Friday, 3 December 2010

Bất thường lợi nhuận vì đầu tư tài chính

Bất thường lợi nhuận vì đầu tư tài chính

Giá trị các khoản đầu tư tài chính không ổn định làm tình hình lãi lỗ của các DN khó dự đoán hơn và gây khó khăn cho các NĐT không am hiểu nhiều về phương pháp hạch toán kế toán.

Bùi Xuân Trung,

(108 phố Huế, Hà Nội)

H

iện nay, rất nhiều DN với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất lại đang chuyển hướng hoặc mở rộng đầu tư vào thị trường tài chính. Kết quả kinh doanh của các DN này không chỉ bị ảnh hưởng bởi lĩnh vực kinh doanh chính, mà còn bị ảnh hưởng bởi thị trường tài chính. Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2008 và 2009 của CTCP Cáp và Vật liệu Viễn thông (Sacom) là một ví dụ.

Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Sacom năm 2008 là 1.296,385 tỷ đồng, năm 2009 giảm còn 426,411 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế năm 2008 lại âm 59,520 tỷ đồng, còn năm 2009 lại đạt 260,334 tỷ đồng. Doanh thu giảm mạnh, nhưng lợi nhuận lại tăng đột biến. Điều này khá khó hiểu đối với một đơn vị sản xuất - kinh doanh bình thường.

Phân tích kỹ BCTC của Sacom thì thấy, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Sacom năm 2008 là 126,023 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với lợi nhuận gộp năm 2009 là 35,219 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng, chi phí quản lý DN của Sacom năm 2008 thấp hơn năm 2009 là 12,325 tỷ đồng. Như vậy, xét trên kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh thông thường thì năm 2009 Sacom thua kém về mọi mặt so với năm 2008.

Sự khác biệt rất lớn giữa 2 năm 2008 - 2009 và tạo nên lợi nhuận đột biến của Sacom chính là ở chi phí tài chính. Năm 2008, chi phí tài chính của Sacom lên đến 258,436 tỷ đồng, trong đó 209,808 tỷ đồng là dự phòng đầu tư tài chính. Năm 2009, chi phí tài chính của Sacom là âm 130,698 tỷ đồng, do DN không phải trích lập thêm dự phòng đầu tư tài chính, mà ngược lại, được hoàn nhập 168,309 tỷ đồng. Có thể thấy, chênh lệch chi phí đầu tư tài chính do dự phòng giữa 2 năm là 378,117 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến chênh lệch lợi nhuận trước thuế giữa 2 năm là 319,854 tỷ đồng. Rõ ràng, trích lập và hoàn nhập dự phòng tài chính ảnh hưởng trọng yếu đến kết quả kinh doanh của DN.

Năm 2010, Sacom đổi tên công ty từ ngày 1/9/2010 thành CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom, tức là đã khẳng định lĩnh vực kinh doanh chính không chỉ là cáp, mà sẽ là đầu tư đa lĩnh vực. 9 tháng đầu năm 2010, lợi nhuận trước thuế của Sacom đạt 146,625 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu hoạt động tài chính là 80,706 tỷ đồng, chi phí tài chính là 8,056 tỷ đồng. Thực tế, trong khoản mục chi phí tài chính, các khoản trích lập dự phòng tài chính biến đổi liên tục và rất khó dự đoán. Từ 1/1/2010 đến 30/6/2010, Sacom tiếp tục được hoàn nhập dự phòng tài chính là 30,732 tỷ đồng, nhưng quý III/2010 Sacom lại trích lập 10,058 tỷ đồng.

Dự phòng tài chính là cần thiết để đảm bảo DN có đủ vốn cho tình huống xấu, nhưng đòi hỏi phải được xác định một cách minh bạch và chính xác. Để có thể hiểu được ý nghĩa thực của những con số trong BCTC, bản thân NĐT cần có hiểu biết nhất định về các quy định hạch toán kế toán liên quan đến đầu tư tài chính. Thông tin về chính sách kế toán, cũng như chi tiết về việc trích lập và hoàn nhập dự phòng được trình bày trong phần thuyết minh BCTC. NĐT nên đọc kỹ những thông tin này.

Theo ĐTCK

No comments:

Post a Comment

Popular Posts