột phá về phương thức quản lý hành chính mới, trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc in và sử dụng hoá đơn. Nghị định này được đánh giá sẽ thay đổi toàn bộ nhận thức và thực hiện về hóa đơn chứng từ trên toàn quốc. Đặc biệt, điểm quan trọng nhất của Nghị định là trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc sử dụng hóa đơn khi cơ quan thuế không còn bán hóa đơn và không chịu trách nhiệm về hóa đơn phát hành. Theo đó, những thắc mắc của doanh nghiệp về thủ tục mua hóa đơn, tình trạng xếp hàng chờ mua hóa đơn tại cơ quan thuế cũng sẽ được xóa bỏ.

Nghị định 51/2010/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011 và thay thế cho Nghị định 89/2002/NĐ-CP ban hành năm 2002. Nhằm hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân có liên quan hiểu được những nội dung mới của Nghị định này, bài viết xin được đề cập đến sự cần thiết phải ban hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP cũng như những nội dung mới, nổi bật của Nghị định.

Sự cần thiết ban hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP

Ngày 7/11/2002, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 89/2002/NĐ-CP quy định về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hoá đơn. Tính đến nay, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, Nghị định 89/2002/NĐ-CP quy định về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hoá đơn đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần phục vụ cho công tác quản lý thu thuế. Cụ thể:

- Nghị định số 89/2002/NĐ-CP đã quy định quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong việc in, phát hành, sử dụng và quản lý hoá đơn, làm cơ sở cho việc quản lý sử dụng hoá đơn.

- Hoá đơn đã đóng vai trò quan trọng và trở thành chứng từ gốc để xác định việc chuyển nhượng hàng hoá, dịch vụ giữa các thể nhân, pháp nhân làm cơ sở cho việc hạch toán kế toán, xác định nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp và thanh toán các khoản chi tiêu của NSNN của các đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Cụ thể năm 2003 có 186.000 đơn vị sử dụng hoá đơn, đến năm 2008 có gần 330.000 đơn vị sử dụng hoá đơn tăng 1,77 lần so với năm 2003 với tổng số lượng hoá đơn sử dụng là 945,3 triệu số.

- Quy định thủ tục mua hoặc in, sử dụng, quản lý hoá đơn cụ thể, rõ ràng, hợp lý, đơn giản để phục vụ cho nhiệm vụ cải cách hành chính. Với cơ chế chính sách như trên đã tạo điều kiện thông thoáng cho các đơn vị sử dụng hoá đơn và tăng cường công tác quản lý hoá đơn, thúc đẩy công tác hạch toán kế toán tại các đơn vị SXKD, tăng cường công tác quản lý tài chính tại các đơn vị thủ hưởng ngân sách...

Xét trên phương diện công tác quản lý thuế thì việc quy định quản lý hoá đơn theo NĐ số 89/2002/NĐ-CP đã đảm bảo thực thi thành công hai sắc thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp, góp phần đảm bảo số thu ngân sách hàng năm ổn định và tăng trưởng bền vững. Cụ thể:

• Đối với hoá đơn tự in đã mang lại các ưu điểm như:

Thứ nhất, doanh nghiệp chủ động đáp ứng lượng hoá đơn cần sử dụng sát với tình hình phát triển, quy mô hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Thứ hai, việc sử dụng hoá đơn tự in đã thúc đẩy nêu cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, đáp ưng yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp.

Thứ ba, việc sử dụng hoá đơn tự in đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể áp dụng được tự động hoá, tin học hoá trong lĩnh vực bán hàng và hạch toán kế toán của doanh nghiệp.

Thứ tư, một số doanh nghiệp còn sử dụng tính chất đặc thù của hoá đơn để làm phương tiện quảng cáo thương hiệu, ngành nghề kinh doanh, tăng hiệu quả, lợi ích kinh tế về sử dụng hoá đơn của doanh nghiệp.

Thứ năm, góp phần hạn chế vi phạm về hoá đơn: Các đơn vị sử dụng hoá đơn tự in ít vi phạm hơn so với các đơn vị sử dụng hoá đơn mua tại cơ quan thuế.

Theo thống kê thì tính đến cuối năm 2008 số lượng hoá đơn do doanh nghiệp tự in đã tăng lên đáng kể, chiếm 89,5% so với tổng số hoá đơn sử dụng trên thị trường.

Đối với hoá đơn do Bộ Tài chính phát hành: Đa số các tổ chức, cá nhân đều chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về in, phát hành, quản lý, sử dụng hoá đơn như: lập hoá đơn tương đối đúng quy đinh, hàng hoá mua vào có hoá đơn kèm theo để kê khai thuế, báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn hàng tháng, quý, năm đúng theo quy định. Các hành vi vi phạm như sử dụng hoá đơn chứng từ không đúng quy định, làm mất hoá đơn mua vào, hoá đơn bán ra, sử dụng hoá đơn giả, lập hoá đơn không kê khai nộp thuế, mua hóa đơn khống, bán khống hoá đơn...đều có xu hướng giảm. Bên cạch đó, Bộ tài chính cũng đã có nhiều bước cải cách thủ tục hành chính về công tác quản lý sử dụng và thủ tục mua hoá đơn được nhanh gọn, không gây phiền hà cho các tổ chức kinh tế, cá nhân có nhu cầu sử dụng.

Với những ưu điểm nổi bật nêu trên, có thể thấy việc ra đời Nghị định 89/2002/NĐ-CP quy định về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hoá đơn đã góp phần phục vụ cho công tác quản lý thu thuế. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đến nay thì Nghị định cũng còn một số tồn tại, cụ thể:

Thứ nhất, một số nội dung quy định tại Nghị định 89/2002/NĐ-CP đến nay không còn phù hợp khi nhà nước ban hành các luật mới hoặc thay thế các luật cũ như Luật Doanh nghiệp, Luật kế toán và Luật Giao dịch điện tử; cụ thể:

- Hoá đơn là một loại chứng từ kế toán nhưng việc quản lý và xử lý chưa nhất quán giữa Luật kế toán và Nghị định 89/2002/NĐ-CP. Theo quy định, chứng từ kế toán hợp pháp buộc phải có đầy đủ tên người mua, đồng thời người bán, người mua phải ký tên trên chứng từ và người bán phải đóng dấu trên chứng từ. Tuy nhiên, hoá đơn trên thực tế và theo quy định tại Nghị định 89/2002/NĐ-CP không phải lúc nào cũng đảm bảo các yêu cầu này.

- Trong nội dung Nghị định 89/2002/NĐ-CP chưa có quy định về hoá đơn điện tử do đó chưa tạo điều kiện có tính chất tiền đề cho việc thực hiện Luật giao dịch điện tử.

Thứ hai, quy định quản lý của Nghị định 89/2002/NĐ-CP còn mang nặng tính quản lý hành chính nhà nước theo cơ chế cũ.

Thứ ba, thủ tục đăng ký hoá đơn tự in còn rất phức tạp nên dù đã uỷ quyền thực hiện tại các cục thuế địa phương song nhiều doanh nghiệp vẫn không tiến hành tự in mà chủ yếu vẫn mua hoá đơn do ngành thuế bán.

Thứ tư, trên thực tế việc in, phát hành và bán hoá đơn của ngành thuế còn chiếm nhiều nguồn lực, công sức của cơ quan thuế, trong khi việc này có thể giao cho doanh nghiệp tự thực hiện để giảm bớt thời gian có liên quan đến thủ tục hành chính thuế.

Thứ năm, các loại hoá đơn bán sẵn của cơ quan thuế còn thiếu về chủng loại (chưa có hoá đơn xuất khẩu) và hạn chế về số liên, thực tế hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đặc thù kinh doanh của một số doanh nghiệp cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu luân chuyển chứng từ phục vụ công tác quản lý sản suất kinh doanh của cơ sở.

Thứ sáu, chưa tạo chủ động cho doanh nghiệp sử dụng hoá đơn trong hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp đã sử dụng hết hoá đơn, muốn mua hoá đơn đợt mới từ cơ quan thuế phải hoàn tất một số thủ tục thì mới được cơ quan thuế bán hoá đơn. Đôi khi, vì những lý do khách quan, doanh nghiệp phải tạm dừng giao dịch kinh doanh trong thời gian chờ đợi mua hoá đơn, gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ bảy, các hành vi vi phạm về hoá đơn diễn biến phức tạp, các chế tài xử lý của Nghị định 89/2002/NĐ-CP chưa bao quát hết. Các hành vi bán hàng lập hoá đơn chậm, ghi sai lệch thông tin giữa các liên trên hoá đơn, ngoài quy định về chênh lệch số tiền, chuyển nhượng hợp đồng in chưa quy định chế tài xử lý. Trong khi đó, hành vi làm mất hoá đơn quy định xử phạt nhiều điểm chưa hợp lý, làm phát sinh hiện tượng khiếu nại.

Thứ tám, chưa đáp ứng được công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở. Một số cơ sở kinh doanh có nhu cầu sử dụng nhiều hơn 3 liên hoá đơn để kiểm soát, quản lý hoạt động kinh doanh trong nội bộ doanh nghiệp thường gặp khó khăn khi sử dụng hoá đơn mua của cơ quan thuế.

Thứ chín, do chế độ chính sách quy định, cơ quan thuế phải quản lý hoá đơn nên các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp không chủ động giám sát, không tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các khoản chi mua hàng hoá mà chủ yếu dựa vào việc quản lý hoá đơn của cơ quan thuế dẫn đến tạo ra thị trường mua, bán hoá đơn bất hợp pháp với nhu cầu mua hoá đơn với mục đích trốn thuế,. Một số cá nhân thành lập doanh nghiệp, mua hoá đơn bỏ trốn và sử dụng bất hợp pháp hoá đơn đã mua nhằm chiếm đoạt tiền thuế, tiền hoàn thuế GTGT. Hoá đơn do Bộ Tài chính phát hành có thể dử dụng cho tất cả các loại hình kinh doanh và trong phạm vi cả nước, do đó đã tạo ra thị trường mua hoá đơn bất hợp pháp rộng lớn và các tội phạm về vấn đề này ngày càng gia tăng.

Từ những ưu, nhược điểm của Nghị định 89/2002/NĐ-CP nêu trên đòi hỏi công tác quản lý, sử dụng hoá đơn cần được sửa đổi để thuận tiện cho doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng nhu cầu quản lý của cơ quan nhà nước. Mặt khác, trong lĩnh vực quản lý thuế, việc ban hành và thực hiện Luật quản lý thuế có hiệu lực từ 01/07/2007 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cũng như của cơ quan quản lý thuế và các cơ quan liên quan. Do đó trong lĩnh vực quản lý và sử dụng hoá đơn cũng cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi theo hướng mở rộng quyền tự chủ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong việc in, phát hành và sử dụng hoá đơn. Cơ quan quản lý thuế chỉ đóng vai trò hướng dẫn hỗ trợ, kiểm tra thực hiện.

Như vậy, để phát huy những ưu điểm, khắc phục những tồn tại của Nghị định 89/2002/NĐ-CP qua hơn 7 năm thực hiện, cùng với những thay đổi căn bản trong công tác quản lý Nhà nước nói chung và lĩnh vực quản lý thuế nói riêng thì việc sửa đổi Nghị định 89/2002/NĐ-CP của Chính phủ là một yêu cầu cần thiết.

Đứng trước yêu cầu đó, ngày 14/5/2010, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ. Nghị định 51/2010/NĐ-CP ra đời sẽ thay thế Nghị định 89/2002/NĐ-CP với mong muốn tạo bước ngoặt mang tính đột phá về phương thức quản lý hành chính mới, trao quyền tự chủ trong việc in và sử dụng hoá đơn cho doanh nghiệp, thuận tiện cho cả người bán hàng và người mua hàng. Đồng thơi, Nghị định 51/2010/NĐ-CP ra đời cũng nhằm mục tiêu chung là đáp ứng yêu cầu của hội nhập, thông lệ quốc tế, phù hợp với các luật mới hoặc thay thế luật cũ như Luật Doanh nghiệp, Luật kế toán và Luật giao dịch điện tử cũng như việc cải cách thủ tục hành chính hiện nay. Tại Nghị định mới này cũng quy định rõ hơn quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên có liên quan trong vấn đề in, phát hành và sử dụng hoá đơn. Nghị định cũng làm rõ hơn một số định nghĩa như: In hoá đơn, Hoá đơn hợp pháp, Hoá đơn giả, hoá đơn chưa có giá trị sử dụng, hoá đơn hết giá trị sử dụng, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp... Quy định rõ hơn về loại, hình thức và nội dung của hóa đơn để phân biệt với một số loại hình khác như thẻ viễn thông in sẵn mệnh giá, thẻ nạp tiền ... Tăng cường việc xử phạt để xử lý các vi phạm khi in, phát hành và sử dụng hoá đơn để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật đồng thời có cơ chế khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt hóa đơn và được quyền quy định áp dụng các biện pháp quản lý thuế thuận tiện hơn.

Xét trên khía cạnh doanh nghiệp, Nghị định số 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ giao quyền chủ động cho các doanh nghiệp trong việc in, phát hành và sử dụng hoá đơn. Cơ quan thuế chỉ in và cấp hoá đơn cho các đối tượng là hộ gia đình và cá nhân kinh doanh. Nghị định đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân vừa lựa chọn hình thức hoá đơn phù hợp vừa có thể lựa chọn thêm hình thức hoá đơn điện tử để thúc đẩy thương mại điện tử. Việc tự in hóa đơn là một quan điểm mới trong công tác quản lý thuế. Các doanh nghiệp phải có trách nhiệm trong việc lập hóa đơn của mình. Và như vậy họ phải có trách nhiệm trong việc in hóa đơn của họ, khác với trước kia việc phát hành hóa đơn thuộc về cơ quan tài chính phụ trách.

Xét trên khía cạnh cơ quản lý nhà nước (cơ quan thuế): Nghị định số 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ giao trách nhiệm cho Cục thuế địa phương trong việc in ấn, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn thay cho quy định trước đây là Bộ Tài chính, đồng thời cũng quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc in hóa đơn. Thông qua việc in, phát hành và sử dụng hoá đơn để phân loại doanh nghiệp và có các cơ chế quản lý, sử dụng cho phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp đồng thời có các cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tự in. Tăng cường quản lý hoá đơn để quản lý doanh thu, quản lý thu thuế hạn chế việc gian lận thuế qua hóa đơn.

Những nội dung mới của Nghị định 51/2010/NĐ-CP

1. Tên Nghị định: Đổi tên nghị định mới thành: ”Nghị định quy định về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ”. Tên Nghị định được quy định như vậy vừa ngắn gọn, vừa khái quát toàn bộ nội dung quy định của Nghị định.

2. Kết cấu Nghị định 51/2010/NĐ-CP: gồm 6 chương, 40 Điều

Chương 1: Quy định chung

Chương này có 4 Điều quy định những vấn đề chung với mục đích khái quát được ý chính của Nghị định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, loại, hình thức và nội dung chỉ tiêu của hoá đơn.

Chương 2: Tạo và phát hành hoá đơn

Chương này có 9 Điều quy định nguyên tắc tạo và phát hành hoá đơn; các thủ tục về hoá đơn tự in, hoá đơn điện tử; Hoá đơn đặt in, in hoá đơn đặt in, bán, cấp hoá đơn do Cục thuế đặt in; Phát hành hoá đơn của tổ chức, cá nhân kinh doanh; Phát hành hoá đơn của Cục thuế; Ghi các ký hiệu nhận dạng mật trên hoá đơn.

Chương 3: Sử dụng hoá đơn

Chương này có 7 Điều quy định nguyên tắc sử dụng hoá đơn, lập hoá đơn; các trường hợp bán hàng hoá, dịch vụ không phải lập hoá đơn; Xử lý thu hồi hoá đơn đã lập; Xử lý hoá đơn trong các trường hợp không tiếp tục sử dụng; Uỷ nhiệm lập hoá đơn và việc sử dụng hoá đơn của người mua hàng.

Chương 4: Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng hoá đơn

Chương này có 7 Điều quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân bán hàng hoá, dịch vụ; điều kiện và trách nhiệm của tổ chức nhận in hoá đơn; trách nhiệm của cơ quan thuế trong quản lý hoá đơn; trách nhiệm của người mua hàng hoá, dịch vụ; xử lý mất, cháy, hỏng hoá đơn trong đơn vị kế toán; lưu trữ bảo quản hoá đơn; huỷ hoá đơn.

Chương 5: Xử phạt vi phạm hành chính về hoá đơn

Chương này có 10 Điều quy định mức xử phạt theo các hành vi vi phạm đối với từng khâu công việc từ in đến phát hành, sử dụng hoá đơn. Quy định nguyên tắc, thủ tục xử lý vi phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, thời hiệu; thẩm quyền thanh tra, kiểm tra và xử phạt.

Chương 6: Điều khoản thi hành

Chương này có 3 Điều quy định về hiệu lực, hướng dẫn và trách nhiệm thi hành của Bộ tài chính và các Bộ, ngành, Uỷ ban Nhân dân và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Về hiệu lực thi hành: Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011. Như vậy từ thời điểm ban hành Nghị định đến thời điểm có hiệu lực thi hành sẽ có thời gian chuẩn bị khoảng 6 tháng để Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định và chuẩn bị tiến hành công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung để các doanh nghiệp nắm bắt được chủ trương chính sách mới.

3. Những nội dung sửa đổi chính: Để khắc phục những tồn tại của Nghị định 89/2002/NĐ-CP; Nghị định 51/2010/NĐ-CP bao gồm những nội dung sửa đổi chính như sau:

Thứ nhất, về các khái niệm mới trong Nghị định 51: Tạo hoá đơn; lập hoá đơn; sử dụng hoá đơn bất hợp pháp; sử dụng bất hợp pháp hoá đơn.

Tạo hoá đơn là hoạt động làm ra hoá đơn để sử dụng cho mục đích bán hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh, gồm: tự in từ các máy móc, thiết bị tại doanh nghiệp; đặt các doanh nghiệp đủ điều kiện in hoá đơn; khởi tạo hoá đơn điện tử theo Luật Giao dịch điện tử.

Trước đây, chủ yếu hoá đơn được tạo ra dưới dạng giấy và chỉ có 2 phương thức in hoá đơn để sử dụng khi bán hàng hoá dịch vụ đó là: Bộ Tài chính đặt in hoá đơn bán cho các DN sử dụng hoặc Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận để DN tự in hoá đơn. Nay theo NĐ 51, hoá đơn được tạo ra có thể ở dạng giấy và cũng có thể ở dạng dữ liệu đã được định dạng trong hệ thống máy tính, sẵn sàng cho việc nhập dữ liệu bán hàng và kết suất ra dưới dạng giấy (hoá đơn tự in) hoặc dưới dạng thông điệp dữ liệu (hoá đơn điện tử). Ngoài ra còn 1 phương thức tạo hoá đơn bằng cách mua từ cơ quan thuế để sử dụng khi bán hàng hoá dịch vụ; phương thức này chỉ áp dụng giới hạn cho một số trường hợp (tổ chức, hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp). Các hoá đơn này được các Cục thuế địa phương đặt in sẵn theo mẫu chung để bán cho một số đối tượng trên địa phương quản lý và được quy định cụ thể trong Thông tư.

Lập hoá đơn là việc ghi đầy đủ các nội dung của hoá đơn theo quy định khi bán hàng hóa, dịch vụ.

Viêc tạo hoá đơn và lập hoá đơn phải đúng quy định thì hoá đơn mới có giá trị pháp lý.

Sử dụng hoá đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hoá đơn giả, hoá đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng; hoặc sử dụng hoá đơn của tổ chức, cá nhân khác (trừ hoá đơn do cơ quan thuế phát hành) để lập khi bán hàng hoá, dịch vụ, để hạch toán kế toán, khai thuế, thanh toán vốn ngân sách.

Sử dụng bất hợp pháp hoá đơn là việc lập khống hoá đơn; cho hoặc bán hoá đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hoá, dịch vụ; cho hoặc bán hoá đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; lập hoá đơn không ghi đầy đủ các nội dung; lập hoá đơn sai lệch nội dung giữa các liên; dùng hoá đơn của hàng hoá, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hoá, dịch vụ khác; dùng hoá đơn quay vòng khi vận chuyển hàng hoá trong khâu lưu thông.

Thứ hai, về các loại, hình thức hoá đơn:

Các loại hoá đơn bao gồm: hoá đơn xuất khẩu, hoá đơn GTGT, hoá đơn bán hàng, các loại hoá đơn khác (vé, thẻ);

- Hoá đơn xuất khẩu là hoá đơn dùng trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ ra nước ngoài, xuất vào các khu phi thuế quan;

- Hoá đơn giá trị gia tăng là hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ nội địa dành cho các tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ;

- Hoá đơn bán hàng là hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ nội địa dành cho các tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp;

- Các loại hoá đơn khác, gồm: vé, thẻ hoặc các chứng từ có tên gọi khác nhưng có hình thức và nội dung quy định trong Nghị định.

Thực tế Hóa đơn xuất khẩu đã được sử dụng trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu nhưng lại chưa được quy định chính thức trong văn bản quy phạm pháp luật về hóa đơn. Việc quy định hóa đơn xuất khẩu tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP nhằm công nhận tính hợp pháp của hóa đơn xuất khẩu do doanh nghiệp lập và có thể dùng thay thế cho hoá đơn GTGT xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ.

Hình thức hoá đơn bao gồm: Hoá đơn tự in, Hoá đơn điện tử, Hoá đơn đặt in, trong đó:

- Hóa đơn tự in là hóa đơn do các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự in ra trên các thiết bị tin học, máy tính tiền hoặc các loại máy khác khi bán hàng hóa, dịch vụ;

- Hóa đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hóa, dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành;

- Hóa đơn đặt in là hóa đơn do các tổ chức, cá nhân kinh doanh đặt in theo mẫu để sử dụng cho hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, hoặc do cơ quan thuế đặt in theo mẫu để cấp, bán cho các tổ chức, cá nhân.

Cùng với sự phát triển của quá trình tin học hóa, hiện đại hóa và giao dịch điện tử thì việc quy định hóa đơn điện tử sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong phát triển các giao dịch kinh tế.

Thứ ba, Nghị định 51 đã đề cao quyền tự chủ của doanh nghiệp trong việc tạo hóa đơn, cụ thể:

Nghị định đã trao quyền tự chủ cho cơ sở kinh doanh trong việc sử dụng hóa đơn bằng việc quy định cơ sở kinh doanh được hình thành dưới hình thức là doanh nghiệp sẽ sử dụng hóa đơn tự in hoặc tự đặt in hóa đơn.

Kể từ ngày 01/01/2011 trở đi, cơ quan thuế không bán hóa đơn cho cơ sở kinh doanh là doanh nghiệp. Các Doanh nghiệp phải có nghĩa vụ tạo hoá đơn để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình. Cụ thể:

a/ Đối tượng in hoá đơn tự in là: Các Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao; doanh nghiệp có mức vốn điều lệ theo quy định của Bộ Tài chính (sẽ quy định cụ thể trong Thông tư hướng dẫn dự kiến là các DN có mức vốn điều lệ từ 50tỷ đồng trở lên); các đơn vị sự nghiệp công lập có sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật được tự in hoá đơn kể từ khi có mã số thuế.

Các Tổ chức, cá nhân kinh doanh (trừ các trường hợp nêu trên) có đủ 5 điều kiện dưới đây phải tự in hoá đơn để sử dụng cho việc bán hàng hoá, dịch vụ:

- Đã được cấp mã số thuế;

- Có doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ;

- Không bị xử phạt về các hành vi vi phạm pháp luật về thuế (theo mức cụ thể sẽ được quy định trong Thông tư của Bộ Tài chính) trong 365 (ba trăm sáu mươi lăm) ngày liên tục tính đến ngày thông báo phát hành hoá đơn tự in;

- Có hệ thống thiết bị đảm bảo cho việc in và lập hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ;

- Là đơn vị kế toán theo quy định của Luật Kế toán và có phần mềm bán hàng hoá, dịch vụ gắn liền với phần mềm kế toán, đảm bảo việc in và lập hoá đơn chỉ được thực hiện khi nghiệp vụ kế toán phát sinh.

b/ Đối tượng được tạo hoá đơn đặt in:

- Các tổ chức, cá nhân kinh doanh có mã số thuế được đặt in hoá đơn để sử dụng cho hoạt động bán hàng hoá, dịch vụ.

- Cục thuế các địa phương đặt in hoá đơn theo mẫu để bán, cấp cho các tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng nhưng có hoạt động kinh doanh, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh có cơ sở tại địa phương; hộ gia đình và cá nhân không kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hoá, dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng.

Thứ tư, Nghị định đã đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc tạo hóa đơn, cụ thể:

- Đơn giản hoá thủ tục trong khâu đặt in hoá đơn của người kinh doanh, không phải xin phép cơ quan thuế hay bất kỳ cơ quan nào phê duyệt việc đặt in hoá đơn.

- Người kinh doanh được quyền chọn các doanh nghiệp in hợp pháp để đặt in hoá đơn, phục vụ cho hoạt động kinh doanh mà không ràng buộc về mặt địa lý hay điều kiện khác.

- Không hạn chế số lượng hoá đơn đặt in, tạo điều kiện cho người kinh doanh chủ động tính toán số lượng hợp lý, đảm bảo chi phí quản lý thấp nhất.

- Giao cho người kinh doanh căn cứ điều kiện kinh doanh cụ thể của mình để thiết kế mẫu hoá đơn (không quy đinh mẫu hoá đơn áp dụng chung như trước đây). Do đó mẫu hoá đơn sẽ được hợp lý hoá tối đa về nội dung, kích cỡ và màu sắc, bảo đảm chi phí phù hợp và hoá đơn thể hiện được văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ năm, Nghị định đã trao quyền tự chủ cho các Cục thuế trong việc tự đặt in hóa đơn, cụ thể: Nghị định đã giao cho cơ quan thuế địa phương được đặt in hoá đơn để cấp, bán cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh, thành phố Cục thuế quản lý để giảm bớt sự tập trung quản lý hóa đơn. Hoá đơn này chỉ được bán và cấp cho các đối tượng sau:

- Các tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh có cơ sở tại địa phương.

- Các tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân không kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hoá, dịch vụ cần có hoá đơn để giao cho khách hàng.

Hoá đơn do Cục Thuế đặt in được bán theo giá bảo đảm bù đắp chi phí thực tế. Cục trưởng Cục Thuế quyết định và niêm yết giá bán hoá đơn theo nguyên tắc trên. Cơ quan thuế các cấp không được thu thêm bất kỳ khoản thu nào ngoài giá bán đã niêm yết.

Thứ sáu, Nghị định quy định rõ về việc uỷ nhiệm lập hoá đơn, cụ thể:

Tổ chức, cá nhân bán hàng có uỷ nhiệm bán hàng hoá, dịch vụ cho tổ chức, cá nhân khác, được uỷ nhiệm lập hoá đơn cho tổ chức, cá nhân nhận uỷ nhiệm khi bán hàng hoá, dịch vụ.

Việc ủy nhiệm hoá đơn phải được thể hiện bằng văn bản giữa người ủy nhiệm và người nhận ủy nhiệm.

Tổ chức, cá nhân ủy nhiệm lập hoá đơn chịu trách nhiệm về việc tạo, phát hành và sử dụng hoá đơn theo quy định chung của Nghị định 51.

Thứ bảy, Nghị định có quy định chi tiết các hành vi vi phạm và các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về hoá đơn phù hợp với các Luật và Pháp lệnh hiện hành, đảm bảo rõ ràng dể hiểu, dễ thực hiện, tạo điều kiện giảm bớt các vướng mắc, tranh chấp trong quá trinh thực thi. Cụ thể:

Các hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn sẽ bị xử phạt với mức thấp nhất là 200 nghìn đồng và mức cao nhất là 100 triệu đồng. Tại Chương V Nghị định 51/2010/NĐ-CP có quy định cụ thể từng hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn. Theo đó, mức phạt thấp nhất từ 200 nghìn đồng - 1 triệu đồng sẽ được áp dụng đối với hành vi không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung in sẵn khi lập hóa đơn.

Các hành vi như đặt in hóa đơn mà không ký hợp đồng in bằng văn bản; vi phạm chế độ báo cáo việc in hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính; hành vi khai không đúng điều kiện để được mua hóa đơn do cơ quan thuế phát hành hay hành vi lập hóa đơn nhưng không giao cho người mua... sẽ bị phạt từ 1 - 5 triệu đồng. Hành vi tự in hóa đơn hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử khi không đủ các điều kiện quy định sẽ bị phạt tiền từ 2 - 10 triệu đồng.

Đặc biệt, nếu tự in hóa đơn giả, hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử giả sẽ bị phạt từ 20-100 triệu đồng, đồng thời bị phạt đình chỉ quyền tự in hóa đơn và quyền khởi tạo hóa đơn điện tử trong thời hạn 36 tháng, kể từ khi hành vi bị phát hiện.

Mức phạt cao nhất này cũng được áp dụng đối với các hành vi: Đặt in hóa đơn giả, in hóa đơn giả, lập hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn lập khống.

Nghị định cũng quy định rất rõ, khi phạt tiền, mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó. (Mức trung bình được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu cộng mức tối đa).

Tổ chức, cá nhân bị xử phạt thì phải thi hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền giao quyết định xử phạt. Nếu không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế theo quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Trên đây bài viết đã đề cập sự cần thiết ban hành Nghị định cũng như một số nội dung mới, nổi bật của Nghị định 51/2010/NĐ-CP. Đây có thể coi là những nội dung đột phá, mang tính cải cách, đã mở ra một bước ngoặt mới trong công tác sử dụng hóa đơn, góp phần làm tăng tính khoa học cho các chính sách thuế. Dự kiến cuối tháng 8/2010, BTC sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể để đưa Nghị định 51/2010/NĐ-CP sớm đi vào cuộc sống. Hy vọng với một bước ngoặt mới về sự ra đời Nghị định 51/2010/NĐ-CP thì việc thực hiện đúng các quy định về hóa đơn, chứng từ của các tổ chức, cá nhân NNT sẽ giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức cá nhân NNT từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân được thuận lợi./.


(Theo Bộ tài chính)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts