Thursday 23 December 2010

Những sự kiện bất động sản nổi bật năm 2010

Cơn sốt đất ngắn nhưng đầy dư vị trong 10 năm trở lại đây, cuộc tranh cãi giữa Bộ Xây dựng và Hà Nội về trục Hồ Tây – Ba Vì, các dự án 'khủng' liên tiếp được công bố, thu hồi hàng loạt dự án treo hay bài học từ vụ “bán nhà trên giấy” ầm ĩ tại dự án của Cienco 5 Land… là những sự kiện bất động sản nổi bật trong năm 2010 mà Diễn đàn Doanh nghiệp Online bình chọn.
Khi cơn sốt đất Ba Vì lên tới đỉnh điểm, giá đất khu vực này bị đẩy lên đến mức khó tin, thậm chí một số mảnh “đội” tiền tỷ
1. Đồ án quy hoạch chung Hà Nội và cuộc tranh cãi “có – không”
Cuối năm 2010, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ xem xét Đồ án quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Trước đó, Đồ án được đưa ra lấy ý kiến đông đảo quần chúng tại Hà Nội và TP.HCM tuy nhiên đã có nhiều băn khoăn, thắc mắc, những ý kiến phản biện của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.
Theo đồ án quy hoạch vừa đưa ra trưng cầu thì Trung tâm Hành chính quốc gia sẽ đặt tại chân núi Ba Vì. Theo ý kiến của các chuyên gia, Xứ Đoài chưa bao giờ là vùng kinh tế năng động. Nơi này chỉ thích hợp để bảo tồn văn hóa, làm du lịch văn hóa và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Nếu đưa Trung tâm Hành chính Quốc gia về chân núi Ba Vì, tức là đặt Chính phủ và các cơ quan của chính phủ vào trạng thái nghỉ ngơi, không còn năng động, không còn linh hoạt… thì rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, kết quả công bố thăm dò ý kiến nhân dân về đồ án quy hoạch chung thủ đô Hà Nội trong đó hai vấn đề có tỷ lệ đồng thuận thấp nhất trong rất nhiều vấn đề của đồ án, là vị trí Trung tâm hành chính quốc gia (69,4 %) và trục Thăng Long (76,5 %). Sau đó do đường Láng - Hòa Lạc được đặt tên là Đại lộ Thăng Long nên trục này được Bộ Xây dựng đổi thành trục Hồ Tây - Ba Vì.
Cũng từ đây dấy lên một cuộc tranh cãi chưa đến hồi kết giữa Bộ Xây dựng và Thành phố Hà Nội. Theo đại diện Bộ Xây dựng, việc xây dựng trục Hồ Tây – Ba Vì sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề về giao thông, dù chưa làm nhưng phải có trong quy hoạch để giữ đất, nếu không các dự án sẽ lấp vào đó. Trái với quyết định trên, lãnh đạo Hà Nội cho rằng, trục Hồ Tây - Ba Vì ảnh hưởng lớn tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội và phát triển đô thị bền vững, trục này không cần thiết. Sau một thời gian, Hà Nội đột ngột thay đổi thái độ, cho rằng vẫn cần xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì nhưng không phải trục thẳng mà là trục cong nương theo địa hình ngoài vành đai 4. Cuộc tranh cãi chỉ kết thúc khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt cuối cùng với bản quy hoạch chung Hà Nội mở rộng.
2. Cơn sốt đất Ba Vì và ăn theo quy hoạch
Năm 2010 là năm phía Tây có biến động nhiều nhất. Đơn cử như việc Ba Vì trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư kể từ khi đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được công bố, nhiều người kỳ vọng việc đầu tư BĐS theo kiểu “đi trước đón đầu” sẽ thu lợi nhuận cao khi quy hoạch được triển khai khiến giá đất ở khu vực này tăng chóng mặt.Khi cơn sốt đất Ba Vì lên tới đỉnh điểm, hàng trăm người đổ xô đi lùng mua đất để lướt sóng khiến giá đất khu vực này bị đẩy lên đến mức khó tin, thậm chí một số mảnh “đội” tiền tỷ.
Khi “sốt tan sóng lặng” nhà đầu tư lại nghe nghóng được thông tin trụ sở bộ ngành sẽ đặt tại Mỹ Đình, cộng với việc Đại lộ Thăng Long – Con đường dài và hiện đại nhất Việt Nam và đường Lê Văn Lương kéo dài được thông xe khiến khu vực này được thổi thêm một “luồng sinh khí” mới. Hai bên Đại lộ là hàng trăm dự án bất động sản lớn nhỏ khác nhau có thể kể sơ qua như: Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ, Geleximco, Nam An Khánh, Bắc An Khánh, Khu đô thị Miêu Nha, khu đô thị mới Splendora (Hoài Đức - Hà Nội); dự án Khu nhà ở Đại Mỗ; tổ hợp khách sạn Dầu khí…Hàng loạt tuyến giao thông hạ tầng khánh thành dịp Đại lễ ngàn năm và những cây cầu lớn bắc qua sông Hồng mới hoàn tất cũng là những 'ngòi nổ' kích thích giá nhà đất xung quanh các khu vực này tăng mạnh. Chính những lý do trên khiến thị trường BĐS Hà Nội đang chứng kiến một cơn sốt đất chưa từng thấy trong 10 năm trở lại đây.
3. Đua nhau xây nhà “chọc trời”
Xu hướng xây nhà cao tầng tại Hà Nội xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây, bắt đầu từ các dự án khách sạn, văn phòng cho thuê rồi lan rộng sang lĩnh vực nhà ở, chung cư cao cấp. Tuy nhiên, trong năm 2010 – xu hướng này bắt đầu nở rộ, nhiều người cho rằng đây là cuộc chạy đua đánh bóng thương hiệu của các doanh nghiệp.
Tưởng ngôi “vô địch” chiều cao đã thuộc về Keangnam, nhưng ngôi vị đó cũng chẳng giữ được bao lâu khi ngành Dầu khí Việt Nam đã quyết định xây dựng tòa nhà cao 102 tầng
Tính đến thời điểm này, tòa tháp được cho là cao nhất Việt Nam và cao thứ 17 trên Thế giới là Keangnam Hanoi Landmark Tower 70 tầng với chiều cao 336m nằm trên đường Phạm Hùng chính thức khởi công vào tháng 11/ 2007 và được đưa vào sử dụng trong năm 2011. Tưởng ngôi “vô địch” chiều cao đã thuộc về Keangnam, nhưng ngôi vị đó cũng chẳng giữ được bao lâu khi ngành Dầu khí Việt Nam đã quyết định xây dựng tòa nhà cao 102 tầng. Với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD và chiều cao dự kiến khoảng 528m, tòa tháp đặc biệt này - tòa tháp Dầu khí đang được coi là tòa nhà cao nhất Việt Nam và cao thứ nhì châu Á. Tòa nhà này được mệnh danh là 'có một không hai' (cao 102 tầng, tổng đầu tư 1,2 tỷ USD và chủ đầu tư có lẽ muốn gửi gắm những ẩn ý khác). Ngay sau đó, tập đoàn Kinh Bắc cũng công bố dự án muốn xây tòa nhà cao 100 tầng tại đường Phạm Hùng, Hà Nội.
Cuối tháng 10, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã khởi công xây dựng Tổ hợp văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại và dịch vụ cao cấp VietinBank tại khu đất rộng 30.000 m2 thuộc Khu đô thị Ciputra (Hà Nội). Dự án có tổng vốn đầu tư 400 triệu USD, tương đương gần 8.000 tỷ đồng bao gồm 2 toà tháp cao 68 và 48 tầng.
Cũng vào cuối tháng 10, Bitexco Financial Tower – tòa nhà cao nhất TP.HCM đã chính thức khánh thành. Tòa tháp có chiều cao 262m, gồm 68 tầng. Ngay sau đó, Tập đoàn Bitexco đã khởi công dự án Ben Thanh Towers tại khu vực trung tâm TPHCM với 2 tòa tháp cao 55 tầng.
Ngoài những dự án trên, các chuyên gia BĐS dự báo, trong thời gian tới sẽ có một làn sóng xây nhà “chọc trời” xuất hiện tại Việt Nam.
4. Dự án 'khủng' liên tiếp được công bố
Năm nay là năm các dự án khủng liên tiếp lập kỷ lục. Điển hình như Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp phức hợp Nam Hội An với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD do Công ty liên doanh đầu tư Genting VinaCapital làm chủ đầu tư đang được UBND tỉnh Quảng Nam giao cho các cơ quan chức năng lập thủ tục cấp phép.
Sòng bạc mang phong cách Las Vegas đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng tại khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm Resort (Vũng Tàu) với tổng mức đầu tư khoảng 4,2 tỷ USD. Dự án sân golf khách sạn Hoàng Đồng Lạng Sơn có quy mô hơn 180 ha, tại trung tâm thị trấn Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn, với tổng vốn đầu tư được giới thiệu là lên tới 2 tỷ USD.
Dự án Khu phức hợp giải trí Happyland - Long An được xây dựng trên diện tích gần 700 ha với số vốn đầu tư gần 2 tỷ USD do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Phú An làm chủ đầu tư.
Sòng bạc mang phong cách Las Vegas đầu tiên tại Việt Nam sẽ được xây dựng tại khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm Resort (Vũng Tàu)
Công ty Cổ phần Archi Land Việt Nam - Tập đoàn Archi chính thức ra mắt chuỗi ba dự án Green Villas 4, Lâm Sơn Resort và Bella Resort. Đây là những khu nghỉ dưỡng thân thiện môi trường thể hiện qua quy định mỗi dự án phải phủ xanh ít nhất là 70% diện tích. Tổng vốn đầu tư của Archi Việt Nam vào 3 dự án này khoảng trên 1.050 tỷ đồng, dự kiến được đưa vào khai thác sau 3 năm xây dựng.
Ngoài ra còn nhiều dự án khác như: khu đô thị sinh thái Thủy Tú – Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD; Khu nghỉ dưỡng lớn nhất miền Bắc Tam Nông…
5. Nhà giá rẻ 'lên ngôi'
Năm 2010 là năm bắt đầu sự khó khăn cho phân khúc chung cư cao cấp, những dự án “cao cấp” mọc lên như nấm nhưng không đáp ứng được nhu cầu thực về khả năng tài chính của người tiêu dùng, trong khi tỉ suất lợi nhuận lại quá thấp so với nguồn vốn đầu tư nên thực sự không hấp dẫn giới đầu cơ.
Nhận thấy điểm yếu trên, chủ đầu tư lại “lấn sân” sang các dự án xây nhà cho người thu nhập thấp. Điển hình là dự án nhà ở thu nhập thấp tại đường Ngô Thì Nhậm, do liên danh Công ty Cổ phần bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai và Công ty Cổ phần xây dựng số 21 Vinaconex là chủ đầu tư đã xây dựng 5 tòa nhà cho người thu nhập thấp tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông. Với quy mô mỗi tòa nhà cao 19 tầng và 1 tầng hầm, dự án cung cấp tổng cộng 1.512 căn hộ, có diện tích bình quân 70m2/căn.
Tổng Công ty Viglacera cũng vừa khởi công xây dựng 10 tòa nhà chung cư cao 12 tầng tại Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm); Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội khởi công xây dựng 840 căn hộ dành cho người thu nhập thấp tại Khu đô thị mới Sài Đồng. Ngoài ra còn phải kể đến hàng loạt dự án đang trong quá trình chuẩn bị như dự án nhà ở xã hội của Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) tại Khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh (huyện Mê Linh); dự án của Liên danh Vinaconex-Hancico tại Bắc An Khánh (Hoài Đức); dự án nhà ở tái định cư và nhà ở xã hội tại quỹ đất 20% Khu đô thị Nam Thăng Long của Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC)...
Từ nay đến hết năm 2010, nhiều doanh nghiệp lớn của ngành xây dựng cũng đã lên kế hoạch khởi công một số dự án nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn Thủ đô.
Ông Phí Thái Bình - Phó chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, thành phố đang đồng loạt triển khai các khu nhà ở dành cho công nhân, sinh viên và người thu thấp. Đến năm 2015 Hà Nội sẽ xây dựng được 15.500 căn hộ, bình quân 70m2/căn hộ, với tổng mức đầu tư 7.000-9.000 tỷ đồng.
6. 'Bật đèn xanh' cho chung cư mini
Sau khi Bộ xây dựng ban hành Thông tư số 16/2010/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Nghị định 71 của Chính phủ về thi hành Luật Nhà ở, chấp thuận việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ hồng) cho chung cư mini thì xuất hiện một trào lưu mới “nở rộ chung cư mini”.
Điều thu hút nhiều doanh nghiệp BĐS đầu tư xây dựng dạng căn hộ này chính là thủ tục pháp lý đơn giản hơn rất nhiều lần so với khi đầu tư một dự án chung cư.
Theo nhận định của các chuyên gia, với quy định mua bán chung cư mini không phải qua sàn giao dịch BĐS, cộng với thủ tục đơn giản so với những quy định khắt khe khi xây dựng dự án căn hộ, chắc chắn trong thời gian tới, dạng nhà ở này sẽ phát triển mạnh.
7. Hà Nội: Đề xuất dừng 50% dự án và thu hồi hàng loạt dự án treo
UBND Thành phố đã tiến hành rà soát 398 đồ án, dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn 20 quận, huyện, thị xã (không bao gồm các dự án đã được Thủ tướng cho phép tiếp tục triển khai trong đợt 1).
Sau khi cân nhắc, phân tích cụ thể, UBND Thành phố đã kiến nghị Thủ tướng cho phép 202/398 đồ án, dự án được tiếp tục triển khai. Số đồ án, dự án này chiếm 21.456 ha/41.664 ha đất. Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng tạm thời để lại 192/398 đồ án, dự án (chiếm 19.607 ha) thuộc loại không hoặc chưa đáp ứng tiêu chí chủ đạo, tiêu chí đặc thù và không thuộc đối tướng cho phép thí điểm chuyển đổi mục tiêu quy hoạch.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đề nghị thành phố thu hồi 13 dự án trên diện tích 14 ha do triển khai chậm và có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai.
8. Bài học từ vụ “bán nhà trên giấy”
Vào tháng 4/2010, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại CTCP Xây dựng và Dịch vụ 1/5 (Công ty 1/5). Nguyên nhân là Dự án Thanh Hà do công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land ) làm chủ đầu tư đã ký hợp đồng góp vốn với Công ty 1/5 với nội dung Công ty 1/5 cho Cienco 5 Land vay số tiền 200 tỷ đồng, thời hạn 18 tháng, lãi suất 1%/tháng. Đổi lại, Cienco 5 Land sẽ ưu tiên cho Công ty 1/5 được thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư vào Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5.
Tuy nhiên, ngay sau đó Cienco 5 Land, đã hủy bỏ bản hợp đồng đã ký này. Mặc dù vậy, bản hợp đồng vẫn được Công ty 1/5 sử dụng làm căn cứ pháp lý thực hiện việc bán đất tại Dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land và chiếm đoạt hơn 600 tỷ đồng của nhà đầu tư. Đây là một trong hàng trăm trường hợp “bán nhà trên giấy” và cũng là bài học cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư.
Cơ quan công an tiến hành thủ tục bắt tạm giam lãnh đạo Công ty 1/5 về hành vi lừa đảo
Các chuyên gia cho biết, trong trường hợp nhà đầu tư mua bất động sản trực tiếp của chủ đầu tư thì thông tin quan trọng nhất cần tìm hiểu và phải có bằng được câu trả lời gồm: đất thực hiện dự án đã có chưa (có sổ đỏ hoặc quyết định giao đất của cơ quan chức năng); dự án đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 chưa; đã được cấp phép xây dựng chưa; năng lực tài chính của chủ đầu tư như thế nào? Nếu các câu hỏi trên cho kết quả là "có" thì có thể đầu tư được, chỉ còn phụ thuộc vào tiến độ dự án mà thôi.
9. Thị trường BĐS và những 'ấm, lạnh' chính sách
Trong năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định 71 và Thông tư 16. Mặc dù còn khá nhiều vấn đề bất cập tuy nhiên vẫn được đánh giá mang lại nhiều yếu tố tích cực cho thị truờng bất động sản.
Nghị định 71 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 8/8/2010 khiến các nhà đầu cơ, đầu tư theo kiểu lướt sóng không dễ hoạt động như trước. Nghị định bao gồm nhiều quy định đi sát vào thực tế cùng những chính sách cởi mở, tạo điều kiện thông thoáng, giảm thiểu các thủ tục hành chính khiến minh bạch hơn cho các đối tượng tham gia thị trường BĐS, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho cả nhà đầu tư, cả doanh nghiệp dịch vụ kinh doanh BĐS và người mua nhà, đặc biệt là việc tác động vào ý thức người dân, thay đổi dần phương thức giao dịch cũ khi tham gia thị trường BĐS, đem lại nhiều lợi ích cho người dân khi tiếp cận hàng hoá BĐS nhất là nhà ở.
Ngày 15/10/2010 Thông tư 16 hướng dẫn Nghị định 71 có hiệu lực với nội dung cho phép uỷ quyền công chứng tài sản nhà ở hình thành trong tương lai khiến giới đầu tư bất động sản kỳ vọng sẽ là “phao” đưa thị trường BĐS thoát khỏi cảnh trầm lắng hiện nay.
10. Địa ốc 'chuyển hướng'
Quyết định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô lên trên 3.000km2 đã đưa Hà Nội thành khu vực hấp dẫn trong việc đầu tư và kinh doanh bất động sản. Đó cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp BĐS quyết tâm tiến ra thị trường miền Bắc.
Tận dụng cơ hội này, nhiều nhà đầu tư phía Nam đã và đang có kế hoạch tiến ra thị trường miền Bắc. Có thể kể đến như: Refico với Watermark 19 tầng trên Hồ Tây hay Bitexco với khu chung cư cao cấp The Manor ở Mỹ Đình, Tổng Công ty Kinh Bắc với Toà nhà thương mại văn phòng Kinh Bắc Hà Nội…Ngay cả Dự án Richland Southern trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy do Công ty Cổ phần đầu tư & Xây dựng Lâm Viên (LAVICO) làm chủ đầu tư cũng là một trong những dự án gây được nhiều sự chú ý.
Tháng 5 vừa qua, Công ty Cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam cũng đã Khai trương sàn giao dịch bất động sản Him Lam Land tại Hà Nội với việc công bố một số dự án tại địa bàn Hà Nội, hứa hẹn cho hàng loạt các dự án có quy mô lớn trong những năm tiếp theo.
Mới đây, Đất Xanh cũng đã chính thức khai trương Công ty Cổ phần Dịch vụ và Địa Ốc Đất Xanh Miền Bắc. Không ít các doanh nghiệp khác như Hoàng Anh Gia Lai, Sacomreal, Công ty Cổ phần Kinh doanh & Phát triển Bình Dương (TDC)... cũng đang lên kế hoạch “Bắc tiến”.
Đối với các doanh nghiệp Hà Nội, đang xuất hiện một làn sóng “tháo chạy” bởi giá đất tăng quá cao. Nhiều chủ đầu tư đang tìm kiếm các dự án trên địa bàn các tỉnh lân cận. Điển hình là Vĩnh Phúc - địa bàn có nhiều dự án bất động sản của Hà Nội nhắm đến nhiều nhất, tiếp sau đó là Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Thanh Hóa…
Bất động sản phía Nam ngoài địa bàn TP HCM cũng nhanh chóng vươn ra các địa phương lân cận đang phát triển nhanh chóng như Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Cần Thơ...Khu vực miền Trung sôi động với loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng khiến giá nhà đất tại Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận...tăng vọt.

(Theo DDDN)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts