Thursday, 2 December 2010

“Công ty lớn không đồng nghĩa với thành công”

Xem hình

“Nếu mà có một việc tôi phải nói để chúng ta chú ý nhiều nhất thì phát triển cụm ngành là cái có thể thúc đẩy kinh tế phát triển nhiều hơn”, GS. Michael Porter, chuyên gia hàng đầu về lý thuyết cạnh tranh đến từ Trường Kinh doanh Harvard, nhấn mạnh điều này khi nói đến ý tưởng đột phá cho Việt Nam.
Trong cả buổi diễn thuyết sáng 30/11, khán phòng chật kín hơn 700 thính giả chưa một lần cười rộ lên trước những câu nói vui của Michael Porter, thay vào đó là sự tập trung cao đến từ nội dung tâm đắc về bài học mới kể trên. Và cái đáng nói là khuyến nghị này dễ chấp nhận, có thể thực hiện.

Phát triển cụm thay vì “thổi phồng” doanh nghiệp

“Vấn đề ở đây là chúng ta đang dựa vào một số nhỏ doanh nghiệp nhà nước, nó phản ánh ý tưởng là chúng ta tin vào kinh tế theo quy mô”, GS. Porter bắt đầu chặng đường thuyết phục của mình, để chứng minh điều ngược lại với những quan điểm hiện hữu.



Theo GS. Porter, quy mô của doanh nghiệp nhà nước không phải điều khiến nó trở nên cạnh tranh hơn. Dù tham vọng đặt vào những doanh nghiệp này rất lớn, nhưng cái khó trong hoạt động của họ là ở chỗ, hiện nay các doanh nghiệp này đang được giao cho những nhiệm vụ bất khả thi.

Nghịch lý nằm ở chỗ, họ vừa là tổ chức của nhà nước, vừa đóng vai trò như doanh nghiệp tư nhân; vừa được yêu cầu phải hiệu quả nhưng về lao động thì không có sự linh hoạt để có thể sa thải; vừa phải thành công nhưng vừa phải tham gia phục vụ với chức năng xã hội được gán cho.

Michael Porter nhìn nhận: “Với lịch sử Việt Nam, chúng ta cứ nghĩ phải xây dựng những công ty lớn, thật là quy mô. Đúng là cũng cần doanh nghiệp lớn thật, nhưng thay vì những doanh nghiệp đơn lẻ, phải làm sao xây dựng được một tập hơp”.

Điểm yếu của Việt Nam nằm ở chỗ này, từ góc nhìn của vị giáo sư. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là tách rời nhau. Họ có thể nhập khẩu linh kiện từ bên ngoài về lắp ráp rồi sau đó xuất khẩu. Do chưa có ngành hỗ trợ, chưa có tổ chức hỗ trợ nên năng suất tại Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực, ông đánh giá.

“Sắp tới, chúng ta sẽ tiếp tục rỡ bỏ nhiều loại thuế quan, hạ thuế suất thì sẽ khó có nhà đầu tư vào. Dù Việt Nam lương thấp thật nhưng năng suất thấp thì không ai quan tâm”, ông Porter cảnh báo.

Một điều được GS. Porter nhấn mạnh nhiều lần, câu chuyện thành công không phải là dựa vào công ty lớn, mà quan trọng là quy mô của cụm ngành. “Phải nói đây là công cụ rất mạnh để chúng ta có thể chuyển từ thu nhập thấp sang thu nhập trung bình. Điều này được chứng minh ở tất cả các trường hợp”, ông khẳng định lại quan điểm của mình.

Xây cụm ngành là nâng cao năng suất

Giải thích một cách đơn giản, cụm ngành là nơi không chỉ có một doanh nghiệp duy nhất trong một lĩnh vực, thay vào đó là một tập hợp doanh nghiệp cùng lĩnh vực. Ở đó, các doanh nghiệp này không chỉ sản xuất ra sản phẩm cuối cùng mà cả linh kiện, chi tiết sản phẩm, bên cạnh những thành phần cung cấp dịch vụ, cung cấp chức năng hỗ trợ…

Cụm ở đây cũng không chỉ là các công ty mà còn có các thể chế như là các đơn vị giáo dục, đơn vị đào tạo, các hộ doanh nghiệp… Tất cả các nền kinh tế cạnh tranh mà họ tiến được đều phải xây dựng cụm này, GS. Porter lưu ý.

Một ví dụ điển hình là cụm sản xuất ôtô tại Thái Lan. Họ có năng suất cao hơn nhiều so với Việt Nam vì tập hợp lại được với nhau và sản phẩm ôtô của họ rất có năng lực cạnh tranh và năng suất cao, điều mà Việt Nam chưa xây dựng được.

“Cụm có tác động mạnh lên năng suất, lên đổi mới sáng tạo, và hình thành doanh nghiệp mới. Chúng ta thấy là doanh nghiệp mới tăng rất nhanh trong các cụm ngành chứ không phải là theo cách đơn lẻ tách rời”, GS. Porter nói.

Nhưng sự thay đổi quan điểm phát triển theo hướng xúc tiến hình thành cụm ngành dẫn đến những điều căn bản hơn. Theo GS. Porter, cụm ngành có thể đưa Việt Nam từ nền kinh tế dựa vào lao động rẻ, địa điểm địa lý tốt, nguồn lực tự nhiên sẵn có phát triển theo hướng tăng năng suất, và về dài hạn là năng lực cho sáng tạo, đổi mới trong giai đoạn tới.

Nhìn rộng ra từ vấn đề phát triển cụm ngành, trong thu hút đầu tư nước ngoài sẽ không phải thu hút các loại đầu tư khác nhau mà làm sao thu hút FDI để xây dựng cụm, nâng sức mạnh của Việt Nam trong một số lĩnh vực nhất định, ở những nơi có lợi thế; hay xúc tiến xuất khẩu cũng phải đặt nỗ lực vào lĩnh vực nào có thể thực hiện nhanh…

“Chúng ta cần phải hiểu là việc xây dựng cụm chính là việc chúng ta xây dựng năng suất”, GS. Porter nói thêm: “Mô hình cụm là cách thức rất quan trọng để làm sao chúng ta xây chiếc cầu nối quá khứ với tương lai của đất nước”.

Nên làm gì trước mắt?

Nêu ý tưởng về phát triển cụm ngành, GS. Porter đặt vấn đề hoạch định một chiến lược suyên suốt từ trên xuống bên cạnh những việc rất cụ thể từ dưới lên.

Theo ông, với trường hợp Việt Nam hiện nay, một số lĩnh vực có thể giải quyết ngay những khó khăn trước mắt. Ví dụ, trong một số cụm là năng lực nhà cung cấp linh phụ kiện, ở cụm khác thì vấn đề lại là kỹ năng lao động, cụm khác là hạ tầng…

“Cùng với thời gian, nó sẽ giúp chúng ta giải quyết được các vấn đề chung”, ông giải thích.

Theo ông, tất cả các cụm đều tốt, cũng có tác dụng tập hợp kỹ năng, thúc đẩy năng suất cao hơn thúc đẩy lương cao hơn. Vấn đề chính là ở các cụm phải có những doanh nghiệp chủ chốt, cùng với các doanh nghiệp vệ tinh được tập hợp chặt chẽ.

Ông lưu ý rằng, phát triển cụm là xây dựng trên những cái đã có. Bước đầu tiên là xác định cụm, sau đó làm sao tổ chức lại để các doanh nghiệp có thể hợp tác với nhau tốt hơn, chặt chẽ hơn nhằm cải thiện tình hình hiện tại. Các tổ chức đào tạo cũng phải kết nối với các cụm này để làm sao người được đào tạo dễ tìm được việc làm...

Về phát triển công nghiệp phụ trợ, GS. Porter lưu ý các đơn vị xúc tiến phải làm sao tìm được đơn vị cung ứng, để kéo họ đến với cụm, tập hợp lại cùng nhau trong một khối phát triển. Ông cho rằng, quá trình phát triển cụm không phải một sớm một chiều mà có được, cũng không phải là vấn đề tiền, mà là tổ chức tập trung vào việc mình làm giỏi hơn người khác, để làm sao thu hút nhà đầu tư tốt hơn.

(Theo vneconomy.vn)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts