Tuesday 24 August 2010

'Nghi án' Quốc Cường Gia Lai giấu lãi

Khoản lợi nhuận đột biến của 6 tháng đầu năm sau khi có soát xét của Ernst & Young khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngờ Công ty Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán QCG) giấu lãi bằng các biện pháp kỹ thuật.
> Quốc Cường Gia Lai lại phát hành cổ phiếu

> Thiếu gia Quốc Cường Gia Lai trở thành người công bố thông tin

Những con số và sự kiện khiến cho các nhà đầu tư nghi ngờ việc giấu lãi bắt nguồn từ lộ trình niêm yết của công ty. Ngày 9/8, QCG có phiên giao dịch đầu tiên tại HOSE thì ngày 11/8, công ty được Ủy ban Chứng khoán cấp phép phát hành 61,2 triệu cổ phiếu.

Trước thời điểm được cấp phép phát hành, Quốc Cường Gia Lai vẫn giữ số liệu lợi nhuận 6 tháng đầu năm là 13,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay sau khi giấy phép phát hành được cấp, thông tin về khoản lợi nhuận đột biến gấp gần 5 lần số liệu trước đó (64,1 tỷ đồng) được công bố tại báo cáo điều chỉnh ngày 18/8, tác động lớn đến giao dịch của nhà đầu tư.

Anh Dũng, một nhà đầu tư chứng khoán có nhiều năm kinh nghiệm (Hà Nội) nhận xét, vừa lên sàn Quốc Cường Gia Lai đã công bố phát hành tới hơn 612 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu và dự kiến thu về gần 1.000 tỷ đồng. Đi kèm với đó, thông tin về lợi nhuận đột biến cũng được đưa ra ngay sau thời điểm nhận giấy phép phát hành là những dấu hiệu rất đáng lưu ý.

Ông Nguyễn Quốc Cường khẳng định công ty không giấu lãi.

Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty quản lý quỹ cho biết: “Đây là thủ thuật tạo ra câu chuyện bất ngờ, vẫn thường thấy đối với các cổ phiếu bất động sản. Mục đích của việc này sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của công ty trong từng thời điểm”.

Theo nhiều chuyên gia về chứng khoán, việc một công ty bất động sản có lợi nhuận bi bét trong những tháng đầu năm sau đó có tăng cực khủng một cách bất ngờ cũng bắt nguồn từ tính chu kỳ trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, thời điểm hạch toán doanh thu chỉ cần thay đổi một chút cũng có thể ảnh hưởng quan trọng tới giá cổ phiếu trên thị trường, nên nhà đầu tư thiếu thông tin thường sẽ bị thiệt hại.

Đại diện một công ty kiểm toán lớn tại Hà Nội cho biết, chuyện các doanh nghiệp có thói quen “để dành” một phần lãi, chưa công bố trước khi phát hành cổ phiếu hoặc lên sàn là khá phổ biến. “Số lãi mà các doanh nghiệp chưa phản ánh trong báo cáo tài chính quý, hoặc báo cáo bán niên có thể khác nhau. Nhưng chuyện lãi bốn, năm đồng mà nói một đồng thì đúng là hiếm”, bà này bình luận.

Chuyên gia này cho biết thêm, việc công bố mức lãi thấp có thể khiến giá cổ phiếu được giữ ở mức vừa phải sau khi lên sàn. Nếu điều này xảy ra, những người nắm được thông tin sẽ có điều kiện gom cổ phiếu trước khi lãi thực được công bố. Tuy vậy, vẫn rất khó để xác định những người này có trục lợi từ thông tin nói trên hay không.

Cổ đông nội bộ một công ty có tiếng trong ngành bất động sản cho biết: “Về mặt luật pháp thì Quốc Cường Giai Lai không có gì sai. Tuy nhiên, những người nắm thông tin nội bộ có thể trục lợi và những nhà đầu tư đã bán cổ phiếu trước khi khoản lợi nhuận đột biến được công bố là những người phải chịu thiệt hại”.

Theo ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Kiểm toán viên Việt Nam, doanh nghiệp đã giải trình về chênh lệch lợi nhuận và doanh thu giữa báo cáo trước và sau soát xét nhưng chưa đưa ra lý do khiến các khoản thu, chi phát sinh đó không được ghi nhận vào báo cáo ban đầu.

“Yếu tố quan trọng ở đây là thời điểm. Doanh nghiệp có thể giấu lỗ, lãi bằng cách hạch toán hoặc không hạch toán khoản thu - chi vào báo cáo tài chính trước thời điểm kiểm toán. Tuy nhiên, kiểm toán viên có thể đánh giá được điều này có hợp lý hay không”, ông Mai cho biết.

Cũng theo giải thích của chuyên gia này thì 2 căn cứ quan trọng nhất để xác định thời điểm doanh nghiệp hạch toán có chính xác hay không là ngày chuyển giao sản phẩm cho khách hàng và ngày xuất hóa đơn. Nếu ngày xuất hóa đơn quá xa thời điểm chuyển giao thì việc hạch toán được coi là không hợp lý.

Trao đổi với VnExperss.net, ông Nguyễn Quốc Cường – Phó tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai đồng thời là người đại diện công bố thông tin khẳng định, không có chuyện giấu lãi. Hợp đồng của dự án tạo ra khoản lợi nhuận đột biến sau khi điều chỉnh được ký vào ngày 29/6/2010 và lúc đó QCG đang làm thủ tục niêm yết.

Do bận nhiều công việc, kế toán của Quốc Cường Gia Lai đã không kịp hạch toán trong tháng mà để khoản doanh thu này vào tháng 7. Tuy nhiên, khi kiểm toán vào làm việc đã không chấp nhận việc hạch toán này và yêu cầu điều chỉnh. Quốc Cường Gia Lai đã thực hiện yêu cầu này và công bố thông tin đúng theo quy định, ông này cho biết.

Trong cả hai bản cáo bạch công bố khi niêm yết và khi phát hành thêm, Quốc Cương Gia Lai đều nhắc tới dự án tại 106 Lý Chính Thắng quận 3 TP HCM (khu phức hợp 24 tầng). Tuy nhiên, thông tin về dự án rất ít, chỉ đề cập tới tỷ lệ góp vốn của Quốc Cường Gia Lai (30%), diện tích sàn và diện tích xây dựng.

Ngay cả phần đánh giá về kế hoạch lợi nhuận trong các bản cáo bạch này, tổ chức tư vấn niêm yết cho Quốc Cường Gia Lai chỉ nhận định Lý Chính Thắng là một sản phẩm đáp ứng kịp thời nhu cầu trên thị trường, chứ không nói tới doanh thu hoặc lợi nhuận phát sinh từ dự án này, cho dù thời điểm niêm yết và phát hành thêm (đầu tháng 8) diễn ra hơn một tháng sau khi công ty chuyển giao dự án (29/6).


(Theo VNExpress)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts