Monday 9 August 2010

Quản vốn phát hành: Sáu tháng, một lần báo cáo

Quy định mới về quản lý vốn phát hành được sự ủng hộ của giới chuyên môn cũng như nhà đầu tư - Ảnh: Hoài Nam

Hàng loạt DN đã phát hành chứng khoán ra công chúng, thu hàng chục nghìn tỷ đồng trong những năm qua và hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng đang được các DN niêm yết tiếp tục thực hiện dưới hình thức đấu giá, phát hành cho cổ đông hiện hữu…, nhưng chưa có một báo cáo thống kê nào hiệu quả sử dụng vốn của các DN phát hành.

Vì thế, những điều khoản quy định bổ sung trong Nghị định 84 ban hành ngày 2/8 vừa qua nhằm nâng cao ý thức của tổ chức phát hành, tạo điều kiện để thị trường giám sát việc sử dụng vốn, được sự ủng hộ của giới chuyên môn cũng như nhà đầu tư.

Nghị định 84 bổ sung điều 3a và Điều 3 của Nghị định 14 như sau: "Tổ chức phát hành phải mở một tài khoản riêng biệt tại một ngân hàng thương mại để phong tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán. Trường hợp tổ chức phát hành là ngân hàng thương mại thì phải lựa chọn một ngân hàng khác để phong tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, tổ chức phát hành phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về kết quả chào bán, kèm theo xác nhận của ngân hàng thương mại, nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được từ đợt chào bán. Sau khi gửi báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổ chức phát hành được giải tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán.

Định kỳ 6 tháng, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán cho đến khi hoàn thành việc giải ngân, tổ chức phát hành phải công bố thông tin về tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán. Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng vốn, tổ chức phát hành phải công bố thông tin về lý do thay đổi và Nghị quyết của HĐQT về việc thay đổi, hoặc chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với tổ chức phát hành nước ngoài quy định tại Điều 17a nghị định này".

Theo ông Võ Trường Sơn, Phó giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG), quy định mới sẽ giúp ngăn chặn việc sử dụng vốn huy động sai mục đích của tổ chức phát hành. Thực tế là có DN huy động vốn xong lại đầu tư chứng khoán chứ không sử dụng đúng mục đích. "Việc báo cáo tiến độ sử dụng vốn định kỳ 6 tháng theo tôi không có gì khó khăn với các dự án đầu tư theo tiến độ. Trong trường hợp DN huy động vốn bổ sung vốn lưu động thì hơi khó để cụ thể hóa, nhất là với DN kinh doanh đa ngành, vì trong kinh doanh có thể linh động điều phối nguồn tiền", ông Sơn nói.

Ông Lê Anh Thi, Phó tổng giám đốc CTCK Âu Việt ủng hộ việc bổ sung điều kiện phát hành chứng khoán ra công chúng, tăng cường việc giám sát sử dụng vốn và góp phần ngăn ngừa việc sử dụng vốn sai mục đích. Theo ông Thi, nếu DN sử dụng vốn huy động bổ sung vốn lưu động cũng cần chứng minh được vốn lưu động tăng thêm đã đem lại hiệu quả cho công ty như thế nào.

Quy định tổ chức phát hành định kỳ 6 tháng công bố thông tin về tiến độ sử dụng vốn cho đến khi hoàn thành giải ngân có ý nghĩa rất quan trọng đối với TTCK, đặc biệt đối với cổ đông. Từ trước đến nay, cổ đông chỉ biết rõ thông tin về hoạt động chào bán cổ phiếu của công ty, còn việc theo dõi giám sát sử dụng vốn như thế nào thường phải đợi đến ĐHCĐ để được thông tin hoặc chất vấn về hiệu quả sử dụng vốn.

Việc yêu cầu tổ chức phát hành công bố thông tin định kỳ giúp cổ đông dễ dàng hơn trong việc giám sát sử dụng vốn và đánh giá hiệu quả. Đồng thời, quy định này cũng có tác dụng nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức phát hành khi huy động vốn từ công chúng.

Tuy nhiên, những quy định này cần nhưng chưa đủ để đảm bảo vốn huy động được sử dụng đúng mục đích và hoạt động phát hành không bị lạm dụng một cách thái quá.

Theo một chuyên viên tư vấn phát hành của CTCK Rồng Việt, khi tiền đã về tài khoản của công ty thì rất khó phân biệt đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương. DN vẫn có thể sử dụng vốn huy động sai mục đích. Căn bản là khi xây dựng phương án phát hành, tổ chức phát hành phải công bố thông tin rõ ràng về phương án, hiệu quả sử dụng vốn để nhà đầu tư đánh giá.

Khảo sát một vòng nhân viên tư vấn phát hành của một số CTCK cho thấy, việc sử dụng vốn sai mục đích như đầu tư chứng khoán là có nhưng khó chứng minh. Cho đến nay, hoạt động phát hành ra công chúng được thực hiện nhiều nhưng chưa có một báo cáo nào tổng kết về giải ngân sử dụng vốn. Trong khi điều kiện để các tổ chức được phép phát hành chứng khoán ra công chúng còn thấp, nên việc phát hành ra công chúng bị "lạm phát", gây tác động không tốt với TTCK.


(Theo Tinnhanhchungkhoan)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts