Xuất thân từ một cậu bé bán báo rong, ông đã trở thành một trong những tỉ phú giàu nhất thế giới. Có thời điểm, với tổng tài sản 20,5 tỉ USD, Sheldon Adelson đứng thứ 3 trong số những người giàu nhất nước Mỹ, sau Bill Gates và Warren Buffett. Giới kinh doanh sòng bạc thế giới không ai không biết đến ông trùm Sheldon Adelson. Những câu chuyện về cách làm giàu của ông đều như một huyền thoại.
Xuất thân từ một cậu bé bán báo rong, ông đã trở thành một trong những tỉ phú giàu nhất thế giới. Đặc biệt trong hai năm gần đây, ông đã gia tăng tài sản của mình nhanh đến chóng mặt. Với tổng tài sản 20,5 tỉ USD, Sheldon Adelson đứng thứ 3 trong số những người giàu nhất nước Mỹ, sau Bill Gates và Warren Buffett.
Sheldon Adelson là ông trùm sòng bạc, nhưng cả một thời gian dài không ai biết ông có bao nhiêu tiền. Chỉ đến tháng 12/2004, khi Sheldon Adelson bán 10% cổ phiếu của tập đoàn Las Vegas Sands Corp., thu về gần 1,5 tỉ USD, người ta mới biết số tài sản khổng lồ của ông. Năm 2005, ông là người giàu thứ 15 thế giới, với 16,5 tỉ USD.
Không ai có tốc độ làm giàu nhanh như Sheldon Adelson, ông chủ của tập đoàn Las Vegas Sands, chuyên kinh doanh giải trí và sòng bạc. Mới đây giới truyền thông xôn xao khi đưa tin Eugene Isenberg của tập đoàn Nabor Industries, là vị CEO có mức lương cao nhất thế giới hiện nay với 71 triệu USD mỗi năm. Thế nhưng Sheldon Adelson hoàn toàn có thể cười khẩy về câu chuyện đó.
Lí do rất đơn giản là để làm ra số tiền này, Sheldon Adelson chỉ cần 3 ngày, không hơn. Hiện nay, mỗi ngày ông trùm sòng bạc Las Vegas thu về tổng cộng 23,6 triệu USD lợi nhuận, gần 1 triệu USD mỗi giờ.
Người ta cũng ước tính, nếu duy trì được tốc độ làm giàu kinh ngạc này, thì chưa đầy 10 năm nữa chính Sheldon Adelson chứ không phải là ai khác sẽ vượt Bill Gates để chiếm ngôi vị người giàu nhất hành tinh.
Cậu nhóc nhìn đâu cũng thấy tiền
Sheldon Adelson là người gốc Do Thái sinh sống tại Mỹ. Ông sinh tháng 8 /1933 tại khu phố Dorchester, thành phố Boston, Mỹ. Để thành đạt và trở thành một tỉ phú giàu có, ông đã phải bươn trải, kiếm sống bằng mọi nghề.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố làm nghề lái taxi, mẹ ở nhà dệt len, Sheldon Adelson vất vả từ bé. Hơn 10 tuổi, ông đã tự nuôi mình bằng thu nhập từ nghề bán báo rong. Những người dân ở khu phố nghèo Dorchester, Boston vẫn luôn nhớ hình ảnh cậu bé lanh lợi, bán báo mỗi ngày.
Sheldon Adelson học hành dang dở. Đã đăng ký học tại trường City College, nhưng vì kế sinh nhai, do ham kiếm tiền mà Sheldon Adelson thôi học giữa chừng. Ngoài một thời gian dài bán báo, Sheldon Adelson còn nhận làm đủ mọi nghề khác nhau để kiếm sống. Khi thì bán bánh kẹo, khi thì phát tờ rơi.
Sự nhanh nhẹn và khéo ăn nói còn đưa Sheldon Adelson đến với nghề quảng cáo và tiếp thị bán hàng. Sheldon Adelson không có bằng cấp gì nhưng kinh nghiệm đời thường của cuộc sống bươn trải đã đem lại cho ông những kiến thức kinh doanh vô cùng qui giá.
Sau thời gian đi nghĩa vụ quân sự, Sheldon Adelson lại quay về với nghề kinh doanh tự do. Ông chọn nghề môi giới tài chính, tín dụng và bảo hiểm là lĩnh vực mà ông ưa thích nhất. Cái nghề môi giới đã tạo cho ông nhiều mối quan hệ với nhiều người ở mọi lĩnh vực khác nhau. Sheldon Adelson đã nhận thấy cơ hội kinh doanh luôn có ở mọi nơi, mọi lúc.
Từ thực tế trên thương trường, Sheldon Adelson đã từng ví , cả cuộc đời săn lùng cơ hội kinh doanh của mình như người đợi xe buýt tại bến xe. Chẳng may lỡ chuyến buýt này thì chỉ vài phút sau lại có chuyến xe mới. Qua cách so sánh của Sheldon Adelson, người ta thấy ở ông sự khát khao kinh doanh và tự tin vào những cơ hội kinh doanh mới luôn xuất hiện.
Với triết lí kinh doanh và tham vọng mãnh liệt đó mà Sheldon Adelson nhìn đâu cũng thấy có thể kiếm được tiền. Ông có vô số ý tưởng kinh doanh, từ những điều bình thường nhất, cho đến những dự án khổng lồ.
Có lẽ bản thân ông cũng không nhớ hết mình đã thử sức với bao nhiêu dự án kinh doanh lớn nhỏ trong hơn 50 năm “chinh chiến” trên thương trường. Chỉ biết rằng những dự án sau càng qui mô hơn dự án trước và hứa hẹn đem lại những món lợi nhuận khổng lồ.
Ý tưởng đổi đời
Sheldon Adelson là người rất nhạy bén với các cơ hội kinh doanh tiềm năng. Vào cuối những năm 70 của thế kỷ XX, ông đã sớm nhận thấy xu hướng bùng nổ của công nghiệp máy tính cá nhân. Thế nhưng ông không phải là chuyên gia của lĩnh vực này, để có thể tham gia sản xuất hay kinh doanh máy tính.
Một ý tưởng bất ngờ đã đến với Sheldon Adelson. Ông quyết định làm dịch vụ hội chợ máy tính, khi biết rằng rất nhiều khách hàng có nhu cầu tìm hiểu và giới thiệu sản phẩm máy tính trên thị trường. Năm 1979, ông thành lập công ty Comdex chuyên tổ chức hội chợ máy tính.
Tại một vùng ngoại ô Las Vegas, Sheldon Adelson đã thuê mặt bằng để làm hội chợ. Không tốn quá nhiều tiền, Sheldon Adelson đã đầu tư nơi đây thành một khu hội chợ chuyên về các sản phẩm máy tính. Với những quan hệ rất rộng của một nhà môi giới sành sỏi, cộng với khả năng tổ chức rất tốt, ông đã thu hút được các đại gia máy tính khắp nơi tham dự hội chợ Comdex.
Máy tính bùng nổ và phát triển, cạnh tranh máy tính càng gay gắt, đã giúp cho kinh doanh hội chợ của Sheldon Adelson lên nhanh như diều gặp gió. Comdex trở thành nhà tổ chức hội chợ máy tính quốc tế có uy tín nhất thế giới. Mỗi lần hội chợ mở, có tới hàng trăm nghìn lượt người khắp nơi đổ về đây.
Sheldon Adelson đã thu bộn tiền, khi cho thuê mặt bằng hội chợ với giá 40 USD một mét vuông, trong khi ông trả cho chủ đất chỉ là 15 cent một mét vuông. Sau gần 20 năm hốt bạc từ kinh doanh hội chợ, năm 1997, ông đã bán lại Comdex cho tập đoàn Softbank của Nhật với giá 860 triệu USD.
Sau phi vụ này, Sheldon Adelson trở nên nổi danh với những giai thoại về một ông phù thuỷ kinh doanh. Lí do là Sheldon Adelson đã biết chọn thời điểm đàm phán và bán Comdex, khi công nghiệp máy tính lên tới tột đỉnh. Chỉ sau đó không lâu là thời kỳ xuống dốc không phanh và giá trị Comdex chỉ còn một phần nhỏ so với giá khổng lồ mà Sheldon Adelson đã tài tình bán được.
Sống và kinh doanh tại LasVegas, trung tâm sòng bạc và ăn chơi lớn nhất thế giới, Sheldon Adelson không thể bỏ qua các cơ hội kinh doanh mới. Từ năm 1984 ông đã xây dựng tổ hợp khách sạn Casino The Sands. Khách sạn này không chỉ đón khách hội chợ máy tính mà Sheldon Adelson còn tham vọng nhảy cả sang thị trường khách đến các sòng bạc ở Las Vegas.
Để khuếch trương tên tuổi Casino The Sands, Sheldon Adelson đã kỳ công và chịu tốn kém để mời được hai ca sĩ lừng danh lúc đó đến biểu diễn là Frank Sinatra và Rat Pack.
Cuộc chiến xây đế chế cờ bạc
Là người đến sau nhưng Sheldon Adelson dường như đã ngửi thấy ma lực hấp dẫn từ kinh doanh phục vụ sòng bạc. Sheldon Adelson quyết định dồn toàn lực để đầu tư và kinh doanh tại Las Vegas.
Tại thời điểm lúc bấy giờ, có thể nói rằng Sheldon Adelson đã rất liều lĩnh khi ngấm ngầm thách thức Steven Wynn, ông trùm chính thức của thủ đô sòng bạc Las Vegas hàng chục năm liền. Khi biết Sheldon Adelson nhảy vào đầu tư lớn trong lĩnh vực này, Steven Wynn đã hăm he đe doạ sẽ bóp chết các dự án của Sheldon Adelson.
Thế nhưng điều đó chỉ càng kích thích tham vọng khôn cùng của Sheldon Adelson, một người đã được biết đến nhiều bởi cái “máu lạnh” trong kinh doanh. Ông lạnh lùng chấp nhận cuộc chiến tay đôi với đối thủ cạnh trạnh bằng những dự án khổng lồ, ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.
Năm 1991, sau chuyến nghỉ tuần trăng mật với người vợ thứ hai Miriam tại Venedig (Italia), Sheldon Adelson có ý tưởng xây dựng một tổ hợp khách sạn Casino Venetian theo kiến trúc Venedig ngay tại Las Vegas. Hơn 1,4 tỉ USD đã được ông trùm mới nổi hào phóng bỏ ra, để có được một thành phố Venedig thu nhỏ ngay trong bang Nevada toàn sa mạc.
Sheldon Adelson cho xây dựng hơn 400 mét kênh đào nhân tạo chạy quanh khu tổ hợp khách sạn Casino Venetian được xây dựng nguy nga tráng lệ, toàn bộ ốp đá cẩm thạch. Tại đây có hơn 4.000 phòng khách sạn Suiten, 12 nhà hàng sang trọng và cả một khu phố mua sắm cao cấp. Khách đến sòng bạc có thể lựa chọn mọi hình thức chơi bạc tại 122 bàn chơi có người phục vụ hoặc tại 2.500 máy tự động.
Casino Venetian đã thực sự trở thành chốn ăn chơi hoành tráng nhất của thủ đô cờ bạc thế giới LasVegas. Và kể từ đó ông chủ Sheldon Adelson của Casino Venetian cũng đã chính thức qua mặt được đối thủ Steven Wynn không đội trời chung để trở thành ông trùm số 1 tại Las Vegas.
Tham vọng của Sheldon Adelson không dừng tại đó. Trước kia ông đã từng nói rằng mơ ước có ngày làm chủ cả hệ thống sòng bạc đầy tiềm năng và bí hiểm ở châu Á. Và giờ đây, khi đã ngoài 70 tuổi, Sheldon Adelson vẫn đang quyết liệt để thực hiện giấc mơ đó.
Năm 2002, ông đã chính thức đặt chân vào “mỏ vàng” Macao khi bỏ ra gần 300 triệu USD để xây dựng một Casino Sands theo kiểu Las Vegas. Tại đây những kẻ ăn chơi không cần đếm tiền, có thể chơi bạc, sử dụng mọi tiện nghi xa hoa nhất, dịch vụ xa xỉ nhất.
Thấy hết tiềm năng và lợi thế của Macao, thủ phủ sòng bạc châu Á, trong đầu Sheldon Adelson đã hình thành ngay một kế hoach đầu tư vĩ đại. Sheldon Adelson dự kiến sẽ bỏ khoảng 6 tỉ USD để biến Cotai, thuộc Macao thành một Las Vegas châu Á. Tại đây, Sheldon Adelson sẵn sàng bỏ ra 2 tỉ USD để có được một trung tâm Casino lớn nhất thế giới. Sheldon Adelson hoàn toàn tin tưởng rằng nơi đây sẽ trở thành thiên đường cờ bạc của những tay chơi sành điệu nhất thế giới.
Đây không chỉ là một phi vụ đầu tư vĩ đại mà còn là một canh bạc lớn của ông trùm Sheldon Adelson. Một lần nữa Sheldon Adelson lại thách thức “chiến đấu” với ông trùm người Hoa, Stanley Ho, người độc quyền thống trị hệ thống sòng bạc Macao từ hàng chục năm nay. Sheldon Adelson là ông chủ không chịu thất bại và không biết điểm dừng.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt ở Macao chưa kết thúc nhưng Sheldon Adelson đã lại có ngay những kế hoạch kinh doanh tiếp theo ở các nước châu Á khác như Singapore, Thái Lan, Indonesia. Những động thái nới lỏng qui định đầu tư vào sòng bạc ở các nước này, đều được Sheldon Adelson quan tâm và theo dõi chặt chẽ. Ông không bỏ lỡ những cơ hội kinh doanh khi nó đến với mình.
(Theo DDDN)