Saturday 21 August 2010

Kiểm toán độc lập: Nhu cầu cấp thiết!


Sau 19 năm hoạt động, kiểm toán độc lập tại Việt Nam vẫn chưa khẳng định được vị thế của mình trước nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, một phần do chưa có Luật Kiểm toán độc lập.

Rất nhiều nguyên nhân được đề cập như thiếu chính sách, cơ quan quản lý, vai trò của hiệp hội, năng lực và đạo đức của các kiểm toán viên...

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, đại diện cơ quan soạn thảo Luật Kiểm toán độc lập (KTĐL) tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp xây dựng Luật KTĐL vừa diễn ra sáng nay, 19/8/2010 tại Hà Nội, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức.

Nhu cầu cấp thiết

Theo ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội: Nghề kiểm toán được ví như bác sĩ, có nhiệm vụ thăm khám, kê đơn, bốc thuốc tình hình sức khỏe của các doanh nghiệp. Công tác quản lý, kiểm tra kiểm soát chất lượng báo cáo kiểm toán, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân là cần thiết trong điều kiện kinh tế hiện nay.

Đội ngũ kiểm toán viên cần tăng về chất và lượng trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Mai, Phó Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam chia sẻ: Singapore, một đất nước nhỏ bé mà có tới 22.000 kiểm toán viên; Philipine mỗi năm cũng có thêm 2.000 kiểm toán viên. Nhìn sang Việt Nam, hiện cả nước có 1.700 kiểm toán viên, trong đó chỉ có 1.000 người làm nghề, hơn 700 người khác làm những việc không liên quan, trong khi nhu cầu kiểm toán hết sức cấp thiết. Mục tiêu đến 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 7.000 kiểm toán viên mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu, chưa kể chất lượng đội ngũ “bác sĩ” này vẫn cần thêm nhiều thời gian mới đáp ứng được yêu cầu công việc chuyên môn.

Không nên để tổ chức thành lập công ty kiểm toán

Bàn về yêu cầu hành nghề và điều kiện thành lập doanh nghiệp kiểm toán độc lập, đa số ý kiến đồng tình với dự thảo Luật KTĐL về việc nâng số kiểm toán viên tối thiểu tại mỗi doanh nghiệp từ 3 lên 5 người; 5 người này cũng phải có tối thiểu 36 tháng hành nghề kiểm toán thực tế và là hội viên của tổ chức nghề nghiệp.

Yêu cầu 36 tháng hành nghề thực tế là cần thiết đối với kiểm toán viên.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về những khó khăn trong quá trình sát hạch, thi cấp chứng chỉ hành nghề kiểm toán viên hiện nay. Ví dụ, yêu cầu mới của Luật KTĐL đối với đối tượng người nước ngoài là phải sát hạch bằng tiếng Việt, điều này gây khó khăn cho rất nhiều công ty có kiểm toán viên là người nước ngoài muốn tham gia thi tuyển. Theo ý kiến của các doanh nghiệp, khi yêu cầu sát hạch bằng tiếng Anh hàng năm, số lượng kiểm toán viên người Việt cũng chỉ đạt từ 30 - 40%, tối đa là 60%. Nay yêu cầu thi tiếng Việt ngay với người nước ngoài e gây khó cho họ, đồng thời không tận dụng được kinh nghiệm nước ngoài và cũng không đi đúng quan điểm hội nhập kinh tế.

Ngoài ra, điều khoản không cho phép hành nghề đối với kiểm toán với tư cách cá nhân cũng chưa có tính thuyết phục. Đành rằng trình độ quản lý của Việt Nam chưa cho phép kiểm toán viên hoạt động với tư cách cá nhân, song lộ trình triển khai thời gian tới sẽ phải cho phép. Theo TS. Cao Sĩ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chúng ta không nên đưa điều này vào luật, bởi cái gì cơ quan nhà nước không với tới, không quản được thì nên tận dụng vai trò của hiệp hội, tránh dùng những thuật ngữ cấm, không cho, không được. (Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng việc vô hình ép kiểm toán viên phải tham gia hiệp hội (điều này vi hiến – PV) sẽ đi ngược xu thế hội nhập, sau này “khó ăn khó nói” với các tổ chức quốc tế cũng như các doanh nghiệp).

Một vấn đề khác cũng đang có nhiều ý kiến trái chiều, đó là quy định tại Điều 2 của Dự thảo Luật KTĐL, các tổ chức được tham gia thành lập doanh nghiệp kiểm toán.

Theo ông Phạm Xuân Vạn, Tổng Giám đốc Công ty kiểm toán, kế toán AAC: Vai trò của kiểm toán độc lập khác với kiểm toán nhà nước và kiểm toán nội bộ. Chính vì vậy, không nên để các tổ chức tham gia thành lập doanh nghiệp kiểm toán, tránh trường hợp các tập đoàn cũng tham gia hoạt động này khiến báo cáo kiểm toán khó được minh bạch.

Cần nâng cáo tính pháp lý của báo cáo kiểm toán độc lập để tránh bị can thiệp.

Về vấn đề này, ông Ngô Đức Đoàn, Công ty kiểm toán độc lập (thuộc Bộ Tài chính, thành lập năm 1991, đã kiểm toán nhiều công trình quan trọng như Dự án đường dây 500 Kv Bắc Nam – PV) chia sẻ: Thực tế, báo cáo kiểm toán độc lập dễ bị các cơ quan liên quan can thiệp nếu không có những điều khoản trách nhiệm rõ ràng. Rất dễ xảy ra câu chuyện “bình thông nhau”, khi vai trò kiểm toán độc lập bị xem nhẹ, kết quả kiểm toán độc lập thường không được công nhận hoặc bị dừng khi Kiểm toán Nhà nước tham gia vào. Thực tế, rất nhiều dự án kiểm toán độc lập được các đơn vị mời vào nhưng phải làm theo ý Kiểm toán Nhà nước, nếu không họ mời doanh nghiệp khác. Thời gian tới, báo cáo kiểm toán độc lập cũng phải nâng cao được giá trị pháp lý như báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế…

Hy vọng Luật KTĐL sẽ sớm được đi vào cuộc sống. Theo đó, ngành kiểm toán chắc chắn sẽ có những bứt phá mạnh mẽ hơn trước những đồi hỏi cấp thiết về công tác kiểm toán trong thời kỳ mới…

Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập do Bộ Tài chính soạn thảo, với 7 chương, 69 điều, quy định những vấn đề liên quan đến hoạt động kiểm toán độc lập trên lãnh thổ Việt Nam. Luật đang trong quá trình soạn thảo và xi ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp liên quan trước khi trình Quốc hội khóa 12 vào đầu năm 2011. Dự kiến Luật sẽ được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2012.


(Theo Efinance)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts