Sunday, 19 December 2010

10 thương vụ “khủng” nhất năm 2010

IBM bán trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất 1% - Ảnh: Time.

Năm 2010, kinh tế thế giới đã chứng kiến nhiều vụ sáp nhập lớn, những đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng kỷ lục
Năm 2010, kinh tế thế giới đã chứng kiến nhiều vụ sáp nhập lớn, những đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng thu về khoản tiền khổng lồ... Tạp chí Time đã chọn ra 10 vụ mua bán lớn nhất trong năm, trong đó bao gồm cả việc "mua" nhân tài kế vị.

1. United "kết hôn" Continental

Hai hãng hàng không hàng đầu của Mỹ là United Airlines và Continental Airlines hồi tháng 5 đã đạt được thỏa thuận sáp nhập, trở thành hãng hàng không lớn nhất thế giới, với trị giá hợp đồng trên 3 tỷ USD.

Sau khi sáp nhập, hãng hàng không mới sẽ vẫn giữ tên United Airlines và đặt trụ sở chính tại thành phố Chicago, bang Illinois. Giám đốc điều hành (CEO) của hãng Continental Airlines sẽ trở thành CEO của hãng hàng không sáp nhập, trong khi CEO của United Airlines sẽ trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị. Sau hai năm, hai nhân vật này lại trao đổi chức vụ cho nhau.


Giới phân tích dự đoán United Airlines mới sẽ vượt qua hãng hàng không lớn nhất của Mỹ hiện nay là Delta Airlines về số lượng hành khách. So với các hãng hàng không khác của Mỹ, United Airlines mới sẽ chiếm thị phần nội địa về quãng đường bay/ghế cao nhất với 21% cũng như có công suất toàn cầu chiếm khoảng 7%.

Trong thời gian qua, United Airlines và Continental Airlines đều bị ảnh hưởng do tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Năm 2009, United Airlines đã phải cắt giảm 7,4% công suất hoạt động, trong khi Continental Airlines cắt giảm 5,2%. Tuy nhiên, trong số các hãng hàng không nội địa của Mỹ, United Airlines vẫn đứng ở vị trí thứ 4 còn Continental Airlines xếp ở vị trí thứ 6.

United và Continental Airlines hy vọng thương vụ sáp nhập sẽ mang lại khoản tiết kiệm và lợi nhuận mới 1,2 tỷ USD vào năm 2013, sau khi tổng doanh thu của cả hai hãng hàng không này trong năm 2009 đã đạt hơn 3 tỷ USD.

2. General Motors thu bộn tiền

Cuộc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của tập đoàn sản xuất ô tô Mỹ General Motors (GM) trong tháng 11 thu về tổng cộng 23,1 tỷ USD, lớn nhất trong lịch sử chứng khoán thế giới.

Hãng xe Mỹ đạt được thành tích ấn tượng này một phần nhờ các ngân hàng bảo lãnh quyết định đưa ra lựa chọn mua thêm 71,7 triệu cổ phiếu phổ thông của GM trị giá 2,37 tỷ đô la sau phiên IPO đã diễn ra trước đó.


Các nhà bảo lãnh cho phiên IPO, lần đầu kể từ khi GM nộp đơn xin bảo hộ phá sản và nhận được gói hỗ trợ trị giá 50 tỷ USD từ chính phủ Mỹ hồi tháng 4 năm 2009, được dẫn đầu bới hàng loạt đại gia trong lĩnh vực tài chính Mỹ như Morgan Stanley, JPMorgan Chase & Co, Bank of America Merrill Lynch và Citigroup Inc, đang xem xét khả năng lựa chọn mua thêm 13 triệu cổ phiếu ưu đãi của GM trị giá 650 triệu đô la.

Phiên chào bán cổ phiếu của GM lần đầu ra công chúng bắt đầu hôm 17/11 với các loại cổ phiếu phổ thông và ưu đãi đã thu về 20,1 tỷ đô la, lớn nhất trong lịch sử chứng khoán nước Mỹ. Tính cả phần cổ phiếu ưu đãi bán được thêm, tổng số tiền GM thu được sau cuộc IPO đạt 23,1 tỷ USD, vượt qua cuộc IPO kỷ lục của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (Agricultural Bank of China) diễn ra trong tháng bảy năm nay thu về 22,1 tỷ USD.

Tiền thu được từ đợt chào bán này phần lớn sẽ rơi vào tay Chính phủ Mỹ, hiện đang sở hữu 61% cổ phần của GM sau khi tái cấu trúc nhà sản xuất ôtô này hồi năm ngoái. Theo đó, cổ phần của Chính phủ Mỹ trong GM sẽ giảm còn 33%. Nhà sản xuất ô tô khổng lồ này đã hoàn trả 9,5 tỷ USD trong số 49,5 tỷ USD Chính phủ Mỹ dùng để giải cứu GM năm ngoái. Chính quyền Obama sẽ tìm cách bù đắp lại khoản còn lại thông qua việc bán cổ phiếu trong các năm tới.

3. Sanofi-Aventis đòi mua Genzyme

Đại gia trong lĩnh vực dược phẩm Sanofi-Aventis của Pháp hồi cuối tháng 8 đã chính thức đưa ra đề nghị đấu giá mua lại hãng công nghệ sinh học Genzyme Corp của Mỹ với giá 18,5 tỷ USD, trị giá bằng tiền mặt. Theo các điều khoản trong đề xuất mua lại của Sanofi-Aventis, các cổ đông của Genzyme sẽ nhận được 69USD cho một cổ phiếu, tăng 38% so với giá 49,86 USD/cổ phiếu tại phiên đóng cửa giao dịch ngày 1/7.


Sanofi-Aventis đã công khai công bố việc đấu giá sau một vài nỗ lực không thành công nhằm thuyết phục ban lãnh đạo của Genzyme đồng ý ngồi vào bàn đàm phán. Sanofi-Aventis cho biết hãng này đã gửi một đề xuất chi tiết cho lãnh đạo Genzyme vào ngày 29/7.

Trong bức thư gửi Chủ tịch Genzyme Henri A. Termeer ngày 29/8, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Sanofi-Aventis Christopher A. Viehbacher nói rằng: "Công ty Sanofi-Aventis không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc công khai công bố trực tiếp đề xuất với các cổ đông của Genzyme".

"Sanofi-Aventis tin tưởng mạnh mẽ vào thương vụ sáp nhập này cũng như các lợi ích tài chính và chiến lược. Chúng tôi vẫn tiếp tục tập trung vào các cuộc thảo luận mang tính xây dựng với Genzyme nhằm kết thúc thương vụ này", ông Viehbacher nói.

Nếu thành công, lời đề nghị mua lại công ty công nghệ sinh học Genzyme trị giá 18,5 tỷ USD của Sanofi-Aventis sẽ trở thành vụ thôn tính lớn nhất trong năm. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Genzyme cho biết, hãng muốn nâng đề nghị của mình lên gần 24 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, CEO của Sanofi, Christopher Viehbacher, tuyên bố ông sẽ không thay đổi.

4. Nương tựa lẫn nhau

Hồi tháng 3, tập đoàn bảo hiểm AIG cho biết đã nhất trí bán American Life Insurance Co. chi nhánh bảo hiểm nhân thọ lớn thứ hai của AIG ở nước ngoài thường được biết đến với tên gọi Alico, với giá 6,8 tỷ USD tiền mặt và 8,7 tỷ USD dưới hình thức vốn cổ đông trong MetLife. Như vậy AIG sẽ nắm giữ 20% cổ phần trong MetLife.

Thương vụ Alico sẽ đưa AIG, hiện do Chính phủ Mỹ sở hữu 80% cổ phần, trở thành cổ đông lớn thứ hai của MetLife, tập đoàn bảo hiểm nhân thọ số 1 của Mỹ.


MetLife hy vọng thương vụ Alico sẽ giúp thu nhập trên cổ phiếu của tập đoàn tăng thêm 45 xu lên 55 xu/cổ phiếu vào năm 2011. Hiện tại các nhà phân tích ước tính thu nhập hoạt động của MetLife vào khoảng 4,89 USD/cổ phiếu trong năm 2011.

Cùng với thương vụ Alico, AIG hy vọng có thể hoàn trả 32 tỷ USD tiền mặt cho Chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại New York trong vài tháng tới, nếu hoàn tất cả hai thương vụ theo kế hoạch vào cuối năm nay. AIG có khả năng trả tiếp 19 tỷ USD nữa cho Chi nhánh FED tại New York trong vài năm tới khi bán thêm cổ phần trong Prudential và MetLife.

5. Vụ IPO lớn nhất châu Á

Đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (AgBank) hồi tháng 7 đã mang về khoảng 22 tỷ USD, thấp hơn kỳ vọng 30 tỷ USD trước đó. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những vụ IPO kỷ lục, nếu không có vụ việc của GM, thì đợt phát hành này của AgBank là lớn nhất thế giới.


AgBank là đại diện cuối cùng trong bộ tứ ngân hàng quốc doanh lớn nhất nước này tiến hành IPO. Trước đó, Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (ICBC) đã thu về 21,9 tỷ USD. Ban đầu, AgBank đặt mục tiêu 30 tỷ USD. Tuy nhiên, các nhà đầu tư có vẻ không sẵn sàng cho một ngân hàng có lợi nhuận yếu hơn vài đối thủ khác. Đó là chưa kể đến việc giới đầu tư đại lục lo ngại rằng một lượng quá lớn cổ phiếu bán ra có thể làm yếu nhu cầu.

Tờ New York Times nhận định, vụ IPO của ABC đã thách thức những bất ổn đang diễn ra trên thị trường tài chính toàn cầu, đồng thời củng cố vị trí thị trường IPO hàng đầu thế giới của Trung Quốc trong năm nay, cũng như khẳng định sức mạnh kinh tế và tài chính của quốc gia này.

Đợt IPO có quy mô khổng lồ này đã định giá ABC ở mức vốn hóa thị trường 128 tỷ USD, cao hơn giá trị vốn hóa của các ngân hàng vào tầm “đại gia” của Mỹ như Citigroup hay Goldman Sachs. Theo dữ liệu của hãng tin tài chính Bloomberg, với mức vốn hóa này, ABC hiện là ngân hàng có giá trị vốn hóa thị trường lớn thứ 8 trên thế giới.

Được thành lập vào năm 1979, sau 31 năm phát triển, ABC đã có tới 320 triệu khách hàng bán lẻ, 2,7 triệu khách hàng doanh nghiệp, gần 24.000 chi nhánh và nắm giữ 1.000 tỷ USD tiền gửi.

6. Hợp đồng "đầy bọt xà phòng"

Với 3,7 tỷ USD chi cho tập đoàn chăm sóc tóc Alberto Culver, Unilever đang bổ sung các thương hiệu Tresemmé, VO5, và Simple vào danh mục sản phẩm của mình. Danh mục sản phẩm chăm sóc cơ thể của Unilever đã tăng nhanh chóng sau 10 năm qua. Unilever hiện đang sở hữu các thương hiệu Dove, Vaseline, Pond's và Sunsilk, các sản phẩm chăm sóc cá nhân của Unilever chiếm 30% lợi nhuận tập đoàn.


Alberto là công ty có trụ sở tại Mỹ, hoạt động tại 9 quốc gia trong đó có Anh và sử dụng 2.700 lao động. Khoảng 64% tổng doanh số bán của Alberto Culver là đến từ thị trường Mỹ trong năm kết thúc vào tháng 9/2009.

CEO của Unilever - ông Paul Polman cho biết: "Chăm sóc cá nhân là danh mục chiến lược của Unilever và đang tăng trưởng nhanh chóng. Cách đây 10 năm, danh mục này từng chiếm 20% lợi nhuận của chúng tôi”. Việc mua lại Alberto Culver không những thúc đẩy tăng trưởng mà còn bổ sung những thương hiệu mới đầy quyền lực vào chuỗi sản phẩm của Unilever.

Vì thế cũng dễ hiểu khi tập đoàn của Hà Lan muốn mở rộng sang lĩnh vực dầu gội đầu, thứ mà với nhiều người không thể thiếu trong danh mục sản phẩm của gia đình, ngay cả trong giai đoạn suy thoái.

7. Người kế vị của Warren Buffett

Tỷ phú 80 tuổi Buffett, Chủ tịch đồng thời là Giám đốc điều hành của tập đoàn Berkshire, cho biết, vị trí của ông sẽ được chia ra cho ít nhất 3 người trong trường hợp ông qua đời hoặc về nghỉ hưu. Một CEO sẽ quản lý hơn 70 hạng mục kinh doanh và một hoặc hai người sẽ được chỉ định quản lý đầu tư nhằm cấp phát vốn và quản lý các hạng mục đầu tư của Berkshire.


Trong tuyên bố hôm 26/10, Berkshire cho biết, hãng này đã bổ nhiệm Todd Combs - 39 tuổi, người quản lý quỹ đầu tư Castle Point Capital trị giá 400 triệu đôla làm giám đốc đầu tư của tập đoàn này. Trước khi lựa chọn Todd Combs, tập đoàn này đã đưa ra các ứng viên sáng giá, đó là chuyên gia đầu tư Li Lu, người đã giúp tập đoàn Berkshire thu được lợi nhuận trên thị trường Trung Quốc và David Sokol, chủ tịch của MidAmerican Energy Holdings Co. thuộc tập đoàn Berkshire.

Todd Combs đã quản lý số tài sản trị giá 405 triệu đôla, có trong tay nhiều loại cổ phiếu lớn nhất bao gồm U.S. Bancorp, MasterCard Inc., Western Union Co. và Chubb Corp..Trong những năm 1990, Combs đã có 3 năm kinh nghiệm làm nhà phân tích tại cơ quan quản lý ngân hàng Florida và 4 năm kinh nghiệm làm nhà phân tích cho tập đoàn bảo hiểm ô tô Progressive Corp.

Quỹ Castle Point của Todd Combs được thành lập năm 2005. Theo thống kê, 2006 quỹ này tăng 13,5%, năm 2007 tăng 19%, năm 2008 giảm 5,7%, và năm ngoái quỹ đã tăng 6,2%. Combs đã tốt nghiệp tại đại học Florida State University và nhận bằng cao học về quản trị kinh doanh tại đại học Columbia. Ông từng là nhà quản lý một quỹ đầu tư dịch vụ tài chính nhỏ của Copper Arch Capital LLC, tại New York. Matthews nói rằng “Todd Combs chính là người mà Buffett muốn”.

8. Đồ ăn nhanh sáng giá

Kinh doanh thức ăn nhanh cũng đóng góp một thương vụ bất ngờ trong năm 2010. Hồi tháng 9, Burger King Holdings đã đồng ý về dưới trướng công ty đầu tư 3G Capital với mức giá 3,36 tỷ USD. 3G Capital đồng ý trả 24 USD/cổ phiếu, cao hơn 46% mức giá đề nghị từ Burger King. Với thương vụ trên, thương hiệu thức ăn nhanh đứng thứ 2 tại Mỹ sẽ có cơ hội rà soát lại hoạt động của mình nhằm thu ngắn cách biệt với gã khổng lồ đầu ngành McDonald.


Chủ tịch kiêm CEO của Burger King John Chidsey vẫn giữ nguyên chức vụ trong giai đoạn chuyển giao. Khi đã hoàn tất, ông sẽ đảm nhận vị trí đồng chủ tịch với giám đốc quản lý 3G Alex Behring. Vụ mua bán sẽ hoàn tất trong 3 tháng cuối năm 2010. Tuy nhiên, Burger King vẫn còn thời gian đến 12/10 để thay đổi quyết định nếu có lời đề nghị mua lại hấp dẫn hơn.

“Giá mà 3G đưa ra rất tốt và khiến các cổ đông Burger King hài lòng. Khả năng có người trả giá cao hơn khá ít. Việc định giá dựa vào các giá trị nền tảng vững mạnh mà Burger King đang sở hữu hiện tại” – một chuyên gia phân tích.

Burger King ra sàn giao dịch chỉ mới 4 năm, và giá cổ phiếu ban đầu là 17 USD/cổ phiếu. Chốt phiên chứng khoán hôm thứ 3, cổ phiếu của hãng đã giảm 31% so với cuối năm 2008 trong khi cổ phiếu đối thủ cạnh tranh McDonald lại tăng 18%.

Gần đây, Burger King đang chịu ảnh hưởng bởi tỷ lệ thất nghiệp cao trong nhóm khách hàng cốt lõi, đà phục hồi kinh tế chậm chạp ở Mỹ và chính sách tiết kiệm ở châu Âu. Trong tương lai, thương hiệu cần thay đổi mô hình kinh doanh để bắt kịp với thị hiếu hiện đại và khẳng định các giá trị cốt lõi với khách hàng.

9. Southwest mua AirTran

Hôm 27/9, hãng hàng không Southwest cho biết đã nhất trí mua lại đối thủ AirTran với giá 1,4 tỷ USD. Với thương vụ này, Southwest sẽ chiếm một thị phần lớn hơn ở khu vực Đông Bắc và Atlanta - trung tâm đi lại nhộn nhịp nhất ở Mỹ. Ngoài ra, nó cũng sẽ giúp Southwest mở rộng các đường bay quốc tế tới Mexico và khu vực Caribean.


Hiện nay, Southwest là hãng hàng không lớn thứ 4 ở Mỹ xét về mức độ lưu lượng các chuyến bay. Dự kiến thương vụ này sẽ kết thúc trong nửa đầu của năm tới sau khi nhận được sự chấp thuận của cổ đông hai hãng và cơ quan điều phối liên bang. Southwest và AirTran cho biết hãng hàng không mới sau khi sáp nhập sẽ hoạt động ở hơn 100 sân bay khác nhau và phục vụ hơn 100 triệu hành khách.

Các nhà phân tích cho rằng với việc sáp nhập của hai hãng hàng không nói trên, các hành khách ở những thành phố nhỏ tại Mỹ sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn đối với các chuyến bay hay quá cảnh. Điều này có nghĩa là hành khách có nhiều cơ hội hơn để tránh tình trạng chuyến bay bị chậm hay bị hủy.

Southwest thấy cần thiết phải tăng thêm quy mô để đảm bảo tính cạnh tranh. Nhu cầu cắt giảm số lượng chỗ ngồi là động lực đằng sau sau thỏa thuận này. Nhiều năm qua, ngành hàng không đã có quá nhiều máy bay theo đuổi quá ít khách hàng, giết chết lợi nhuận. Điều đó đang thay đổi. Dù vậy, với hành khách, kết quả sẽ vẫn là giá vé trung bình cao hơn.

Ngoài ra, Southwest còn cho biết hãng này sẽ giảm các chi phí cước hành lý của AirTran khi mà thương vụ kết thúc. Hiện nay, AirTran tính phí 20 USD cho kiện hành lý kiểm tra thứ nhất và 25 USD cho kiện thứ hai.

10. IBM bán trái phiếu

Đối với những tập đoàn đang tìm kiếm khoản vay mượn, thì bối cảnh kinh tế yếu kém và chính sách kìm lãi suất ở mức thấp kỷ lục của Cục Dự trữ Liên bang (Mỹ) chính là một cơ hội không thể bỏ qua. Thực tế đó càng được củng cố trong mùa hè này, khi IBM thu về 1,5 tỷ USD tiền bán trái phiếu kỳ hạn 3 năm với mức lãi suất chỉ 1%.


Sau IBM, một loạt các công ty lớn khác cũng bán trái phiếu với mức lãi suất tương đương. Nhưng vào thời điểm đó, trái phiếu IBM có lãi suất thấp nhất trong hơn 3.400 chứng khoán thuộc chỉ số Capital U.S. Corporate Index của Barclay. Hai năm trước, tưởng như tất cả nợ của Mỹ đều là nợ rủi ro cao. Các nhà đầu tư đòi lãi suất cao hơn với thậm chí nợ an toàn nhất.

Ngoài ra, thương vụ của IBM còn là một dấu hiệu quan trọng khác cho thấy, nền kinh tế Mỹ đang hồi phục.

(Theo Vneconomy)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts