Tuesday 14 December 2010

E&Y và KPMG chưa vào danh sách kiểm toán các tổ chức niêm yết

Xem hình

Sau gần một tháng kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) công bố công ty kiểm toán (CTKT) được chấp thuận kiểm toán doanh nghiệp trên TTCK năm 2011, đến nay danh sách này vẫn dừng ở con số 28, trong khi năm 2010 là 36 công ty.

Trong khi đó, đối tượng phải thực hiện kiểm toán bởi CTKT chấp thuận tăng khá mạnh. Thông thường, UBCK sẽ có thêm đợt xét cấp, nhưng nhiều CTKT như đang ngồi trên đống lửa. Họ lo lắng vì một lý do nào đó mà không thuộc danh sách trên thì những hợp đồng kiểm toán năm 2011 đã "trót" ký với DN niêm yết không biết giải quyết ra sao. Đáng lưu ý, kiểm kê hàng tồn kho là một trong những nghiệp vụ quan trọng trong quá trình kiểm toán DN niêm yết. Nhưng muốn làm được việc này, các CTCK phải thực hiện ký hợp đồng với DN trước ngày 31/12 (mốc thời gian các doanh nghiệp Việt Nam thường chọn làm thời điểm kết thúc năm tài chính). Nếu chưa được chấp thuận, các CTKT sẽ không đủ điều kiện ký hợp đồng kiểm toán với DN.

Việc chưa công bố hết CTKT đủ tiêu chuẩn kiểm toán DN niêm yết có nhiều nguyên nhân: có thể do CTKT có vấn đề về kiểm toán báo cáo tài chính, có thể do bị lỗ 2 năm liên tiếp, nhưng cũng có thể do trở ngại từ thủ tục hành chính. Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi tham gia góp ý cho dự thảo Luật Kiểm toán độc lập, nhiều đại biểu cho rằng, UBCK, Bộ Tài chính nên bỏ bớt các thủ tục rườm rà, những giấy phép con trong hoạt động DN kiểm toán.

Trong danh sách CTKT được chấp thuận của UBCK tính đến thời điểm này, chưa thấy hai DN kiểm toán được xếp hạng Big Four là Ernst & Young và KPMG. Chưa biết nguyên nhân vì sao, nhưng sự vắng mặt của hai tên tuổi này khiến Nhà đầu tư liên tưởng đến việc thực hiện kiểm toán Tập đoàn Vinashin (KPMG được lựa chọn) và CTCP Dược phẩm Viễn Đông (Ernst & Young được lựa chọn). Năm 2010, "con tàu" Vinashin bị mắc cạn, đứng bên bờ vực phá sản do bị phát hiện tài chính quá yếu kém, trong khi một năm trước đó vấn báo lãi 1.000 tỷ đồng. Còn liên quan đến Dược Viễn Đông (DVD), UBCK dẫn nguồn tin ban đầu từ Cơ quan An ninh Điều tra cho biết, Lê Văn Dũng (nguyên Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT DVD) cùng một số đối tượng đã lập ra nhiều công ty do người trong gia đình và bạn bè đứng tên làm lãnh đạo, nhưng thực chất việc kinh doanh do Lê Văn Dũng chỉ đạo thực hiện để kinh doanh lòng vòng, tạo doanh thu ảo cho DVD; cung cấp một số thông tin không đúng thực tế, như các hợp đồng có giá trị lớn… nhằm chào bán cổ phiếu của DVD ra công chúng và hỗ trợ đăng ký niêm yết cổ phiếu DVD trên HOSE.

Mặc dù chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng về việc CTKT đã làm tròn trách nhiệm của mình trong việc kiểm toán các DN này hay chưa, nhưng vụ việc trên cũng khiến nhiều Nhà đầu tư giật mình, cần phải xem xét cẩn trọng các các bản báo cáo tài chính, dù đã được kiểm toán và ngay cả khi nó được thực hiện bởi CTKT có tên tuổi.

(Theo tinnhanhchungkhoan.vn)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts