Sunday 12 December 2010

Nghề kiểm toán: "Nợ" & "Có"

Nghề Kiểm Toán: "Nợ" & "Có"


Một ngày rảnh rỗi, chúng tôi - những người bạn cùng giảng đường, cùng dấn thân vào nghề kiểm toán, nhìn lại chặng đường mà chúng tôi đã đi. Hai năm kể từ ngày tốt nghiệp cũng đủ làm cho chúng tôi cảm nhận được những ưu ái, những thử thách mà nghề mang lại. Nay xin viết lại để cùng chia sẽ với mọi người.

Trần Đình Phúc -Phòng NV1

Công ty TNHH Kiểm toán AS

Những ưu ái của nghề:

- Một nghề “cao cấp”:

Còn gì tuyệt vời hơn khi bạn đóng vai trò là nhà cung cấp một dịch vụ cao cấp: bán chất xám, niềm tin và uy tín của công ty mình; người mua là các sếp cấp cao và các ông chủ của doanh nghiệp. Dựa vào chất xám và uy tín của mình đưa ra cho các sếp những kiến nghị, nhận xét về tình hình tài chính mà có thể ảnh hưởng đến hàng trăm, hàng nghìn con người, đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, trong những tình huống nhạy cảm giá trị của nó mang lại gấp nhiều lần so với giá trị hợp đồng mà bạn đảm nhận. Ở một khía cạnh khác bạn có thể so sánh như:

Luật sư thì bảo vệ luật pháp, tính công bằng trong xã hội và các bạn kiểm toán viên thì bảo vệ tính minh bạch trong môi trường kinh tế. Một cách ví von, cũng có thể nói kiểm toán viên là một vị bác sĩ chẩn đoán căn bệnh tài chính của doanh nghiệp. Hay cũng có thể nói kiểm toán là một nghệ thuật và khoa học của con số tài chính… Có nhiều cách so sánh khác nhau, chung quy lại thì vai trò và lợi ích mà kiểm toán viên mang lại cho hoạt động của doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Điều này được thể hiện ngay trên quy trình phân cấp của việc hành nghề. Một sinh viên Đại học mới ra trường dù có giỏi cũng phải xếp hàng trợ lý – junior assistant, cũng phải qua 2 đến 3 năm đi kiểm thì mới được coi là senior assistant, cũng một quãng thời gian 3 đến 4 năm nữa cùng với năng lực quản lý của mình thì mới xếp vào hàng manager. Nói sơ qua như vậy thì cũng thấy được tính chất quan trọng của nghề, và không thể không thừa nhận sự cao cấp của công việc kiểm toán.

- Thứ hai “Nghề dạy nghề” :

Khi bạn đã apply thành công vào một Công ty Kiểm toán, không có nghĩa là bạn đã có được công việc kiểm toán. Sẽ trở nên vô nghĩa, nếu như bạn không update cho riêng mình những kiến thức của ngành, vì chúng thay đổi hàng ngày. Một kiểm toán viên giỏi phải có một xét đoán nghề nghiệp rất nhạy cảm và đồng thời phải có kiến thức rộng không phải nằm riêng ở ngành mà ở mọi lĩnh vực. Xuất phát từ đặc điểm này, ngày càng ngày bạn càng trở nên giỏi hơn, am hiểu nhiều hơn về mọi thứ. Sẽ không có gì là quá ngạc nhiên nếu bạn quá rành rọt về một lĩnh vực sản xuất hay kinh doanh nào đó mà trước đây bạn chưa bao giờ nghe nói tới. Cũng không có gì là quá xa vời, nếu một ngày nào đó đồng nghiệp của bạn mở một công ty quản lý tài chính hay một một doanh nghiệp thương mại nào đó. Nghề bắt bạn am hiểu các lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp, cách quản trị nguồn nhân lực, tài chính; vô hình chung chúng ta ngày càng có một kiến thức sâu rộng, nói theo ngôn ngữ bình dân thì có nghĩa là “đụng đâu cũng biết”.

- Thứ ba “năng động”:

Bạn là người khó tính, bạn cần một không gian riêng tư, bạn thuộc tuýp người “thích ẩn dật”, khuyên bạn không nên apply vào một công ty kiểm toán vì bạn không thuộc về nơi này. Rất trẻ trung, rất năng động là ấn tượng đầu tiên khi một ai đó đã tìm hiểu về môi trường hành nghề kiểm toán. Những bở ngỡ khó khăn ban đầu của nghề nghiệp sẽ qua đi nhanh thôi vì bạn có nhiều sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp. Và bạn đừng nên quá lo lắng khi phải làm thế nào để tạo mối quan hệ với đồng nghiệp hoặc là sếp, ở đây mọi người đều chủ động hòa nhập với bạn. Bạn đang cần xử lý một tình huống khó khăn trong công việc, đừng quá bi quan vì sẽ có nhiều lời tư vấn miễn phí đến từ các đồng nghiệp của bạn hay các bậc tiền bối trong ngành.

- Thứ tư “đãi ngộ đặc biệt”:

Mặt bằng lương của ngành kiểm toán nói chung “tương đối” cao, so với các ngành khác cũng được coi là “top”. Sự khác biệt này càng lớn khi bạn đã có thâm niên công tác trong ngành. Các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ thì kiểm toán là ngành mang lại thu nhập cao nhất (theo thu thập của hieuhoc.com), nước ta ngành kiểm toán chỉ mới phát triển từ những năm 1991 nên thu nhập còn chưa dám “xưng hùng” ; nhưng với xu hướng hòa nhập với thế giới chung thì việc giành vị trí quán quân về thu nhập sẽ là một tương lai không xa. Chí ít ra thì hầu như các công ty kiểm toán, đều quán triệt “nguyên tắc phù hợp” giữa sức lực bỏ ra và thu nhập mang lại, bạn làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít hưởng ít và dĩ nhiên không làm thì khỏi hưởng. Đi kèm với thu nhập là các chế độ ưu đãi khác mà không thể thiếu được trong ngành kiểm toán đó là đào tạo. Các Công ty BIG4 Việt Nam thì chắc là đi đầu trong lĩnh vực này, hỗ trợ cho nhân viên thi các chứng chỉ của ngành như CPA VN, ACCA, CPA, …dĩ nhiên là phải đi kèm với các điều khoản ràng buộc có lợi cho công ty sau khi đào tạo xong. Không thuộc dạng “đại gia” như BIG4, các Công ty Kiểm toán khác cũng đều có những lớp đào tạo theo nhiều dạng khác nhau hoặc được cử đi học các lớp do Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) tổ chức như đào tạo tập huấn, hướng dẫn kiểm toán viên nhân viên về nghiệp vụ cứng và các kỹ năng mềm khác.

Những yếu tố trên đây đều là những điểm tiên quyết khi mà một sinh viên mới ra trường hướng tới trong kế hoạch lập nghiệp của mình. Bởi thế mà, xã hội nhìn nhận kiểm toán viên là ngành hot trong thời buổi hiện nay. Là người trong nghề tuy không lâu nhưng cũng thừa hiểu được tính hấp dẫn của nghề, lại càng tự hào hơn khi mà mình cũng đã đi được một quãng thời gian không ngắn trong “nghiệp” của mình. Và cũng giống như “nguyên tắc tương xứng” của kế toán, đã Nợ thì phải đối ứng Có, vinh quang nào cũng phải có cái giá của nó. Sau đây là những thách thức mà chúng ta phải đối mặt.

Thách thức phải vượt qua:

Áp lực công việc: Những lúc “trái mùa”, ngoài việc chăm sóc khách hàng, update kiến thức thì có thể nói là “cưỡi ngựa xem hoa”. Khi đã vào mùa thì “vắt chân lên cổ mà chạy”. Lúc này, cũng giống như bạn là một cầu thủ bóng đá bước vào một mùa bóng trong năm, phải tham gia các trận đấu liên tục và liên tục . Ở bóng đá, cầu thủ bị quá tải thì ở kiểm toán người kiểm toán bị áp lực. Đây không phải là cách ví von quá lời, hình dung thế này, cứ cuối niên độ tài chính hàng năm, chúng ta sẽ soát xét, đánh giá, đưa ra ý kiến của mình về tính trung thực và hợp lý của BCTC; báo cáo này không phải là tổng hợp của một hoặc hai tháng mà là công việc của kế toán trong một năm tài chính . Khách hàng càng nhiều thì có nghĩa là bạn phải tham gia “trận đấu” càng nhiều. Hơn thế nữa, cầu thủ thì có thể đá ở sân nhà nhưng người kiểm toán thì chỉ có ở sân khách. Đã là sân khách thì bạn phải giữ phong cách và thể hiện mình là người chuyên nghiệp nhất, mang lại cho hãng kiểm toán một hình ảnh đẹp nhất, vì bạn là người bảo vệ giá trị của kiểm toán viên và của doanh nghiệp mà người bảo vệ dù muốn hay không cũng phải đứng đắn nhất.

Áp lực thời gian: “Deadline” nỗi ám ảnh của các senior khi phải hoàn thành báo cáo cho khách hàng. Manager có thể hiểu cho bạn, nhưng khách hàng là thượng đế, khách hàng cần A ngày nào đó thì thời gian của bạn là A*x mà x có thể là 8h làm mỗi ngày nhưng cũng có thể là 16 h hay 24h một ngày để hoàn thành, x là biến số và đều có thể xảy ra với bất kỳ ai. Đây là áp lực thời gian, và đối với các nữ kiểm toán viên thì áp lực trở thành một thách thức không nhỏ khi phải đảm nhận thiên chức người phụ nữ trong gia đình. Không có gì là ngạc nhiên khi khảo sát của China Daily cho rằng Kế toán - Kiểm toán đứng đầu danh sách những nghề nghiệp khó lập gia đình nhất hiện nay (theo datviet.com). Nói tới đây thì thật sự là tâm phục khẩu phục các nữ kiểm toán viên.

Áp lực vô hình: Junior cũng có cái áp lực của riêng mình, một áp lực vô hình do chính các junior này tạo ra: Là người trợ lý kiểm toán với tư cách là người đi kiểm, một số ít junior chưa có nhiều kinh nghiệm về nghiệp vụ cứng lẫn kỹ năng mềm, đôi khi phải làm việc với những kế toán giỏi, những sếp “gừng già” rất cay. Với kinh nghiệm chinh chiến hơn hẵn người đi kiểm, họ như những quả núi rất lớn mà junior đang phải đối mặt để vượt qua. Tâm lý nặng nề này hầu như các trợ lý kiểm toán đều phải gặp phải khi mới vào nghề.

Áp lực uy tín: Manager là quản lý cấp cao của cuộc kiểm toán, là người tổng hợp cuộc kiểm toán và dĩ nhiên là tổng hợp và nhận hết các áp lực này của mọi thành viên nhóm kiểm toán. Cứ nghĩ đơn giản, trên vai manager là uy tín của hãng kiểm toán. Uy tín này thật ra là giải quyết cụm từ: “có rủi ro hay không có rủi ro?”, “trọng yếu hay không trọng yếu?”. Đơn giản là vậy thôi, nhưng trong tình huống nhạy cảm thì có thể là “ăn báo cáo”, “uống báo cáo”. “ngủ báo cáo”, lúc nào cũng ăn không ngon ngủ không yên vì “cụm từ” này.

Áp lực danh phận: Bạn là một trợ lý kiểm toán giỏi, bạn có năng lực thực sự, trải qua nhiều “mùa giải” và mọi người bạn coi bạn là một “cầu thủ tốt”. Điều đó cũng chưa phải là hoàn hảo, sẽ có thể lúc nào đứng trước chức danh của bạn cũng là 2 chữ: “trợ lý”. Chỉ có thể xóa đi hai chữ này khi bạn phải thi được chứng chỉ hành nghề CPA hay ACCA. Đây là chứng chỉ mà bắt buộc phải có để trở thành một kiểm toán viên - một “cầu thủ chuyên nghiệp”. Nôm na thế này, vào nghề thì chỉ là “cá chép”, “cá chép chỉ hóa rồng” khi trong hồ sơ của bạn là Chứng chỉ kiểm toán viên. Dĩ nhiên chứng chỉ này không phải “cưỡi ngựa xem hoa” mà có thể lấy được.

Còn một thứ nữa, cái này có thể là vui cũng có thể là buồn với bất cứ ai: đó là “đi du lịch bắt buộc miễn phí”. Mọi miền đất nước hình chữ S này, bạn đều có thể "được" hoặc "phải" có mặt ở đó. Nhiều người kiểm toán viên ví mình như những chiếc vali, được kéo đến hết nơi này đến nơi khác và được cảm nhận hết mọi sung sướng hay cực khổ của cuộc sống. Có thể là khách sạn 3 – 4 sao ở những nơi phồn hoa, đôi khi cũng có thể là những khu nhà ở hẻo lánh vùng sâu vùng xa. Về bữa ăn, có thể là sơn hào hải vị đấy nhưng đôi khi bạn cũng phải quán triệt tư tưởng “ăn để sống và làm việc”.

Như vậy, bên “Có” là rất được nhưng bên “Nợ” cũng không thể tránh được. Cuộc sống là vậy đấy các bạn, luôn tồn tại một phép biện chứng, đã nhận thì phải cho đi, thành công nào cũng phải có thử thách của nó. Nghề không chọn ta mà ta đã chọn chúng, đó là hướng đi của ta và thách thức luôn chờ đợi các bạn, phải trải qua những thách thức ấy thì mới cảm nhận được hương vị của thành công. Riêng cá nhân tôi, tuy trãi nghiệm không nhiều nhưng cũng thừa hiểu được những khó khăn của nghề nghiệp và niềm đam mê công việc đã giúp tôi vượt qua những trở ngại ban đầu ấy. Hãy nhìn theo các cây cổ thụ trong làng Kiểm toán- Tài chính, những con người tuy rất trẻ nhưng đã rất thành đạt. Có nhiều yếu tố để đưa đưa họ tới đỉnh cao của nghề nghiệp nhưng không thể không có niềm đam mê vì “Đam mê là chìa khóa mở cánh cửa thành công”.

Chúc các bạn thành công!

(Theo www.kiemtoanas.com)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts