Monday, 23 August 2010

Băn khoăn vai trò của Hội nghề nghiệp trong Kiểm toán độc lập

Hệ thống kiểm toán độc lập của Việt Nam đã trải qua 19 năm phát triển và đã hỗ trợ hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của nền kinh tế theo cơ chế thị trường, nhất là sự phát triển của thị trường chứng khoán cũng như quá trình thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

- Kiểm toán viên phải có đủ 36 tháng kinh nghiệm mới được ký báo cáo kiểm toán

Trong 19 năm qua, kiểm toán độc lập hoạt động dưới hình thức Nghị định của Chính phủ nên chưa đủ sức để điều chỉnh, chi phối hoạt động của cá nhân và tổ chức, do đó việc ban hành Luật kiểm toán độc lập là điều hết sức cần thiết.


Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập đang được Ủy ban Kinh tế Quốc hội lấy ý kiến trước khi trình Quốc hội phê chuẩn cũng đã nêu ra một vấn đề rất mới mẻ, đó là xác định vai trò của tổ chức hội nghề nghiệp kiểm toán như là một sự hỗ trợ cho cơ quan nhà nước trong việc quản lý nghề nghiệp kiểm toán và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.


Ông Đặng Thái Hùng - thành viên Ủy ban Kinh tế Tài chính Quốc hội, đồng thời là thành viên ban soạn thảo Luật Kiểm toán độc lập – cho biết, Luật không chi phối đến hoạt động của tổ chức nghề nghiệp nhưng có quy định các hoạt động cụ thể liên quan đến hoạt động của hội.


Theo Ông Bùi Văn Mai, Phó Chủ tịch thường trực Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), thông lệ của các nước trên thế giới cho thấy, vai trò của cơ quan nhà nước tập trung chủ yếu vào việc xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật; kiểm tra, kiểm soát và xử lý các sai phạm. Trong khi đó, các nước khác trên thế giới đề cao vai trò của hội nghề nghiệp trong những việc liên quan đến nâng cao chất lượng kiểm toán.


Hội nghề nghiệp là tổ chức có thể quản lý và hỗ trợ từng kiểm toán viên trong việc đào tạo kiến thức, cung cấp thông tin, tư vấn, kiểm soát chất lượng của kiểm toán viên, kiểm tra và xử lý các sai phạm đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên….


“Với khoảng 1.700 kiểm toán viên ở Việt Nam, riêng VACPA có 1.200 hội viên, theo xu hướng phát triển thì đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 7.000 kiểm toán viên. Nếu cơ quan nhà nước phải quản lý cả 7.000 kiểm toán viên thì đó là một khối lượng công việc khổng lồ và khó có thể đảm đương nổi.” – ông Bùi Văn Mai đề xuất.


Đánh giá về vai trò của hội nghề nghiệp, bà Hà Thị Thu Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam cho rằng, ngoài việc trợ giúp các hội viên của mình, hội viên có thể sẽ giúp đỡ lẫn nhau trong việc quản lý, đào tạo, tham gia các vấn đề liên quan đến hành nghề.


Tuy nhiên, theo bà Thanh không nên quy định bắt buộc các công ty kiểm toán phải là hội viên hội nghề nghiệp. Lý do được đưa ra bởi điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế, hơn nữa bản thân các công ty kiểm toán không chỉ có mỗi chức năng cung cấp dịch vụ về kiểm toán, họ còn cung cấp các dịch vụ về tư vấn thuế, tư vấn quản trị công ty, tư vấn luật… trong khi hội nghề nghiệp chỉ thuần túy là hội kiểm toán viên hành nghề.


Về quy định bắt buộc các kiểm toán viên phải là hội viên hội nghề nghiệp, ông Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cho rằng, theo thông lệ quốc tế, các tổ chức hội nghề nghiệp là nơi cấp chứng chỉ hành nghề cho kiểm toán viên và như vậy, những người được cấp chứng chỉ hành nghề đương nhiên là thành viên của hội nghề nghiệp đó.


“Trong khi đó, quy định bắt buộc phải là hội viên khi đăng ký hành nghề là không phù hợp bởi kiểm toán viên có quyền vào hội hoặc xin ra hội, đó là quyền của mỗi người. Do đó, quy định bắt buộc là không đúng với hiến pháp Việt Nam.” – ông Đinh Xuân Thảo dẫn chứng.


TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho rằng ngay từ khi nền kinh tế hội nhập sâu rộng, Việt Nam đã có luật chuyên ngành. Do đó, tất cả những quản lý nhà nước của các luật chuyên ngành nên cố gắng giao cho các cơ quan nghề nghiệp có chuyên ngành quản lý chứ không nên để 2 hoặc 3 Bộ cùng giải thích, cùng xử lý một vấn đề.


“Chúng ta đều biết rằng hoạt động của Hiệp hội kiểm toán hiện nay vẫn là theo Nghị định của Chính phủ, cho nên Luật ra đời cần phát huy tối đa vai trò của hội, để hội phát huy trong điều kiện mà quản lý nhà nước không làm thay được.” – TS. Cao Sỹ Kiêm đề xuất.

(Theo Infotv)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts