Monday, 23 August 2010

Cơ chế quản lý thuế riêng với doanh nghiệp lớn

Trong khi cộng đồng doanh nghiệp (DN) bày tỏ sự đồng tình với việc thành lập một cơ quan quản lý các DN (Vụ Quản lý DN lớn, trực thuộc Tổng cục Thuế), thì một số địa phương lại rất băn khoăn về động thái này.


Hiện Bộ Tài chính đã lựa chọn được 405 DN xếp vào diện “lớn” và đưa vào Danh sách DN lớn để có cơ chế quản lý riêng.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận xét, việc phải có cơ chế quản lý riêng đối với DN lớn là do các DN này hàng năm làm ra trên 70% thu nhập của cả nước, hoạt động có tính đặc thù, có địa bàn hoạt động rộng khắp cả nước, thậm chí một số DN như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)… đã vươn ra đầu tư ra nước ngoài. Ngoài ra, các DN lớn có vai trò và vị trí vô cùng quan trọng trong lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội, đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách, nên cần phải có một cơ quan quản lý thống nhất với cơ chế quản lý riêng.

Theo Quyết định 106/2010/QĐ-BTC ngày 14/1/2010 của Bộ Tài chính, Vụ Quản lý DN lớn chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra cơ quan thuế các cấp triển khai thực hiện chính sách thuế; tổng hợp, phân tích, đánh giá, dự báo các chỉ tiêu quản lý thuế theo ngành kinh tế và xây dựng các tiêu thức đánh giá rủi ro đối với DN lớn; tổ chức thu thập, đối chiếu, tổng hợp thông tin về tình hình sản xuất - kinh doanh, chấp hành pháp luật thuế của DN lớn; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với DN lớn theo ngành kinh tế. Ngoài ra, Vụ Quản lý DN lớn còn phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng dự toán, đôn đốc thu ngân sách, thanh tra, kiểm tra thuế…

“Như vậy, việc thành lập cơ quan quản lý DN lớn chủ yếu là nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, tạo thuận lợi tối đa cho DN lớn trong việc thực hiện trách nhiệm của người nộp thuế”, ông Tuấn cho biết. Trong khi đó, ông Phạm Gia Túc, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc thành lập Vụ Quản lý DN lớn là sự cải cách hành chính mạnh mẽ của cơ quan thuế không chỉ phù hợp với đặc thù của Việt Nam, mà còn là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới.

Bà Đàm Thị Huyền, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), là một trong những “siêu” DN, có hàng trăm chi nhánh, DN thành viên hoạt động rộng khắp địa bàn cả nước, khẳng định, việc thành lập Vụ Quản lý DN lớn là “bước đi quan trọng” trong việc đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế.

“Với những DN như Petrolimex có nhiều thành viên hoạt động rộng khắp trên địa bàn cả nước, trong quá trình hoạt động, tại mỗi địa phương thường nảy sinh những vướng mắc nhất định, nhưng để xử lý được thường mất nhiều thời gian. Nhiều khi gặp vướng mắc tại địa phương nào đó, Cục thuế địa phương không trả lời được lại phải gửi công văn lên Tổng cục Thuế. Để xử lý vướng mắc, Tổng cục Thuế phải phân loại vướng mắc thuộc lĩnh vực nào thì chuyển đến vụ chức năng để xử lý trước khi gửi công văn về cục thuế địa phương để trả lời DN. Việc thành lập Vụ DN lớn sẽ giải quyết cơ bản được tình trạng này, vì khi có vướng mắc, DN chỉ cần gửi thẳng công văn lên Vụ DN lớn để “gỡ” mà không cần qua các cầu, cửa như trước”, bà Huyền phát biểu.

Trả lời câu hỏi của phóng viên “vì sao một số địa phương vẫn còn băn khoăn với việc thống nhất quản lý DN lớn vào một đầu mối”, ông Đặng Ngọc Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý DN lớn cho biết, nguyên nhân là do các địa phương hiểu chưa đúng về mục tiêu thành lập Vụ Quản lý DN lớn. “Theo các quy định hiện hành, DN có chi nhánh, văn phòng, thành viên độc lập (hoặc hạch toán phụ thuộc) tại địa phương nào thì thực hiện nghĩa vụ thuế tại địa phương đó. Khi thành lập Vụ Quản lý DN lớn, nhiều địa phương cho rằng, toàn bộ nghĩa vụ thuế của DN lớn sẽ được nộp thẳng về Trung ương, ảnh hưởng đến số thu ngân sách địa phương. Đây chỉ là sự hiểu nhầm. Vụ Quản lý DN lớn không phải là cơ quan quản lý trực tiếp DN, mà các DN vẫn chịu sự quản lý trực tiếp của cơ quan thuế địa phương”, ông Minh nói và nhấn mạnh, các DN lớn vẫn thực hiện việc đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế và quyết toán thuế trực tiếp với cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nên việc thành lập Vụ Quản lý DN lớn không ảnh hưởng đến nhiệm vụ thực hiện thu ngân sách của các địa phương.

Khoảng 80% DN trong danh sách 405 DN lớn là DN nhà nước hoặc DN mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Theo quy định, các DN này chịu sự giám sát, thanh tra, kiểm tra của nhiều cơ quan như tài chính, kế hoạch - đầu tư, thuế, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, thanh tra chuyên ngành đã dẫn tới tình trạng hàng năm DN phải “tiếp” nhiều đoàn thanh tra, nhiều cuộc thanh tra sau có nội dung trùng lắp với cuộc thanh tra trước. “Với việc thành lập Vụ DN lớn, Bộ Tài chính còn hướng đến mục tiêu giúp các cơ quan chức năng điều phối về thanh tra DN để hạn chế việc thanh tra, kiểm tra ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, nhưng vẫn quản lý chặt tài chính, đầu tư của DN”, ông Minh cho biết thêm.

(Theo Đầu tư)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts