Liên tiếp trong nhiều ngày qua, hiện tượng các điểm phân phối xăng, dầu treo biển hết hàng hoặc bán ra cầm chừng diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu, theo các chủ doanh nghiệp, là do khó khăn về nguồn hàng.
Đăng ký lấy dầu với đại lý từ ngày 9/12 nhưng đến sáng nay (13/12), Công ty vận tải Lê Chân (Hải Phòng) vẫn chưa nhận được số nhiên liệu cần thiết cho gần 50 xe container hoạt động. Chạy vạy qua nhiều đại lý khác, cuối cùng, đến buổi chiều, thông qua nhiều mối quan hệ khác nhau, doanh nghiệp này mới nhận được cấp một xe téc với dung tích 19.000 lít. Đây là lượng nhiên liệu đủ dùng cho đội xe của công ty trong vòng 5 ngày tới.
Việc mua xăng dầu của doanh nghiệp trở nên rất khó khăn trong những ngày qua. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Chuyện “ăn đong” xăng dầu của Công ty vận tải Lê Chân đã diễn ra suốt nhiều tuần nay nhưng chưa có dấu hiệu chấm dứt. Ông Nguyễn Tuấn Dũng, đại diện công ty cũng khẳng định doanh nghiệp của ông không phải là trường hợp duy nhất phải chịu cảnh thiếu thốn xăng dầu.
Tình trạng các điểm bán không có hàng để bán cho khách cũng được một tổng đại lý phân phối xăng dầu lớn tại khu vực Thái Bình - Hải Phòng xác nhận. Theo bà chủ của tổng đại lý này thì từ khoảng một tháng nay, hơn một chục điểm bán lẻ lấy hàng từ cơ sở của bà đều phải hoạt động cầm chừng do không có đủ nguồn cung.
“Theo quy định thì đại lý của chúng tôi chỉ được ký hợp đồng với một đầu mối duy nhất. Nhưng thời gian gần đây, họ cấp rất phập phù. Thậm chí có ngày không cấp. Phải lấy hàng từ cả những nơi khác nhưng lượng xăng dầu chúng tôi nhập được hiện cũng chỉ bằng một phần mười trước kia”, đại diện tổng đại lý này chia sẻ.
Cũng theo tổng đại lý này thì tình trạng thiếu nguồn hàng hiện chủ yếu xảy ra với các đơn vị tư nhân, cây xăng nhỏ lẻ, nằm ngoài các hệ thống phân phối chính thức của Petrolimex hay Xăng dầu Quân đội… và cũng không ảnh hưởng lớn đến nhu cầu đi lại của của người dân. Tuy nhiên, khách hàng chính của các điểm phân phối này lại là các doanh nghiệp vận tải, sản xuất… nên khối lượng xăng dầu thiếu hụt cũng như mức độ ảnh hưởng là tương đối lớn.
Trưởng phòng kinh doanh của một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lớn tại Hà Nội cho biết, ngoại trừ các hợp đồng thuộc loại “không thể không thực hiện” như cung cấp cho vận tải công cộng, dây chuyền sản xuất… doanh nghiệp này hiện đã dừng các hợp đồng bán buôn. Việc làm này, tuy có ảnh hưởng đến một số khách hàng, nhưng theo vị trưởng phòng này, trong điều kiện hiện khan hiếm nguồn hàng hiện nay, là chuyện “bất khả kháng”.
Như vậy, chuyện nguồn xăng dầu đầu khan hiếm không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vận tải, sản xuất mà còn ảnh hưởng tới chính các đơn vị phân phối, bán lẻ. Đại diện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu Thanh Huy (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, do doanh thu bị ảnh hưởng từ việc gián đoạn nguồn cung, không đủ bù đắp chi phí nên doanh nghiệp này đang phải bù lỗ hàng chục triệu đồng mỗi ngày.
Tuy nhiên, do đặc điểm của kinh doanh xăng dầu là không được phép đóng cửa, cộng với ý thức phải giữ chân khách hàng nên doanh nghiệp này vẫn phải cố lo cho đủ nguồn xăng dầu để bán cho khách. Tuy vậy, đại diện công ty này cũng mong muốn tình trạng khan hiếm sớm chấm dứt bởi không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng để chấp nhận việc kinh doanh không có lãi trong suốt một thời gian dài.
(theo Vnexpress)
No comments:
Post a Comment