Monday 9 August 2010

Để CMO và CFO cùng nhìn về một hướng

(minh họa: Khều)
Một người thì tiêu tiền như nước, một người luôn khư khư giữ lấy túi tiền. Kẻ đầy sáng tạo, người theo khuôn khổ, kẻ nói nhiều, người im ỉm, chân dung giám đốc marketing (CMO) và giám đốc tài chính (CFO) được khắc họa như hai mặt đối lập trong một doanh nghiệp. Họ luôn đấu tranh, luôn đụng chạm, luôn mâu thuẫn.

Những khác biệt và mâu thuẫn đó đủ để lôi kéo các CFO, CMO cùng giám đốc điều hành (CEO) ngồi lại với nhau trong một cuộc đối thoại bàn tròn do Câu lạc bộ CFO và CMO Việt Nam vừa tổ chức hồi tuần trước, mà theo lời ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Chủ tịch CMO Council, nhằm kêu gọi hai con người này cùng nhìn về một hướng: tầm nhìn của doanh nghiệp.

Đặc thù của công việc khiến mối quan hệ giữa hai người tiêu và giữ tiền này luôn xung khắc. Bởi lẽ CMO là người có trách nhiệm lập ngân sách và giải trình chi phí cho CFO. Có đủ hai vai trò này, doanh nghiệp sẽ có những tranh luận nảy lửa. Thiếu họ, doanh nghiệp mất đi sự kiểm soát và sự sáng tạo. Hai mặt đối lập này của doanh nghiệp nếu được dung hòa, lại là động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Ông Nguyễn Ngọc Bách, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn AsiaInvest, đã không ít lần chứng kiến những tranh cãi kịch liệt giữa hai cộng sự của mình, và lắm lần phải đứng ra phân xử.

Theo ông, do những đặc thù nghề nghiệp mà hai bên có những định kiến về nhau. Nào là khác nhau về trách nhiệm trong việc giữ và tiêu tiền, nào là khác biệt giữa tính cẩn trọng và phóng khoáng, nào là không cùng cách nhìn nhận vì người định tính kẻ định lượng, trong khi ai cũng cho mình là quan trọng nhất.

CFO cho rằng CMO là một kẻ mắc bệnh hình thức và thiếu thực tế. Trong khi đó, dưới con mắt của CMO, CFO là người quá cứng nhắc. Những xung đột này càng được đẩy lên cao khi doanh nghiệp lâm vào khó khăn, khủng hoảng, vì mọi chi phí cần phải được tiết giảm.

Theo ông Dương Hải, Giám đốc tài chính của Vietnam Partners LLC, các CFO có lý do để giữ cho đồng tiền được tiêu pha đúng cách trước các kế hoạch marketing hoành tráng của CMO, khi họ không dám cam đoan sẽ thực hiện được doanh số đúng như trong kế hoạch. Khi kế hoạch marketing thành công, CMO là người hùng. Nếu thất bại, CMO sẽ là kẻ ra đi. Lúc đó, CFO sẽ phải hứng chịu mọi chỉ trích của ban lãnh đạo.

CMO và CFO sẽ tìm được tiếng nói chung khi CFO hiểu được công việc của người làm marketing và CMO hiểu những quy trình của người làm tài chính.

Cũng bởi sự xung khắc và khác biệt đó mà những người trong cuộc thường bông đùa rằng hình phạt lớn nhất đối với hai chức danh này khi kế hoạch không thành công là điều chuyển công tác. CMO sẽ về làm ở phòng tài chính, còn CFO chuyển sang bộ phận marketing.

Một thống kê thú vị cho thấy, tại các tập đoàn lớn, 90% CEO có xuất phát điểm là CFO và CMO. Điều này khiến nhiều người nghĩ rằng những xung đột giữa hai bên còn bắt nguồn từ những cạnh tranh ngầm thăng tiến.

Ông Bách cho rằng để giải quyết những bất đồng như thế là điều không dễ. Hai người phụ trách marketing và tài chính của doanh nghiệp cần có sự phối hợp vì mục tiêu chung, với các chính sách, quy trình rõ ràng, và phải có các hoạt động giao lưu, hiểu biết lẫn nhau.

Để CMO và CFO có thể hòa hợp được, ông Nhất cho rằng cần thay đổi tư duy, học hỏi, tin tưởng, tôn trọng nhau và phải phối hợp cùng nhau để từ đó, người CFO thay vì cúi nhìn mặt đất thì ngẩng mặt lên, và CMO cũng biết đứng trên mặt đất thay cho sự sáng tạo trên mây.

Những định kiến, những cuộc tranh cãi nảy lửa, những cái nhìn khắt khe về nghề nghiệp, theo các chuyên gia, sẽ được dung hòa một khi CMO và CFO tìm được tiếng nói chung. Ấy là khi CFO hiểu được công việc của người làm marketing, và CMO hiểu những quy trình của người làm tài chính. Cũng chính vì thế, thời gian gần đây giới làm marketing có xu hướng tìm học thêm về tài chính, còn giới tài chính lại đi tìm hiểu marketing để cùng nhau thấm được về mục đích kinh doanh, bắt tay nhau cùng nhìn về một hướng.

Sự kết hợp hài hòa đó, theo ông Trần Xuân Nam, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế kỷ 21, là điều hết sức quan trọng, như một kỹ năng phối hợp và làm việc nhóm, điều mà ông cho rằng ở nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn thiếu và yếu.


(Theo Saigontimes.vn)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts