Thursday 23 December 2010

Thưởng Tết 'khủng' nhất gần 400 triệu đồng/người

Còn một tháng rưỡi nữa là đến Tết Tân Mão, nhưng ngay từ bây giờ, đa số người lao động, dù là công chức nhà nước hay làm việc trong các doanh nghiệp đều đang rất háo hức mong ngóng xem khoản tiền thưởng Tết sẽ ra sao.

Tiền thưởng tết có nơi lên tới vài trăm triệu nhưng cũng có nơi chỉ vài chục ngàn vốn vẫn là thực trạng từ nhiều năm nay

Cả một năm vất vả quần quật, ai chả mong ước được thưởng xứng đáng với công sức của mình. Mỗi người mỗi tâm trạng khi mà có những nơi tiền thưởng lên tới vài trăm triệu, song cũng có nơi chỉ có vài chục ngàn đồng. Mức chênh lệch này vốn vẫn là thực trạng từ nhiều năm nay.

Người ăn không hết...
Báo cáo thưởng Tết của Bộ LĐ-TB&XH Tết 2010 cho thấy, mức thưởng Tết cao nhất thuộc về một doanh nghiệp vốn đầu tư FDI ở lĩnh vực xây dựng trong khu chế xuất tại TP HCM, với mức thưởng 389 triệu đồng/người. Mức thưởng Tết bình quân chung năm 2010 khoảng 1,85 triệu đồng/người, cao hơn so với 2008 khoảng 300 ngàn đồng/người; trong đó doanh nghiệp nhà nước khoảng 2,2 triệu đồng/người; doanh nghiệp dân doanh khoảng 1,4 triệu đồng/người và doanh nghiệp FDI khoảng 1,9 triệu đồng/người.

Tính tới thời điểm này, đã có mức thưởng tại một số tỉnh như Đà Nẵng, Khánh Hoà. Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng cho biết, tính đến ngày 20/12, toàn thành phố có 131 doanh nghiệp đã báo cáo về tình hình tiền lương năm 2010 và kế hoạch thưởng Tết năm 2011. Đứng đầu trong khối doanh nghiệp FDI lĩnh vực công nghiệp xây dựng có mức thưởng Tết năm 2011 cao là Công ty TNHH VBL Đà Nẵng với mức thưởng cao nhất là 244,3 triệu đồng/người; doanh nghiệp có mức tiền lương năm 2010 cao nhất thuộc về Công ty ITG Phong Phú với mức lương 75 triệu đồng/người.

Trong khối doanh nghiệp FDI lĩnh vực thương mại dịch vụ, doanh nghiệp có mức thưởng Tết năm 2011 cao nhất thuộc về Công ty TNHH du lịch biển Vinacapital Đà Nẵng với mức thưởng 45 triệu đồng/người; doanh nghiệp có mức lương năm 2010 cao nhất thuộc về Công ty CP Khu du lịch biển Ngũ Hành Sơn với mức là 62,29 triệu đồng/người. Thấp nhất thuộc về Công ty Dewoon Caltavil với mức thưởng Tết 2011 là 615.000 đồng/người.

Đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước, tiền thưởng Tết năm 2011 cao nhất thuộc về Công ty Hoa tiêu Khu vực 4 (Cục Hàng hải Việt Nam) với mức thưởng 30 triệu đồng/người, thấp nhất thuộc về 4 đơn vị là Ban QLDA Thủy điện Sông Bung 4, Cty CTGT 503, TT Kỹ thuật Đường bộ 5 và Xí nghiệp đầu máy Đà Nẵng với mức thưởng 1 triệu đồng/người; doanh nghiệp có lương năm 2010 cao nhất thuộc về Công ty TNHH MTV Xăng dầu khu vực 5 với mức lương 26,65 triệu đồng/người và thấp nhất thuộc về Bưu điện Đà Nẵng với mức lương 880.000 đồng/người.

Theo ông Lê Minh Hùng - Trưởng phòng Lao động tiền lương và Bảo hiểm Xã hội, Sở Lao động Thương bình và Xã hội TP Đà Nẵng: Việc các doanh nghiệp ‘mạnh tay’ thưởng Tết cho thấy tình hình khủng hoàng kinh tế được cải thiện, sản xuất kinh doanh được khôi phục, các doanh nghiệp nhận được nhiêu đơn hàng và dài hạn hơn nên hiệu quả tốt hơn so với năm ngoái. Đặc biệt lĩnh vực dịch vụ phát triển hơn so với năm ngoài nên các doanh nghiệp mạnh tay chi thưởng.

...Kẻ lần chẳng ra
Trong khi đó, theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hoà, mức thưởng 30.000 đồng/người là mức thưởng tết thấp nhất và mức thưởng cao nhất là 71 triệu đồng/người thuộc về công ty TNHH An Viên.

Theo Sở này, năm 2010 mức lương bình quân cao nhất thuộc về khối doanh nghiệp nhà nước hơn 3,8 triệu đồng/tháng, thấp nhất thuộc về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 2,8 triệu đồng/tháng. Mức lương cao nhất thuộc về công ty TNHH An Viên với 71 triệu đồng/người/tháng. Mức lương thấp nhất thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1 triệu đồng/người/tháng.

Về kế hoạch thưởng tết Nguyên đán Tân mão, khối doanh nghiệp nhà nước cao nhất, đạt gần 3 triệu đồng/người, thấp nhất thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 957.000/ người. Mức thưởng tết Âm lịch cao nhất thuộc về công ty TNHH An Viên với 71 triệu đồng/người. Mức thấp nhất thuộc về xí nghiệp chế biến song mây xuất khẩu Suối Dầu chỉ có 30 ngàn đồng/người. Mức chênh lệch giữa hai mức thưởng lên đến 2.300 lần.

Cũng theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa, do làm ăn khó khăn, nhiều khả năng một số doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, song mây sẽ không có thưởng tết.

Còn nhớ, theo báo cáo của các địa phương về tình hình lương, thưởng Tết năm 2010 (Tết Canh Dần), mức thưởng Tết cao nhất trong cả nước được ghi nhận là 389 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp FDI ở thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh mức thưởng ngất ngưởng ấy lại có doanh nghiệp chỉ mức 30 nghìn đồng. Ở Hà Nội, mức thưởng Tết năm 2010 bình quân khoảng 2,3 triệu đồng, trong đó doanh nghiệp nhà nước là 1,8 triệu đồng; doanh nghiệp FDI là 3,3 triệu đồng và doanh nghiệp dân doanh là 1,8 triệu đồng. Mức thưởng Tết cao nhất ở Hà Nội cũng thuộc một doanh nghiệp FDI với mức 337 triệu đồng/người. Còn một số doanh nghiệp dân doanh đưa ra mức thưởng 50 triệu đồng/người.

Hiện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vẫn chưa công bố các thông tin liên quan đến lương, thưởng của từng loại hình doanh nghiệp (nhà nước, tư nhân, khu vực FDI). Tuy nhiên, giống như mọi năm, các mức thưởng sẽ chia thành 3 loại thấp nhất, bình quân, cao nhất.

Theo tập quán của người Việt cũng như trong sản xuất, kinh doanh, cuối năm là dịp tổng kết, nhìn lại những thành quả lao động của cả một năm. Đây cũng có thể xem là một dịp ghi nhận những đóng góp của người lao động trong quá trình xây dựng, phát triển doanh nghiệp. Vì vậy, các chuyên gia về quan hệ lao động cho rằng, việc thưởng Tết là cần thiết, vừa tạo hưng phấn trong lao động sản xuất, vừa tạo ra mối quan hệ lao động hài hòa, bền vững trong doanh nghiệp.

(Theo DDDN)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts